Không gian cư trú châu thổ sông Hồng nằm trong vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ (có hình tam giác nối ba vùng châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình và sông Mã), đất đai trù phú bởi phù sa của hệ thống sông ngòi bồi đắp, với đa số là cư dân người Việt, sống quần tụ thành làng xã nằm xen quanh những cánh đồng lúa bạt ngàn...
1. Đặc điểm không gian cư trú
Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa khá giống nhau, đó là những ngôi nhà một tầng thô sơ, nền làm sát mặt đất, vật liệu chủ yếu là tre, nứa lá, rơm rạ. Khí hậu mưa nhiều, độ ẩm cao, nóng bức về mùa hè, mưa phùn rét mướt vào mùa đông, vì vậy nhà mở về hướng nam hoặc đông nam tránh bức xạ và đón gió mát.
Khuôn viên nhà gồm: qua cổng đến vườn cây, vào đến sân rồi mới đến nhà chính, nhà phụ, nhà bếp, khu vệ sinh, chuồng nuôi gia súc, trâu bò, vườn sau ao trước, hàng rào cây bao quanh, bên ngoài bao bọc bởi lũy tre làng... tạo nên mô hình sinh thái khép kín vườn - ao - chuồng.
Bố cục nhà ở hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan, mặt bằng nhà nằm trên cao độ khác nhau, nơi thấp nhất là mặt ao hồ để thu nước, kế đó là mặt sân để phơi phóng, nền nhà thường được tôn cao nhất. Không gian có sự gắn kết giữa bên trong và ngoài nhà: từ không gian trong nhà ra không gian sân vườn, không gian cửa ngõ ra ngoài khuôn viên, tất cả đều ẩn mình, hòa quyện trong thiên nhiên.
Quá trình xây dựng nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa là sự tích lũy vốn sống ngàn đời của người nông dân, nhà cửa của họ khi xây dựng phải phù hợp với môi trường thiên nhiên, nương nhờ vào thiên nhiên tạo nên một hệ sinh thái bền vững.
2. Hình thức, thái độ ứng xử với thiên nhiên
Ứng xử với đất
Đất gắn liền với đời sống nông nghiệp và nơi cư trú của con người. Trong quá trình tạo dựng nơi cư trú, người dân không ngừng tìm cách tận dụng đất lành và đối phó với đất dữ để tạo được cuộc sống yên lành.
Khi xây dựng cơ ngơi, người Việt rất coi trọng việc chọn địa điểm làm nhà, dựa trên kinh nghiệm và sự hiểu biết về vùng đất cư ngụ sinh sống, sao cho thuận lợi để tận dụng giá trị của đất. Nơi đó đất phải cao ráo để ổn định nền móng, sạch sẽ và tận dụng được những nguồn khí tốt lành của tự nhiên
Do địa hình bằng phẳng, có nhiều vùng trũng, lượng mưa lớn, người dân phải lựa chọn những nơi có địa thế đẹp trên vùng đất bồi, đất gò để tránh ẩm thấp, hay quần tụ ở những dải đất dọc bờ sông, gần ao, ngòi để tạo thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất. Những vùng đất khô hạn thì chọn vùng trũng, giải quyết thoát nước hoặc đào ao nuôi cá lấy đất tôn cao nền làm nhà. Địa hình vùng đồng bằng đất trũng, con người biết sắn đất mang từ chỗ nọ sang chỗ kia, đất đào lên dùng đắp đê hay vượt nền làm nhà cho cao ráo để tránh ngập úng cho nhà ở hay sân vườn, phần thấp trũng còn lại dùng làm ao thả cá. Đó là những giải pháp ứng phó để biến đất dữ thành đất lành
Ông cha ta đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quý trong quá trình từ chọn đất, chọn hướng đến xây dựng nhà ở, ví dụ “lấy vợ hiền hòa, chọn nhà hướng nam”. Vốn gần biển, trong khu vực gió mùa nên trong bốn hướng chỉ có hướng nam là tránh được nắng chiều hướng tây (nắng xiên khoai), gió lạnh từ phương bắc (gió mùa đông bắc), bão từ phía đông và hứng được gió nồm thổi đến từ phía nam vào mùa nóng. Với khí hậu mưa nhiều, độ ẩm cao, nóng bức về mùa hè, mưa phùn rét mướt vào mùa đông, nhà mở về hướng nam hoặc đông nam tránh bức xạ và đón gió mát.
Đất phì nhiêu màu mỡ để tận dụng làm vườn, trồng cây trái. Diện tích đất đồng bằng khá chật hẹp, dân số đông do vậy mà diện tích đất dành cho không gian cư trú không rộng, con người tìm cách bố trí nhà và vườn thật chi li, hợp lý để đáp ứng nhu cầu không gian cư trú. Họ tìm những thế đất theo phong thủy là tụ linh, tụ phúc... Hướng nhà đất hợp với vận mạng chủ nhà theo phong thủy, nếu không thuận lợi thì sẽ mở cửa nhà ra hướng chính giữa hay chếch bên nào sao cho đúng cung, hướng phù hợp.
Từ chỗ cư trú trên cao (nhà sàn của người Mường), một bộ phận người Việt khi xuống đồng bằng đã chọn nhà nền đất, một dạng nhà sàn cắt chân, để thích ứng với điều kiện khí hậu, địa hình và môi trường nơi đây. Một số lý do hạ thấp nhà sàn thành nhà đất là mặt bằng vùng đồng bằng rộng rãi và bằng phẳng hơn, do vậy không cần tốn kém vật liệu và công sức để tạo độ bằng phẳng như trên vùng đồi núi; môi trường tự nhiên xa rừng nhạt biển, không còn những mối đe dọa từ lũ quét, thú dữ, cây cối thấp và thưa thớt, nắng nóng, mưa dông quanh năm, do vậy nhà ở phải dàn trải theo phương ngang trên mặt đất, ẩn mình trong những rặng cây, lũy tre, bên những mặt nước ao hồ, sông ngòi để điều hòa khí hậu; vùng đồng bằng cách xa rừng núi là xa nguồn nguyên vật liệu làm nhà, không sẵn cây, gỗ làm cột kèo, vật liệu tại chỗ chỉ là cây thấp như xoan, mít, tranh tre, nứa lá, đất, rơm rạ, đá ong...; phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước hình thành nhiều tập quán, thói quen trong lao động sản xuất, nhiều công đoạn gặt hái cần sân phơi phóng thóc lúa, rơm rạ, chuồng trại chăn nuôi và làm kinh tế phụ, do vậy phải cận đất để thuận tiện cho công việc đồng áng.
Các lý do nêu trên không chỉ vì địa thế mà còn vì các yếu tố khí hậu như nắng, gió, nước… Song, từ những tác động địa hình, thế đất mà người Việt có những cách thức ứng xử hạ thổ từ nhà sàn xuống nhà nền đất khi xuống ở vùng đồng bằng.
Ứng xử với nước
Đặc điểm địa hình vùng châu thổ sông Hồng bằng phẳng hay ngập lụt nên người dân dựa vào thế đất để ứng xử với nước.
Ao, hồ chiếm vị trí quan trọng trong không gian cư trú cũng như trong khuôn viên nhà ở của người Việt. Ao hồ hay mặt nước trong không gian nhà ở ngoài chức năng đáp ứng nhu cầu cuộc sống thường ngày, tạo sự cân bằng môi trường sinh thái còn thể hiện thế cân bằng âm dương bởi kiến trúc (cao) được xem là dương, mặt nước (thấp) mang yếu tố âm, điều này xuất phát từ tư duy nông nghiệp.
Ao, một số do tự nhiên hình thành, còn lại do con người đào để dự trữ nước, lấy đất đắp nền nhà để phòng chống mưa lụt. Những nhà không có ao hồ mặt nước thường thay bằng bể cạn kết hợp non bộ. Ao thường nằm trước hoặc sau nhà, ao ở vị trí thấp nhất, đầu gió để làm mát ngọn gió từ bên ngoài trước khi thổi vào nhà: cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, tưới tiêu, điều hòa nhiệt độ. Dưới nước nuôi trồng cá, thủy cảnh. Trên mặt nước nuôi gia cầm vịt, ngan… tạo nguồn thực phẩm, làm kinh tế phụ. Trong tổ hợp này, ao gia đình là một điển hình về vòng luân chuyển sinh thái khép kín phù hợp cho cách nghĩ, cách sống của người nông dân Bắc Bộ, thể hiện tính căn cơ, chắt bóp, tận dụng tối đa công sức đầu tư một cách hiệu quả nhất.
Con người dùng hệ thống máng nước thu nước mưa vào bể chứa sử dụng cho sinh họat vào mùa mưa; đào giếng chọn mạch nước trong dùng quanh năm cho sinh họat và tưới tiêu.
Nhà ở bằng khung xoan, mít hay tre có kết cấu vững chắc với vì kèo ba bốn cột, liên kết bởi xà ở đầu và bậu ở chân cột. Mái có độ dốc lớn để thoát nước mưa và tránh dột, tận dụng không gian từ độ dốc lớn làm thành gác, kệ lửng thêm chỗ để kho chứa thóc lúa, ngô khoai... Mái đưa ra xa chân tường vừa tạo nên bóng râm vừa tránh mưa hắt vào các chân cột gỗ và tường đất nện.
Đồng bằng sông Hồng nằm phần lớn trên nền đất phù sa quanh năm ngập nước. Để ngăn nguồn nước, tạo vùng đất khô ráo cho việc cư trú lâu dài, từ rất lâu, người Việt đã chọn cách trị thủy thông qua việc đắp đê, tạo nên hệ thống đê điều trải dài suốt dọc sông Hồng, bao quanh các xóm làng nơi có dòng sông chảy qua. Sự tác động của con người đã khiến sông Hồng già cỗi một cách nhanh chóng bởi đê điều ngăn chặn dòng nước, phù sa không bồi đắp thêm được và đọng lại dưới đáy, làm chậm dòng chảy, các nhánh sông khô cạn biến mất dần.
Hình thức ao hình thành một vòng luân chuyển sinh thái giữa con người - đất - nước - cây cối, gắn bó hữu cơ với nhau mà trong đó con người đã biết khéo léo tận dụng môi trường thiên nhiên biến những cái không thuận lợi thành những thuận lợi mang lại cuộc sống no ấm cho con người mà vẫn giữ gìn, thân thiện với môi trường và thiên nhiên.
Sau hướng nhà tốt, công trình kiến trúc cổ thường ở vào địa thế hợp phong thủy (gió và nước) là hai yếu tố quan trọng cho kiến trúc nhà ở vùng khí hậu nóng. Thủy - nước (thuộc âm) chảy quanh co, ngoằn ngoèo sẽ tụ lộc, tụ phúc. Âm - dương liên kết con người với môi trường (nơi ở, sinh sống làm việc) con sông, dòng suối... chảy trong lòng đất thành mạch nên khi xây dựng người ta tránh làm tổn hại đến long mạch và theo nguyên tắc có tiền sơn án (núi che phía trước) - hậu chẩm (núi gối phía sau), tả thanh long (khí lành) xây nhà gần mình con long là tốt, hữu bạch hổ (khí độc) hai núi uốn như rồng như hổ hai bên, trước mặt phải có nước tụ. Long mạch có thể lớn hay nhỏ, nhiều khi tính theo cả một vùng, có thể thiên tạo hoặc kết hợp với nhân tạo từ những ao, hồ, mặt nước, non bộ, giả sơn...
Ứng xử với nắng
Kiến trúc truyền thống hình thành một thức mái riêng phù hợp với khí hậu nhiệt đới, đó là hàng hiên và những tấm che chắn nắng, hình thành thức mái và mái hiên phù hợp với các vùng miền khí hậu.
Dễ nhận thấy nhất là bộ phận mái của nhà cổ truyền chiếm tỉ lệ khá lớn, đôi khi quá nửa so với phần chính diện nhà, mái ngói âm dương, mái cọ, mái tranh, cách nhiệt tốt để thực hiện được nhiều chức năng như tránh mưa tránh nắng, chống lại những bất lợi của thiên nhiên, dùng các chi tiết như mái hắt, hàng hiên, bức mành, tấm giại, các chậu cây cảnh, non bộ, bể nước… để che nắng mưa, chống ẩm, đón gió mát.
Người xưa đã biết sử dụng tán cây, trồng những giàn cây leo quanh nhà như mướp, bầu bí… tạo thành các tấm che nắng tự nhiên để tránh nắng nóng cho người và gia súc, chống chói do phản xạ từ các bức tường quét màu sáng quanh nhà, vừa lấy rau quả làm thức ăn. Dưới tác động của nhiệt năng, lá cây không nóng lên mà lại mát do bốc hơi, tạo độ ẩm làm dịu không khí xung quanh.
Phần tường bao quanh nhà vừa bảo vệ, ngăn chia không gian, vừa cách nhiệt nhất là hướng tây để có những giải pháp trang trí kết hợp với cách nhiệt điều tiết khí hậu như các ô thông, cửa sổ, tường quét vôi màu trắng hoặc để nguyên màu màu tự nhiên của vật liệu, tường gạch không tô trát mà chỉ miết mạch, tạo cảm giác khang trang mát mẻ trên nền cây cối xanh tươi, bớt đi cái oi bức của mái ngói, sân gạch.
Ứng xử với gió
Nằm trên vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, châu thổ sông Hồng có gió lành như gió nồm và gió dữ như gió mùa đông bắc. Người ta thường chọn mở cửa về hướng nam.
Khí, một nhân tố luôn hiện diện trong mọi khoảng khắc của con người nhưng dường như không phải ai cũng để ý đến sự hiện diện của khí. Mỗi công trình trước khi thiết kế đều được kiểm tra rất kỹ về hướng và luồng khí lưu thông để đảm bảo cho sự thoáng mát, tạo cảm giác thoải mái cho con người.
Trong kiến trúc truyền thống, yếu tố khí hậu gió mùa, nóng và ẩm đã gây ra nhiều bất lợi mà con người phải tìm nhiều giải pháp để ứng phó. Kiến trúc mở là giải pháp kiến trúc khí hậu đặc trưng của người Việt.
Nhà nằm trong khuôn viên bố trí cây xanh có xử lý che bức xạ nhiệt mặt trời, cản gió lạnh, đón gió mát, sân trồng hoa cỏ, giàn dây leo, tường hoa, vách liếp…
Nhà có hiên rộng che bớt bức xạ nhiệt chiếu trực tiếp vào trong nhà làm nơi hóng mát và sản xuất kinh tế phụ, đây vừa là giải pháp khí hậu vừa giải quyết kinh tế, rất phù hợp với nhu cầu và thói quen sinh hoạt của người Việt.
Hệ thống cửa sổ, cửa đi bằng gỗ theo lối thượng song, hạ bản cũng để thích ứng với khí hậu: phần hạ bản ở dưới để tránh mưa hắt, gió lùa, thượng song ở trên vẫn lấy sáng và giúp thông thoáng khi cửa đóng. Tường có nhiều ô thông gió tạo sự thông thoáng, chống ẩm mốc.
Phong thủy (gió và nước) cũng là giải pháp về địa thế tổng hợp hai yếu tố quan trọng cho kiến trúc nhà ở vùng khí hậu nóng.
Ứng xử với cây xanh
Châu thổ sông Hồng với lịch sử khai phá từ lâu đời, mật độ dân số cao do vậy việc tổ chức các khu vực trồng trọt, vườn nhà được tính toán sắp xếp tối ưu diện tích sử dụng. Hệ thống cây trồng được phân bố chi li trong khoảng diện tích hạn hẹp của khuôn viên với vườn cây, luống rau, ao cá… nhằm đáp ứng nhu cầu về mảng xanh tạo bóng mát và điều hòa khí hậu từ sân vườn cũng như tận dụng tối đa hiệu quả làm kinh tế phụ.
Nhà ở chiếm tỉ lệ khá nhỏ so với diện tích khuôn viên, phần lớn được làm sân vườn trồng rau, hoa màu và cây ăn quả, làm hàng rào… tạo nguồn rau tươi, bóng mát có tác động điều hòa môi trường, che nắng, gió và chắn tầm nhìn vào nhà.
Kinh nghiệm dân gian cho thấy cái lý của người xưa khi ứng xử với khí hậu thời tiết: trồng cây lá rậm, lá to như cây chuối ở mặt nhà phía bắc để ngăn gió lạnh vào mùa đông, cản bức xạ mặt trời vào mùa hè (lúc này mặt trời ở hướng bắc); trồng cây có thân cao như cây cau ở phía nam của nhà để không ngăn cản gió mát mùa hè cũng như không che ánh nắng chiếu vào nhà về mùa đông (mùa đông, mặt trời ở hướng nam).
Cây xanh được sử dụng làm tường rào, vật liệu xây dựng nhà ở và đồ đạc, cây tre là một ví dụ về sự vận dụng vật liệu đa dạng trong làm nhà của người dân vùng nông thôn trên khắp mọi miền.
Ở nông thôn, việc bố trí khuôn viên nhà phải tạo thuận lợi cho nghề nông, giải quyết được bài toán về mối quan hệ giữa nhà ở - trồng lúa - làm kinh tế phụ. Vườn - ao - chuồng (VAC) là mô hình làm kinh tế phụ rất phổ biến ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Mô hình này được tổ chức theo nguyên tắc vận dụng tối đa các nguồn lợi sẵn có từ thiên nhiên để phục vụ cuộc sống con người mà ao, vườn là đối tượng chính.
Đặc điểm phong thổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng tạo nên loại hình vườn tổng hợp. Việc trồng cây quanh nhà, tạo thành vườn, làm hoa viên, ngoài chức năng tạo bóng mát, cải tạo khí hậu, trang trí… luôn tính đến việc khai thác giá trị kinh tế. Vườn Bắc Bộ có quy mô nhỏ gồm nhiều loại cây, rau, quanh năm mùa nào thức nấy, khi cần đỡ phải mua bán.
Người nông dân tận dụng thời gian nông nhàn tăng gia sản xuất, trồng hoa màu cung cấp thêm nguồn thực phẩm và nhu cầu khác cho gia đình khi mà việc trồng lúa theo mùa vụ không đủ bảo đảm nhu cầu cho cuộc sống. Cây trồng trong vườn gồm nhiều loại có giá trị cho cuộc sống thường ngày của người Việt: loại cây tạo nguồn thực phẩm rau màu, cây ăn quả, cây gia vị, cây phục vụ nghi lễ, cây làm thuốc…
Như vậy, cách ứng xử với các yếu tố thiên nhiên cho thấy khả năng thích ứng và chủ động của người dân vùng châu thổ sông Hồng trong ứng phó và tận dụng thiên nhiên khi xây dựng không gian cư trú thể hiện sự hòa hợp hòan tòan với thiên nhiên.
Những đặc trưng ứng xử với các yếu tố thiên nhiên cho thấy toàn cảnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương ba vùng miền. Các lựa chọn về tổ chức mặt bằng, hướng nhà, biện pháp che nắng, chắn gió, chống mưa ẩm, sử dụng vật liệu… ghi nhận những khác biệt về phong tục, tập quán, thói quen của người Việt ở các địa phương.
Người Việt với khả năng nhận thức khá rõ về quy luật thiên nhiên và khí hậu, với tính năng động và sáng tạo, vận dụng một cách có chọn lọc những kinh nghiệm của cha ông để ứng xử với môi trường thiên nhiên trong ngôi nhà - không gian cư trú của mình, thể hiện sự khác biệt giữa các vùng miền khác nhau.
Trong không gian văn hóa đặc thù của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, môi trường sông nước hình thành tâm thức với sắc thái đặc thù thể hiện trong các tập quán ăn, ở cũng như cách ứng xử linh hoạt, mềm dẻo với thiên nhiên: tôn trọng thiên nhiên, lấy cái hiền hòa để đối đãi với thiên nhiên, dùng tư duy tổng hợp để đối phó, tận dụng mà không hủy hoại thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để tồn tại và phát triển, tạo dựng không gian cư trú cho mình.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 325, tháng 7-2011
Tác giả : Võ Thị Thu Thủy