Hiện nay, các đô thị Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý phát triển đất nước, đặc biệt là khi nước ta đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước tác động của tiến trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, bộ mặt kinh tế, xã hội của nước ta có nhiều biến đổi. Trong đó, môi trường văn hóa (MTVH) ở Thủ đô Hà Nội đang có những thay đổi theo hướng hiện đại, bộc lộ cả những tích cực lẫn hạn chế. Do đó, việc xây dựng MTVH ở thủ đô hiện nay chính là điều kiện để thị dân có thể tồn tại, giao tiếp, lao động và sáng tạo. Bài viết đề cập đến một số nội dung trong xây dựng MTVH ở Hà Nội trong định hướng phát triển bền vững.
Lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" (16/7/1999-16/7/2019) - Ảnh: hanoimoi.com.vn
Thủ đô Hà Nội lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của một đô thị đậm chất truyền thống. Trong kỷ nguyên hiện đại hóa, khoa học, kỹ thuật tiên tiến, phát triển đô thị là xu thế tất yếu của tất cả quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Dưới tác động của kinh tế thị trường, Hà Nội tích hợp nhiều giá trị văn hóa mới, văn hóa của người dân thủ đô cũng thay đổi theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Nhịp sống nhanh của đô thị đối lập với thói trì trệ, tĩnh tại của lối sống nông thôn, một bộ phận cư dân Hà Nội hiện nay bộc lộ sự hỗn tạp, tính vô tổ chức trong lối sống và nhiều hành vi thiếu văn hóa vẫn xuất hiện nơi công cộng. Hệ thống thiết chế văn hóa đô thị và các không gian công cộng của Thủ đô còn thiếu và chưa đồng bộ. Do đó, việc xây dựng MTVH ở đô thị Hà Nội có ý nghĩa quan trọng gắn với định hướng sự phát triển bền vững ở Thủ đô trong bối cảnh hiện nay.
1. Một số nghiên cứu về MTVH và MTVH ở đô thị Hà Nội
MTVH và xây dựng MTVH được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau. Từ góc độ lý luận, một số công trình đưa ra những quan điểm có tính hệ thống về MTVH trên cơ sở tiếp cận văn hóa về môi trường và đời sống thông qua trình độ phát triển của con người trong sinh tồn và giao tiếp; bản chất của MTVH được nhìn nhận là các quá trình nhân hóa và thực chất của đời sống văn hóa là hoạt động đối tượng hóa các năng lực bản chất người trong sáng tạo, lưu thông, kế thừa, tiêu dùng và phổ biến văn hóa, trên cơ sở đó đưa ra chuẩn mực liên kết, chi phối, đánh giá các quan hệ giữa MTVH và đời sống văn hóa, giữa nhân cách và lối sống (1). Vấn đề xây dựng MTVH lành mạnh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được một số tác giả khác tiếp cận từ các góc nhìn giá trị học, triết học, xã hội học để đi vào bản chất của MTVH và xây dựng MTVH lành mạnh chính là tập trung vào con người; xây dựng MTVH lành mạnh ở từng không gian cụ thể như gia đình, cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương và cả cộng đồng, góp phần vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, mà trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, lối sống của từng cá nhân và lối sống dân tộc… (2). Một vài công trình nghiên cứu lại tập trung vào đặc trưng, nội hàm và cấu trúc của MTVH; mối quan hệ giữa MTVH với môi trường xã hội, môi trường sống, đời sống văn hóa, trong đó nhấn mạnh giá trị, ý nghĩa, vị thế của MTVH trong việc xây dựng nhân cách, lối sống con người và phát triển nguồn lực trí tuệ.
Nhìn từ góc độ lý luận, khái niệm MTVH đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến dưới nhiều góc độ, phạm vi rộng, hẹp khác nhau, tuy nhiên đa số các ý kiến đều nhất trí cho rằng, MTVH là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong môi trường sống của con người, ở đó chứa đựng các yếu tố tự nhiên, nhân văn và tổng hợp các yếu tố văn hóa xã hội có quan hệ tương tác với con người. MTVH có thể xem như tổng thể sống động các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể bao quanh con người trong một không gian và thời gian xác định. Trong mối quan hệ tương tác với con người, các yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau nhằm giúp cho con người phát triển, phát huy được vai trò của mình trong tư cách vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của văn hóa. Theo đó, MTVH được nhận thức là một thành tố cấu thành nên văn hóa và sự phát triển văn hóa, là tổng hòa của phương diện thực tiễn sáng tạo văn hóa (diễn ra các quan hệ văn hóa, các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của con người) và hệ giá trị văn hóa.
Thủ đô Hà Nội là một đô thị lớn, lại có lịch sử hình thành sớm, là trung tâm, gắn với cả vùng nông thôn Bắc Bộ rộng lớn lại đang trên đà phát triển theo hướng hiện đại, nên Hà Nội còn ẩn chứa nhiều tiềm năng văn hóa đậm chất truyền thống nhưng cũng đang khơi nguồn, bắt mạch để hòa nhập, tiếp thu những tinh hoa, tiến bộ của văn hóa nhân loại. Nghiên cứu về MTVH ở Hà Nội trong thời gian qua có thể kể đến một số công trình của tác giả Nguyễn Viết Chức. Trong Văn hóa ứng xử của người Hà Nội với môi trường thiên nhiên, tác giả đã bàn về mối quan hệ giữa môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội và MTVH, ứng xử văn hóa truyền thống của người Hà Nội với môi trường thiên nhiên, phát huy các giá trị truyền thống ứng xử với thiên nhiên của người Hà Nội trong điều kiện hiện nay, văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người Hà Nội trước thách thức của toàn cầu hóa, phương hướng, quan điểm giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội với môi trường thiên nhiên trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Thủ đô. Trong Nếp sống người Hà Nội, tác giả Nguyễn Viết Chức lại không bàn trực tiếp vào văn hóa đô thị, mà xem xét nếp sống người Hà Nội trong mối quan hệ với lẽ sống, lối sống. Theo tác giả, lẽ sống là mặt ý thức của lối sống, còn nếp sống là mặt ổn định của lối sống. Nói cách khác, lối sống là cơ sở đầu tiên để hình thành nếp sống và lẽ sống thì dẫn dắt lối sống. Lối sống được hình thành trên cơ sở những điều kiện sinh hoạt vật chất nhất định. Nếp sống vừa phản ánh nhu cầu khách quan của đời sống xã hội, vừa thể hiện ý chí chủ quan của con người. Nếp sống bao gồm những cách thức, những quy ước đã trở thành thói quen trong sản xuất, như: săn bắn, trồng cây; trong sinh hoạt, như: ăn, mặc, ở; trong tổ chức đời sống xã hội, như: phong tục, lễ nghi, đạo đức, pháp luật... Tác giả Trần Văn Bính trong công trình Văn hóa Thăng Long - Hà Nội hội tụ và tỏa sáng (2000) đã khái quát, văn hóa Thăng Long không chỉ là đỉnh cao về trí tuệ, mà còn là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Nét đẹp của người Hà Nội, của văn hóa Hà Nội là nếp sống thanh lịch. Từ đó có thể thấy rằng, khi quan niệm về văn hóa đô thị Hà Nội, không thể không nhấn mạnh đến các hàm nghĩa trí tuệ (tri thức), nhân văn và nếp sống thanh lịch... Công trình Văn hóa và lối sống đô thị Việt Nam - một cách tiếp cận (2010) do Trương Minh Dục và Lê Văn Định chủ biên đã nhìn nhận về thực trạng và góp phần xây dựng văn hóa và lối sống đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Công trình đi sâu phân tích sự hình thành, phát triển văn hóa và lối sống trong xã hội đô thị hiện đại; tác động của đô thị hóa cùng các ảnh hưởng của kinh tế, chính trị, giáo dục - đào tạo đối với quá trình hình thành, biến đổi văn hóa và lối sống đô thị Việt Nam, đồng thời đi sâu phân tích những đặc trưng về văn hóa, lối sống ở một số đô thị lớn của đất nước, trong đó có thủ đô Hà Nội.
2. MTVH ở Thủ đô Hà Nội trong định hướng phát triển bền vững
Hà Nội, một thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, đã sớm trở thành một trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam. Bước vào cơ chế thị trường, sự phát triển kinh tế, xã hội của thủ đô nói chung và hoạt động văn hóa nói riêng có nhiều biến chuyển, tạo nên môi trường sống, môi trường kinh tế, môi trường sinh thái nhân văn, MTVH hết sức đa dạng. Để thực hiện được yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi trước hết và quan trọng nhất là phát triển đồng bộ tất cả các thành tố quan trọng của sự phát triển, các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội và biết xử lý biện chứng quan hệ giữa các thành tố, lĩnh vực đó. Những năm gần đây, người ta bàn nhiều về các trụ cột của sự phát triển bền vững trong xã hội hiện đại, có nghĩa là, phải bảo đảm cho được sự phát triển hài hòa, coi trọng ngang nhau và làm cho các trụ cột đó thấm vào nhau để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Gần đây, giới nghiên cứu thông qua thảo luận ở Liên hợp quốc, từ thực tiễn kinh tế, xã hội của các quốc gia, đã chỉ ra 4 trụ cột của sự phát triển bền vững, đó là chính trị, kinh tế, văn hóa và môi trường (3). Do đó, văn hóa là một trong những yếu tố cấu thành của sự phát triển bền vững. Văn hóa chính là mục tiêu, là động lực, là hệ điều tiết cho sự phát triển.
Những năm gần đây, bộ mặt văn hóa, xã hội của Hà Nội sinh động, phong phú cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, phương thức hoạt động văn hóa đổi mới, đồng bộ và hoàn thiện, cơ chế, chính sách, công tác quản lý hoạt động văn hóa được chú trọng hơn… Do đó, sự phát triển văn hóa có những thành tựu lớn, tạo nên hiệu quả vật chất và tinh thần tốt đẹp trong một môi trường xã hội lành mạnh. Bên cạnh đời sống vật chất ngày càng sung túc, người dân Hà Nội hiện đã và đang có điều kiện mở mang, phát triển đời sống tinh thần ngày một cao hơn. Đáng chú ý là trong đời sống cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội, vấn đề đầu tư và chi tiêu cho hoạt động văn hóa ngày càng được chú ý. Quỹ kinh phí và quỹ thời gian dành cho sáng tạo, tiếp xúc và hưởng thụ văn hóa có xu hướng phát triển mạnh. Tiêu dùng văn hóa thông qua thị trường văn hóa trong và ngoài nước ngày càng được chú trọng không chỉ nhằm nâng cao mức sống tinh thần mà còn tạo ra văn hóa tiêu dùng các sản phẩm xã hội. Đây là những tiền đề để tạo lập một MTVH đa dạng và phong phú. Thực tiễn văn hóa xã hội, trong bối cảnh ấy, bộc lộ phong phú, đa dạng và phức tạp trên nhiều bình diện. Có thể nhận thấy, ngoài giá trị văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại được phổ biến và đề cao, vẫn còn đây đó nhiều ấn phẩm xấu, nhiều tệ nạn văn hóa đang ùa vào đầu độc MTVH. Trong đời sống xã hội, bên cạnh những thành tựu lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội vẫn xuất hiện sự suy giảm về đạo đức, lối sống, biểu hiện ở các tệ nạn tham nhũng, hối lộ và các tệ nạn xã hội khác. Những yếu tố phản văn hóa ấy đang len lỏi vào từng gia đình, từng con người, gây ra nhiều thảm cảnh, làm tha hóa một số không nhỏ các đối tượng con người trong gia đình và cộng đồng, đồng thời gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống vật chất và tinh thần xã hội của đô thị Hà Nội. Bối cảnh mới cũng đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với việc xây dựng MTVH lành mạnh ở các cấp độ vi mô và vĩ mô: MTVH gia đình, MTVH dòng họ, MTVH khu dân cư - tổ dân phố, MTVH nơi công cộng…
3. Một số nội dung trong xây dựng MTVH ở đô thị Hà Nội gắn với định hướng phát triển bền vững hiện nay
Từ nhiều năm nay, việc xây dựng MTVH thường xuyên được Đảng và Nhà nước đặt ra như một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đề ra 10 nhiệm vụ cơ bản, trong đó xếp nhiệm vụ xây dựng MTVH ở vị trí thứ hai sau nhiệm vụ xây dựng con người. Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng đồng bộ MTVH, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng”. Đặc biệt, trong nội dung xây dựng MTVH, Nghị quyết Trung ương 9 đã bổ sung một số nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 khi nhấn mạnh đến vấn đề nhân cách văn hóa và bảo vệ môi trường tự nhiên: “Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một MTVH lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng MTVH với bảo vệ môi trường sinh thái. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội”. Để bảo đảm sự phát triển bền vững về mặt chất lượng đô thị của Thủ đô, xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, phát triển bền vững theo hướng kết nối mạng đa cực, đa trung tâm, đa tầng bậc. Đặc biệt trong giai đoạn Hà Nội đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh và mạnh quá trình phát triển kinh tế và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát huy vị thế, tiềm năng và thế mạnh của thủ đô thì yêu cầu xây dựng văn hóa đô thị phát triển ở trình độ cao lại càng có ý nghĩa quan trọng tới sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thủ đô và phát triển bền vững. Với định hướng này, xây dựng MTVH ở Hà Nội hiện nay cần tập trung vào một số nội dung:
Thứ nhất, xây dựng cảnh quan và thiết chế văn hóa ở Thủ đô Hà Nội
Cảnh quan và thiết chế văn hóa ở đô thị chính là môi trường vật chất với những biểu hiện hữu hình bao bọc xung quanh con người, đảm bảo cho các hoạt động diễn ra trong đô thị. Hệ thống này càng được xây dựng đầy đủ, đồng bộ càng tạo điều kiện để xây dựng MTVH đô thị lành mạnh, văn minh tại mỗi địa phương. Các dạng thức tồn tại của thiết chế văn hóa ở đô thị bao gồm: thư viện, phòng truyền thống, bảo tàng, nhà văn hóa, nhà cộng đồng, khu thể thao, khu vui chơi giải trí… phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt văn hóa chung của người dân. Trong thời gian sắp tới, Hà Nội cần chú trọng tập trung đầu tư xây dựng hơn nữa để hoàn chỉnh các công trình văn hóa theo hướng hiện đại, có quy mô tương ứng với sự phát triển của xã hội và trở thành những điểm nhấn trong kiến trúc đô thị như: các trung tâm văn hóa, thông tin, triển lãm; bảo tàng, thư viện, tượng đài, di tích; trung tâm thể thao, nhà thi đấu; công viên, vườn hoa… Các thiết chế văn hóa này cần được thiết kế đảm bảo tiện ích, hài hòa với cảnh quan, không gian xanh của Thủ đô Hà Nội.
Thứ hai, xây dựng các khuôn mẫu ứng xử và các giá trị chuẩn mực cho người dân thủ đô
Xây dựng các khuôn mẫu ứng xử gắn với các quan hệ ứng xử của người dân Thủ đô như ứng xử trong gia đình, cơ quan, công sở, trường học hay các không gian công cộng. Các quan hệ này phản ánh toàn bộ quá trình người dân tự soi xét lại chính mình để hoàn thiện bản thân, thông qua việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện về học vấn, đạo đức, lối sống của mỗi cá nhân sinh sống ở đô thị. Các giá trị chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, lối sống của thị dân cần được xây dựng như đạo đức nghề nghiệp trung thực, dân chủ, bình đẳng, nhân ái, cạnh tranh lành mạnh… hay lối sống văn minh, công nghiệp, thượng tôn pháp luật, gắn liền với đạo đức sinh thái… của người dân Thủ đô.
Thứ ba, tổ chức các hoạt động, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao và tạo mọi điều kiện cho người dân Thủ đô có thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa
Tùy thuộc vào đặc thù của mỗi địa bàn dân cư sẽ có các sản phẩm văn hóa khác nhau, bên cạnh đó, sản phẩm văn hóa có thể tồn tại dưới các dạng thức vật thể hay phi vật thể. Điều này cho thấy sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm văn hóa ở Thủ đô Hà Nội. Các hoạt động sáng tạo văn hóa, hưởng thụ văn hóa trong đời sống cư dân đô thị cần được phát huy. Dịch vụ công không thể thiếu đối với cư dân đô thị, được xem như là một nét văn hóa đô thị. Hơn nữa, người dân ngày càng chú trọng đến chất lượng các loại hình dịch vụ văn hóa, có nhiều điều kiện để chọn lựa cách thức hưởng thụ giá trị văn hóa khác nhau. Công tác tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, công tác phòng ngừa, đấu tranh kiên quyết với các tệ nạn xã hội và những hiện tượng tiêu cực, ngăn chặn và đẩy lùi các sản phẩm văn hóa độc hại nhất là các loại hình kinh doanh như văn hóa phẩm băng đĩa, internet nhằm lành mạnh hóa MTVH ở thủ đô cần được quan tâm. Những cơ chế, chính sách là một trong những nhân tố quan trọng đối với sự thành công của hoạt động xây dựng MTVH ở đô thị, trong đó sẽ có hay không những điều khoản cụ thể hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa thị dân. Các nguồn lực khác đảm bảo cho hoạt động dịch vụ văn hóa ở thủ đô như nguồn tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị... cần được đầu tư một cách có hiệu quả.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ngành Văn hóa đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững. Nhiệm vụ xây dựng MTVH lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo là nội dung được đề cập trong các văn bản chỉ đạo sự phát triển văn hóa quốc gia. Do đó, việc xây dựng MTVH ở Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh hiện nay sẽ góp phần gìn giữ vị thế xứng đáng của Hà Nội - một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, cũng như xây dựng thương hiệu một thành phố hòa bình, sáng tạo.
_________________
1. Đỗ Huy, Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay từ góc nhìn giá trị học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
2. Đỗ Huy, Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay từ góc nhìn giá trị học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001; Văn Đức Thanh, Về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, tái bản, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004; Nguyễn Trọng Chuẩn, Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để có con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Tạp chí Cộng sản, (2) 2014.
3. Đinh Xuân Dũng, Văn hóa với sự bền vững của đất nước, tapchicongsan.org.vn, 23-8-2019.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn Bính, Văn hóa Thăng Long - Hà Nội hội tụ và tỏa sáng, Nxb Thời đại, 2000.
2. Đinh Thị Vân Chi (chủ biên), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015.
3. Nguyễn Viết Chức (chủ biên), Nếp sống người Hà Nội, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
4. Nguyễn Viết Chức (chủ biên), Văn hóa ứng xử của người Hà Nội với môi trường thiên nhiên, Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002.
5. Trương Minh Dục, Lê Văn Định, Văn hóa và lối sống đô thị Việt Nam - một cách tiếp cận, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010.
6. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (đồng chủ biên), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, tái bản lần thứ 2, có sửa chữa, bổ sung, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.
7. Nguyễn Hồng Hà, Môi trường văn hóa với việc xây dựng lối sống và con người Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005.
8. Nguyễn Phương Lan, Môi trường văn hóa với việc xây dựng nhân cách và lối sống, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 329, tháng 11-2011, tr.8-10, 34.
9. Mai Hải Oanh, Bàn về môi trường văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 334, tháng 4-2012, tr.7-11.
10. Nguyễn Hữu Thức, Về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005.
TS NGUYỄN THÀNH NAM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022