Chương trình Vua Tiếng Việt của VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam) bắt đầu phát sóng từ tháng 9-2021 và sắp sửa kết thúc Mùa thứ nhất (với 24 kỳ theo các chủ đề khác nhau). Đây là một sân chơi (gameshow) giải trí, vui vẻ, bổ ích, thu hút được nhiều người chơi và khán giả theo dõi. Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã đánh giá cao chương trình này và bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu trong năm 2021. Tuy nhiên, khá nhiều khán giả đã bày tỏ ý kiến không đồng tình về tên gọi Vua tiếng Việt vì cho rằng, cách đặt tên này chưa phù hợp. Vậy, từ góc độ ngôn ngữ học, ta nên hiểu ngữ nghĩa của hai từ vua và Vua tiếng Việt như thế nào?
Từ điển Việt - Bồ - La (tiếng Latinh: Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) chưa thống kê từ “vua”. Cho đến các cuốn từ điển tiếng Việt cổ sau này, từ “vua” được thu thập và có cách giải nghĩa về cơ bản là giống nhau. Việt-Nam Tự-Điển của Hội Khai trí Tiến Đức (xuất bản tại Hà Nội, 1931), định nghĩa “vua” là “người chịu mệnh trời thống trị một nước”. Từ điển này giải thích “chiết tự” theo nghĩa Hán Việt: “thiên tử” (con trời). Từ điển tiếng Việt bản mới nhất (Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, 2020) chia thành 4 nghĩa:
vua d. 1. người đứng đầu nhà nước, thường lên cầm quyền bằng con đường kế vị (VD: Phép vua thua lệ làng (tng). Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa (Ca dao); 2. tên gọi quân cờ cao nhất trong cờ vua; 3. [kng] nhà tư bản độc quyền trong một ngành nào đó (VD: vua ô tô, vua dầu lửa); 4. [kng] người được coi là nhất, không ai hơn trong một lĩnh vực nào đó (VD: vua cờ, ông vua nhạc pop, vua bóng đá).
Như vậy, nghĩa 1 là nghĩa gốc, nghĩa sở chỉ (referential meaning) của vua, chỉ một người đứng đầu một nhà nước, dưới chế độ phong kiến trước đây (như Việt Nam, Trung Quốc, Nepal,…) và ngày nay, vẫn còn tồn tại ở những quốc gia duy trì chế độ quân chủ (Nhật Bản, Thái Lan, Thuỵ Điển,…). Nghĩa 2 (quân cờ) là cách dùng mang nghĩa hoán dụ, dùng gọi tên các quân cờ của một trò chơi đối kháng, mỗi bên có 16 quân, quân vua là quân chốt (quan trọng nhất, mất vua là thua). Nghĩa 3 được dùng mang tính biểu trưng, hàm chỉ một người nào đó đứng đầu, thống trị một lĩnh vực kinh tế, tài chính, kinh doanh. Chẳng hạn, Tỷ phú người Mỹ John Davison Rockefeller (1839-1937), được mệnh danh là Vua Dầu lửa. Hay Andrew Carnegie (1835-1919), cũng là một doanh nhân người Mỹ (gốc Scotland) được mệnh danh là Vua Thép. Trên thế giới đã có nhiều ông vua như thế (Vua Ô tô, Vua Ngân hàng, Vua Nhà đất…).
Nhưng hiện tại, có những vua được coi là nổi nhất, xuất sắc nhất, đặc biệt nhất trong một lĩnh vực nào đó trong đời sống. Chúng ta từng biết tới Vua Bóng đá Pele (sinh năm 1940). Ông là một cầu thủ người Brazil, có tên thật là Edson Arantes do Nascimento, với tài năng chơi bóng đá thiên bẩm, rất hào hoa, đã đưa đội bóng xứ Samba 3 lần giành chức Vô địch Thế giới (1958, 1962, 1970). Cũng ở môn bóng đá, còn có vua phá lưới. Đây là danh hiệu dành cho cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất trong một giải bóng đá. Chẳng hạn, Harry Kane (cầu thủ Đội tuyển Anh) đã đoạt danh hiệu này ở World Cup 2018 (tổ chức tại LB Nga) với 6 bàn thắng.
Còn ở môn thể thao cờ vua thì có rất nhiều vua ngự trị trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, kỳ thủ người Nga (gốc Azerbajzhan) là Gary Kasparov được thế giới thừa nhận là Vua cờ vĩ đại nhất mọi thời đại v.v…
Việc đặt tên một gameshow giải trí, nhằm kiểm chứng năng lực ngôn ngữ tiếng Việt trên sóng truyền hình là một sân chơi thú vị và bổ ích. Sân chơi này dành cho 4 người, được thực hiện theo 4 vòng thử thách: Phản xạ, Giải nghĩa từ, Sắp xếp chuỗi từ, Tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Mỗi vòng sẽ loại 1 người và người thắng vòng cuối cùng sẽ phải làm một bài thơ theo từ khóa, thể loại thơ (chọn ngẫu nhiên). Ai cũng biết đó là một thử thách khó, rất khó. Bởi ngoài tri thức và năng lực ngôn ngữ (ngữ năng), người chơi phải có một khả năng ứng xử nhanh, bằng các phán đoán ngôn từ dựa vào trực giác. Không hiếm trường hợp, có người chơi rất xuất sắc ở vòng này lại thua một cách đáng tiếc ở vòng sau. Vì vậy, việc họ thẳng tiến tới đích không thể coi là may mắn (vì may mắn chỉ có thể hãn hữu) mà phải là người có năng khiếu (nếu không nói là tài năng) ngôn ngữ thực sự.
Tất nhiên, gọi là Vua Tiếng Việt cũng chỉ là một khái niệm mang tính tượng trưng. Người thắng cuộc chưa phải là người có tài năng tiếng Việt xuất chúng, giỏi hơn tất cả để cộng đồng nói tiếng Việt tôn vinh là vua (vượt lên một bậc cao nhất, không ai sánh kịp). Cũng có thể chọn một danh hiệu khác để vinh danh cho phù hợp hơn. Nhưng như đã nói, đây chỉ là một trò chơi ngôn ngữ trong phạm vi hẹp, mang tính giải trí vui nhộn chứ không phải là một cuộc thi, mang tính tranh tài rộng và quyết liệt. Chúng ta biết, các vua khác, như Vua Bếp, Vua Nhạc Sến, Vua Gái… cũng là những danh xưng không chính danh mà dân gian vui miệng gán cho mà thôi.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022