Trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên, từ bao đời nay, cồng chiêng là hệ giá trị văn hóa nghệ thuật nổi bật, phong phú và đa dạng. Ở đây, tôi đặc biệt nhấn mạnh về thang âm dàn cồng chiêng của các tộc người. Tháng 5-2004, khi tiến hành nghiên cứu nhạc cồng chiêng phục vụ việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO, trước lúc lên đường điền dã, GS, TSKH Tô Ngọc Thanh đã căn dặn tôi: “Chưa ai đo được thang âm cồng chiêng Tây Nguyên đâu, cháu hãy cố làm điều đó và ký âm các bản nhạc chiêng...”.
Khi trở về Hà Nội, bắt tay vào gỡ băng phân tích tư liệu vang, PGS, TS Vũ Nhật Thăng nói với tôi rằng: “Người Pháp đã từng nhận định - thẩm mỹ của đồng bào Tây Nguyên chính là hệ bồi âm tự nhiên, thể hiện rất rõ ở nhạc cồng chiêng, cậu thử tìm xem...”. Như vậy, cả hai ông thày đều hướng học trò vào một vấn đề mà họ cho là quan trọng bậc nhất - thang âm cồng chiêng Tây Nguyên. Cuối cùng, tôi đã làm được! Tháng 5-2005, khi trình bày với GS, TS Trần Văn Khê - người được UNESCO giao trọng trách đánh giá hồ sơ cồng chiêng Tây Nguyên, ông đã rất xúc động khi hiểu được rằng, hệ thang âm cồng chiêng Trường Sơn thực sự độc đáo, là một trong những thành tố xác nhận sự phong phú và đa dạng của nền âm nhạc hùng vĩ này.
1. Thang âm cồng chiêng Tây Nguyên
Trong lý thuyết âm nhạc nói chung, thang âm được hiểu là mối tương quan cao độ được điều chỉnh chuẩn xác của các bậc âm cấu thành giai điệu. Để hiểu được hệ giá trị các thang âm cồng chiêng Tây Nguyên, trước hết cần quan sát thang bồi âm. Đây được xem là hiện tượng vật lý tự nhiên, hình thành từ việc nén các lực thổi hơi khác nhau trên một ống sáo. Với sợi dây đàn, thang bồi âm hình thành ở từng phần rung động cục bộ. Các phần đó là sự chia nhỏ dần theo tỷ lệ số nguyên tính từ chiều dài sợi dây cơ bản: 1, 1/2, 1/3, 1/4, 1/5, 1/6, 1/7, 1/8... Có 16 âm bồi tự nhiên, xin xem bảng chỉ số dưới đây, độ lớn các quãng tính theo đơn vị cents.
Trong âm nhạc châu Âu, khoảng cuối TK XVII, bên cạnh những thang 7 bậc cổ của họ, bắt đầu xuất hiện một hệ âm mới gọi là thang bình quân hay luật bình quân. Người sáng tạo ra nó là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu người Đức - Andreas Werckmeister (1645-1706). Thang bình quân chia quãng 8 đúng (1.200 cents) thành 12 phần đều nhau, mỗi phần gọi là nửa cung (100 cents). Sau khi ra đời, thang âm này đã dần được chấp nhận, phổ biến rồi lan tỏa khắp thế giới cùng các hệ giá trị âm nhạc châu Âu. Tân nhạc Việt Nam thời đầu TK XX, cũng như toàn bộ nền âm nhạc mới của chúng ta sau này đều hình thành trên cơ sở thang bình quân cùng hệ ký tự nhạc thanh Do, Re, Mi, Fa, Sol... và lý thuyết âm nhạc châu Âu.
Trên dải đất Trường Sơn - Tây Nguyên, thang âm của các dàn cồng chiêng rất phong phú, đa dạng, có sự ảnh hưởng sâu sắc của hệ bồi âm tự nhiên tới âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên (1).
Dàn 6 chiêng tộc người M’nông P’râng
Quan sát các bậc âm dàn chiêng này, sẽ thấy đó là sự mô phỏng chuỗi các quãng 2 đi lên liên tiếp tính từ chuỗi bồi âm số 8- 6. Trong đó, quãng giữa các chiêng Me- Rlur (122 cents) ≈ quãng bồi âm số 14:15 (119 cents); Rlur- Nđất (204 cents) = quãng bồi âm số 8:9 (204 cents); Nđất- T’ru (183 cents) = quãng bồi âm số 9:10 (182 cents); T’ru- T’rơ (192 cents) ≈ quãng bồi âm số 9:10 (182 cents); T’rơ- Tee (128 cents) = quãng bồi âm số 13:14 (128 cents). Ở đây, nếu so với thang bình quân, ngoại trừ quãng Rlur- Nđất (204 cents), các quãng khác trong dàn 6 chiêng M’nông P’râng đều chênh lệch khá rõ - dạng một cung nhỏ (<200 cents) và nửa cung lớn (>100 cents). Đây cũng là đặc điểm chung của nhiều dàn 6 chiêng chi đấm của các tộc người vùng Nam Tây Nguyên như Mạ, Kơ ho, Chu ru...
Dàn ching K’nah tộc người Ê đê K’pah
Ở đây, 6 chiêng thành viên quan hệ theo thứ tự: quãng 5 đúng - quãng 2 - quãng 3 - quãng 2 - quãng 2. Trong đó, quãng 5 đúng K’nah Khđơ - Ana H’liăng (698 cents) = quãng bồi âm số 2:3 (702 cents); các quãng 2 Ana H’liăng - Mđuh Khơk (207 cents), Mđuh Khơk - H’lue Khơk (205 cents) và H’lue H’liăng - Hrih Điết (203 cents) mô phỏng quãng bồi âm số 8:9 (204 cents); quãng 3 H’lue Khơk - H’lue H’liăng (304 cents) mô phỏng quãng bồi âm số 5:6 (316 cents). Như vậy, dàn ching K’nah được xây dựng theo hàng âm ngũ cung, lấy các quãng trong thang bồi âm làm cơ sở cấu tạo.
Dàn 8 chiêng các tộc người Ba na, Gia rai, Xê đăng
Ở đây, con số 8 xin được hiểu là đại lượng phiếm chỉ. Trên thực tế, tùy vào từng điều kiện kinh tế mà các gia chủ dàn chiêng có thể thêm bớt số lượng các chiêng âm khu cao trong biên chế, tối thiểu là 6 chiêng, tối đa là 9 chiêng. Và, các dàn 8 chiêng này bao giờ cũng diễn tấu kết hợp với dàn 3-7 cồng tạo thành một biên chế cồng chiêng lớn nhất trên Tây Nguyên. Dưới đây là ví dụ các thang âm dàn 8 chiêng của 3 tộc người Ba na, Gia rai và Xê đăng trong biểu đồ đối sánh.
Nhìn vào biểu đồ trên, có thể thấy các dàn 8 chiêng vùng Bắc Tây Nguyên có nguyên lý cấu tạo thang âm đồng nhất, đó là việc dựa trên dãy bồi âm số 4: 5: 6: 7: 8: 9 làm cơ sở lập thành. Sự sáng tạo ở đây chính là việc thêm vào phía trên âm chủ (chiêng số 2) một quãng 4 đúng (chiêng số 4) và phía dưới một quãng 2 loại 1 cung nhỏ (chiêng số 1).
Với sáng tạo đó, các chiêng thành viên (cũng là các bậc thang âm) được kết nối theo chuỗi quãng 2 - quãng 3 - quãng 2 - quãng 2 - quãng 3 - quãng 2 - quãng 2, vai trò âm chủ là chiêng số 2 và chiêng số 7. Trong đó, quãng 3 trên âm chủ (chiêng số 2 - 3) là điểm nhấn có tính đặc trưng của thang âm dàn 8 chiêng. Sẽ thấy quãng 3 này trong dàn chiêng Ba na và Gia rai giống nhau, tức bắt chước nguyên mẫu quãng 3 trưởng tự nhiên giữa giữa bồi âm số 4: 5 (386 cents). Còn ở dàn chiêng Xê đăng (có tên riêng - Chêng Hlêng), quãng 3 này lại gần với quãng 3 thứ tự nhiên giữa bồi âm số 5: 6 (316 cents), nó khiến giai điệu chiêng Xê đăng mềm mại, man mác hơn chiêng Ba na và Gia rai.
Một sáng tạo nữa của các chủ nhân dàn 8 chiêng là quãng 2 giữa chiêng số 6 - 7 và chiêng số 7 - 8 là những quãng 2 loại 1 cung nhỏ. Trong khi ở trục bồi âm nguyên mẫu là các quãng 2 loại 1 cung lớn - bồi âm số 7: 8 (231 cents), bồi âm số 8: 9 (204 cents). Mà các quãng 2 nhỏ lại “rất sẵn có” trong chuỗi bồi âm từ số 8 đi lên.
Có thể thấy, thang bồi âm tự nhiên chính là cơ sở để nghệ sĩ dân gian Trường Sơn - Tây Nguyên khai thác, sáng tạo nên các hệ thang âm cồng chiêng tộc người. Về mặt lôgic lịch sử, thang bồi âm tất nhiên phải xuất hiện trước nhất ở hệ nhạc cụ tre nứa. Đến khi người Tây Nguyên bắt đầu du nhập, sáng tạo ra các dàn cồng chiêng, mẫu “âm thanh của trời” đó đã được dùng làm căn cứ để hình thành hệ âm riêng cho từng dàn nhạc. Thế nhưng, với bản chất là bộ nhạc cụ kim loại bền vững, cũng như vai trò trung tâm trong các lễ thức cộng đồng... theo thời gian, thang âm dàn cồng chiêng đã trở thành thanh mẫu của nền âm nhạc các tộc người. Nói cách khác, ngày nay các nhạc cụ họ hơi, họ dây trên Tây Nguyên đều lấy hệ âm dàn chiêng làm mẫu để định âm khi chế tác.
2. Những thách thức
Trong mọi thời đại, giao lưu, hội nhập, phát triển văn hóa được xem là xu thế tất yếu, không thể khác. Thế nhưng, điều này thường dẫn đến sự hòa tan hay thậm chí triệt tiêu các giá trị văn hóa bản địa. Bởi vậy, bảo tồn/ phát huy văn hóa nghệ thuật cổ truyền dân tộc nhằm duy trì, gìn giữ sự đa dạng văn hóa luôn được đặt lên hàng đầu, cũng là điều không cần phải bàn cãi.
Trên Trường Sơn - Tây Nguyên, sự mai một của hệ giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền các tộc người là điều đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Ngày nay, sự ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa, nghệ thuật mới và đặc biệt âm nhạc mới đã là một hiện thực. Trong đó, thẩm mỹ âm nhạc giới trẻ ngày càng có xu hướng xa dần các hệ giá trị cổ truyền. Trong đó, đáng chú ý là sự nổi trội của thẩm mỹ âm nhạc mới, đã trở nên rõ rệt như một “luồng gió mạnh”. Chịu ảnh hưởng của trào lưu nhạc pop, rock từ người Kinh và nước ngoài, các ca sĩ/ ban nhạc nhẹ người Tây Nguyên đã xuất hiện và nhanh chóng được công chúng cả nước đón nhận. Khái niệm nhạc Tây Nguyên ngày nay được giới trẻ dùng để gọi các bài hát nhạc nhẹ viết về Tây Nguyên nói chung. Mà phàm đã chơi nhạc mới, nhạc cụ gắn liền đương nhiên là đàn guitar, đàn keyboard... cùng hệ thang âm bình quân Tây phương.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự chi phối mạnh mẽ của nhạc dân tộc cải biên người Kinh - đã hình thành từ nửa cuối TK XX. Với loại nhạc này, các nghệ sĩ từ trường nhạc chuyên nghiệp cho đến đoàn văn công, đài phát thanh... đều nhất loạt cải biên nhạc cụ dân tộc theo xu hướng bình quân hóa thang âm. Với nhạc người Kinh, người ta đã bẻ phím cổ truyền đàn tỳ bà, đàn tứ…, gắn phím bình quân để chơi một kiểu nhạc mới - gọi chung là nhạc dân tộc cải biên theo nguyên tắc nhạc Tây phương. Với hệ giá trị Tây Nguyên, các nghệ sĩ người Kinh cũng thi nhau đẽo gọt các đàn Tơ rưng, Klông put... theo chuẩn mực thang bình quân, cromatic để chơi các bài sáng tác mới dựa trên âm hưởng nhạc các tộc người vùng Bắc Tây Nguyên.
Ở góc độ âm nhạc dân tộc học, xin khẳng định, ngay loại nhạc dân tộc cải biên đó đã làm công chúng hiểu sai về âm nhạc Tây Nguyên!
Trong xu hướng biến đổi thẩm mỹ, ở Tây Nguyên cũng dần hình thành các dàn cồng cải tiến theo thang bình quân Do, Re, Mi... Dàn cồng này được treo trên chiếc sào tre dài, do 1 hay 2 người diễn tấu. Theo PGS, TS Tô Vũ, thực ra, người khởi xướng cải tiến cồng chiêng đầu tiên là một sĩ quan cố vấn Mỹ thời trước 1975. Mục tiêu là để chơi những bản nhạc mới, kèm theo điệu múa “chọc đu đủ”, cùng các trò vui trong sinh hoạt cộng đồng tộc người Gia rai. Sau ngày thống nhất đất nước, với sự tác động mạnh mẽ của trào lưu văn hóa mới, các dàn cồng cải tiến kiểu này đã dần lan tỏa trên Tây Nguyên với tên gọi - dàn chiêng thanh niên. Tên gọi đó hẳn có hàm ý phân biệt với bộ cồng chiêng cổ truyền - chỉ dùng trong các lễ thức tộc người.
Có thể nói, sự xuất hiện/ phổ biến dàn cồng cải tiến đã đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của hệ thẩm mỹ Tây Nguyên theo mẫu thang bình quân Tây phương - xin gọi là bình quân hóa. Bên cạnh chức năng giải trí mới, dàn cồng cải tiến đã nhanh chóng trở thành một bộ phận nhạc lễ, có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống các nhà thờ Thiên chúa giáo, chuyên diễn tấu những bài thánh ca. Đây đó, cũng trong cộng đồng Thiên chúa giáo, dàn nhạc này còn chính thức được dùng trong cả nghi lễ tang ma theo kiểu mới. Bên cạnh hình thức treo trên những chiếc sào tre, cũng xuất hiện các dàn cồng chiêng Do, Re, Mi... được biến chế theo kiểu truyền thống - mỗi người chơi một chiếc.
Đáng chú ý, sự lan tỏa của dàn cồng cải tiến trên Tây Nguyên, thậm chí đã khiến giới truyền thông ngộ nhận đó là cồng chiêng cổ truyền của đồng bào các dân tộc nơi đây. Ngày 25-11-2005, khi cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, thì không ít cơ quan truyền thông đã đưa tin kèm theo hình ảnh dàn cồng cải tiến treo trên sào dài. Điều này khiến người xem không thể không ngộ nhận đó là dàn nhạc tiêu biểu cho cồng chiêng Tây Nguyên cổ truyền. Và, những phóng sự đó đã vô tình quảng bá cho cồng chiêng cải tiến.
Ở đây, việc nhận thức đúng chân giá trị di sản tưởng chừng như đơn giản, song, trên thực tế lại không hề dễ dàng chút nào. Tháng 5-2004, khi tiến hành điền dã xây dựng hồ sơ cồng chiêng, lúc về buôn Mrông Yõ (Ia Ka, Chư Păh, Gia Lai), tôi rất bất ngờ khi đồng bào nơi đây mang bộ chiêng cải tiến ra chơi trong lễ thức được sắp đặt để ghi hình. Đáng chú ý, bộ chiêng này vẫn chơi theo lối truyền thống - mỗi người một chiếc, nên nhìn bề ngoài, nếu không có tai nghe rất dễ nhầm với dàn chiêng cổ truyền của đồng bào. Lúc phát hiện ra, tôi báo cáo với trưởng đoàn đây là chiêng cải tiến theo Do, Re, Mi.., nhưng ông đã gạt phắt ý kiến của tôi và khẳng định “đồng bào chấp nhận chơi thì nó là nguyên bản rồi”. Thế là tranh luận nổ ra, cuối cùng tách khỏi việc chung, tôi vào làng, rút cục cũng mò được bộ chiêng cổ được cất kỹ trong rọ tre. Hóa ra do hiểu nhầm thông tin nên đồng bào tưởng dịp này là phải chơi chiêng “mới”. Rồi mạnh ai nấy làm, tôi cứ đo đạc bộ nhạc cụ cổ truyền, còn các thành viên khác cứ theo lệnh trưởng đoàn ghi hình bộ chiêng cải tiến, thời gian gấp rút nên 2 bên cùng cố giành giật nghệ nhân cho được việc mình. Cuối cùng về Hà Nội, GS, TSKH Tô Ngọc Thanh sau khi xem băng nháp đã xác nhận đồ cải biên, cải tiến. Đoàn làm phim của Viện đành phải quay lại Tây Nguyên để bổ sung, làm lại tư liệu hình.
Cũng trong đợt điền dã này, lúc lên làng Mo Pằn (lúc đó thuộc Đắk Tokan, Đắk Tô, Kon Tum) lấy tư liệu cồng chiêng người Xê đăng Xteng, sau khi đo đạc tính toán, tôi thấy, trong dàn chiêng Xteng của đồng bào có 2 chiếc bị chênh phô (sai âm). Báo cáo với trưởng đoàn, ông cũng gạt đi và nói đại ý rằng không thể lấy “cái tai chuyên nghiệp” của tôi để đánh giá nhạc dân gian! Nhưng cũng may, mấy tiếng sau, chắc cảm thấy không ổn, ông đã mời già làng, các nghệ nhân giỏi cùng tôi ra họp riêng. Tôi phải cầm từng cái chiêng lên gõ và đưa ra nhận định của mình, cuối cùng già làng cùng các nghệ nhân đã xác nhận tôi nói đúng, rằng họ biết chiêng sai âm nhưng ở đây không có người chỉnh chiêng, đành dùng tạm vậy! Rồi A Đôi (khi đó là giám đốc Sở Văn hóa) đã đích thân đánh xe lặn lội hơn 10km đường rừng đưa tôi đi tìm chiêng thay thế... Kể vài chuyện vui điền dã để thấy được việc nhận thức đúng thang âm dàn chiêng cổ truyền thật không dễ dàng chút nào! Chúng ta ai cũng cảm nhận được cồng chiêng Tây Nguyên, nào là độc đáo, nào là phong phú, nào là đa dạng, nhưng cụ thể như thế nào thì không phải ai cũng có thể thấu hiểu!
Tác giả với các nghệ nhân đội cồng chiêng Mơ Hra (xã Kông Lơng, huyện Kbang, Gia Lai) - Ảnh tác giả cung cấp
Dù đã nhận thức đúng, nhưng chúng ta sẽ làm gì để bảo vệ hệ giá trị đó? Hồi cuối năm 2016, khi đưa đoàn làm phim về một làng Xê đăng ở Đắk Sao (Tu Mơ Rông, Kon Tum) để ghi hình nhạc cổ truyền, tôi rất bất ngờ khi đồng bào nơi đây đã tự lập một dàn nhạc với những Tơ rưng, Klông put cải biên, cải tiến theo đúng kiểu người Kinh. Hỏi ra mới biết già làng nguyên là sĩ quan quân đội, khi về hưu, là người yêu văn nghệ nên ông đã đứng ra đỡ đầu, thành lập nhóm văn nghệ làng theo kiểu mới, kết hợp với dàn chiêng cổ truyền. Như thế, ở đây, tự thân chủ thể văn hóa đã chấp nhận xu hướng văn hóa mới, bắt đầu bình quân hóa các thang âm cổ truyền của hệ nhạc cụ bản địa. Cũng dịp đó, tôi muốn quay lại Mo Pằn ghi hình dàn chiêng Xê đăng Xteng đã từng làm hồ sơ năm 2004. Hỏi các cán bộ quản lý cấp huyện, xã thì được biết đội chiêng không còn hoạt động nữa, mà bộ cồng chiêng năm xưa nghe nói đã bị bán mất?! Lúc xong việc trong Đăk Sao, đêm đã khuya, tiện đường về, tôi ghé qua làng, vào nhà rông nhờ bà con nhắn gửi tới các nghệ nhân là tôi về thăm. Do đồng bào đang đi uống rượu mừng vụ mùa ở khắp nơi, nên chừng nửa giờ sau, chúng tôi mới gặp được các nghệ nhân. Rồi hỏi ra mới biết, bộ cồng chiêng vẫn còn, bà con vẫn chơi mỗi dịp lễ thức... Thế đấy, thông tin trái chiều giữa các nhà quản lý địa phương và nghệ nhân sở tại, chả biết nói sao nữa! Nhưng kế hoạch làm phim sớm hôm sau đã định, đành hẹn dịp khác quay về với đồng bào Mo Pằn của tôi vậy!
Trong hơn 10 năm qua, mỗi dịp trở lại Trường Sơn - Tây Nguyên, tôi cảm nhận ngày càng rõ sự đổi thay mạnh mẽ dưới tác động của “luồng gió mới”. Thanh niên các tộc người ngày càng trở nên tân tiến, dường như ai cũng sẵn trong tay chiếc điện thoại, máy nghe nhạc và giờ đây là điện thoại thông minh. Chợt nghĩ, lẽ thường người Kinh cũng Tây hóa từ trang phục đến âm nhạc thì đồng bào Tây Nguyên sao lại không thể? Dưới sức mạnh của truyền thông mới, với sự hấp dẫn đến độ cám dỗ của các ngôi sao nhạc nhẹ người Tây Nguyên, xem ra, sự thay đổi thẩm mỹ của thanh niên các tộc người có lẽ là điều không thể cưỡng lại. Và theo đó, nguy cơ mai một, biến dạng của hệ giá trị thang âm cồng chiêng Tây Nguyên là tất yếu!
Cần thấy rằng, ở góc độ nhạc cụ học, cồng chiêng tuy là bộ nhạc cụ hợp kim đồng nhưng độ bền cũng có giới hạn. Trong các lễ thức, khi đồng bào say rượu thường khó tránh khỏi việc đánh quá tay làm sai âm cơ bản. Có nghĩa, sau mỗi mùa lễ hội, các bộ chiêng thường phải được căn chỉnh lại hệ thang âm của nó. Nhưng đáng buồn là ngày nay, những nghệ nhân chỉnh chiêng các tộc người không còn nhiều, có những nơi việc chỉnh âm gần như là điều không thể. Đó là chưa kể đến việc theo thời gian sử dụng, các chiêng cồng thành viên sẽ dần bị nứt, vỡ. Nhưng do giá trị vật chất lớn, việc mua đồ thay thế không hề dễ dàng. Các lò đúc chiêng của người Kinh ở xa, việc đi lại cũng như kinh phí mua chiêng mới rất khó khăn, bởi đời sống của đồng bào nói chung còn ở mức khá nghèo.
Cuối năm 2012, trong dịp trở lại Mơ Hra (Kông Lơng Khơng, Kbang, Gia Lai), được biết bộ cồng chiêng từng tham gia hồ sơ UNESCO đã hư hại nhiều. Có cái nứt nhẹ, đồng bào thuê thợ hàn đồng đắp vá, nên tiếng không còn vang như trước. Có cái thì nứt vỡ đến không thể sửa chữa, đành để khuyết âm đó trong dàn nhạc. Già làng Đinh Jrơn cho biết, họ đã mấy lần đề nghị Sở Văn hóa giúp đỡ, nhưng cũng không thấy hồi âm. Sau khi đo đạc kích thước và tính toán tần số các cồng hư hại, khi trở về Hà Nội, tôi đã đến một cửa hàng nhạc cụ dân tộc vì biết ở đó có rất nhiều cồng chiêng bán lẻ. Cũng phải mất cả buổi chiều, cùng anh chủ cửa hàng lựa những chiếc có cùng đường kính, chúng tôi đã gò nắn - căn chỉnh sao cho đúng với cao độ cần thiết. Sau đó, tiện dịp nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Tuệ - cán bộ của Sở ra Hà Nội công tác, tôi đóng hàng gửi vào ngay cho bà con, không quên kèm theo 1 chiếc búa chỉnh chiêng. Kể chuyện này để hiểu và thông cảm cho các nhà quản lý văn hóa địa phương. Dù có nhận thức đúng hệ giá trị nhưng nếu không có cán bộ chuyên môn, việc hỗ trợ bảo tồn di sản cũng trở nên khó khăn!
Lại nói về việc chỉnh chiêng, đây là một quá trình rèn luyện công phu, không phải ai cũng có thể học được dễ dàng, dù có chơi chiêng giỏi như thế nào. Để làm được điều đó, người chỉnh chiêng tất phải có 2 khả năng: một là có tai nghe cực tốt, phân biệt được độ chênh lệch âm thanh tới mức sai số chỉ vài cents, phải nắm vững hệ thang âm cồng chiêng tộc người để có thể điều chỉnh chuẩn xác các bậc âm mỗi khi thao tác gò nắn; hai là phải có tay cơ khí lành nghề, mà cụ thể là khả năng của một thợ nguội, hiểu được độ giãn nở của từng dạng hợp kim đồng để điều chỉnh lực búa đập/ gò/ nắn cần thiết, phải hiểu được cấu tạo của từng phần nhạc cụ, bởi cồng chiêng là nhạc cụ toàn thân vang dạng bàn phiến, tiếng vang thuộc dạng đa thanh khá phức tạp, phụ thuộc vào độ lồi/ lõm, cao/ thấp từng phần bề mặt cũng như đường vành đai bao quanh.
Đại thể, sau khi chỉnh âm cồng chiêng về đúng cao độ cơ bản, người ta còn phải tiếp tục gò nắn sao cho triệt tiêu được các bồi âm xấu, khi đó tiếng vang nhạc cụ mới đạt được chuẩn mực cần thiết. Lý thuyết là vậy, nhưng để thực hành được lại là cả một quá trình khổ luyện lâu dài mà không phải ai cũng có thể đi đến đích.
Cuối năm 2007, khi về buôn Kǒ Siêr (thành phố Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk), tôi đã được nghệ nhân chỉnh chiêng Y Lon Niê (Ama Mênh) giảng giải kỹ lưỡng về phương pháp chỉnh âm dàn ching K’nah tộc người Ê đê. Trong đó, ông cũng tiết lộ mẹo tìm các điểm “câm” trên mặt chiêng để gò chỉnh lấy tiếng vang như thế nào. Đặc biệt, khi trở lại Mrông Yõ (Ia Ka, Chư Păh, Gia Lai), tôi đã may mắn được cùng nghệ nhân Rơ Châm H’mut học việc với thày Ksor Wĕk - nghệ nhân chỉnh chiêng nổi tiếng người Gia rai trong vùng.
Sau khi nắm vững kỹ thuật, cứ mỗi dịp có cơ hội, tôi lại thực hành ngay những điều đã được học. Trong nhiều năm qua, tôi cũng đã vài lần giúp các nghệ nhân Ba na chỉnh âm thành công dàn cồng chiêng của họ, như trường hợp ở làng Mơ Hra hay trong dịp liên hoan dân ca tại Đắk Nông (2011).
3. Thay lời kết
Nhận thức được giá trị danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hơn 10 năm qua, nhiều liên hoan (Festival) định kỳ nhằm tôn vinh văn hóa cồng chiêng được tổ chức. Với tư cách một nhà chuyên môn, tôi xin có một số lạm bàn. Trong các festival, thường sẽ có đạo diễn cùng một công ty tổ chức sự kiện để xây dựng kịch bản. Đương nhiên họ có ít kiến thức về di sản nên luôn có màn diễu hành các dàn cồng chiêng trên đường phố để “tôn vinh”, “quảng bá”. Đây là điều phải xem lại. Tại sao tôi nói vậy?
Thứ nhất, cồng chiêng Tây Nguyên là bộ nhạc cụ kim loại trọng lượng lớn không dễ mang vác, có những chiếc cồng nặng tới hơn 10kg. Không gian diễn xướng vốn chỉ ở trong nhà, quanh sân nhà rông, khu nhà mồ hay trong phạm vi làng. Việc bắt các nghệ nhân vừa diễn tấu vừa diễu phố trên quãng đường hàng cây số với tôi là phản cảm! Đặc biệt, những dàn chiêng luôn diễn tấu cố định ở tư thế ngồi như ching K’nah, chiêng Tha.., vừa đi vừa đánh chiêng thực sự là điều “đánh đố” nghệ nhân! Đó là chưa kể đến việc mỗi đội cồng chiêng tộc người được xếp hàng “gắn biển” đội ngũ, kiểu như những đoàn thể thao nối đuôi nhau diễu hành ra sân vận động. Ở đây, cần thấy rằng, cồng chiêng Tây Nguyên là bộ nhạc cụ nghi lễ với tính thiêng của riêng nó, không thể ứng xử kiểu như vậy!
Thứ hai, vừa đi vừa đánh chiêng theo lệnh đạo diễn, đương nhiên, mỗi dàn cồng chiêng tộc người sẽ chơi bài của riêng mình. Và, tất cả hợp thành một cái “chợ giời” âm thanh di động hỗn độn, cộng thêm tiếng còi của ô tô cảnh sát đi đầu dẹp đường, thương lắm đồng bào của tôi! Thử tưởng tượng, nếu festival tôn vinh âm nhạc người Kinh, người ta có dám đưa các đội ả đào, chèo, quan họ, cải lương, chầu văn... với đủ các nhạc cụ nguyệt, tranh, bầu, nhị, kèn, sáo, trống, phách, thanh la... rồi vừa đi diễu phố vừa đàn hát như vậy không?
Rồi trong đêm khai mạc được truyền hình trực tiếp, hàng đoàn nghệ nhân mệt lử lại khệ nệ vác cồng chiêng diễu qua sân khấu chính một lượt, rồi theo lệnh chỉ đạo mà tỏa ra sân vận động, quảng trường, lầm lũi vừa đi vừa đánh chiêng... Có lần, được chứng kiến vị đạo diễn nọ đứng giám sát ở mép cầu thang lên sân khấu, mỗi đội cồng chiêng tộc người đi qua, anh ta lại hét vào tai nghệ nhân: “Đánh mạnh lên, đánh thật to vào...”. Thương nhất là mấy dàn chiêng chi đấm của các tộc người vùng Nam Tây Nguyên, có đấm mạnh đến mấy thì tiếng vang cũng vẫn... thủ thỉ trầm mặc mà thôi!
Hơn nữa, sân khấu chính của các festival bao giờ cũng dành cho những màn biểu diễn ca - múa - nhạc dân tộc, cùng các tiết mục của những ngôi sao nhạc nhẹ... với kết cấu chương hồi. Thành ra, nhân vật chính là các nghệ nhân cùng loại hình cồng chiêng ở một số chương trình bị nhạt nhòa.
Điều mong mỏi của những người nghiên cứu âm nhạc như chúng tôi là việc tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng cần được tiến hành bài bản, bám sát những giá trị đích thực, cốt lõi mà nhiều thế hệ đã trao truyền.
__________________
1. Các số liệu nghiên cứu đã được đăng tải trên Thông báo khoa học của Viện Âm nhạc.
BÙI TRỌNG HIỀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021