Múa rối là loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian hết sức độc đáo của các dân tộc Việt Nam, trong đó, người Việt biểu diễn với hai hình thức là rối nước và rối cạn, còn các dân tộc thiểu số chỉ có múa rối cạn. Rối cạn của người Tày ở Thái Nguyên là rối que - một loại hình di sản văn hóa vừa có giá trị lịch sử tộc người, vừa mang giá trị tâm linh của dòng họ Ma Quang. Tuy cuộc sống của đồng bào Tày đã có nhiều thay đổi do quá trình cận cư với người Việt nhưng giá trị di sản văn hóa truyền thống múa rối cạn của họ vẫn được bảo lưu trong xã hội đương đại.
Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, người Tày đã sáng tạo nên một nền văn hóa phong phú, đa dạng, có sức hấp dẫn riêng. Ở một số địa phương như Thái Nguyên, Tuyên Quang, nhiều làng của người Tày có múa rối cạn bằng que, dây, rối máy (1). Trước năm 1960, ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên) có tới ba phường rối cạn (2), hiện nay chỉ còn thôn Thẩm Rộc (xã Bình Yên) và thôn Ru Nghệ (xã Đồng Thịnh) bảo tồn được loại hình này, trong đó nổi tiếng hơn cả là phường rối Thẩm Rộc thuộc dòng họ Ma Quang, đã lưu giữ, trao truyền, kế tục được gần 300 năm. Từ năm 1940-1960, loại hình nghệ thuật dân gian này bị mai một do địa phương nằm trong vùng hoạt động cách mạng của An toàn khu, những người biết múa rối cạn phải tham gia dân công mở đường, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 2000, phường rối Thẩm Rộc được khôi phục, duy trì hoạt động tồn tại cho đến nay.
1. Nguồn gốc và đặc điểm của rối cạn Thẩm Rộc
Tên múa rối mới chỉ phổ cập trong danh xưng của người Tày từ khi môn nghệ thuật này được Nhà nước phát triển thành nghệ thuật sân khấu với các đoàn múa rối chuyên nghiệp và phong trào múa rối nghiệp dư (3). Người Tày gọi múa rối cạn là ổi lỗi hay slương pất lạp, mộc thầu hí.
Chưa có nguồn tài liệu nào công bố về thời gian lập phường rối Thẩm Rộc. Theo kết quả nghiên cứu, trước năm 1945, ông Ma Quang Thọ là trưởng họ kế thừa các quân rối của tổ tiên. Ông Ma Khắc Đắc tức Vãi Tiền (1898-1969) là người cao tuổi nhất phường rối cho biết: “nghệ thuật múa ổi lỗi đến đời của ông Thọ là đời thứ 4”. Truyện kể rằng, ông Ma Quang Đản theo học nghề mộc từ vùng Thanh Hóa đã học thêm nghệ thuật múa rối cạn đem về truyền dạy cho con cháu trong dòng họ. Ông Đản có biết chữ Hán và chữ Nôm, ghi chép được các bài giáo trò (4). Theo cách tính của các nhà dân tộc học lịch sử, một đời tương đương từ 20-25 năm. Căn cứ vào tư liệu của ông Mai Khắc Đắc, đến đời của ông đã 4 đời, tương đương từ 80-100 năm, có nghĩa phường rối Thẩm Rộc có thể được hình thành từ những năm 30 TK XIX. Như vậy, nghề rối cạn của dòng họ Ma Quang truyền đến nay được 14 đời, tương đương khoảng gần 300 năm (nếu tính một đời là 20 năm). Hội (phường) gồm trên 10 người trong họ và chỉ có trưởng họ được thừa kế, làm trùm và giữ gìn quân rối, đạo cụ, sách giáo trò…
Hội ổi lỗi chia ra làm hai nhóm, một nhóm chuyên tạc rối, múa, giáo trò là những người nam giới; một nhóm chuyên hát nhà tơ gồm 4 nữ giới, một kép đánh đàn đáy (5). Quá trình nghiên cứu cho thấy, phường rối Thẩm Rộc thuộc loại hình múa rối cạn, chủ yếu điều khiển con rối bằng que, dây, sào máy. Thông qua đôi tay điêu luyện của người biểu diễn, những con rối đã trở thành nhân vật trong tích truyện, trở nên sinh động, gần gũi hơn.
Về quá trình hình thành và phát triển của phường rối Thẩm Rộc, ông Ma Quang Được cho biết: Khởi dựng ban đầu của bộ rối chỉ có 6 con, trong đó có 2 con to hơn, gọi là rối đầu đàn, đó là con đực - rối nam, mặt đỏ và con cái - rối nữ, mặt trắng. Theo thời gian, bộ rối phát triển thành 12 con, đến nay là 33 con (năm 2020). Các con rối hình người của phường rối tạc theo kiểu bán thân (nửa thân trên). Có những con rối là một khối liền (rối trâu), nhưng phần lớn có nhiều bộ phận, chi tiết được ghép lại với nhau bằng những mối lạt giang hay lạt mây, tạo thành các khớp, giúp cho chúng cử động dễ dàng hơn.
Tùy thuộc vào con rối và tích truyện mà người ta vừa dùng bằng que vừa dùng dây, tay hay sào máy để biểu diễn. Với quân rối đầu đàn chỉ tạc nửa thân trên, một que tre cắm nối thêm để cầm giữ cả con rối; hai que cắm vào hai khuỷu tay để biểu diễn. Với hai con rối đầu đàn, rối trâu đi cày, lão bà đi cấy, lão nông cuốc đất thường dùng cả que và dây, giấu kín trong quần áo. Sào máy gồm một sào tre hay gỗ dài khoảng 3m, đầu có bàn máy để lắp con rối. Máy dây gồm dây cái mắc theo một hệ thống cọc, có bàn máy lớn lắp được nhiều quân rối với nhiều dây nhỏ điều khiển. Sự đơn giản trong tạo hình, điều khiển, kỹ thuật chế tác là điều kiện thuận lợi để nghệ nhân sáng tạo ra nhiều động tác đẹp trong khi biểu diễn.
2. Quy trình chế tác, kỹ thuật điều khiển
Nét độc đáo của nghệ thuật múa rối cạn người Tày thể hiện rõ nhất ở cách thức, quy trình, kỹ thuật làm ra con rối. Rối được làm từ gỗ, có nhiều loại khác nhau. Dụng cụ chế tác chủ yếu là cưa và dao. Cưa tay để cắt các đoạn gỗ theo kích thước đã định. Dao dùng đẽo gọt nhẵn mặt gỗ và tạo hình; sau đó sơn phết, tô vẽ, trang trí bằng phẩm đỏ được chế biến từ các loại cây trong rừng, màu trắng phết bằng vôi hay bột phấn, màu đen dùng nhọ nồi, màu cánh dán dùng nước đặc của củ nâu, màu vàng từ củ nghệ…
Theo TS La Công Ý, kỹ thuật tạo tác con rối của người Tày không theo quy chuẩn tạo tác giống như tạc tượng thờ của người Việt mà hoàn toàn mang tính ước lệ, rất gần gũi với quan niệm thẩm mỹ trong nghệ thuật vẽ tranh thờ của các dân tộc thiểu số. Người Tày không có phường hội hay khoán ước nên không giữ bí mật nghề như các phường rối nước, rối cạn của người Việt. Các thành viên là nam giới, nếu ai có khả năng về thẩm mỹ, khéo tay đều có thể tạo tác. Thời gian đẽo rối thường vào tháng 3 hay tháng 8 âm lịch (thời gian nông nhàn). Theo ông Ma Đình Được, người Tày kiêng làm con rối vào tháng Giêng và tháng 7, vì tháng Giêng là tháng con Hổ, gắn với vị chúa sơn lâm, cai quản rừng núi và tháng 7 gắn với tháng “cô hồn”, nhiều xui xẻo. Họ quan niệm, nếu làm vào 2 tháng này, khi biểu diễn không được may mắn. Theo tín tục của dòng họ Ma Quang, chỉ có nam giới, người lành lặn, gia đình không có tang, không phạm tuổi kim lâu, có sức khỏe, tính tỉ mỉ, cẩn thận mới có thể tạc mới hay sửa chữa các con rối bị hỏng.
Nguyên liệu tạc rối của người Tày là gỗ thừng mực và gỗ mít, khác với người Việt dùng gỗ sung, gỗ thị, vàng tâm. Gỗ mít được làm cho hai con rối đầu đàn, có kích thước lớn hơn. Những con còn lại có kích thước nhỏ, ngắn hơn được làm bằng gỗ thừng mực - một loại gỗ mịn, mềm, nhẹ, vừa dễ chế tác, vừa tiện điều khiển, lại ít bị mọt, có thể bảo quản được lâu dài (6).
Để tạo ra con rối đẹp, có hồn và bảo quản được lâu dài, nghệ nhân phải tỉ mỉ trong việc chọn gỗ. Gỗ thừng mực làm quân rối phải là cây gỗ to, đường kính từ 30cm trở lên, cây mọc thẳng thì thớ gỗ mới mềm, dễ làm, trong quá trình sử dụng không bị cong vênh, nứt, mối, mọt. Thông thường người ta không dùng cây gỗ bị sâu, gãy ngọn, ba chạc (thân cây mọc ra ba cành), xà leo (dây quấn xung quanh), đổ nằm (bị gió bão làm bật gốc), với quan niệm, điều khiển rối thường bị trục trặc về kỹ thuật. Ngoài ra, họ cũng kiêng lấy cây gỗ có kiến đen, chim quạ làm tổ, vì cho rằng sẽ gặp rủi ro khi biểu diễn. Với tay và chân con rối, thường lấy cành cây thẳng, to, tròn, mọc ở cành dưới thân cây thì thớ gỗ có nhiều “thịt”, gỗ “mềm”, “dẻo” giúp người điều khiển tay, chân quân rối cử động linh hoạt. Sau khi lựa chọn được gỗ ưng ý, người ta cắt thành từng đoạn theo kích thước đã định rồi xếp vào chỗ mát để “phơi” khô dần. Nơi phơi phải cao ráo để tránh chó, mèo, gà phóng uế hay người bước qua. Bởi các con rối thường có tích truyện gắn với thần linh, tướng quân hay con vật thiêng theo quan niệm của tín ngưỡng dân gian.
Quy trình chế tác rối gồm các công đoạn: tạo hình bằng tay, phơi khô, tô màu và may quần áo cho nhân vật. Trong đó, tạo hình có làm thô và tạo tinh. Làm thô là người thợ chủ yếu dùng dụng cụ để phác thảo ra con rối với hình thù sơ khai. Tạo tinh là giai đoạn hoàn thiện tác phẩm. Người tạc rối phải có kinh nghiệm, kiến thức về cấu trúc tạo hình nhân vật và tính tình cẩn thận, tỉ mỉ.
Có thể nói, bộ rối gỗ của người Tày được tạo hình khá đẹp và sinh động, thể hiện nhiều nhân vật khác nhau, trong đó chủ yếu là rối người và rối vật. Để tạo ra một con rối hình nhân cỡ trung bình, các nghệ nhân cần thời gian từ 3-5 ngày; trong đó chọn gỗ và tạo hình bằng tay được xem là quan trọng và mất nhiều thời gian nhất. Ông Ma Quang Nhanh giải thích: Gia đình tôi làm nghề mộc, nhưng việc tạo tác con rối cũng phải có năng khiếu, có mắt thẩm mỹ để nhìn vào điểm cao thấp, tạc hình hài con rối, nhất là phần khuôn mặt của nó phải có hồn và mang tính cách riêng của nhân vật. Con rối là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian, vừa mang tính hiện thực, vừa mộc mạc, trữ tình. Điều này cho thấy, nghề thủ công truyền thống nói chung và nghề tạo hình con rối nói riêng vừa thể hiện tính kỹ thuật, vừa mang yếu tố nghệ thuật (7).
Đối với rối cạn ở Thẩm Rộc, đa phần các con rối tiên hay người nông dân đi cày, bừa đều được điều khiển thông qua những que tre. Một đầu của que tre cắm vào lỗ trổ dưới thân con rối, đầu còn lại dắt vào thắt lưng, buộc dây vải quàng qua cổ người điều khiển. Đây là kỹ thuật điều khiển hết sức độc đáo chỉ có ở phường rối Thẩm Rộc. Với hai con rối đầu đàn, các nghệ nhân cầm trực tiếp trên tay; với rối chim (chim phượng hoàng, bồ câu, gõ kiến), động vật (trâu, tắc kè) được buộc bằng dây trên các bộ phận của rối để giật, cũng có tiết mục điều khiển rối bằng “máy” như trò người leo cây bắt tắc kè...
3. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản rối cạn Thẩm Rộc trong đời sống đương đại
Giá trị di sản văn hóa của rối cạn Thẩm Rộc không chỉ có ý nghĩa với dòng họ Ma Quang mà còn bao hàm cả giá trị về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, tín tục của người Tày ở Thái Nguyên. Để tổ chức múa rối cạn phải có từ 10-15 người tham gia. Nam giới đảm nhiệm phần âm nhạc, như: đánh trống, thanh la, não bạt, tiêu (sáo), đàn tính, ánh sáng, tạo sân khấu và điều khiển con rối biểu diễn; nữ giới đảm trách phần hát, đọc lời thoại, bài giáo minh họa cho nhân vật, tích truyện của các tiết mục. Thường nam giới tham gia nhiều hơn nữ giới. Do tính chất phường rối là của dòng họ, với số người tham gia hoạt động biểu diễn không nhiều nên đôi khi một người phải đảm nhiệm nhiều công việc.
Sân khấu biểu diễn rối (còn gọi là buồng trò) được sử dụng hết sức linh hoạt. Họ có thể biểu diễn ở hiên nhà văn hóa, trường học, gầm sàn nhà hay trong đình. Nếu biểu diễn ở đình, buồng trò được dựng ở chính giữa hiên trước, đối diện với hương án bên trong ngôi đình. Sân khấu dựng ở đâu cũng được bố trí theo hình vuông, mỗi cạnh dài từ 2,5-3m, chiều cao từ 1,8-2m. Mặt trước căng một tấm rèm bằng vải đỏ hoặc xanh chàm; hai bên sườn quây bằng cót đan hay lá cọ. Mặt sau của sân khấu để trống cho người điều khiển tiện ra vào. Dàn nhạc được bố trí ở ngay phía trước sân khấu làm cho không khí buổi biểu diễn thêm phần náo nhiệt và sôi động. Tất cả hòa quyện tạo nên một sân khấu mở hết sức độc đáo, hấp dẫn người xem, nhất là các em nhỏ.
Mở đầu chương trình biểu diễn có hai người mặc áo chàm truyền thống, cầm hai cặp sênh tre ra giáo pháo. Tiết mục này mang tính chất dẹp đám, giữ trật tự và thông báo buổi diễn bắt đầu nên gọi là dẹp đám hay giáo pháo, do hai người đầu quấn khăn đỏ, mặt vẽ hề bằng nhọ nồi thực hiện; họ vừa múa, vừa dập phách vừa hát, lúc tiến, lúc lui, theo kiểu đăng đối. Tiếp đến, ông trùm hội hay người có giọng tốt ra hát mừng, vừa giáo vừa đánh phèng la làm nhịp, có dàn nhạc phụ họa. Có 16 bài giáo, trong đó chỉ có một số bài gắn với các trò rối biểu diễn trên sân khấu. Hầu hết các bài giáo giới thiệu bằng tiếng Việt, thể hiện dưới hình thức văn vần, dễ đọc, dễ nhớ, nội dung gắn với quá trình di cư của dân tộc Tày đến vùng đất Thái Nguyên; ca tụng thần thánh, cầu mong quốc thái dân an, chúc tụng vua quan diên sinh trường thọ, cát tường, dân bản bình yên, giàu có, học hành đỗ đạt, công danh thành đạt. Qua quan sát lễ múa rối gỗ Chầu Thánh ở chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang, Nam Định) và chùa Keo (Vũ Thư, Thái Bình), chúng tôi thấy có nhiều nội dung, cách thức diễn ngôn của họ tương đồng với lời giáo ở phường rối Thẩm Rộc. Điều này cho thấy, múa rối của người Tày vừa thể hiện cảnh cung đình vừa gắn liền với nông thôn thông qua cuộc sống lao động của người nông dân như: trâu và người cày/ bừa ruộng, phát bờ, vơ cỏ, cấy lúa, gõ chiêng, đánh vật…; hấp dẫn, lôi cuốn người xem hơn cả là trò người leo cây bắt tắc kè, chim phượng hoàng cắn mỏ với nhau, các tiên nữ múa dâng hoa…
Theo tư liệu của nhà nghiên cứu La Công Ý, ngoài những buổi biểu diễn riêng ở địa phương, đôi khi phường rối Thẩm Rộc còn kết hợp với một số phường khác như kể chuyện bằng thơ hay hát nhà tơ (ả đào) theo lối “tiền ẩu hậu ca” (trước múa rối, sau hát) tại cửa đình (8). Nghệ nhân của phường rối liên kết với các mạng lưới khác nhau dựa trên những mối quan hệ xã hội, cho phép trao truyền tri thức kỹ thuật và tạo điều kiện cần thiết cho sự hợp tác giữa các cá nhân trong hoạt động biểu diễn rối cạn với hát ả đào. Điều này cũng đồng thuận với quan điểm của nhà nhân học kinh tế Alfred Gell cho rằng: “kỹ thuật” biểu diễn với ý nghĩa rộng nhất là những dạng thức của các mối quan hệ xã hội làm cho phường rối trở nên cần thiết để sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ sử dụng những quy trình “kỹ thuật” (9).
Đối với múa rối cạn của người Tày, những động tác cử động tuy đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật thành thục để biểu diễn các động tác nhanh, dứt khoát và biểu cảm gắn với nhân vật, tích truyện hay diễn tả sinh động cuộc sống lao động. Ông Ma Khắc Dũng chia sẻ: “Tôi biểu diễn ở phường rối Thẩm Rộc đã hơn 20 năm và tôi rất yêu nghề. Khi mới tham gia vào phường rối, tôi học cách điều khiển các tiết mục rối đơn giản nhất nhưng cũng mất vài năm mới làm được thuần thục. Nay tôi có thể điều khiển được các tiết mục đòi hỏi kỹ thuật, kỹ xảo cao, như điều khiển rối bằng que, kết hợp với giật dây thông qua ngậm dây vào miệng hoặc cầm xoay bằng tay cho con rối cử động quay tít vòng quanh. Mỗi lần lên sân khấu, tôi phải hòa mình vào nhân vật và lắng nghe lời thoại, lời giáo và âm nhạc để động tác của con rối phải phối hợp nhịp nhàng. Đây là nghề của tổ tiên, dòng họ trao truyền cho mình nên phải có trách nhiệm giữ gìn, truyền thừa. Tôi mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục học nghề để lưu giữ giá trị di sản văn hóa rối cạn của dân tộc mình”.
Tính linh hoạt trong hoạt động văn hóa dân gian cùng tính thích ứng với điều kiện địa lý tự nhiên đã kiến tạo nên bản sắc và ý thức tộc người. Việc các thành viên trong dòng họ Ma Quang bảo tồn, lưu giữ và kế thừa các giá trị di sản văn hóa của tổ tiên để lại không phải vì mục đích kinh tế, mà đó là ý thức về cội nguồn của tổ tiên, dân tộc và sự cố kết cộng đồng hướng đến phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Trong một buổi biểu diễn, tùy thời gian nhiều hay ít mà nhóm nghệ nhân diễn từ 8-12 hay 15 tiết mục, trong đó không thể thiếu màn giáo đầu của hai con rối đầu đàn và tiết mục khép là trò người leo cây bắt tắc kè. Đây cũng là cách thể hiện ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Theo người Tày, tắc kè có khả năng dự báo thời tiết tương đối chính xác thông qua tiếng kêu, kêu liên tục thì trời sắp mưa, kêu thất thanh, ngắt đoạn trời hạn hán. Từ trải nghiệm dân gian mà người dân có phương thức đối phó kịp thời để gieo trồng lương thực, hoa màu cho năng suất cao.
Múa rối cạn của người Tày chưa phải là vở diễn với các nhân vật cụ thể, có tính danh, lời thoại mà chỉ dừng lại ở những tích trò đơn lẻ có tính phụ họa cho các bài giáo. Với tính chất đặc thù như vậy, việc biểu diễn của họ rất linh hoạt và mang tính tùy hứng. Để buổi biểu diễn hấp dẫn và gây sự tò mò cho trẻ nhỏ, họ còn sáng tạo thêm theo kiểu “vừa diễn, vừa nghịch” hay trêu ghẹo khách xem để mang lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người. Không chỉ là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa dân tộc vùng sơn cước, múa rối cạn còn mang tính giáo dục và nhân văn sâu sắc. Thông qua hình thức diễn xướng này, người biểu diễn muốn truyền tải thông điệp về cuộc sống thôn dã và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên; giữa con người với con người; ca ngợi những người siêng năng lao động, chê bai những kẻ lười biếng; khuyên nhủ mọi người biết giữ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đối nhân xử thế, kính già yêu trẻ, tương thân tương ái...
Đối với múa rối cạn của người Tày ở Thái Nguyên, từ việc lựa chọn nguyên liệu, người tạo tác rối, soạn lời ca tiếng hát, phối nhạc đến việc bảo quản, lưu giữ, truyền thừa, phụng thờ tổ sư… đều mang tín tục của dòng họ. Nghệ nhân không thoát ly sản xuất nông nghiệp, họ chưa thể sinh sống bằng nghề diễn trò. Thường họ làm nhiều nghề: làm ruộng, săn bắt, đan lát, hái lượm và cả làm Then (10). Theo quan niệm của người dân địa phương, những quân rối này là nơi trú ngụ của “ma hát” - một loài ma ác, chuyên làm hại người. Vì thế, họ tránh tiếp xúc với các con rối và nếu không có việc gì thì không bao giờ được đụng chạm tới chúng (11).
Theo quan niệm của tộc người, khi đẽo thêm một con rối mới hay trước và sau mỗi lần mang rối đi biểu diễn, các ngày lễ Tết trong năm, mồng một và ngày rằm hằng tháng, trưởng phường là người trông coi, bảo quản các con rối đều phải dâng cúng lễ vật: cháo hoa, chuối, bánh kẹo, hoa quả, đường phên để thắp hương cúng tổ nghề và thần rối. Theo trưởng phường Ma Quang Nhanh: “Tổ nghề và thần rối là ai thì chúng tôi cũng không biết tên cụ thể mà chỉ được truyền lại nghi thức thực hành nghi lễ như vậy”. Những người tham gia múa rối quan niệm, các con rối như vị thần, “con ma”. Cũng vì thế mà dòng họ này có tập tục, những người trong phường rối khi mất đi thường đẽo một con rối mà người ấy đã biểu diễn để chôn theo, vừa để tổ tiên nhận biết là người trong dòng họ, vừa để có quân rối biểu diễn ở dưới âm phủ.
Trong quá trình lưu giữ và thực hành múa rối, cộng đồng người Tày tồn tại nhiều quan niệm tâm linh bí ẩn, như chia của bằng con rối giữa người sống và người chết. Bên cạnh đó, theo kiêng kỵ của chủ nhà đang bảo quản bộ quân rối, ngày thường tuyệt đối không được mở nắp hòm để xem các quân rối; phụ nữ, trẻ nhỏ, chó mèo không được vào chỗ để quân rối. Vì một lý do nào đó mà phải di chuyển hay quét dọn nơi để quân rối đều phải thắp hương xin phép tổ nghề và thần rối. Theo tín tục, các quân rối, nhất là quân rối đầu đàn, rối tiên, rối rồng là vật thiêng, chứa siêu lực do Thiên đình (ông Trời) ban tặng và được truyền từ đời này đến đời khác. Mỗi con rối có một sức mạnh tâm linh riêng nên chỉ có trưởng phường mới được bảo tồn, lưu giữ, chăm sóc, thờ cúng tổ nghề, thần rối, ma rối và mở khóa hòm đưa rối ra ngoài biểu diễn; sắp đặt yên vị quân rối vào vị trí cũ... Nếu ai tự tiện chạm, cầm vào sẽ bị thần rối, tổ nghề trừng phạt. Thực chất, đây là dấu vết tàn dư của tập tục tôn thờ tô tem giáo - ta bu của người Tày nói chung và dòng họ Ma Quang nói riêng. Điều này cũng đồng quan điểm với W.Wunt: “Văn hóa tô tem đã hình thành ở khắp mọi nơi, một đoạn dự bị của sự phát triển tiếp sau đó và một đoạn chuyển tiếp giữa nhân loại nguyên thủy với thời kỳ các anh hùng và các thần thánh” (12).
Tiếp cận dưới góc độ nhân học tôn giáo, chúng tôi bước đầu nhận diện các hình thức thực hành nghi lễ và ma thuật của người Tày gắn liền với tô tem giáo - thờ vật tổ là hai quân rối đầu đàn, mang tính biểu trưng là người nam (quân rối mặt đỏ) và người nữ (quân rối mặt trắng) là thủy tổ của dòng họ. Hai vật tổ này mang hai ý nghĩa đối lập, đó là vừa tạo ra ý nghĩa thiêng liêng, thần thánh hóa cho nhân vật, tích trò để biểu diễn, truyền tải thông điệp tới cộng đồng, vừa tạo sự lo âu, nguy hiểm, cấm kỵ đối với con người khi phạm điều sai trái, làm thần rối tức giận mà trừng phạt với các hình thức khác nhau. Trong di sản văn hóa dân tộc, các nhà nghiên cứu nhân học văn hóa chấp nhận cả hai quan điểm về khoảng cách (tính thiêng) và sự đồng cảm (tính thế tục) trong mối quan hệ với tín tục của người Tày thông qua thực hành nghi lễ và ma thuật thờ cúng các quân rối tại nhà trưởng họ. Những hoạt động này đều liên quan đến yêu cầu của các chủ nhân phường rối, bởi đây không chỉ là bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn là nhu cầu, đạo đức, niềm tin, tính thiêng và tín ngưỡng của người trực tiếp điều khiển con rối trên sân khấu.
Mục đích của dòng họ là lưu giữ, bảo tồn các quân rối cho thế hệ mai sau, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa tộc người. Đặc điểm bảo tồn của phường rối Thẩm Rộc là vừa bảo tồn tức thời, vừa bảo tồn phòng ngừa. Bảo tồn tức thời là bằng sự quan sát, phát hiện ra hỏng hóc, giảm chất lượng, mỹ thuật của con rối để sửa chữa, phết màu, tô vẽ lại trước khi biểu diễn. Trái lại, bảo tồn phòng ngừa là bảo quản con rối ở trong hòm gỗ, cất giữ một khu vực riêng tách biệt với không gian sống của gia đình để giữ sự thanh tịnh, yên ổn mang yếu tố tâm linh cho quân rối, tránh sự nổi giận khi có người vi phạm vào các điều cấm kỵ.
4. Kết luận
Từ kết quả nghiên cứu thực địa, phỏng vấn sâu và phân tích tư liệu thứ cấp, chúng tôi nhận diện phường rối Thẩm Rộc không chỉ là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày mà còn mang tính giáo dục nhân văn sâu sắc. Những bài giáo và các tích trò biểu diễn đều hướng con người sống hướng thiện, yêu thiên nhiên, đất nước, con người; hướng mọi người nhớ về nguồn gốc, cội nguồn lịch sử tộc người.
Thực tế, rối cạn Thẩm Rộc mới chỉ một lần “xuất quân” đi diễn ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) để ghi hình tham gia Liên hoan Múa rối cạn quốc tế. Sau chuyến lưu diễn này, phường rối trở về địa phương cũng chỉ hoạt động trong phạm vi trong và ngoài xã, chưa trở thành sản phẩm văn hóa biểu diễn phục vụ khách du lịch. Những nỗ lực của các thành viên dòng họ Ma Quang trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản rối cạn là chưa đủ. Thiết nghĩ Nhà nước, cùng với chính quyền các cấp ở địa phương cần có chiến lược bảo tồn phường rối này cả về kinh phí hoạt động và đào tạo các thế hệ nghệ nhân kế cận.
______________
1, 3, 10. Nguyễn Huy Hồng, Nghệ thuật múa rối Tày Nùng, Nxb Văn hóa Thông tin, 2003, tr.11, 13, 17.
2, 6, 8, 11. La Công Ý, Đến với người Tày và văn hóa Tày, Nxb Khoa học xã hội, 2010, tr.319, 320, 322, 320.
4, 5. Nguyễn Huy Hồng, Nghệ thuật múa rối Việt Nam, Nxb Văn hóa, 1974, tr.113, 113.
7. Vũ Hồng Thuật, Quy trình và kỹ thuật đan thuyền nan (nghiên cứu trường hợp thôn Nội Lễ, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), Tạp chí Bảo tàng và Nhân học, số 3 (35), 2021, tr.71.
9. Alfred Gell, Kỹ thuật và ma thuật, trong Hợp tuyển những phương pháp tiếp cận nhân học về tôn giáo, nghi lễ và ma thuật, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Quỹ Ford tại Việt Nam tài trợ kinh phí dịch thuật, lưu hành nội bộ, Hà Nội, 9-2007, tr.67.
12. Sigmund Freud, Vật tổ và Cấm kỵ, Đoàn Văn Chúc dịch theo bản in của Nxb Payot, Paris, 1924, tài liệu lưu hành nội bộ, Trung tâm Văn hóa dân tộc TP.HCM, tr.15.
TS NGUYỄN THÀNH NAM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022