Bình Liêu là một huyện miền núi giáp biên của tỉnh Quảng Ninh với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên đa dạng, còn giữ được nét văn hóa bản địa đặc sắc của những bản làng dân tộc chưa bị tác động nhiều bởi đô thị hóa và áp lực của phát triển nóng. Bình Liêu đã được chọn làm bàn đạp tiên phong đi đầu phát triển mô hình kinh tế xanh (trong đó có du lịch xanh) tại Quảng Ninh. Đây được xem là một điểm mới trong hoạt động sinh kế của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) ở Bình Liêu, trong đó có dân tộc Dao Thanh Phán. Việc phát triển du lịch cộng đồng ở đây không chỉ mang lại lợi ích, mà cũng gây nên những tác động tiêu cực, làm mai một văn hóa truyền thống của người bản địa và làm nảy sinh các vấn đề xã hội không mong đợi khác. Bài viết phân tích những nỗ lực của địa phương trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán ở Bình Liêu với việc phát triển du lịch và đưa ra những giải pháp để có sự phát triển du lịch bền vững, đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia.
Tác động của du lịch đến đời sống người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu
Là huyện miền núi ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu có địa hình chủ yếu là đồi núi cao với những thác nước tự nhiên đẹp hùng vĩ, như: thác Khe Vằn, Khe Tiền, Sông Moóc. Những thửa ruộng bậc thang khi vào mùa lúa chín được gọi là những “tấm thảm vàng”. Trải dài trên các dãy núi trập trùng xanh thẫm là những cánh rừng hồi, rừng quế thơm ngát… tạo nên bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình. Với 96% số dân là đồng bào DTTS, huyện Bình Liêu đang tập trung xây dựng các mô hình bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc như: bản văn hóa người Tày ở Đồng Thanh (xã Hoành Mô), bản văn hóa người Dao ở Nà Nhái (xã Vô Ngại), Sông Moóc (xã Đồng Văn), hình thành các cơ sở lưu trú, điểm du lịch cộng đồng (homestay) đặc sắc. Trong đó, bản Sông Moóc nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, là nơi tập trung sinh sống chủ yếu của người Dao Thanh Phán. Nơi đây cũng có homestay Sông Moóc House do tư nhân xây dựng và khai thác phục vụ du khách với quy mô 8 phòng riêng khép kín và 1 khu nghỉ tập thể. Cùng với đó, huyện Bình Liêu triển khai xây dựng 7 nhóm sản phẩm du lịch theo chuyên đề nhằm mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách: du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa, trải nghiệm các lễ hội, ngày hội trên địa bàn... Qua đó, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm các nét sinh hoạt cộng đồng của bà con các dân tộc. Trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập, chủ trương phát triển du lịch cộng đồng ở Bình Liêu là một định hướng đúng. Đây là cách làm du lịch bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa của người bản địa, không làm mai một giá trị truyền thống.
Người Dao ở Bình Liêu có tên gọi là người Mán, bao gồm Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y. Người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu cư trú đông nhất là ở xã Đồng Văn. Họ sinh sống thành các bản làng dưới chân núi hoặc ngang sườn núi, gần dòng nước để tiện cho việc sinh hoạt và canh tác. Xung quanh bản làng của người Dao là màu xanh của núi rừng bạt ngàn, mây mù bao phủ quanh năm, tiếng thác nước chảy róc rách tạo khung cảnh thi vị. Vào những năm thời tiết lạnh giá trên bản của người Dao Thanh Phán xuất hiện băng tuyết, có nơi có tuyết rơi (như bản Phặt Chỉ, Phai Làu, xã Đồng Văn). Cả bản làng của người Dao và khung cảnh núi rừng chìm trong băng tuyết trắng xóa giống như bản làng ở trên Sa Pa (Lào Cai).
Người Dao Thanh Phán canh tác ruộng bậc thang từ lâu đời. Họ khai phá những quả núi cao thành những thửa ruộng dài, nối tiếp nhau tạo nên một nét đặc biệt, ấn tượng trong khung cảnh núi rừng mênh mông. Những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ được bà con canh tác lâu năm như ở bản Sông Moóc A, Sông Moóc B, Khe Tiền (xã Đồng Văn), bản Cao Thắng, Khe O (xã Lục Hồn)... cũng được coi là điểm tạo sức hút trong du lịch.
Đối với văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà, huyện Bình Liêu đã khuyến khích người Dao Thanh Phán giữ lại những ngôi nhà trình tường cổ. Nếu như có xây dựng mới, huyện khuyến khích người dân xây dựng theo kiểu lối nhà truyền thống để có thể phát triển dịch vụ homestay phục vụ đón khách du lịch. Qua việc phục vụ du lịch homestay, các đặc trưng văn hóa truyền thống của người Dao cũng được bảo tồn như: ẩm thực với những món ăn độc đáo như thịt lợn nấu gừng, thịt lợn nấu với cây chuối, phở xào…; từ các tri thức dân gian về bí quyết chữa bệnh bằng lá cây tự nhiên, người dân đã hình thành các dịch vụ như xông hơi, tắm lá thuốc của người Dao…
Việc phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của người Dao Thanh Phán được triển khai thực hiện, đặc biệt là những di sản về âm nhạc nghệ thuật dân gian. UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2039/QĐ-UBND ngày 11-7-2017 công nhận Ban vận động thành lập câu lạc bộ du lịch tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ban vận động có nhiệm vụ vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia câu lạc bộ và hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập câu lạc bộ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập câu lạc bộ theo quy định của pháp luật. Theo đó, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, khôi phục, sưu tầm nghệ thuật dân ca của người Dao Thanh Phán như làn điệu hát pả dung, các điệu múa, thổi kèn… vừa phục vụ cho công tác bảo tồn cũng là hình thức sinh hoạt để phục vụ du khách tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật của người bản địa. Huyện Bình Liêu chủ trương phát huy các phong tục tập quán lễ hội đặc sắc của người Dao Thanh Phán. Ngày hội kiêng gió đã trở thành một ngày hội đặc sắc của người Dao, ngoài ra cũng trở thành một ngày hội du lịch thu hút sự quan tâm của du khách tham quan. Các nghi lễ trong phong tục tập quán đã thực hiện biểu diễn trích đoạn trong nghi lễ cấp sắc, nghi lễ cầu mùa…
Hiện nay, huyện Bình Liêu đang diễn ra quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa mạnh mẽ. Quá trình điện khí hóa, nhiều phương tiện hiện đại tham gia vào đời sống của người dân là một trong những tác nhân làm cho suy giảm văn hóa truyền thống của dân tộc. Những tác động của kinh tế toàn cầu, của đời sống xã hội hiện nay đã phần nào ảnh hưởng và trở thành thách thức với công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, đặt ra vấn đề tiếp nhận nền văn hóa mới mà vẫn giữ gìn được những bản sắc văn hóa dân tộc.
Văn hóa truyền thống thường được lưu giữ trong lớp người trung tuổi và cao tuổi, lớp trẻ có xu hướng quay lưng, không gắn bó với văn hóa truyền thống, có xu hướng tiếp thu văn hóa hiện đại nên việc thực hành, giữ gìn bị buông lỏng làm cho văn hóa truyền thống bị mờ nhạt. Hiện nay, trình độ dân trí của người dân Dao Thanh Phán còn nhiều hạn chế nên chưa nhận thức được về việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, hay các cách thức để bảo tồn, phát huy; vì vậy có nhiều nét văn hóa truyền thống quý giá bị phá bỏ. Các kinh nghiệm của việc tổ chức phục vụ khách du lịch chưa chuyên nghiệp, điều này dẫn đến chỉ thu hút du khách đến tham quan mà không giữ được khách lưu trú. Vai trò của nhà nước và chính quyền huyện trong việc chỉ đạo để giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Phán thúc đẩy hoạt động du lịch còn chưa cao. Các cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, vì vậy không tạo được ảnh hưởng cũng như khuyến khích, động viên người Dao Thanh Phán bảo tồn, khai thác và phát huy văn hóa truyền thống để phát triển du lịch.
Giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa người Dao Thanh Phán trong hoạt động du lịch cộng đồng
Để tránh việc phát triển du lịch mang lại nhiều hệ lụy cho cộng đồng DTTS, việc triển khai chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu Quảng Ninh phải đặt cộng đồng địa phương ở vị trí trung tâm.
Phục dựng văn hóa truyền thống
Đối với văn hóa vật thể, công tác khôi phục văn hóa của người Dao Thanh Phán thể hiện qua kiến trúc nhà cửa, trang phục truyền thống và ẩm thực đặc sắc. Huyện Bình Liêu khuyến khích người dân xây dựng nhà với nếp nhà trình tường để tạo ra không gian bản làng của người Dao Thanh Phán. Những đồ dùng sinh hoạt và trong lao động sản xuất cũng được người dân lưu giữ như cối giã gạo bằng chân, cái cày, bừa, súng bắn nỏ… Trang phục truyền thống của người Dao Thanh Phán vẫn còn được lưu giữ. Huyện Bình Liêu khuyến khích đồng bào các DTTS trên địa bàn mặc trang phục truyền thống hằng ngày, đặc biệt là trong các dịp lễ, ngày hội. Huyện khuyến khích các em học sinh sử dụng trang phục truyền thống vào ngày thứ hai đầu tuần, hoặc các hoạt động sinh hoạt tại trường. Tổ chức cuộc thi thêu trên trang phục của người phụ nữ Dao Thanh Phán. Hoạt động này được tổ chức tại ngày hội kiêng gió. Những cuộc thi tái hiện lại truyền thống như thế này vừa có ý nghĩa bảo tồn văn hóa vừa thu hút khách tham quan. Huyện Bình Liêu đã phục dựng và tổ chức ngày hội kiêng gió vào ngày 4-4 âm lịch hằng năm. Vào ngày này, huyện tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như biểu diễn làn điệu hát pả dung, trình diễn trang phục dân tộc, thi thêu trên trang phục phụ nữ, các trò chơi dân gian...
Huyện Bình Liêu đã xây dựng các chương trình học tiếng Dao Thanh Phán cho khối cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện để thuận tiện trong công tác quản lý cũng như giữ gìn tiếng nói truyền thống của người Dao Thanh Phán. Đối tượng như các thày cúng đều truyền nghề lại cho học trò, truyền dạy học chữ Nôm Dao, qua đó cũng góp phần khôi phục và giữ gìn văn hóa truyền thống. Ngoài ra, nghề đúc bạc của người Dao Thanh Phán cũng được khôi phục, tạo ra những sản phẩm trang sức bằng bạc, đây chính là điều kiện có thể trở thành những sản phẩm, đồ lưu niệm đặc sắc để bán cho khách tham quan.
Trao quyền và phát huy vai trò của cộng đồng
Người Dao Thanh Phán luôn ý thức được việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc để tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt, từ đó khai thác và phục vụ phát triển du lịch. Tất cả thành viên trong bản làng ý thức được giá trị văn hóa đang nắm giữ, cùng nhau bảo vệ và khai thác hợp lý. Họ đặt ra các quy định bắt buộc, quy ước trong việc khai thác dược liệu, không được thu hái hoặc làm tận diệt các loài cây; họp bàn để xây dựng và đặt ra hương ước, quy ước chung, quy định bắt buộc mọi người đều thực hiện và tuân theo.
Hoàn thiện cơ chế chính sách
Cần tạo lập hệ thống chính sách nhằm khích lệ người Dao Thanh Phán chủ động tạo ra các sản phẩm từ đời sống văn hóa của họ để phát triển du lịch. Cần có các chính sách hỗ trợ khôi phục lại không gian kiến trúc nhà cửa bản làng cùng với khung cảnh thiên nhiên, cảnh quan văn hóa để thu hút khách du lịch đến tham quan, khám phá và trải nghiệm. Khuyến khích và tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng để người dân trong bản có thể trở thành hướng dẫn viên chuyên nghiệp bên cạnh công việc thường ngày của họ. Ngôi nhà của họ cũng có thể trở thành nơi trú chân của du khách (homestay) để du khách có thể trải nghiệm cuộc sống cùng với người dân như: làm nương, bắt cá, lấy tổ ong, hái hồi, trồng quế, đi cấy, thêu trang phục truyền thống… Duy trì làng nghề truyền thống, khôi phục và phát triển các đồ chơi và trò chơi dân gian, sưu tầm nghiên cứu phục dựng lại dân ca, dân vũ, dân nhạc để phục vụ đời sống tinh thần của người dân và tạo cơ hội cho khách du lịch tham gia, trải nghiệm, khám phá. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của người dân trong xây dựng quy ước bản văn hóa, quy ước phục vụ khách du lịch, góp phần khơi dậy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong bản, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm và hoạt động du lịch từ văn hóa truyền thống, cần hỗ trợ cộng đồng địa phương cảnh giác với các tác động tiêu cực văn hóa bên ngoài do khách du lịch mang đến. Hướng dẫn khách du lịch khi tới tham quan, lưu trú tại các bản làng, điểm du lịch ở vùng DTTS tuân thủ, tôn trọng phong tục tập quán, lối sống và văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.
Việc phân chia lợi ích kinh tế của hoạt động du lịch văn hóa cần hợp lý, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp du lịch và của cộng đồng địa phương. Tránh tình trạng các công ty du lịch bên ngoài vào khai thác lợi thế cảnh quan ở địa phương và văn hóa của người bản địa… để thu lợi, bất chấp quyền lợi của người địa phương - các chủ thể văn hóa.
Huyện cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đội ngũ nghệ nhân để truyền dạy, truyền đạt những giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Phán cho các thế hệ kế tiếp.
Tạo cơ chế thông thoáng, mời gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư khai thác giá trị văn hóa của người Dao Thanh Phán để phát triển du lịch, xây dựng các bản làng du lịch cộng đồng. Thu hút nguồn vốn tài chính thông qua các chương trình, hội nghị xúc tiến đầu tư của huyện giới thiệu quảng bá tiềm năng du lịch nói chung và tiềm năng du lịch từ văn hóa của người Dao Thanh Phán nói riêng.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch
Huyện Bình Liêu cần đầu tư về cơ sở hạ tầng cho đời sống của người Dao Thanh Phán như hệ thống điện, đường, trường, trạm… Đầu tư thêm hệ thống đường liên thôn tại các thôn bản trên địa bàn huyện Bình Liêu, đặc biệt là nối liền đường đi lại liên thôn của người Dao Thanh Phán. Đầu tư thêm hệ thống thông tin liên lạc, thông tin truyền thông, phủ sóng điện thoại trên toàn huyện, đường truyền internet, wifi… Cần đầu tư cho hạ tầng du lịch, nhưng không thể tiến hành xây dựng hệ thống các nhà hàng, khách sạn, quán bar, sàn nhảy, đồng loạt, quy mô hệ thống cơ sở hạ tầng quá hiện đại, không phù hợp với môi trường sống của người địa phương... Quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất cần đảm bảo vừa phát triển du lịch vừa giữ được nét nguyên sơ, căn bản, văn hóa truyền thống lâu đời của người Dao Thanh Phán, không phá vỡ hệ thống sinh thái tự nhiên của địa phương.
Cần đầu tư xây dựng các khu bảo tồn sinh thái, trồng cây hồi, quế, cây thuốc quý... phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ tắm lá cây thuốc, xông hơi, massge… từ các loại thuốc thiên nhiên. Dịch vụ du lịch này có khả năng thu hút một lượng khách lớn. Ngoài ra, có thể thực hiện xuất khẩu thô các loại thuốc dược liệu, đóng gói và bán sẵn cho du khách tham quan.
Xây dựng sản phẩm du lịch
Xây dựng các tour du lịch khám phá văn hóa của người Dao Thanh Phán, tạo thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch. Phân khúc các sản phẩm du lịch của người Dao như tổ chức tuần du lịch, tháng du lịch hay sự kiện lễ hội tiêu biểu. Tổ chức phát triển các tour du lịch gắn với văn hóa của người Dao Thanh Phán theo từng thời gian cụ thể, tour du lịch trải nghiệm tết Nguyên đán của người Dao từ tháng 12 đến tháng 2, tour tìm hiểu về ngày kiêng gió của người Dao (tháng 3, tháng 4 âm lịch hằng năm), tour trải nghiệm tết thanh minh của người Dao (tháng 3 âm lịch), trải nghiệm ăn tết rằm tháng 7 (tháng 7 âm lịch), tìm hiểu về lễ cưới của người Dao hoặc tổ chức phiên chợ vùng cao đặc sắc của người Dao Thanh Phán hằng tuần... Hình thành và sản xuất sản phẩm đồ lưu niệm từ mây tre đan, sản phẩm thêu thùa, bông hoa sở, hoa hồi, hoa quế... phục vụ khách du lịch.
Phát triển các sản phẩm du lịch cần chú trọng tới việc bảo tồn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, tránh các hình thức sân khấu hóa hay các hình thức làm biến tướng bản sắc văn hóa.
Nâng cao nhận thức
Cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng chính quyền huyện và người dân về công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, cũng như nhận thức về phát triển kinh tế du lịch. Có nhiều cách để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, một trong những cách đó là thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cần tận dụng tối đa những ưu thế của công nghệ thông tin để giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông cho thanh thiếu niên thông qua những hình thức sinh động, phong phú, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý, thị hiếu của giới trẻ. Mở rộng giao lưu văn hóa, nói chuyện lịch sử truyền thống, tăng cường tính tương tác, tính trực quan sinh động khi giáo dục truyền thống văn hóa cho tuổi trẻ. Giải pháp về giáo dục được coi là tiên phong và là yếu tố then chốt, quyết định đến giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như sự phát triển bền vững của du lịch ở huyện Bình Liêu.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu, Nghị quyết số 01/NQ-HU ngày 31-7-2015 về Phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh, 2015.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu, Nghị quyết số 06/NQ-HU ngày 29-6-2016 về Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh, 2016.
3. Bế Viết Đẳng - Nguyễn Khắc Tụng - Nông Trung - Nguyễn Nam Tiến, Người Dao ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
4. Huyện ủy Bình Liêu, Những thông tin cơ bản về huyện Bình Liêu năm 2014, Quảng Ninh, 2015.
5. Nguyễn Quang Vinh, Một số vấn đề người Dao ở Quảng Ninh, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1998.
6. Quang Thọ, Phát triển du lịch cộng đồng ở Bình Liêu, nhandan.vn, 16-6-2021.
TS NÔNG ANH NGA - Ths MA THỊ QUỲNH HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022