Tiếp nối thành công từ Hội thi tổ chức các hoạt động tuyên truyền lưu động tỉnh An Giang lần thứ I - năm 2019, sau thời gian dài bị dịch COVID-19 làm cho gián đoạn, năm nay, Sở VHTTDL đã tổ chức Hội thi tổ chức các hoạt động tuyên truyền lưu động tỉnh An Giang lần II - năm 2022.
Tranh đoạt giải Nhất (đơn vị Long Xuyên) phần thi Sáng tác tranh cổ động
Hội thi tổ chức các hoạt động tuyên truyền lưu động năm nay được tổ chức trong không khí tỉnh An Giang đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022), 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2022) và đặc biệt là hướng đến kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022). Ban Tổ chức xác định, cuộc thi là dịp “tổng duyệt” về hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của các Đội tuyên truyền lưu động ở cơ sở. Qua đó, có sự đánh giá về hiệu quả đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Hội thi còn là nơi để các tuyên truyền viên ở các đơn vị cơ sở gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, góp phần nâng chất hoạt động của các đội Tuyên truyền lưu động trong tỉnh.
Hội thi diễn ra từ ngày 28/7 đến ngày 30/7/2022 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang, có sự tham gia của hơn 230 tuyên truyền viên đến từ các Đội Tuyên truyền Lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa Thể thao; Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch; Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh 11 huyện, thị và thành phố. Hội thi năm nay có 3 nội dung, được Hội đồng chấm chọn đánh giá phân loại riêng biệt, gồm: chương trình văn nghệ tuyên truyền, sáng tác tranh tranh cổ động và trang Facebook tuyên truyền.
Ở phần thi chương trình văn nghệ tuyên truyền, các đội xây dựng chương trình văn nghệ gồm các thể loại ca múa nhạc… có thời lượng tối đa 30 phút (riêng các chương trình có tiểu phẩm hoặc chập cải lương thì được phép tối đa 40 phút). Chương trình văn nghệ tuyên truyền phải bám sát các nội dung: ca ngợi Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của toàn dân tộc; việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ca ngợi những thành tựu đạt được của đất nước Việt Nam, của quê hương An Giang, của địa phương trong thời kỳ đổi mới; Chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022); phong trào xây dựng Nông thôn mới; tình đoàn kết đoàn kết các dân tộc anh em trên quê hương An Giang; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; chủ quyền biên giới và biển đảo quê hương; gương người tốt việc tốt, sức trẻ và tuổi thanh xuân trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh; phê phán những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, an toàn giao thông, bạo lực gia đình và bạo lực học đường… Bên cạnh đó, Ban Tổ chức yêu cầu chương trình dự thi bắt buộc phải có tối thiểu 3 phương thức cơ bản của chương trình tuyên truyền lưu động là: Văn nghệ cổ động; cổ động trực quan; tuyên truyền miệng. Ngoài ra, tùy vào đặc điểm từng địa phương, có thể sáng tạo các phương thức tuyên truyền khác phù hợp với thực tế sao cho chương trình đạt hiệu quả cao nhất. Cách thức triển khai các phương thức tuyên truyền không gò bó theo quy định. Có thể riêng rẽ từng phương thức hoặc được kết hợp nhuần nhuyễn, hòa quyện trong một kịch bản sân khấu hóa văn nghệ cổ động. Phần văn nghệ tuyên truyền không bắt buộc phải có tiểu phẩm. Nếu có tiểu phẩm, tùy vào từng địa phương, có thể sử dụng tiểu phẩm sân khấu, chập cải lương, Đờn ca tài tử hoặc tiểu phẩm tuyên truyền cổ động.
Ban Tổ chức trao thưởng cho các đơn vị đoạt giải
Về phần thi sáng tác tranh cổ động, mỗi đơn vị gửi từ 3 đến 5 tác phẩm dự thi, khổ 54cm x 79cm. Tác phẩm tham gia dự thi là tranh cổ động vẽ bằng tay hoặc vẽ bằng vi tính; không hạn chế về chất liệu, màu sắc và hình thức thể hiện, phải là những sáng tác trong thời gian gần đây, chưa gửi tham gia các cuộc thi khác, chưa được phổ biến bất cứ hình thức nào. Tranh cổ động dự thi hướng tới các nội dung: chào mừng 77 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCNVN (2/9/1945 - 2/9/2022); Chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/08/1888 - 20/8/2022); Chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022), qua đó phản ánh những thành tựu nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương An Giang; tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc.
Ở trang Facebook, Ban Tổ chức yêu cầu các đơn vị dự thi tiếp tục duy trì và phát triển trang Facebook mang tên đơn vị: Đội Văn nghệ tuyên truyền (tên đơn vị) ở Hội thi trước. Khi xây dựng trang facebook tuyên truyền, các đơn vị phải có quyết định phân công tổ biên tập trang, cá nhân là chủ trang chịu trách nhiệm nội dung, biên tập và đưa lên trang bài viết tuyên truyền, hình ảnh, video clip, các hình thức khác theo đúng quy định. Nếu đơn vị không tham gia theo tên trang của đơn vị, có thể đăng ký tham gia dự thi với tư cách trang cá nhân. Thành viên tham gia là cán bộ, viên chức hoặc là cộng tác viên của đơn vị. Trong trường hợp này, cá nhân chịu trách nhiệm về nội dung trang. Nếu đăng ký thi với hình thức trang cá nhân, giải thưởng sẽ dành cho cá nhân là chủ trang dự thi. Trang Facebook dự thi phải thường xuyên đăng tải các nội dung tuyên truyền: tuyên truyền cổ động thực hiện đường lối chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước; quảng bá những mặt tích cực, gương người tốt việc tốt xây dựng quê hương đất nước, phê phán những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội. Hình thức tuyên truyền đảm bảo sinh động, phong phú, sáng tạo, tập trung cho các hình thức chủ yếu như: Bài viết, cảm nghĩ cá nhân về các sự kiện đất nước, những hình ảnh hoạt động tuyên truyền ở địa phương trên mọi lĩnh vực: pano, băng ron, cờ phướn, tranh cổ động, các loại hình văn nghệ tuyên truyền, các bài hát, tiểu phẩm sân khấu, múa, clip hay…
Thông qua 3 nội dung nêu trên, Hội thi đã nhận được 44 tranh cổ động tuyên truyền, 11 trang Facebook tuyên truyền và 10 chương trình văn nghệ tuyên truyền đăng ký dự thi. Sau thời gian chấm chọn, Ban Tổ chức quyết định trao 24 giải thưởng ở phần thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền, trong đó tranh “Chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022)” của Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh TP. Long Xuyên đạt giải Nhất. Ở phần thi trang facebook tuyên truyền có 7 giải thưởng, trong đó trang Facebook “Đội Văn nghệ tuyên truyền Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh TP. Châu Đốc” đoạt giải Nhất. Ở phần thi chương trình văn nghệ tuyên truyền có 23 giải thưởng, trong đó đơn vị Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh TP. Châu Đốc đoạt giải Nhất toàn đoàn.
Phát biểu tại lễ Tổng kết trao giải của Hội thi, ông Trương Bá Trạng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL - Phó Trưởng ban Tổ chức Hội thi đánh giá: “Trong những ngày diễn ra Hội thi, đã thu hút đông đảo khán giả đến xem, ủng hộ và chia sẻ. Điều đó chứng tỏ rằng, loại hình tuyên truyền lưu động vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Sự thành công của Hội thi lần này đã góp phần làm sâu sắc thêm tiềm năng, lợi thế và sức mạnh của những giá trị cốt lõi trong đời sống văn hóa tinh thần, động lực phát triển của đất và người An Giang. Đây còn là dấu ấn tích cực của ngành, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh nhà”.
LÊ QUANG TRẠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022