Tóm tắt: Ở địa bàn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trước đây (sau sáp nhập nay là tỉnh Phú Thọ), các loại hình du lịch phát triển khá mạnh. Du lịch tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, đồng thời cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Bài viết trình bày các vấn đề về khái niệm và các loại hình du lịch di sản; vai trò của du lịch di sản với phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa; giải pháp xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch di sản ở một số địa phương tỉnh Vĩnh Phúc (trước đây)
Từ khóa: du lịch di sản, di sản văn hóa, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Abstract: Currently, in Vinh Phuc before (now Phu Tho province after the merger), various types of tourism are developing quite strongly. Tourism has a powerful impact on economic development, while also negatively affecting the preservation and promotion of cultural heritage. This article presents issues regarding the concept and types of heritage tourism; the role of heritage tourism in economic development and cultural heritage preservation; and solutions for building a harmonious relationship between cultural heritage preservation and the development of heritage tourism in Vinh Phuc (before) .
Keywords: heritage tourism, cultural heritage, Vinh Phuc, Phu Tho.
Di tích chùa Hà Tiên - Ảnh: vinhphuc.gov.vn
1. Khái niệm và các loại hình du lịch di sản
Thuật ngữ du lịch di sản (DLDS) là một thuật ngữ mới để chỉ một loại hình du lịch văn hóa dựa trên tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. DLDS đóng vai trò quan trọng trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển. Ở nước ta, thuật ngữ DLDS rất ít được đề cập, nhưng loại hình này đã tồn tại và phát triển khá mạnh mẽ. Có thể định nghĩa DLDS: DLDS là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
DLDS có nhiều loại hình khác nhau. Ở Việt Nam, DLDS có các loại hình chủ yếu như:
Du lịch tâm linh (du lịch tín ngưỡng): là loại hình DLDS phổ biến thu hút được đông đảo du khách. Du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người (1). Như vậy, du lịch tâm linh là loại hình du lịch dựa vào việc gửi gắm niềm tin nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của con người thông qua những lễ nghi, đáp ứng nguyện vọng của cá nhân và cộng đồng. Du lịch tâm linh có nhiều loại hình khác nhau. Căn cứ vào không gian, địa điểm có thể phân chia du lịch tâm linh thành du lịch tâm linh ở miền núi, miền biển hoặc đồng bằng. Hiện nay, khách hành hương thường căn cứ vào tuyến du lịch để phân loại, tên các tuyến du lịch tâm linh như du lịch tâm linh dọc theo sông Hồng, sông Lô, về Nam Định… Một cách phân loại khác trong du lịch tâm linh là dựa theo thời điểm tổ chức các sự kiện du lịch tâm linh để phân loại như du lịch tâm linh theo mùa xuân (hành hương mùa xuân), mùa thu… Trong du lịch tâm linh, điều quan trọng nhất là căn cứ vào đối tượng của tôn giáo, tín ngưỡng để phân loại du lịch. Mỗi loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như Phật giáo, Đạo giáo, Đạo Mẫu, Thiên Chúa giáo… đều có đặc điểm riêng về du khách, dịch vụ, các điểm, tuyến tham quan, hình thức tham gia các sự kiện… Vì vậy, chúng tôi dựa vào các hình thức tôn giáo, tạm thời phân loại các loại hình du lịch tâm linh như du lịch tâm linh theo đạo Phật, theo đạo Mẫu, đạo Thiên Chúa, du lịch tâm linh theo tính đại trà, theo kiểu hành hương về các vùng đất thiêng (du lịch lễ hội đền Hùng, đền Bà Chúa Kho…) (2). Các địa điểm thiêng đó thực chất là những địa điểm di sản, bao gồm các đền, miếu, chùa, nhà thờ, núi thiêng và hang động thiêng kỳ vĩ… Đồng thời, các tuyến đường hành hương cũng trở thành tài nguyên di sản dựa trên vai trò lịch sử của chúng đối với thực hành hành hương. Ngay các hình thức thờ cúng, các nghi thức tôn giáo, các lễ hội thực hiện tại các địa điểm được tôn kính, linh thiêng cũng trở thành một phần của di sản văn hóa phi vật thể.
Du lịch cội nguồn: là loại hình DLDS đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là các cuộc về nguồn lên căn cứ địa Việt Bắc, căn cứ miền Đông Nam Bộ, hoặc các loại hình du lịch “thăm chiến trường xưa” hoặc du lịch hoài niệm về các chiến trường xưa đang thịnh hành, phát triển mạnh trong những năm gần đây.
Du lịch trải nghiệm văn hóa: Hiện nay, cuộc sống đang biến đổi mạnh mẽ, nhiều nước phát triển đã vượt qua thời kỳ công nghiệp, chuyển sang hậu công nghiệp. Các nước đang phát triển cũng đã vượt qua giai đoạn kinh tế nông nghiệp, chuyển sang kinh tế công nghiệp. Vì vậy, nhu cầu khám phá về nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp đang trở thành một nhu cầu của lớp trẻ và cư dân đương đại. Du khách quốc tế muốn đến các nước đang phát triển để được trải nghiệm trong nền văn hóa nông nghiệp. Du khách ở đô thị cũng muốn trở về thôn quê để khám phá kỹ thuật canh tác, tri thức bản địa. Vì thế, xu hướng du lịch trải nghiệm trở thành một xu hướng quan trọng chi phối các hoạt động du lịch. Các phương thức canh tác ở miền núi như làm ruộng bậc thang, các ngành nghề thủ công như chạm khắc bạc của người Mông, người Dao, dệt thổ cẩm của người Tày, người Mường, các sinh hoạt “soọng cô”, cấp sắc, ẩm thực của người Sán Dìu... là sản phẩm du lịch hấp dẫn.
DLDS còn bao gồm các loại hình như đi tham quan các bảo tàng, các di tích cổ, các địa điểm khai quật khảo cổ… cũng được coi là DLDS. Như vậy, DLDS bao gồm nhiều loại hình khác nhau nhưng đều liên quan đến di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. DLDS không chỉ có chức năng khám phá, nâng cao hiểu biết mà còn giáo dục truyền thống của quê hương, đất nước với du khách. Chức năng này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lòng yêu nước, kính trọng truyền thống của cha ông.
2. Vai trò của di sản văn hóa với phát triển du lịch
Di sản là nguồn tài nguyên du lịch trọng yếu. Tài nguyên du lịch có nhiều loại hình, nhưng tài nguyên du lịch văn hóa, mà trước hết là tài nguyên di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng. Di sản văn hóa không chỉ là tiềm năng, nguồn lực của du lịch, mà còn trực tiếp tạo nên các sản phẩm DLDS mang tính đặc thù. Các tộc người sinh sống ở nhiều cảnh quan sinh thái khác nhau, đã tạo nên sự độc đáo trong phát triển du lịch. Sự độc đáo đó càng được tô đậm khi mỗi một dân tộc còn lưu giữ một bản sắc văn hóa tộc người riêng biệt. Vì vậy, văn hóa thực sự là cơ sở, nền tảng để tạo ra sự hấp dẫn, đặc sắc trong các sản phẩm du lịch. Đó là sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Cao Lan, người Sán Dìu chưa được đánh thức khai phá. Đó là sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường tạo nên những cánh đồng ruộng rộng lớn ở các địa phương thuộc huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc (trước đây). Đó là sự thích ứng với sông Hồng, sông Lô... Các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên cánh đồng lớn hay những thung lũng ven sông, ven suối đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm nông nghiệp xưa. Như vậy, tính đa dạng, phong phú các di sản văn hóa tộc người đã tạo nên sức hút cho DLDS vùng Vĩnh Phúc (trước đây).
Di sản văn hóa mang đậm bản sắc tộc người, còn là nguồn lực để xây dựng các điểm, tuyến du lịch: Tuyến du lịch Tây Thiên đã kết nối với các di tích đền Hùng tạo thành tuyến du lịch quan trọng. Mở rộng tuyến hành hương Tây Thiên với thành phố thờ Mẫu ở Tuyên Quang tăng thêm tính hiệu quả của hành hương. Các di tích tháp Bình Sơn, đình Hương Canh, chùa Hà Tiên… vừa kết nối các di tích khác vừa có thể xây dựng thành một điểm đến mang tính chuyên đề và hấp dẫn.
Di sản văn hóa chi phối dịch vụ lưu trú: Trong du lịch, dịch vụ lưu trú đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều nơi, tỷ lệ nguồn thu của dịch vụ lưu trú chiếm tỷ lệ cao nhất. Nhưng dịch vụ lưu trú của các điểm du lịch cộng đồng hoàn toàn phụ thuộc nhiều vào di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc. Điểm du lịch cộng đồng của người Cao Lan, điểm du lịch cộng đồng của người Sán Dìu nếu được xây dựng bảo vệ không gian truyền thống sẽ thành không gian du lịch. Không gian lưu trú không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi mà còn là không gian văn hóa. Ở đó có các quy định ngủ của khách nam, khách nữ, người cao tuổi, người trẻ... Do đó, di sản văn hóa đã chi phối mạnh mẽ đến dịch vụ lưu trú (cả về không gian, phong tục tập quán).
Di sản văn hóa bổ sung các loại hình dịch vụ mới cho du lịch: Hiện nay, các làng bản đều tích cực xây dựng mô hình nông thôn mới, đường giao thông đổ bê tông về đến từng nhà, từng ngõ, xóm. Nhưng ở Vĩnh Phúc (trước đây) các làng trung du, đồng bào lại sáng tạo các loại hình vận chuyển du khách mới. Khi khách đến đầu làng được đi bằng xe trâu hoặc (đi mảng) đến nhà lưu trú tham quan các điểm di tích trong làng. Hoặc mở thêm tuyến du lịch thuyền đánh tép ở Đầm Vạc, khai phá tuyến đường sông Lô trọng yếu thời phong kiến ở Lập Thạch. Dịch vụ ẩm thực trở thành một lĩnh vực có nhiều sáng tạo phát huy di sản ẩm thực truyền thống. Đến làng du khách được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của từng tộc người. Không chỉ được thưởng thức mà du khách còn được tham gia trải nghiệm, làm bếp với các món ăn như: bánh đúc kê Đanh, bánh tai mèo Kẻ Mỏ, tép dầu Đầm Vạc...
Như vậy, di sản văn hóa vừa là tiềm năng, nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời còn trực tiếp tham gia sáng tạo các sản phẩm du lịch, xây dựng các điểm, tuyến du lịch, xây dựng các dịch vụ lưu trú, vận chuyển, ăn uống, trải nghiệm… Trong tất cả các khâu kinh doanh du lịch, di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng sức hút, tạo nên nét đặc thù, bản sắc riêng của sản phẩm du lịch.
3. Vai trò của DLDS với vấn đề phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa
DLDS tác động mạnh mẽ (cả mặt tích cực và tiêu cực) đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Trước hết, DLDS góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch.
Vĩnh Phúc (trước đây) đã quy hoạch và xây dựng các di tích trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Hệ thống cơ sở hạ tầng gắn với các điểm du lịch đều xây dựng bãi đỗ xe, sân hành lễ, các cửa hàng dịch vụ... Nhờ vậy, lượng khách đến các điểm du lịch tăng nhanh. Nguồn thu lớn của các điểm du lịch đã hỗ trợ cho việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử trong vùng. Nhờ phát triển du lịch, nhiều di sản văn hóa bị mai một đã được phục hồi. Du lịch đã khơi dậy niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc, người dân biết quý trọng di sản. Từ di sản đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn.
Bên cạnh các ảnh hưởng tích cực, DLDS còn tác động tiêu cực đến di sản. Tất cả các di sản khi muốn trở thành sản phẩm du lịch đều phải trải qua một quá trình đặc biệt. Đó là quá trình “hàng hóa hóa” di sản. Quá trình “hàng hóa hóa”, “thương mại hóa” di sản đã quy định sự “sản xuất”, biến di sản thành các sản phẩm du lịch. Quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, chu kỳ hoạt động của di sản mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách. Quy trình “hàng hóa hóa” làm vừa lòng du khách, đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách dẫn đến sự biến dạng của di sản. Có di sản tín ngưỡng mất hẳn không gian thiêng, trở thành trò biểu diễn đơn thuần, không gian thiêng đã mất, thời gian thiêng không còn thì di sản cũng bị giải thiêng, không còn vai trò của di sản. Một số điểm du lịch có giá trị về tâm linh, giá trị về nghệ thuật trở thành quá tải khi lượng khách đến đông. Các lễ hội của thôn bản xưa chỉ đón khách ở thôn bản hoặc một số khách không nhiều của cả vùng. Nhưng hiện nay, không ít di sản này không tính đến sức chứa của điểm du lịch, phát triển quá nóng dẫn đến luồng khách hành hương ồ ạt đổ về một điểm du lịch có không gian hẹp. Các du khách không tuân theo chuẩn mực, quy tắc ứng xử của thôn làng đối với các vật thiêng. Họ tranh cướp vật thiêng dẫn đến lễ hội không tổ chức được. Một số lễ hội chưa chuẩn bị sẵn sàng (hoặc không dự báo được lượng khách tăng đột biến quá lớn) dẫn đến tình trạng quá tải, hệ thống dịch vụ bị phá vỡ hoặc không đáp ứng nổi nhu cầu của du khách. Lễ hội tổ chức chưa đến đỉnh điểm đã “vỡ hội”. Sự quá tải của các điểm du lịch tâm linh còn gây ra nhiều hậu quả về môi trường, về nếp sống văn hóa đối với cư dân bản địa.
Trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm… vấn đề quan trọng hàng đầu là phải đề cao vai trò của chủ nhân di sản. Nhưng hiện nay ở các làng bản có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nhưng điều kiện sống của người dân còn nghèo, lại thiếu vốn để kinh doanh du lịch. Các doanh nghiệp đã đổ xô đến các điểm giàu tài nguyên chỉ đầu tư một ít cho dịch vụ, cơ sở hạ tầng, thu nguồn vốn rất lớn nhưng người dân - chủ nhân của di sản chỉ được hưởng lợi với tỷ lệ rất thấp. Sự chia sẻ lợi ích không công bằng giữa doanh nghiệp và cộng đồng ở nhiều điểm du lịch diễn ra thường xuyên gây mâu thuẫn ảnh hưởng xấu đến phát triển du lịch.
4. Một số giải pháp
Bảo tồn di sản văn hóa với phát triển DLDS là vấn đề quan trọng, đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Nhưng muốn phát triển được du lịch, đồng thời bảo tồn được di sản văn hóa, cần có hệ thống các giải pháp mang tính chất tổng thể.
Về ban hành các thể chế, hoạch định chính sách quản lý
Cần bổ sung và sửa đổi Luật Du lịch và quy định phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Di sản văn hóa, trong đó bổ sung các điều, khoản về vai trò của cộng đồng với bảo tồn di sản, vai trò và quyền lợi của cộng đồng trong phát triển du lịch. Nêu rõ các điều, khoản về sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch…
Xây dựng chính sách linh hoạt, hiệu quả về trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn di sản. Đồng thời, chủ động phân cấp quản lý di tích cho chính quyền và cộng đồng cư dân địa phương phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, xây dựng chính sách về xã hội hóa và trùng tu tôn tạo di tích, trong đó quy định về quyền lợi và trách nhiệm của người đóng góp vốn trùng tu tôn tạo, quyền lợi và trách nhiệm của chính quyền địa phương quản lý di tích.
Xây dựng quỹ trùng tu tôn tạo di sản, trong đó quy định rõ nguồn thu từ du lịch đóng góp, các nguồn thu do doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ cho quỹ. Xây dựng các quy định về quản lý quỹ mang tính chất minh bạch, công khai, khoa học và hiệu quả.
Về quy hoạch
Các địa phương tiến hành xây dựng quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng, DLDS. Đồng thời, không để người dân tự phát, tự xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, các homestay. Một số di tích, di sản đặc thù dễ tổn thương, biến dạng trong quá trình phát triển du lịch thì mạnh dạn không phát triển du lịch tại điểm di tích, di sản đó. Trong quy hoạch du lịch phải đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp của di sản văn hóa phi vật thể.
Về xây dựng sản phẩm du lịch
Cần đảm bảo các nguyên tắc trong xây dựng sản phẩm du lịch: Sản phẩm du lịch phải mang được cái hồn của văn hóa dân gian, có nhiều yếu tố đặc sắc, đặc thù cho từng tộc người, từng vùng miền khác nhau (đặc sắc về không gian, thời gian, tộc người, lịch sử…). Sản phẩm mang tính đặc sắc, đặc thù mới khắc phục tình trạng sản phẩm du lịch giống nhau. Có tính đặc thù, có điểm mới làm giàu cho sản phẩm và có tính cạnh tranh cao.
Sản phẩm du lịch văn hóa phải kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình sản phẩm và tính chuyên đề của một gói sản phẩm. Sản phẩm du lịch văn hóa dân gian có hấp dẫn hay không cần phải truyền đạt thông điệp chung hướng về chân - thiện - mỹ, đồng thời cũng mang những sắc thái lạ, hấp dẫn.
Sản phẩm du lịch văn hóa kiên quyết chống hàng giả, hàng nhái. Các chương trình văn nghệ, các nghi lễ trình diễn, các sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số phải tôn trọng tính khách quan, chân thực của bản sắc tộc người. Đồng thời, tuyệt đối không làm giả các sinh hoạt văn hóa truyền thống nhằm mục đích thu hút khách.
Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả, phân chia nguồn lợi cho cộng đồng công bằng, bình đẳng
Xây dựng các điểm DLDS là công việc hoàn toàn mới mẻ đối với người dân. Đây là lĩnh vực kinh doanh phức tạp. Nhiều điểm DLDS được xây dựng xong lại bỏ hoang, nhưng nhiều điểm DLDS hoạt động hiệu quả ngày càng phát triển. Vì vậy, xây dựng DLDS cần có sự kết hợp của bốn “nhà”: Trước hết, là vai trò chủ động của cộng đồng, cộng đồng là chủ nhân của điểm du lịch cần phải tự nguyện tham gia một cách sáng tạo, cần xây dựng một ban quản lý hiệu quả có quy chế hoạt động thiết thực dân chủ. Cộng đồng là chủ nhân cho nên phải được hưởng lợi phù hợp, tránh tình trạng “người chủ” thì nghèo mà doanh nghiệp đưa khách đến lại giàu có. Doanh nghiệp là đối tác đưa khách đến điểm du lịch, đầu tư cơ sở dịch vụ. Nhờ có doanh nghiệp, điểm DLDS mới phát triển được. Doanh nghiệp đóng vai trò cung cấp khách nhưng đồng thời cũng đóng vai trò hỗ trợ vốn cho cộng đồng, tập huấn cho cộng đồng. Các nhà tư vấn là các nhà khoa học về văn hóa học, dân tộc học, di sản, các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò nghiên cứu tư vấn cho người dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp xây dựng các mô hình DLDS. Kinh doanh du lịch là một ngành mới, lại phức tạp nên rất cần thiết có nhà tư vấn, nhà khoa học tham gia. Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù cho các điểm DLDS. Cơ quan cũng là lực lượng điều hòa lợi ích giữa người dân với doanh nghiệp.
Như vậy, sự kết hợp chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước là mối quan hệ hữu cơ, mật thiết. Thực tiễn ở các điểm DLDS đã chỉ ra rằng nếu thiếu một trong bốn “nhà” này DLDS không cất cánh được.
Phát triển DLDS là một động lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhưng muốn phát triển DLDS hiệu quả đòi hỏi phải bảo tồn, phát huy di sản văn hóa để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù phù hợp từng vùng, không phát triển DLDS phong trào theo kiểu “đại trà” mà cần phát triển theo hướng bền vững có quy hoạch, có chọn lọc. Mặt khác phát triển DLDS phải được nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn phù hợp với từng đối tượng du khách. Các sản phẩm du lịch này phải mang bản sắc riêng dựa trên tài nguyên du lịch ở từng địa phương, tránh tình trạng “na ná” giống nhau như hiện nay. DLDS số cũng cần phải xây dựng một chiến lược phát triển DLDS hiệu quả, có những chính sách, cơ chế mang tính đặc thù.
_____________________
1. Tham luận của Nguyễn Văn Tuấn tại Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững Ninh Bình, 21, 22-11-2013.
2. Trần Hữu Sơn, Văn hóa Dân gian ứng dụng, Nxb Văn hóa dân tộc, 2017, tr.117.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Thị Phương Anh - Bùi Thị Thu Vân, Phát triển du lịch bền vững, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2018.
2. Cao Lộ Gia (chủ biên), Đề cương nhân loại học du lịch Trung Quốc, Nxb Du lịch Quảng Tây, 2004...
Ngày Tòa soạn nhận bài: 14-4-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 25-4-2025; Ngày duyệt bài: 3-5-2025.
TS TRẦN HỮU SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 611, tháng 7-2025