BÀN VỀ MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA

Môi trường không những là một khái niệm sinh thái học, nó còn là một phạm trù triết học, bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường văn hóa. Sự phát triển của con người từ xưa đến nay luôn gắn với môi trường, trong đó có môi trường văn hóa. Càng ngày, người ta càng ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của môi trường văn hóa đối với phát triển. Nhưng môi trường văn hóa là gì, đâu là nội hàm căn bản của nó thì đến nay vẫn chưa phải đã được thống nhất trong giới khoa học.

1. Nội hàm của môi trường văn hóa

Theo sự quan sát của chúng tôi, có thể nói đến ba quan điểm chính sau đây:

Thứ nhất, coi môi trường văn hóa gần như đồng nhất với môi trường xã hội. Điều này thể hiện rõ nhất khi lý giải ảnh hưởng của môi trường văn hóa đối với cá nhân: các yếu tố như thành phần xuất thân, địa bàn sinh trưởng và sinh sống, truyền thống gia đình, giáo dục, cộng đồng, giai cấp, đơn vị công tác, xã hội và truyền thông đại chúng... đều tác động đến nhân cách và hành vi cá nhân.

Thứ hai, coi môi trường văn hóa là bộ phận hợp thành của môi trường xã hội; môi trường văn hóa thường bền vững hơn trong khi môi trường xã hội luôn biến đổi linh hoạt. Môi trường văn hóa luôn gắn liền với hệ quan điểm, chuẩn mực thẩm mỹ và các giá trị văn hóa, có tác động sâu sắc và tích cực đến con người và xã hội. Nhưng trong nhiều trường hợp, nó thay đổi chậm hơn so với những biến động của môi trường xã hội.

Thứ ba, khẳng định môi trường văn hóa là phương diện cấu thành của văn hóa và phát triển văn hóa. Từ góc độ hình thái học, văn hóa bao gồm thực tiễn sáng tạo văn hóa, giá trị văn hóa và tâm lý văn hóa. Môi trường văn hóa là tổng hòa của ba phương diện này. Đó cũng là ba phương diện cơ bản tạo nên phát triển văn hóa.

Có thể nói, ba hệ quan điểm trên đây đều có cơ sở lý luận và thực tiễn. Loại ý kiến thứ nhất là sự mở rộng tối đa nội hàm khái niệm, coi mọi hoạt động và sáng tạo của con người đều là văn hóa. Loại ý kiến thứ hai nhìn văn hóa trong tổng thể cấu trúc xã hội khi coi môi trường văn hóa là một bộ phận quan trọng, có chiều sâu của môi trường xã hội. Loại ý kiến thứ ba tập trung vào mối quan hệ nội tại của văn hóa. Đây là quan niệm sát đúng hơn cả, tránh được sự chồng chéo và sự mở rộng quá mức nội hàm khái niệm. Coi môi trường văn hóa là một yếu tố cấu thành của văn hóa, quan niệm này đã phân biệt rõ cấu trúc và nội dung của môi trường văn hóa, khẳng định môi trường văn hóa có ảnh hưởng to lớn đến hoạt động của sáng tạo văn hóa.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, việc mở rộng đến mức đồng nhất môi trường văn hóa và môi trường xã hội sẽ không nhìn thấy tính đặc thù của môi trường văn hóa, biểu hiện qua các phương diện sau:

Một là, do đặc tính cơ bản của văn hóa. Về tổng thể, cấu trúc xã hội mang tính hiện thực và được hình thành trên các quan hệ có tính vật chất, trong khi văn hóa chủ yếu là những sản phẩm tinh thần. Vì thế, môi trường văn hóa chủ yếu là môi trường tinh thần. Tính phi vật chất là nét nổi bật của môi trường văn hóa, nó khác biệt với môi trường xã hội là môi trường vật chất.

Hai là, do tính đặc thù về phương thức tác dụng. Tồn tại và tác dụng của môi trường xã hội (chủ yếu là tình hình kinh tế xã hội) là một loại sức mạnh hiện thực. Môi trường văn hóa lại tác động theo hình thức thấm dần vào cảm nhận và tinh thần của con người. Sức mạnh của nó có tính vô hình so với tính hữu hình và trực tiếp của môi trường xã hội.

Ba là, do tính đặc thù về trạng thái vận động. Tương ứng với sự biến đổi có tính quỹ tích của kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường xã hội cũng biến đổi nhanh chóng và có thể định lượng. Môi trường văn hóa với tư cách là một bộ phận thuộc thượng tầng kiến trúc tất nhiên gắn liền với sự biến đổi của cơ sở hạ tầng, nhưng nó có tính độc lập tương đối. Tính lắng đọng của môi trường văn hóa là một thực tế so với tính sôi động và hiện thực của môi trường xã hội. Điều này vừa tạo nên tính bền vững của môi trường văn hóa, vừa rất dễ trở thành yếu tố bảo thủ của nó.

Như vậy, có thể khẳng định môi trường văn hóa là tổng hòa các loại điều kiện văn hóa tinh thần tồn tại xung quanh chủ thể và tác động tới hoạt động chủ thể. Yếu tố chủ yếu tạo thành môi trường văn hóa là giáo dục, khoa học, kinh tế, văn nghệ, đạo đức, tôn giáo, triết học, tâm lý dân tộc và tập tục truyền thống.

2. Cấu trúc của môi trường văn hóa

Là một hệ thống, môi trường văn hóa có cấu trúc đặc thù, bao gồm các tầng bậc sau đây:

Tầng thứ nhất, hay còn gọi là tầng cơ sở, là tầng rộng nhất vì môi trường văn hóa hiện diện ở khắp nơi, can dự đến mọi hành vi, cách sống của các thành viên trong xã hội. Rõ nhất là phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, văn hóa đại chúng, văn hóa lễ hội, giáo dục trẻ thơ và giáo dục phổ thông... Bên cạnh đó, sinh hoạt tôn giáo cũng là một yếu tố hợp thành tầng cơ sở của môi trường văn hóa. Ngoài ra, tầng cơ sở của môi trường văn hóa còn có môi trường dư luận xã hội gồm 2 bộ phận: một bộ phận gắn liền với đạo đức và quan niệm truyền thống (chủ yếu mang tính tự phát); một bộ phận nữa là dư luận do chính quyền sử dụng truyền thông đại chúng để tuyên truyền và tạo dư luận rộng rãi về nhiều vấn đề khác nhau (một cách có ý thức).

Tầng thứ hai là môi trường văn hóa của tầng lớp có học thức, có nghề nghiệp nhất định trong xã hội. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp thì có môi trường văn hóa doanh nghiệp, đối với sinh viên các trường đại học cao đẳng thì có môi trường văn hóa trường học. Các trường cao đẳng, đại học là tầng cao nhất của hệ thống giáo dục xã hội. Sinh viên các trường cao đẳng, đại học tất nhiên phải chịu tác động của môi trường xã hội và môi trường văn hóa nhưng trước hết và trực tiếp nhất là chịu sự tác động của môi trường văn hóa nhà trường.

Tầng thứ ba là môi trường văn hóa của tầng lớp trí thức bậc cao như các nhà quản lý hoạch định chính sách, các nhân tài khoa học kỹ thuật và nghệ thuật, các nhà văn hóa, giáo sư đại học... Môi trường văn hóa tầng thứ ba có thể kể đến: tư duy triết học (thế giới quan, nhân sinh quan...) tác động đến sự lựa chọn và con đường phát triển của các cá nhân; quan điểm khoa học, quan điểm văn nghệ, quan điểm đạo đức... chi phối đến hành vi và ứng xử văn hóa của tầng lớp này; không gian văn hóa và trình độ thưởng thức, chia sẻ văn hóa.

Sự tách biệt ba tầng văn hóa trên đây chỉ là tương đối. Mối quan hệ giữa các tầng văn hóa này rất chặt chẽ, vì ai cũng phải trải qua sự giáo dục từ thấp đến cao.

Mặt khác, từ góc độ thời gian và không gian, cũng có thể nhìn thấy cấu trúc môi trường văn hóa gồm ba phương diện: hiện thực hiện tại của dân tộc, quốc gia, văn hóa bản địa truyền thống và văn hóa nước ngoài.

Nói văn hóa bản địa là cốt lõi của môi trường văn hóa là hoàn toàn có cơ sở lý luận và thực tiễn. Dù tự giác hay không, con người luôn dựa vào kinh tế, chính trị và đời sống xã hội để tạo dựng môi trường văn hóa của mình. Nhưng môi trường văn hóa không phải nhất thành bất biến mà có sự vận động, biến đổi. Mặt khác, ở mỗi quốc gia, mỗi vùng đất lại có môi trường văn hóa khác nhau. Ngay cả trong quá trình giao lưu hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, bên cạnh những nét chung thì môi trường văn hóa các quốc gia, về đại thể, vẫn mang tính đặc thù. Khác với môi trường văn hóa quá khứ, môi trường văn hóa nước ta hiện nay gắn liền với chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu tinh thần nhân văn tiến bộ của văn hóa nhân loại hiện đại...

Môi trường văn hóa đương đại là một tổ hợp phức tạp: công khai và bán công khai, hợp pháp và bất hợp pháp, dòng chính và ngoại vi, tiến bộ và lạc hậu, nhân văn và phản nhân văn, kế thừa và tiếp thu, dân tộc và nhân loại...

Văn hóa truyền thống luôn có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cấu trúc môi trường văn hóa đương đại. Sự khúc xạ hay ảnh hưởng của văn hóa cũng như môi trường văn hóa truyền thống dĩ nhiên không thẳng tuột mà thẩm thấu phức tạp. Ở đây, cần thấy mối quan hệ hai chiều. Một mặt, môi trường văn hóa truyền thống tác động lên môi trường văn hóa đương đại, mặt khác, môi trường văn hóa đương đại chọn lựa và cải biến khiến cho yếu tố truyền thống phù hợp với cấu trúc nội tại của nó. Hơn nữa văn hóa đương đại sau một thời gian tồn tại, sẽ lùi về kho tàng văn hóa truyền thống. Như vậy, mối quan hệ giữa môi trường văn hóa truyền thống và môi trường văn hóa đương đại là tất yếu và cần thiết. Mọi hành động tách rời, đoạn tuyệt văn hóa truyền thống cực đoan sẽ rơi vào thảm họa. Nói cách khác, muốn phát triển văn hóa đúng đắn, phải xuất phát trên nền tảng của văn hóa dân tộc, phát huy sức mạnh văn hóa truyền thống trong sự thích ứng với môi trường văn hóa hiện đại. Ảnh hưởng của môi trường văn hóa truyền thống, tất nhiên có cả yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực. Vì thế, cần có sự chọn lọc cần thiết, biến yếu tố truyền thống thành động lực phát triển và nuôi dưỡng môi trường văn hóa đương đại.

Song song với việc tiếp thu và phát huy những yếu tố văn hóa truyền thống, việc hấp thụ những yếu tố tích cực trong môi trường văn hóa nhân loại cũng hết sức quan trọng. Văn hóa bên ngoài bao gồm cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Đối với nhiều quốc gia, ưu thế của văn hóa phương Tây là tinh thần dân chủ nhưng đó cũng là thứ văn hóa của các nước phát triển từng đi xâm lược các quốc gia kém phát triển. Gắn liền với quá trình xâm lược, các nước phương Tây thực hiện chính sách truyền bá văn hóa theo quan điểm Âu dĩ vi trung. Vì thế, trong quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây và văn hóa các nước lớn (Trung Hoa, Ấn Độ...), các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, cần tỉnh táo để không bị đồng hóa, chèn ép về văn hóa và không gian sinh tồn phát triển văn hóa. Giao lưu văn hóa rộng lớn là một đặc điểm nổi bật của kỷ nguyên toàn cầu hóa, nhưng điều quan trọng là phải ý thức được rằng, yếu tố nội sinh là cái đi trước, yếu tố ngoại sinh là cái bổ sung, làm giàu thêm văn hóa dân tộc và đồng thời, cũng là cơ hội, con đường để quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới.

Như vậy, về cơ bản, mối quan hệ giữa văn hóa đương đại với văn hóa truyền thống là mối quan hệ chiều dọc (thời gian), còn mối quan hệ với văn hóa nước ngoài là mối quan hệ chiều ngang (không gian). Cốt lõi và cơ sở của môi trường văn hóa nước ta ngày nay là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam. Phải làm sao để văn hóa hiện thực bắt rễ thật sâu vào đời sống thì mới thể điều chỉnh và tiếp thu một cách hiệu quả văn hóa truyền thống và văn hóa nhân loại, tạo thành sức mạnh thật sự để phát triển văn hóa.

Môi trường văn hóa của một xã hội bao hàm cả phẩn cứng và phần mềm. Phần cứng là cơ sở hạ tầng: giáo dục, nghiên cứu khoa học, vui chơi giải trí và du lịch văn hóa... Phần mềm bao gồm nội dung giáo dục tư tưởng lý luận, tinh thần dân tộc và giá trị văn hóa. Muốn hình thành môi trường văn hóa tốt đẹp, cần coi trọng cả phần cứng lẫn phần mềm, biết kết hợp chúng một cách hài hòa trong một chỉnh thể thống nhất.

3. Môi trường văn hóa và sự ổn định, phát triển tiến bộ xã hội

Từ tầm nhìn vĩ mô, môi trường văn hóa là một bộ phận hợp thành của môi trường xã hội, vì thế, nó có vai trò to lớn đối với sự ổn định, phát triển và tiến bộ xã hội.

Môi trường văn hóa và ổn định xã hội

Ổn định xã hội là tiền đề để xã hội vận hành và phát triển một cách bình thường. Một xã hội không ổn định thì tất cả các ý tưởng phát triển đều thiếu bền vững và không thể trở thành hiện thực. Yếu tố có tính quyết định đối với ổn định xã hội là tình trạng kinh tế xã hội tốt đẹp và đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Vai trò của môi trường văn hóa đối với ổn định xã hội biểu hiện như sau:

         Thứ nhất, môi trường văn hóa có ảnh hưởng đến sự hình thành quan điểm giá trị và quan niệm phân phối xã hội một cách hợp lý, nhân văn, phù hợp với các tầng lớp khác nhau trong xã hội nhằm bảo đảm sự ổn định. Tùy thuộc vào đặc thù văn hóa và quan điểm giá trị khác nhau, mỗi quốc gia sẽ có lựa chọn riêng. Có những quốc gia nhấn mạnh công bằng xã hội, hài hòa xã hội. Quan điểm này sẽ chi phối cách phân phối xã hội, chính sách hỗ trợ xã hội, giúp đỡ người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Ngược lại, có những quốc gia coi trọng quan điểm cá lớn nuốt cá bé, kỳ thị chủng tộc. Nếu như quan điểm trước có lợi cho ổn định xã hội thì quan điểm sau lại tạo nên bất bình xã hội, dẫn tới xung đột xã hội và biến động chính trị.

Thứ hai, môi trường văn hóa ảnh hưởng tới ổn định xã hội thông qua quan hệ giữa người với người. Xã hội là do con người tổ chức hợp thành. Cá nhân, gia đình là tế bào của xã hội. Con người sống trong xã hội tất nhiên sẽ phát sinh nhiều loại quan hệ và những mối quan hệ này ở những mức độ khác nhau sẽ ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Có thể nói, quan hệ người - người rất đa dạng và phức tạp: hợp tác và bất hợp tác, lãnh đạo và phục tùng, lạnh nhạt và nồng thắm, lại có loại đấu đá trực tiếp hoặc ngấm ngầm... Rõ ràng, những loại hình quan hệ này sẽ hoặc tăng thêm sức mạnh, hoặc làm giảm sút tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, tập thể và xã hội. Nhân tố ảnh hưởng tới quan hệ giữa người với người cũng nhiều loại, như tính cách, lợi ích, truyền thống... Ở đây, nhân tố môi trường có ảnh hưởng rất lớn đối với việc hình thành quan hệ giữa người với người. Trong quan hệ người - người thì môi trường là chủ thể lớn nhất. Binh pháp Tôn Tử cho rằng thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Thiên thời, địa lợi là môi trường tự nhiên. Nhân hòa là sự hài hòa xã hội và con người. Đây là tư tưởng rất có giá trị, vì muốn tạo dựng môi trường văn hóa có lợi cho ổn định xã hội thì trước hết phải coi trọng nhân hòa. Nhưng không thể lầm lẫn coi nhân hòa là đoàn kết một chiều, ba phải và xu nịnh, lấy lòng.

Môi trường văn hóa có lợi cho ổn định xã hội khi ý thức đạo đức, bao gồm quan niệm công đức xã hội và quan niệm đạo đức nghề nghiệp được chú trọng. Dùng đạo đức nghề nghiệp và công đức xã hội để quy phạm hành vi của mọi người. Thông qua dư luận xã hội và hoạt động văn hóa làm cho các yêu cầu đạo đức trở thành một bộ phận hợp thành ý thức tư tưởng của mọi công dân.

Môi trường văn hóa có lợi cho ổn định xã hội khi công bằng xã hội được thực hiện. Môi trường văn hóa tạo cơ hội, điều kiện hưởng thụ văn hóa. Hưởng thụ giáo dục được coi là phương diện rộng nhất trong môi trường văn hóa. Cơ hội hưởng thụ giáo dục là vô cùng quan trọng với tất cả mọi người, vì nó chuẩn bị hành trang tri thức để thích ứng được với những yêu cầu của xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, việc hưởng thụ các giá trị tinh thần khác thông qua sách báo, TV, ca nhạc, triển lãm, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cũng rất quan trọng. Vấn đề đặt ra hiện nay là song song với việc mở rộng không gian và môi trường văn hóa, cần chú trọng hơn nữa chất lượng hưởng thụ văn hóa, giảm dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa vùng phát triển nhanh và vùng phát triển chậm, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Môi trường văn hóa và biến đổi xã hội

Xã hội ổn định không có nghĩa là xã hội không có biến đổi. Trong hệ thống xã hội to lớn và phức tạp, giữa các tầng bậc, thành phần, yếu tố có thể xảy ra tình trạng không thích ứng, không hài hòa - cội nguồn khách quan của biến đổi xã hội. Mục đích của biến đổi xã hội là giải quyết mâu thuẫn và khắc phục tình trạng không thích ứng để làm cho xã hội phát triển thuận lợi. Nhìn vào lịch sử, có thể nhận thấy hai loại biến đổi xã hội chính: thứ nhất, biến đổi lật đổ khi giai cấp thống trị không còn khả năng lãnh đạo xã hội; thứ hai, biến đổi mang tính cải cách khi giai cấp thống trị ý thức được tình trạng không thích ứng giữa các quan hệ xã hội, sự căng thẳng ngột ngạt trong môi trường văn hóa và họ tìm mọi cách để khắc phục tình trạng này nhằm bảo đảm sự phát triển của xã hội một cách thuận lợi. Với tư cách là một bộ phận hợp thành môi trường xã hội, môi trường văn hóa tất có liên quan đến sự biến đổi xã hội, đặc biệt đến văn minh chính trị của nhà cầm quyền và sự lựa chọn hình thức phát triển đất nước của người dân.

Môi trường văn hóa với tiến bộ xã hội

Tiến bộ về văn minh vật chất và văn minh tinh thần của nhân loại là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có sức tác động của môi trường văn hóa.

Về văn minh vật chất, ở mỗi giai đoạn, sự phát triển của nó khác nhau vì được hình thành trên những điều kiện và cơ sở khác nhau. Trước đây, con người chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và ứng dụng cơ khí để phát triển. Ngày nay, sự phát triển gắn liền với thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại như kỹ thuật số, công nghệ tin học, công nghệ sinh học... Như vậy, văn minh vật chất hiện đại không còn dựa nhiều vào thể lực mà chủ yếu dựa vào trí lực, không phải khai thác và lợi dụng tài nguyên theo kiểu tiêu hao mà khai thác tài nguyên song song với bảo vệ và tái sinh tài nguyên. Nền văn minh vật chất hiện đại, vì thế, phải dựa vào trình độ khoa học cao, mà muốn đạt trình độ cao thì phải phát triển khoa học, giáo dục, công nghệ... những thành tố quan trọng nhất của môi trường văn hóa. Một môi trường văn hóa tốt sẽ giúp con người đạt được những thành tựu mới về văn minh vật chất.

        Còn về văn minh tinh thần, tác động của môi trường văn hóa là điều không cần bàn cãi. Trước hết, môi trường văn hóa tốt đẹp sẽ tương thích và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường văn hóa vì thành phần cơ bản của môi trường văn hóa bao gồm hiện trạng đời sống văn hóa, giáo dục khoa học kỹ thuật, phương thức đạo đức xã hội và lý luận tư tưởng. Đây cũng chính là những phương diện cơ bản cấu thành văn hóa tinh thần xã hội. Vì vậy mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa và xây dựng văn hóa tinh thần là hoàn toàn thống nhất. Thứ hai, phạm vi môi trường văn hóa rộng hơn giá trị văn hóa tinh thần. Vì môi trường văn hóa bao gồm loại hình văn hóa, hoạt động văn hóa, tâm lý văn hóa nên ở đó, tồn tại cả cái tốt và cái xấu, tích cực và tiêu cực, tiến bộ và lạc hậu... Còn phạm trù văn hóa tinh thần là chỉ những giá trị mang ý nghĩa kết tinh, ở đó không có chỗ cho những sản phẩm văn hóa kém chất lượng. Vì thế, cần phải loại trừ những mặt tiêu cực, phi nhân văn để môi trường văn hóa có khả năng tạo điều kiện tốt nhất cho việc hình thành những giá trị văn hóa mới. Giữa văn minh tinh thần và môi trường văn hóa có quan hệ hai chiều, thúc đẩy và tương hỗ. Văn minh tinh thần quy định việc xây dựng và tạo dựng môi trường văn hóa vừa thích ứng, phù hợp, vừa bảo đảm cho sự tồn tại của nó. Ngược lại, môi trường văn hóa là không gian và cũng là yếu tố tạo nên sắc thái riêng của văn minh tinh thần. Đối với nước ta hiện nay, việc xây dựng môi trường văn hóa phải xuất phát từ định hướng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa. Còn trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa của từng địa phương, cần chú ý sắc thái văn hóa riêng của từng vùng, phát huy đầy đủ sức mạnh của các sắc thái văn hóa ấy trong sự hài hòa của môi trường văn hóa quốc gia. Mặt khác, trong lộ trình xây dựng môi trường văn hóa, cần có những bước đi vững chắc và hợp lý. Chẳng hạn, việc xây dựng môi trường văn hóa của nông thôn phải khác với xây dựng môi trường văn hóa thành thị về nội dung, phương pháp, cách lựa chọn trọng điểm đột phá... Chỉ một khi chúng ta hình thành được môi trường văn hóa tinh thần tiên tiến, nhân văn thì lúc đó, khả năng sáng tạo của con người mới được phát huy tối đa và xã hội sẽ phát triển mạnh mẽ trong thế hài hòa.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 334, tháng 4-2012

Tác giả : Mai Hải Oanh

;