Hai năm 2015-2016, Bộ VHTTDL cho phép Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam. Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ này đã hoàn thành, được nghiệm thu theo quy định chung về chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Các đề tài đều được nghiệm thu, trong đó có 3 đề tài xếp loại xuất sắc, 5 đề tài xếp loại khá, 1 đề tài xếp loại đạt. Từ kết quả của Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật được sự cho phép và tạo điều kiện của Ban Tuyên giáo Trung ương đã chuyển thành bộ sách Văn hóa biển đảo Việt Nam, gồm 9 tập:
Tập 1: Tổng quan văn hóa biển đảo Việt Nam, chủ biên GS.TS Nguyễn Chí Bền, xuất bản 2019.
Tập 2: Văn hóa biển đảo vùng Đông Bắc, GS.TS Từ Thị Loan, xuất bản 2019.
Tập 3: Văn hóa biển đảo vùng Bắc Trung Bộ, chủ biên TS Vũ Anh Tú, xuất bản năm 2018.
Tập 4: Văn hóa biển đảo vùng Nam Trung Bộ, chủ biên PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy, xuất bản 2019.
Tập 5: Văn hóa đảo và quần đảo Trung Bộ, chủ biên GS.TS Bùi Quang Thanh, xuất bản năm 2018.
Tập 6: Văn hóa biển đảo vùng Đông Nam Bộ, chủ biên TS Đinh Văn Hạnh, xuất bản năm 2019.
Tập 7: Văn hóa biển đảo vùng Tây Nam Bộ, chủ biên PGS.TS Phạm Lan Oanh, xuất bản năm 2019.
Tập 8: Văn hóa biển đảo Phú Quốc, chủ biên PGS.TS Bùi Quang Thắng, xuất bản năm 2018.
Tập 9: Quản lý văn hóa biển đảo Việt Nam, chủ biên PGS.TS Bùi Hoài Sơn, xuất bản năm 2018.
Các tập sách đều dày dặn, tập ít nhất gần 300 trang, tập dày nhất gần 600 trang in khổ 16x24cm. Mỗi tập là một chuyên luận khoa học, xem xét đánh giá giá trị của văn hóa biển đảo Việt Nam, thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa biển đảo Việt Nam trên cơ sở một quan niệm lý luận về văn hóa biển đảo. Giá trị của mỗi tập có thể khác nhau, nhưng cả 9 tập sách với 3.508 trang in khổ 16x24cm là một bộ sách tổng hợp về văn hóa biển đảo Việt Nam, trải đều các vùng văn hóa biển đảo Việt Nam, ở 28 tỉnh/thành phố có biển, đảo. Đáng chú ý, việc nhìn lại tình hình nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam ở trong nước, ngoài nước được bao quát, đánh giá khách quan ở chương II của tập 1: Tình hình nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam ở trong nước và nước ngoài (1). Ở phương diện quản lý, tập 9 đề cập sâu và khá toàn diện nội dung Quản lý văn hóa biển đảo Việt Nam. Và, ở các tập còn lại, mỗi chủ biên đều viết kỹ hơn, sâu hơn tình hình nghiên cứu ở phạm vi nghiên cứu của tập sách cũng như các thành tố văn hóa tiêu biểu như: phong tục tập quán, sinh kế, tín ngưỡng, lễ nghi, tri thức dân gian... Qua phân tích thực trạng, các tác giả đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa biển đảo từng vùng miền cụ thể trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Về lực lượng tham gia nghiên cứu cũng là một cố gắng đáng ghi nhận, chưa kể các cộng tác viên ở mọi miền đất nước, bộ sách có sự tham gia của 3 GS, 11 PGS, 17 TS, 15 Th.S và 2 cử nhân. Tổng hợp trí tuệ, công sức của các nhà nghiên cứu văn hóa ở trong nước hiện nay là công lao của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Thực ra, nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam, những năm qua đã có hàng trăm công trình được công bố, ra mắt bạn đọc, nhưng một bộ sách tổng hợp về văn hóa biển đảo Việt Nam lại chưa có. Vì thế, Văn hóa biển đảo Việt Nam, 9 tập là một bộ sách có giá trị quý giá, một đóng góp lớn của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam vào nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung, và khẳng định sự đầu tư đúng đắn của Bộ VHTTDL cho nghiên cứu khoa học nói chung, văn hóa biển đảo nói riêng
Nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam là một đề tài lớn và khó, dù đã hết sức cố gắng, nhưng bộ sách không tránh khỏi những thiếu sót, khiếm khuyết nhất định. Rất mong nhận được sự ủng hộ, góp ý, chân thành đón nhận từ phía bạn đọc. Xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc xa gần bộ sách này.
_______________
1. Tổng quan văn hóa biển đảo Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2019, tr.79 -149.
Tác giả: Hoàng Quốc
Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020