Âm nhạc dân gian của tộc người H'rê ở Quảng Ngãi

Âm nhạc dân gian H’rê khá đa dạng và phong phú, tuy nhiên những giá trị về âm nhạc, văn hóa đang dần có nguy cơ mai một nếu mãi chỉ là ký ức của những người lớn tuổi. Để góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị âm nhạc dân tộc, TS Nguyễn Thế Truyền đã cho ra đời cuốn sách Âm nhạc dân gian của tộc người H’rê ở Quảng Ngãi, sau khi đạt giải thưởng cao của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vào tháng 12-2019, giải Nhì B (không có giải Nhất). Cuốn sách không chỉ cung cấp những kiến thức hữu ích mà còn giúp độc giả có cái nhìn hệ thống và chi tiết về âm nhạc H’rê độc đáo làm say lòng người.

Để không còn là những hoài niệm…

Việc nghiên cứu âm nhạc của một tộc người ở một địa phương cụ thể có tác dụng làm rõ các vấn đề của hiện tượng văn hóa, góp phần bảo tồn những giá trị âm nhạc, văn hóa đang có nguy cơ bị mai một. Đây cũng là cách kế thừa và phát huy di sản văn hóa truyền thống, phục vụ trong việc nghiên cứu âm nhạc các dân tộc cư trú vùng triền Đông Trường Sơn, trong không gian văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên.

Cuốn sách Âm nhạc dân gian của tộc người H’rê ở Quảng Ngãi do Nxb Giáo dục Việt Nam phát hành, là kết quả của quá trình TS Nguyễn Thế Truyền - người con gốc Quảng Ngãi, đã đi sâu vào nghiên cứu, khảo sát thực hiện những chuyến điền dã viết nên. Với mong muốn đưa những giai điệu của núi rừng, âm thanh của đại ngàn đến gần hơn với mọi người, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, qua cuốn sách, tác giả muốn gửi gắm thông điệp, những giá trị văn hóa âm nhạc từ xa xưa của dân tộc H’rê. Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, người H’rê vẫn gìn giữ và truyền dạy cho con cháu. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ cần tiếp thu, gìn giữ những tinh hoa của tổ tiên, ông bà để lại. Đứng trước những thử thách của toàn cầu hóa, để gìn giữ những giá trị âm nhạc truyền thống, điều quan trọng nhất là phải làm sao để tình yêu đối với âm nhạc dân gian tồn tại trong trái tim của mỗi người, nhất là lớp trẻ.

Gìn giữ và phát huy giá trị âm nhạc dân tộc

Khác với những tác phẩm trước đây, Âm nhạc dân gian của tộc người H’rê ở Quảng Ngãi đi sâu nghiên cứu âm nhạc dân gian bao gồm nhạc đàn, nhạc hát, thang âm, đặc điểm giai điệu, nhịp điệu và cấu trúc bài bản âm nhạc, giúp người đọc hình dung được nét đặc trưng về âm nhạc của người H’rê. Đây là công trình nghiên cứu toàn diện và chi tiết các khía cạnh âm nhạc dân gian trong đời sống của tộc người H’rê ở Quảng Ngãi; hệ thống hóa và nhận diện âm nhạc dân gian của người H’rê trên cơ sở tổng hợp âm nhạc từng vùng khác nhau ở Quảng Ngãi; góp phần làm rõ giá trị văn hóa dân gian của người H’rê thể hiện trong âm nhạc, qua so sánh với các tộc người Tây Nguyên.

Tác giả đã phát hiện và bước đầu gợi mở một số vấn đề của văn hóa dân gian, dân tộc học và sử học, qua quá trình nghiên cứu âm nhạc tộc người và tiếp cận liên ngành. Đó là tên gọi về tộc danh, tên gọi nhạc khí k’la, chiếc tà vố (sáo đất), các vùng âm nhạc H’rê, cấu trúc thang âm cồng chiêng bộ 5 chiếc cũng như sự giao lưu giữa tộc H’rê (Chăm Rê hay Chăm Quảng Ngãi) với tộc Chăm diễn ra trong quá khứ, mà ngày nay vẫn còn nhiều dấu vết trong âm nhạc dân gian người H’rê.

Các vấn đề về giá trị văn học như: ca từ, thể thơ và các thủ pháp văn học được đề cập tới, nhưng chưa có điều kiện đi sâu. Tác giả nghiên cứu âm nhạc dân gian của người H’rê còn tồn tại trong đời sống hiện nay ở những địa điểm thuộc Quảng Ngãi có người H’rê sinh sống tập trung, những nơi còn sinh hoạt và lưu giữ âm nhạc dân gian. Nhưng âm nhạc cổ truyền của họ hiện không còn hoặc chỉ còn qua lời kể của người lớn tuổi cũng được xem xét đối chiếu, so sánh.

Sách gồm 4 chương: Chương I - Khái quát về văn hóa dân gian người H’rê ở Quảng Ngãi; Chương II - Âm nhạc dân gia H’rê ở Quảng Ngãi - nhìn từ góc độ văn hóa học; Chương III - Âm nhạc dân gian H’rê ở Quảng Ngãi - nhìn từ góc độ âm nhạc học; Chương IV - Đặc trưng và biến đổi của âm nhạc dân gian H’rê. Cuốn sách cho người đọc thấy rõ tính đa dạng âm nhạc dân gian của H’rê, là một biểu hiện của tính đa dạng trong thống nhất của âm nhạc dân gian Việt Nam và là kho dữ liệu phản ánh những khía cạnh của chủ thể sáng tạo, cũng như môi trường sống của họ. Nghiên cứu bao gồm: dân ca, dân nhạc; nêu những nét đặc trưng của âm nhạc vùng, khu vực; những nét riêng khác với các tộc người ở Tây Nguyên; chủ thể sáng tạo âm nhạc, môi trường sống và những biến đổi của nó. Các hướng nghiên cứu chủ yếu của tác giả là về âm nhạc dân gian tộc người của các tộc thiểu số cư trú bên triền Đông của dãy Trường Sơn; Âm nhạc dân gian cả người Việt Trung Bộ, Nam Bộ; Âm nhạc dân gian người Khmer Nam Bộ. Bao gồm các vấn đề: dân ca, nhạc khí, cấu trúc bài bản, cấu trúc thang âm - điệu thức, thanh điệu, trong cách tiếp cận của âm nhạc học, nhạc khí học và nghệ thuật học.

Cuốn sách góp phần nâng cao nhận thức của người H’rê và xã hội về các giá trị văn hóa dân gian thể hiện trong âm nhạc, giúp người H’rê thêm quý trọng giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tác giả: Việt An - Ngọc Hân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;