Vai trò quy hoạch trong quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn gắn với phát triển du lịch xanh

Quản lý di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch xanh đang ngày càng phổ biến trên thế giới và trở thành xu hướng phát triển du lịch ở Việt Nam. Từ những thế mạnh của di sản văn hóa, nhiều địa phương đã chú trọng lập quy hoạch các điểm di tích lịch sử văn hóa để phát triển du lịch nhân văn. Thông qua hoạt động du lịch, nhận thức của cộng đồng được nâng cao, di tích lịch sử văn hóa và môi trường sinh thái được bảo vệ, gìn giữ. Tuy nhiên việc sử dụng, khai thác không hợp lý, hoặc không được quy hoạch một cách khoa học sẽ tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên và cơ sở hạ tầng di tích lịch sử - văn hóa.

Vấn đề quản lý di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn gắn với phát triển du lịch xanh

Tài nguyên của di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (DTQGHS) bao gồm tài nguyên nhân văn và tài nguyên sinh thái. Trong đó, tài nguyên nhân văn là hệ thống các di tích đình, chùa, lễ hội truyền thống và phong tục, tập quán của cư dân bản địa. Tài nguyên sinh thái là hệ thống núi non, hang động, rừng đặc dụng Hương Sơn và sông suối, thảm động thực vật đặc thù. Là một trong những di sản hỗn hợp nổi tiếng, hằng năm, DTQGHS đã đón hàng vạn lượt khách du lịch đến chiêm bái, tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu. Theo số liệu thống kê, doanh thu hằng năm từ các hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng tới 34,8% trong cơ cấu kinh tế của huyện Mỹ Đức (1).

Để khai thác tiềm năng của DTQGHS gắn với phát triển các loại hình du lịch tiềm năng, huyện Mỹ Đức đã xây dựng đường giao thông nối các điểm di tích, nâng cấp mở rộng tuyến đường bộ hành hương Thiên Trù - Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn, nạo vét suối Yến đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong mùa lễ hội. Bên cạnh đó, huyện Mỹ Đức cũng khuyến khích người dân phát triển mô hình nhà ở theo dạng nhà vườn nông thôn, nhà ở sinh thái, trồng cây xanh, thảm cỏ, trồng hoa theo các tuyến đường tạo hình ảnh hấp dẫn khách du lịch.

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã phát triển mô hình du lịch nhà vườn kết hợp với du lịch sinh thái để thu hút du khách. Sau khi tham quan danh lam thắng cảnh và chiêm bái tại các điểm di tích trong quần thể Hương Sơn, du khách được tiếp đón nghỉ ngơi, thưởng thức đặc sản địa phương tại các hộ gia đình hoặc tham gia các hoạt động câu cá, bơi thuyền, leo núi, khám phá vẻ đẹp các hang động, cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu phong tục tập quán của cư dân bản địa. Nhờ chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch nên du khách không chỉ tập trung vào mùa lễ hội đầu năm mà có sự lựa chọn các sản phẩm du lịch vào các thời điểm khác trong năm.

Từ những ưu điểm trên cho thấy, việc phát triển mô hình du lịch xanh đã khai thác được tiềm năng tài nguyên nhân văn và tài nguyên sinh thái, góp phần hình thành nên các sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, văn hóa truyền thống cư dân bản địa. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình du lịch như hiện nay còn mang tính tự phát, thiếu kiểm soát, chưa được quy hoạch bài bản… đã tác động tiêu cực đến khu vực bảo vệ DTQGHS trên một số phương diện như sau:

Do chưa được quy hoạch cụ thể nên nhiều hộ gia đình trong khu vực bảo vệ di tích đã tự ý lập trang trại chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và dòng suối Yến. Không ít hộ dân đã lấn chiếm đất nông nghiệp và rừng đặc dụng Hương Sơn để xây dựng trái phép cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà vườn để thu hút khách du lịch.

Do chưa có quy hoạch kết nối DTQGHS với các khu, điểm du lịch nên chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của nguồn tài nguyên du lịch nhân văn và nguồn tài nguyên du lịch sinh thái. Các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, hoạt động dịch vụ du lịch mang tính tự phát, manh mún, thiếu chuyên nghiệp.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác tài nguyên du lịch nhân văn và tài nguyên du lịch sinh thái còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là việc ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác tài nguyên hang động, rừng đặc dụng và xử lý ô nhiễm môi trường trong khu vực bảo vệ DTQGHS chưa được chú trọng.

Cùng với đó, Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia và có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch. Chính quyền địa phương chưa kiểm soát tốt số lượng du khách đến di sản, từ đó có sự đánh giá tác động tới môi trường để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Một số dự án phát triển du lịch chưa thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường đến tài nguyên nhân văn và môi trường sinh thái trong quá trình thi công xây dựng.

Nguồn nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch còn thiếu, hầu hết chưa được đào tạo cơ bản, hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Trong khi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa và Du lịch quá mỏng, phần lớn không đúng chuyên ngành đào tạo nên còn nhiều lúng túng trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch xanh.

Công tác tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển du lịch bền vững còn chậm và nhiều hạn chế, dẫn đến thiếu hành lang pháp lý để quản lý, khai thác nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên sinh thái để phát triển các loại hình du lịch xanh. Chính quyền địa phương chưa chú trọng đến công tác lập quy hoạch quản lý các dự án phát triển du lịch nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế, xã hội.

Nhận thức của các doanh nghiệp dịch vụ du lịch và người dân địa phương về trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa và môi trường tự nhiên còn thấp. Tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch thiếu kiểm soát dẫn đến hủy hoại môi trường sinh thái, suy giảm hệ động thực vật đặc thù, làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch bền vững.

Một số giải pháp chủ yếu để quản lý di tích gắn với phát triển du lịch xanh

Từ những vấn đề đặt ra đối với hoạt động quản lý DTQGHS gắn với phát triển du lịch xanh, chúng tôi đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp quản lý như sau:

Lập quy hoạch bảo vệ, khai thác giá trị của di tích

Xác định rõ giá trị, ranh giới và các thành phần cấu tạo nên tổng thể di tích. Đối với các hang động và hệ động thực vật trong khu vực được coi là yếu tố chính cấu thành di sản phải giữ gìn nguyên trạng, tạo điều kiện để hệ động thực vật phát triển trong điều kiện môi trường phù hợp. Đối với các hang động, công trình kiến trúc di tích có nguy cơ sụt lở có thể tiến hành các biện pháp gia cố, hạn chế mức thấp nhất việc cải tạo.

Bảo tồn, gìn giữ các công trình kiến trúc nghệ thuật trên cơ sở đảm bảo tính nguyên gốc, tính trung thực lịch sử của di tích. Chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và hệ động thực vật gắn với phát triển du lịch tăng trưởng xanh.

Xác định phạm vi, khu vực bảo vệ, đối tượng bảo vệ là các công trình kiến trúc di tích, các hang động và hệ thống thảm thực vật: Khu vực 1 bao gồm 21 điểm di tích tôn giáo, tín ngưỡng, hang động cần được bảo vệ nguyên trạng các yếu tố gốc cấu thành di tích, giảm thiểu tối đa các hoạt động gây ô nhiễm do chất thải của các hoạt động dịch vụ; Khu vực 2 bao gồm các tuyến hành hương Thiên Trù - Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn là vùng bảo vệ đặc biệt, gồm các hang động, cảnh quan thiên nhiên, cần thường xuyên kiểm tra để có biện pháp gia cố chống sạt lở; Khu vực 3, bao gồm toàn bộ vùng đất ngập nước, đất canh tác người dân địa phương có thể quy hoạch xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch: Khu du lịch văn hóa lễ hội và cảnh quan Hương Sơn 322ha; Trung tâm Festival Hoa sen An Phú 237ha; Khu du lịch hồ Thượng Lâm 160ha; Khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai: Khu làng dưỡng sinh Tuy Lai 931ha, Khu nghỉ dưỡng Tuy Lai 429ha, Khu du lịch sinh thái tổng hợp Hồ Quan Sơn 1.465ha, Khu du lịch sinh thái An Phú 55ha phát triển du lịch sinh thái và khôi phục văn hóa Mường (2).

Phát triển sản phẩm du lịch

Xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch gắn với tăng trưởng xanh phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, vệ sinh công cộng, đảm bảo chất lượng môi trường, an ninh và an toàn cho khách du lịch.

Ứng dụng khoa học và công nghệ

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, khai thác tài nguyên nhân văn và tài nguyên sinh thái gắn với trách nhiệm xử lý ô nhiễm môi trường. Áp dụng tiêu chuẩn xanh đối với cơ sở dịch vụ, cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí trong khu vực bảo vệ DTQGHS nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường.

Bảo vệ tài nguyên môi trường

Tuân thủ nghiêm các quy định bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt. Áp dụng và thực hiện nghiêm túc các quy định bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch tại các khu, điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Kiểm soát chặt chẽ số lượng du khách, thường xuyên giám sát các tác động tới môi trường từ hoạt động du lịch tại DTQGHS để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Xây dựng quy trình quản lý môi trường và vận hành hệ thống hạ tầng môi trường đối với toàn bộ khu vực bảo vệ DTQGHS và môi trường khu vực liền kề.

Phát triển nguồn nhân lực

Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức của Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, sắp xếp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được giao. Chính quyền địa phương cần phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức đào tạo nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn lĩnh vực du lịch cho các đơn vị, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch. Các doanh nghiệp dịch vụ du lịch cần nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên, người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm.

Đổi mới cơ chế, chính sách

Huyện Mỹ Đức chủ động tham mưu cho thành phố Hà Nội ban hành cơ chế chính sách phát triển du lịch sinh thái. Đây là hành lang pháp lý để giám sát chặt chẽ việc tài nguyên phát triển du lịch theo hướng bền vững. Ban hành cơ chế, chính sách và quy định giám sát hoạt động phát triển du lịch trong khu vực bảo vệ DTQGHS nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Gắn kết phát triển du lịch sinh thái với quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch gắn với phát triển bền vững. Giáo dục nâng cao ý thức thực hiện luật bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở du khách, cộng đồng dân cư địa phương mà còn phải tiến hành cả ở các cấp quản lý, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch.

Thay lời kết

Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh là một bộ phận cấu thành nên môi trường du lịch. Trong đó danh lam thắng cảnh có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển và đa dạng hóa các hoạt động du lịch, tạo tiền đề cho sự phát triển các khu, điểm du lịch. Môi trường du lịch nhân văn bao gồm di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, ẩm thực, văn hóa truyền thống của cư dân bản địa chính là những nhân tố quan trọng để thu hút các đối tượng khách du lịch.

Để quản lý di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch xanh, các cấp chính quyền địa phương cần chú trọng đến công tác lập quy hoạch tổng thể và đưa ra định hướng, cũng như giải pháp bảo vệ, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch nhân văn và nguồn tài nguyên du lịch sinh thái. Đồng thời, giải quyết thỏa đáng lợi ích của các bên liên quan (chính quyền, doanh nghiệp và người dân) gắn với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo hướng bền vững.

__________________________

1, 2. Huyện ủy Mỹ Đức, Chương trình số 07 - Ctr/HU về Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp là nền tảng; du lịch dịch vụ là mũi nhọn trên địa bàn huyện Mỹ Đức giai đoạn 2021-2025, ngày 29-12-2020.

Ths NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;