Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có số lượng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài nhiều nhất cả nước. Trong 10 năm (2008 - 2018), khu vực này có khoảng 70.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Theo đó, trung bình mỗi năm ở ĐBSCL có khoảng 7.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, trong khi trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài.
1. Những lí do về mặt văn hóa khiến nhiều phụ nữ Việt Nam ở ĐBSCL kết hôn với người nước ngoài
Những gia đình nông thôn ở ĐBSCL còn khó khăn so với mặt bằng chung cả nước, vì vậy, những người con gái trong gia đình muốn chia sẻ, đỡ đần về vật chất cho cha mẹ. Nhưng bản thân họ trình độ thấp nên khả năng có được một công việc với mức lương cao là rất khó. Đặc biệt, khi gia đình xảy ra những sự cố bất ngờ cần đến một khoản tiền lớn đã đẩy những cô gái đó tới việc tìm kiếm cơ hội kết hôn với người nước ngoài với mong muốn được đổi đời và san sẻ phần nào gánh nặng cho cha mẹ.
ĐBSCL là vùng đất có dòng chảy di dân cao, do đó quan niệm về hôn nhân của họ cũng khá cởi mở, sẵn sàng kết hôn với những người không cùng quê hương, không cùng tộc người, không cùng quốc gia chứ không bị bó hẹp theo quy tắc, giáo điều. Hơn nữa, bản thân họ cũng là những người xa quê hương đi tìm những vùng đất mới nên việc phải ra nước ngoài để tìm kiếm những cơ hội cho cuộc sống cũng dễ dàng được chấp nhận hơn. Những đặc điểm văn hóa này khiến nhiều phụ nữ ở ĐBSCL có suy nghĩ kết hôn với người nước ngoài là con đường nhanh và đúng đắn nhất để đổi đời.
Người Hoa sinh sống tại ĐBSCL rất đông và khá lâu đời. Vì vậy, quan hệ hôn nhân giữa người Hoa với các dân tộc khác trong vùng (Kinh, Khmer, Chăm) ngày càng phổ biến. Với nhiều nét tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ, nhiều phụ nữ dân tộc Hoa sẵn sàng kết hôn với người Đài Loan (Trung Quốc) và nghĩ rằng có ít rủi ro hơn so với kết với người nước khác.
Người dân ở ĐBSCL sống chủ yếu bằng nông nghiệp và sinh hoạt theo hình thức cộng đồng làng xã, nên việc muốn gả con gái mình cho người nước ngoài dễ dàng trở thành phong trào mà không lường trước những nguy cơ, rủi ro đang tiềm ẩn. Ví dụ như xã Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ có số lượng phụ nữ kết hôn với người Đài Loan rất lớn. Trong đó, các trường hợp do người đã kết hôn giới thiệu cho bạn bè, chị em trong gia đình khá nhiều, cũng có trường hợp thông qua mai mối.
Cuộc sống hào nhoáng, tâm lý sính ngoại là cũng nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ ở ĐBSCL chấp nhận xa quê hương đến làm dâu ở xứ người. Ngoài ra, do mặt trái của kinh tế thị trường, đồng tiên lên ngôi, một số người có tâm lý thực dụng, chạy theo giá trị vật chất, đã biến hôn nhân của mình trở thành một cuộc trao đổi mà mục tiêu hướng tới không phải là tình yêu và hạnh phúc thực sự. Tâm lý nương nhờ, phụ thuộc vào người đàn ông đã làm giá trị của người phụ nữ suy giảm, suy nghĩ lấy được nguời chồng giàu trở thành thước đo giá trị của nhiều cô dâu hiện nay.
Lối sống phóng khoáng, làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu được đã trở thành thói quen của nhiều gia đình ĐBSCL. Họ ít có tư tưởng dành dụm, tiết kiệm, đề phòng cho những bất trắc trong tương lai. Cuộc sống bình lặng tại quê nhà cũng khiến nhiều phụ nữ nơi đây muốn lấy chồng nước ngoài để tìm kiếm vận may và cơ hội đổi đời. Việc dành nhiều thời gian theo dõi những bộ phim truyền hình tình cảm cũng tác động đến tâm lý, ước mơ được kết hôn với những người đàn ông vừa giàu có vừa lãng mạn của các cô gái trẻ.
2. Những tác động và giải pháp khắc phục những hệ lụy về mặt văn hóa từ việc phụ nữ Việt Nam ở ĐBSCL kết hôn với người nước ngoài
Việc phụ nữ Việt Nam ở ĐBSC kết hôn với người nước ngoài có tác động về nhiều mặt đối với sự phát triển của địa phương và đất nước, trong đó có tác động về mặt văn hóa.
Trước hết, về tác động tích cực, các cô gái lấy chồng và sống ở nước ngoài là đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, họ mang theo văn hóa của Việt Nam, khiến người nước ngoài hiểu và yêu quý hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước mình. Điệt biệt, những đứa con của các gia đình đa quốc gia này có thể sẽ hiểu biết về cả hai nền văn hóa của bố và mẹ, từ đó là cơ sở cho sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, việc phụ nữ Việt Nam ở ĐBSCL kết hôn với người nước ngoài cũng dẫn đến nguy cơ làm mai một bản sắc văn hóa dân tộc. Quy trình tổ chức một đám cưới với đủ các nghi lễ truyền thống của người Việt Nam đã dần bị giản lược hóa như một thủ tục chiếu lệ. Trong lễ cưới, chú rể không về nhà cô dâu để vái lạy bàn thờ tổ tiên, nhà gái chỉ có khoảng 10 - 12 người tham dự. Trong lễ cưới, chi phí kinh tế được tính toán lỹ lưỡng, chặt chẽ, những thủ tục, giá trị thiêng liêng bị coi nhẹ.
Việc phụ nữ Việt Nam ở ĐBSCL kết hôn với người nước ngoài không xuất phát từ tình yêu gây ra nhiều hệ lụy. Trước hết, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, huyện, xã và các đài phát thanh - truyền hình phải tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi kết hôn ở nông thôn vùng ĐBSCL về những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng, từ đó ngăn chặn lối sống thực dụng, a dua, đua đòi. Tình cảm giữa các thành viên trong gia đình luôn phải được đề cao, đặt tình yêu thương lên trên những giá trị vật chất. Đó là cơ sở để có một cuộc sống hôn nhân, gia đình hạnh phúc. Hiểu được tầm quan trọng của một cuộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu, người phụ nữ sẽ tự tìm được cho mình một mái ấm hạnh phúc, vững chắc mà không cần đánh đổi cả cuộc đời với một lựa chọn đầy rủ ro tiềm ẩn nơi đất khách.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, đề cao những tấm gương về người phụ nữ độc lập, hiện đại, nhận thức được giá trị của bản thân. Hiện nay, vẫn còn có những phụ nữ suy nghĩ rằng, chỉ có thể lựa chọn tấm chồng giàu có, sung túc để trao thân, gửi phận mới mong có hạnh phúc, an nhàn. Nhận thức đó dẫn tới lựa chọn kết hôn với người nước ngoài như một cách thức nhanh chóng và an toàn của một bộ phận phụ nữ tại ĐBSCL. Tuy nhiên, chỉ có con đường tự hoàn thiện nhân cách, nâng cấp trình độ bản thân mới khiến phụ nữ tự tin, từ đó mở ra nhiều sự lựa chọn, con đường đúng đắn cho cuộc đời họ.
Một số phụ nữ Việt Nam ở ĐBSCL sau khi kết hôn với người nước ngoài, do chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về ngôn ngữ, văn hóa, kỹ năng sống nên không thể thích ứng được với cuộc sống mới nhiều khác biệt. Thực tế khác xa so với suy nghĩ khiến họ trở nên lạc lõng, mất phương hướng, không có gia đình hạnh phúc và địa xã hội dẫn đến suy nghĩ muốn bỏ trốn về quê hương. Để có gia đình hạnh phúc, mỗi người cần có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân dù là khi kết hôn với người trong nước hay nước ngoài. Bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa là trở ngại lớn nhất đối với phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Bởi đây là yếu tố giúp giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, qua đó thể hiện sự chia sẻ, giúp đỡ nhau thích nghi với cuộc sống đa văn hóa. Đồng thời, để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân khi gặp rủi ro, những phụ nữ Việt Nam ĐBSCL khi kết hôn với người nước ngoài cũng cần có kiến thức, hiểu biết pháp luật nói chung và luật hôn nhân gia đình nói riêng của quốc gia đó để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra. Do đó, việc tổ chức các lớp dạy ngôn ngữ, lớp hướng dẫn, giới thiệu về văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật của một số quốc gia mà có nhiều phụ nữ Việt Nam ở ĐBSCL kết hôn là rất cần thiết. Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành với trung tâm hỗ trợ, tư vấn hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cần quan tâm hơn đến việc thực hiện các nội dung này. Các cấp, hội phải chú ý đến việc tuyên truyền ở cơ sở, bởi lẽ phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa là những người kết hôn với người nước ngoài nhiều nhất.
Để những nội dung tuyên truyền này được lan tỏa một cách sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những cha mẹ có con gái và những cô gái ở ĐBSCL đến tuổi kết hôn, phương pháp phải phong phú, đa dạng phù hợp với đối tượng tuyên truyền và phải thực hiện dưới nhiều hình thức. Trước hết, phải chú ý đến đối tượng là các cô gái sắp đến tuổi kết hôn ở nông thôn. Cần chú ý tuyên truyền trong nhà trường, bổ sung giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, đặc biệt hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Có thể tổ chức các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề phong phú như: sự độc lập và các giá trị của phụ nữ hiện đại; những giá trị của gia đình Việt Nam; những nguy cơ, hậu quả của kết hôn với người nước ngoài không vì tình yêu… Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ cần chú ý tuyên truyền những nội dung trên cho đoàn viên của mình một cách sinh động, linh hoạt, có thể lồng ghép qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, các buổi sinh nói chuyện. Các tổ chức đoàn cần tạo ra những sân chơi vui tươi, lành mạnh, cuốn hút thanh niên tham gia để nam nữ đoàn viên gặp gỡ, giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, là cơ sở cho nảy nở tình yêu. Các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật và phương tiện truyền thông đại chúng có sức mạnh tuyên truyền giáo dục rất lớn, cần chú ý và sử dụng một cách hiệu quả.
Số lượng phụ nữ Việt Nam ở ĐBSCL kết hôn với người nước ngoài vẫn đang tăng lên hằng năm. Để hạn chế những cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu của các cặp đôi khác quốc gia, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc trong tương lai, đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó những giải pháp giáo dục về mặt văn hóa là gốc rễ để giải quyết vấn đề. Bởi lẽ, tư tưởng lấy chồng nước ngoài để đổi đời, từ lâu đã trở thành nếp nghĩ, nhận thức khó thay đổi của một bộ phận gia đình và phụ nữ ở ĐBSCL, mặc dù đã có nhiều trường hợp đau lòng khi kết hôn với người nước ngoài không xuất phát từ tình yêu trong quá khứ.
Tác giả: Nguyễn Tiến Thư - Hà Thị Thùy Dương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021