Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất)

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, sáng 14-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương): Mở rộng đối tượng chất vấn sẽ giúp cho đại biểu dân cử nói riêng và cơ quan nhà nước cấp trên nói chung tăng cường giám sát, kiểm soát tốt việc thực hiện quyền lực nhà nước

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cơ bản thống nhất với phạm vi, nội dung trong Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013… Đại biểu cho rằng cần cân nhắc kỹ việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân (TAND), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) vẫn được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh và khu vực tại địa phương. Đồng thời, đại biểu kiến nghị giữ nguyên chủ thể này được chất vấn như trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại khoản 5 Điều 33.

Đại biểu cũng kiến nghị bổ sung thêm đối tượng chất vấn là cơ quan nhà nước khác trong việc thực hiện pháp luật tại địa phương và đối tượng được đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn tại khoản 2, Điều 115 của Hiến pháp. Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, trước hết, đại biểu Hội đồng nhân dân được chất vấn đối với các cơ quan nhà nước khác trong việc thực hiện pháp luật tại địa phương sẽ giúp cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và thực thi công vụ trên địa bàn được tốt hơn, nhất là trong điều kiện các cơ quan như VKSND, TAND hay cơ quan thuế, hải quan, Kho bạc, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đều được tổ chức ở cấp tỉnh hoặc khu vực… Trong khi đó, việc thực hiện các nhiệm vụ của những cơ quan này liên quan trực tiếp đến thực thi pháp luật, đến các giải pháp thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh do cấp trên giao. 

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương)

Cùng với đó, cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng phân công, phân cấp, phân quyền ngày càng mạnh cho các địa phương và bộ, ngành Trung ương, trong đó có các cơ quan ngành dọc của Trung ương tại địa phương. “Việc mở rộng đối tượng chất vấn sẽ giúp cho đại biểu dân cử nói riêng và cơ quan nhà nước cấp trên nói chung tăng cường giám sát, kiểm soát tốt việc thực hiện quyền lực nhà nước” - Đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long):  Quốc hội tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 2013 một cách thận trọng, khách quan, thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đánh giá cao việc Quốc hội  tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 2013 một cách thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, được tổ chức quán triệt, triển khai trong cả hệ thống chính trị và lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, đặc biệt, việc tăng cường vận động Nhân dân góp ý qua hệ thống VneID. Đại biểu cho biết, cử tri Vĩnh Long rất ủng hộ và tích cực tham gia bằng hình thức này, chỉ trong 3 ngày đã có trên 2.500 lượt ý kiến tham dự. Bởi việc ứng dụng công nghệ số vào lấy ý kiến Nhân dân không chỉ là bước tiến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, mà còn thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ điện tử phục vụ Nhân dân hiệu quả, thiết thực với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.

 Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh phát biểu

Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013, dự kiến sửa đổi 8/120 Điều, đại biểu thống nhất với nội dung dự thảo trong đó việc sửa đổi bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội là phù hợp với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động và trách nhiệm chính trị trong giai đoạn phát triển mới, phát huy vai trò trực tiếp của Nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân.

Về tổ chức chính quyền 2 cấp, đại biểu chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia như Pháp, Nhật, Thụy Điển đã thực hiện việc sắp xếp, thu gọn đầu mối đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí hành chính mà vẫn gần dân, sát dân. Thực tiễn ở Việt Nam cũng đã thực hiện nhập một số đơn vị hành chính trên cả nước, cho thấy khả năng bảo đảm hiệu quả quản lý đối với đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn. Việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện là cần thiết trong hiện nay và phù hợp với xu thế của các nước phát triển. Thực tế qua theo dõi thì đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân ủng hộ chủ trương này của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Đại biểu thống nhất cao nội dung phân cấp, phân quyền tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Trong đó, chuyển nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành về cấp xã mới, đồng thời, sẽ tiếp tục phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn từ cấp tỉnh xuống cấp xã, cụ thể nhiệm vụ của cấp xã mới hiện nay có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện sẽ chuyển giao cho cấp xã; 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được phân cấp cho cấp tỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ việc đảm bảo phân cấp trung ương cho chính quyền địa phương và các cấp chính quyền địa phương; cũng như quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp thực hiện nhiệm vụ. Song song việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả giám sát giữa các cấp; quy định việc giám sát của người dân các tổ chức và giữa các cấp…

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa)

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa): Đồng tình các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đại biểu thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong đó, đại biểu thống nhất hoàn toàn việc sửa đổi khoản 2 Điều 9 khi quy định Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, tán thành việc sửa đổi quyền đề nghị lập pháp của các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương tại khoản 1 Điều 84. Đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, sáng kiến lập pháp này tập trung ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chứ không còn ở các chủ thể là các tổ chức chính trị - xã hội.

Hiện nay Ban soạn thảo đề nghị chỉ sửa 8 điều, tuy nhiên, đại biểu Lê Xuân Thân đề xuất sửa 9 điều là tại khoản 8 Điều 96 của Hiến pháp quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. “Bây giờ chúng ta tập trung đầu mối về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu chỉnh sửa khoản 8 Điều 96 để đảm bảo thống nhất trong các nội dung của Hiến pháp…” – đại biểu nêu ý kiến.

 Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu): Cần quy định cụ thể cơ chế, thẩm quyền giám sát xã hội và xử lý kiến nghị của nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này rất cần thiết, kịp thời phản ánh đúng yêu cầu phát triển của đất nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới. Đại biểu đánh giá cao tinh thần kế thừa và phát triển của dự thảo Luật, đồng thời nhấn mạnh để các quy định sửa đổi thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả, cần có các giải pháp đồng bộ về pháp luật và tổ chức thi hành.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu

Góp ý về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 9, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cần sớm sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, trong đó cần quy định cụ thể cơ chế, thẩm quyền giám sát xã hội và xử lý kiến nghị của nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về vai trò của Công đoàn Việt Nam tại Điều 10, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng tán thành việc hiến định rõ Công đoàn Việt Nam là tổ chức trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời là đại diện quốc gia trong quan hệ lao động và công đoàn quốc tế. Tuy nhiên, để đảm bảo công đoàn thực sự phát huy vai trò của mình, đại biểu đề nghị cần đồng thời sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn năm 2024, quy định rõ quyền tự chủ của tổ chức công đoàn trong thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, bảo đảm tính độc lập trong vai trò đại diện quyền lợi người lao động, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và cam kết trong Hiệp định đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Về phân loại đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương tại Điều 110 và Điều 111, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhận thấy, việc giao Quốc hội quy định các loại hình hành chính dưới cấp tỉnh và mô hình tổ chức chính quyền địa phương tương ứng là bước mở nhằm linh hoạt hóa quản trị nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh tái cấu trúc không gian hành chính. Nhưng để bảo đảm tính thống nhất, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) lần này cần thể hiện thể chế hóa rõ các mô hình chính quyền đặc thù theo từng loại hình địa bàn như đô thị lớn, hải đạo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nhằm triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung hiến định mới trong thực tế hiện nay.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến có chiều sâu, có hệ thống đến tận cơ sở và từng đối tượng xã hội. Theo đại biểu, sau khi Hiến pháp được Quốc hội khóa XV thông qua, chỉ khi cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình theo Hiến pháp thì đạo luật gốc, đạo luật nền tảng, trụ cột của hệ thống pháp luật quốc gia mới thật sự phát huy giá trị điều chỉnh, trở thành kim chỉ nam trong tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước, xã hội.

Quốc hội đã thảo luận rất khẩn trương, sôi nổi, dân chủ và trách nhiệm cao

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên họp toàn thể sáng nay, Quốc hội đã thảo luận rất khẩn trương, sôi nổi, dân chủ và trách nhiệm cao. Đã có 37 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, trong đó có 4 đại biểu tranh luận, 22 lượt ý kiến góp ý về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, 28 lượt ý kiến góp ý về dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi và có 12 đại biểu Quốc hội góp ý vào cả hai văn bản…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu vừa bao quát toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực và tập trung vào các vấn đề trọng tâm của cả hai dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp ý kiến đầy đủ của các vị đại biểu Quốc hội để các cơ quan trình dự án nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự thảo để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

“Đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ họp để tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường và ý kiến góp ý của nhân dân”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng TTĐTQH

;