Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở cực Bắc của Việt Nam, bao gồm địa giới hành chính của 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, có diện tích tự nhiên 2.345km2, độ cao trung bình từ 1.400 - 1.600m và là nơi sinh sống của 17 dân tộc, trong đó có khoảng 11 dân tộc bản địa như dân tộc Mông, Dao, Tày, Pu Péo, Bố Y…Với tổng hòa, đa dạng các giá trị địa chất, địa mạo kiến tạo, văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học Đồng Văn đã hội tụ đủ các yếu tố để trở thành Công viên địa chất (CVĐC) quốc tế. Cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu (GGN) vào ngày 1/10/2010 (tại Lesvos, Hy Lạp), trở thành Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá đầu tiên của Việt Nam và là CVĐC thứ hai tại khu vực Đông Nam Á. Sau 14 năm được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, Cao nguyên đá Đồng Văn đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt đã góp phần định vị thương hiệu du lịch Hà Giang, để Hà Giang trở thành điểm đến thứ 25 trong 52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do Tạp chí New York Times (Mỹ) bình chọn, đồng thời đang hướng đến danh hiệu “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”, Giải thưởng Du lịch Thế giới lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương do World Travel Awards (WTA) tổ chức.
Trong quá trình phát triển, Hà Giang đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn theo hướng bền vững. Hà Giang đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC, tổ chức thành lập Ban Chỉ đạo phát triển CVĐC; ban hành các kế hoạch khung dài hạn, hằng năm, kế hoạch chi tiết triển khai từng nội dung, từng nhiệm vụ, các đề án chuyên đề để bảo vệ và phát triển CVĐC. Đặc biệt, Hà Giang đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển vùng CVĐC gồm quy hoạch về bảo tồn di sản văn hóa, địa chất, quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia, quy hoạch xây dựng CVĐC. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Giang thực hiện công tác bảo tồn và phát triển công viên địa chất theo hướng bền vững. Các cấp ủy, đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển CVĐC vào nội dung văn kiện các kỳ đại hội, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của ngành, địa phương. Lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC. Xác định để bảo vệ và phát huy được giá trị CVĐC cần có sự thống nhất đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Vì vậy, tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng đến các đối tượng từ học sinh đến già làng, trưởng bản, tiếp cận các hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội để nâng cao nhận thức cộng đồng. Tiêu biểu là đưa hoạt động CVĐC vào các trường học, xây dựng các chuyên đề truyền thông bằng tiếng dân tộc để tuyên truyền tại các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa… Vì vậy, hoạt động của CVĐC luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đồng bào. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị CVĐC. Hà Giang đã phối hợp với các chuyên gia điều tra, khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng 45 điểm di sản địa chất, di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu của quá trình kiến tạo địa chất và bản sắc văn hóa của cộng đồng 17 dân tộc trong vùng. Những bản sắc văn hóa ở đây được lưu giữ, bảo tồn tương đối nguyên vẹn, được thể hiện ở các loại hình di sản ngôn ngữ, chữ viết, kiến trúc, tín ngưỡng, tập quán canh tác sản xuất, sinh hoạt, trang phục, nghề thủ công... Điều đó được coi là điểm nổi bật của vùng CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn. Hà Giang đã tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ di sản, phục dựng di sản, truyền dạy di sản; tổ chức khoanh vùng bảo vệ di sản theo các quy định của pháp luật. Đến nay nhiều di sản văn hóa đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn như: danh thắng quốc gia Cột cờ Lũng Cú; kiến trúc nghệ thuật phố cổ Đồng Văn, dinh thự Nhà Vương; danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tri thức thổ canh hốc đá, Chợ phong lưu Khâu Vai, Lễ hội cầu an của người Giáy, cấp sắc của người Dao; kỹ thuật thổi và múa Khèn Mông; kỹ thuật thêu dệt thổ cẩm. Văn hóa ẩm thực độc đáo với những món ăn như mèn mén, thịt treo gác bếp, cá bỗng nướng, rượu ngô men lá, bia Tam giác mạch, mật ong bạc hà, trà San tuyết... đã làm say lòng du khách gần xa. Cùng với đó, Hà Giang chú trọng bảo tồn các làng văn hóa du lịch với kiến trúc truyền thống nếp sinh hoạt, phương thức canh tác sản xuất độc đáo, hấp dẫn như Làng văn hóa Lô Lô Chải, Làng văn hóa thôn Nặm Đăm, Làng văn hóa Lũng Cẩm, làng văn hóa Pả Vi... Hà Giang đang hướng tới xây dựng thương hiệu tiêu chuẩn ASEAN bằng nhiều hoạt động như: tập trung nguồn lực tổ chức cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, quy hoạch lại hệ thống bãi đỗ xe, sơn lại vạch kẻ đường, cải tạo hệ thống nhà vệ sinh, sắp xếp khu vực bàn hàng, dịch vụ tại một số điểm di sản. Các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn khu vực CVĐC được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo, giao thông đi lại tương đối thuận tiện. Công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ công trình giao thông đường bộ, hành lang an toàn giao thông thường xuyên được triển khai thực hiện. Tỉnh đã tổ chức đầu tư xây dựng 4 Trạm thông tin du khách tại các huyện vùng CVĐC gắn với 4 tuyến du lịch: hành trình lên nơi khởi nguồn sự sống; giai điệu cuộc sống trên miền đá; hành trình đến tự hào và hạnh phúc; hành trình đến với tương lai xanh. Đầu tư xây dựng Bảo tàng Không gian văn hóa các dân tộc Đồng Văn và gần 100 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào một cách ổn định, lâu dài và bền vững; góp phần tạo cảnh quan môi trường sinh thái, tạo điều kiện phát triển du lịch đối với CVĐC. Chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời tạo nguồn lương thực sạch phục vụ du khách, tăng thu nhập cho người dân yên tâm sống trên đá, thoát nghèo từ đá và làm giàu trên đá. Mở rộng hợp tác, quan hệ đối tác với các công viên trong nước và quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, phát triển, đồng thời quảng bá hình ảnh CVĐC Hà Giang tới du khách trong và ngoài nước. Tranh thủ ý kiến chuyên gia để kịp thời có những giải pháp bảo vệ và phát triển CVĐC theo hướng bền vững.
Trước khi gia nhập mạng lưới CVĐC, Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng vô cùng khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Địa hình vô cùng hiểm trở, chia cắt, trên 60% đá vôi lộ diện, thiếu đất, thiếu nước, giao thông đi lại khó khăn, không thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hôm nay, quay trở lại, CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn đã đánh dấu mốc quan trọng trong mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Đặc biệt, đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản CVĐC trong những năm qua đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển với các vùng miền trong tỉnh và trong nước. Xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị của CVĐC, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng công viên là một nhiệm vụ quan trọng. Định hướng chuyển đổi ngành nghề hướng tới phát triển du lịch và một nền nông nghiệp phục vụ du lịch có chuyển biến. Các sản phẩm phục vụ du lịch được sản xuất và tiêu thụ với số lượng và chất lượng cao hơn. Thông qua các hoạt động, dịch vụ góp phần tạo sinh kế cho cộng đồng 17 dân tộc trên vùng Công viên, mở ra hướng đi bền vững trong công tác giảm nghèo. Các dân tộc tự tin hơn, mạnh dạn hơn, yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm học tập, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế xây dựng quê hương, đất nước. Nhiều cơ hội làm giàu, phát triển được hiện thực hóa trên quê hương miền đá. Sở hữu nhiều loại hình di sản, đặc biệt là di sản địa chất đã mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế du lịch, đây là hướng đầu tiên trong khai thác CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Hiện, Hà Giang đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Nếu lượng khách du lịch đến với Hà Giang năm 2010 là 301.334 lượt; doanh thu du lịch dịch vụ chỉ đạt 308.900 triệu đồng thì đến năm 2022, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt 2.268.000 lượt, trong đó 70% lượt khách du lịch đến với CVĐC, doanh thu du lịch dịch vụ đạt 4.536.000 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2023, Hà Giang đã đón trên 1,4 triệu khách (tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 56,7% kế hoạch năm 2023), doanh thu du lịch đạt trên 3.300 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn cũng gặp một số khó khăn. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển chưa được giải quyết dứt điểm, một số di sản văn hóa có nguy cơ xâm hại, đồng thời thời tiết khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến hoạt động lao động sản xuất của đồng bào. Để giải quyết được vấn đề đó, cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư, các nhà đầu tư và khách du lịch. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Hà Giang, CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục giữ vững danh hiệu, đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
NGUYỄN HOÀI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023