Tiếp thu tinh hoa văn hóa, nghệ thuật dân tộc, học hỏi kỹ thuật biểu hiện của phương Tây hiện đại, tác giả Yasunari Kawabata đã vận dụng tài tình vào trong tác phẩm văn học, đem lại những thành công nhất định. Cảm thức về thời gian được sử dụng nhằm khai thác chiều sâu tâm lý trong dòng chảy ý thức của nhân vật. Trong Ngàn cánh hạc, cảm thức này thể hiện đặc trưng qua thời quy hồi, đảo lộn hoặc dung hợp. Với cách xử lý thời gian tinh tế, khác biệt, ông đã làm nên một thế giới nội tâm dồn nén cực độ, thăng hoa muôn vẻ của tình yêu giữa lòng nhân sinh. Từ đó, có thể thấy được kỹ thuật viết văn độc đáo, điêu luyện, góp phần vào thành công rực rỡ của tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn.
Khái niệm cảm thức thời gian
Thời gian vật lý được tạo nên bởi sự vận hành của vũ trụ, gồm có quá khứ, hiện tại, tương lai. Còn cảm thức thời gian là thời gian của tâm lý, thường tồn tại trong tác phẩm nghệ thuật. Trước hết, chúng ta phải hiểu cảm thức là cách chủ thể sáng tạo nhận xét, bình giá, cảm nhận về sự vật hiện tượng qua lăng kính chủ quan, qua các hình tượng nghệ thuật được phản ánh trong tác phẩm. Đó chính là tâm lý, tình cảm của tác giả. Cho nên, thời gian trong tác phẩm được phản ánh qua thiên kiến chủ quan của tác giả, bị biến đổi theo tâm lý hay quan niệm nghệ thuật. Thời gian có thể được co giãn theo dụng ý nghệ thuật như khoảnh khắc thể hiện được nghìn thu; hay thời gian qua sự tồn tại của sự vật như mùa xuân với cánh én bay, mùa hạ với tiếng chim cu gù, mùa đông với tuyết trắng phai, mùa thu với lá thu… Cũng có thể dạng thời gian tâm lý như thời gian dài dằng dặc của biệt ly, ngắn ngủi của đời người trôi qua trong chớp mắt. Thông qua nhiều cách cảm nhận về thời gian, người nghệ sĩ chuyển tải những thông điệp về cuộc đời, con người, thời đại, đồng thời qua đó ghi lại dấu ấn cá nhân trong sáng tạo với cách phản ánh thời gian nghệ thuật. Như vậy, thời gian trong tác phẩm văn học là thời gian tâm lý nằm trong cảm thức của con người, nó cũng là đối tượng được phản ánh như một hình tượng nghệ thuật góp phần làm rõ thế giới tư tưởng của nhà văn, thời đại, thể hiện những thay đổi tinh tế của tâm hồn nghệ sĩ.
Thời gian trong tác phẩm văn học thường gắn liền với hoàn cảnh cụ thể trong mối quan hệ với quan điểm sáng tác của tác giả. Thời gian đã trở thành một yếu tố quan trọng của tác phẩm, trải qua quá trình chuyển hóa tư duy nghệ thuật của người viết. Trong TK XX, với sự ảnh hưởng của trào lưu văn học phương Tây, cùng với quan điểm sáng tác hướng nội, đã làm cho Yasunari Kawabata hướng đến những kỹ thuật hiện đại để xây dựng tác phẩm văn học. Trong đó, kỹ thuật dòng ý thức đảm nhận vai trò chính, đạt hiệu ứng thẩm mỹ cao trong rất nhiều tác phẩm của ông. Với dòng chảy thời gian chủ lưu đó, nhà văn có nhiều môi trường mới để trầm tư mặc tưởng ở hiện tại, hoài niệm về quá khứ, dự cảm về tương lai trước cuộc sống rất đời thường với những sự kiện diễn ra gấp gáp của xã hội Nhật Bản những năm đổ vỡ sau Thế chiến thứ II.
Cảm thức thời gian trong Ngàn cánh hạc
Việc vận dụng các kỹ thuật xử lý thời gian trong tác phẩm Ngàn cánh hạc thể hiện tập trung ở kỹ thuật đồng hiện với thời gian đảo lộn, dung hợp hay bị bôi xóa.
Trong tác phẩm văn học, thời gian đồng hiện thể hiện qua thời gian đảo lộn, dung hợp giữa ý thức với vô thức. Đồng hiện thời gian là cách mở rộng thời gian của truyện kể, đồng thời là “dòng tâm tư, quá khứ, hiện tại, tương lai xuất hiện cùng một lúc, không bị ngăn cách, liên tục như một dòng chảy, đó là hiện tượng mà người ta gọi là thời gian đồng hiện” (1). Đồng hiện ở sự đảo ngược, xen kẽ thời gian. Từ đó, tình tiết câu chuyện liên tục bị đứt gãy, dịch chuyển theo thời gian, xáo trộn bởi ảo giác, giấc mơ. Với thời gian đồng hiện, tâm tư con người thể hiện cặn kẽ với nhiều chiều kích thông qua những khoảng thời gian khác nhau nhằm rút ngắn thời gian kể. Đây là phương cách thể hiện hữu hiệu nhất của tiểu thuyết có kết cấu dòng ý thức nhằm thể hiện thế giới bên trong con người một cách chân thực, phá vỡ cả nguyên tắc tổ chức tác phẩm, trật tự thời gian thông thường, tâm trạng, dòng tâm tư của nhân vật. Thời gian trong tiểu thuyết dòng ý thức là dòng chảy liền mạch, chỉ phụ thuộc vào những mảnh vỡ của tâm trạng, dòng liên tưởng; câu chuyện phụ thuộc vào mạch cảm xúc, những dòng suy tư, có sự đam cài giữa thời gian trần thuật (người kể chuyện với điểm nhìn ngoài nhân vật), thời gian câu chuyện được tổ chức bằng những đảo thuật, dự thuật với những hồi ức, kỷ niệm.
Trong Ngàn cánh hạc, qua việc tái hiện lại không gian, thời gian của quá khứ, hiện tại, tương lai trong cùng một thời điểm làm cho dòng chảy tâm tư, lý trí, cảm xúc hòa quyện với nhau. Thời gian của quá khứ được tái hiện thông qua các biến cố, sự kiện chồng chéo lên nhau, trôi chảy theo dòng hồi tưởng của nhân vật Kikuji. Với tâm điểm liên quan đến trà đạo, các sự việc, biến cố xuất hiện xoay quanh những dòng hồi tưởng của các nhân vật chính. Thời gian trong tác phẩm trôi qua chậm chạp, sự kiện xảy đến không nhiều, chỉ còn lại những hồi ức tuôn chảy. Đây cũng là lúc xúc cảm sầu bi trước dòng đời bon chen, thời gian hủy diệt của trần ai. Vì thế, Ngàn cánh hạc không có cốt truyện rõ ràng mà là sự lắp ghép kỳ công với phiến đoạn của dòng ý thức diễn ra chủ yếu thông qua hồi ức của nhân vật Kikuji. Mở đầu chương sách là những dòng hồi tưởng của Kikuji khi anh ta đang đến dự buổi trà đạo do Chikako tổ chức tại đền Engakuji. Những dòng hồi tưởng cứ chồng lên nhau khi anh ta nhớ lại tâm trạng của mình khi nhận được giấy mời Kikuji, nhớ về cái bớt của Chikako, lúc lên tám hay chín tuổi khi cha chàng dẫn đến gặp người đàn bà có cái bớt trên ngực trái, năm lên mười cái bớt lại hiện ra trong trí nhớ. Từ đó, chàng bị dị vật xấu xí trên cơ thể người đàn bà ám ảnh cả tuổi thơ cho đến hôm nay. Sau đó, chàng nhớ lại mối quan hệ của mẹ với hai người tình của cha Chikako, Ota… Hồi ức cứ triền miên, song hành với bước chân Kikuji trên con đường dẫn đến đền. Dòng tâm tư của nhân vật như đẩy lùi anh vào quá khứ, ngụp lặn trong những xúc cảm sâu xa, mơ hồ. Nhất là khi ngồi trong trà thất, nhớ về những mối quan hệ phức tạp của mình, “Kikuji có cảm tưởng như ôm trong tay một người đàn bà trẻ hơn chàng, không cảm thấy bối rối vì mặc cảm thiếu kinh nghiệm yêu đương của mình; cho nên chàng bị mê hoặc trong một vùng yêu đương nồng nàn” (2). Những xúc cảm tính dục được bộc lộ chân thành, thẳng thắn trong dòng suy tưởng đó. Đặc điểm phản ánh chân thành cảm xúc được đề cao trong mỹ cảm aware, cũng là sự coi trọng trực cảm trong sáng tạo của trường phái tân cảm giác.
Bên cạnh nhân vật Kikuji, Ota cũng là đối tượng thể nghiệm sâu sắc dòng ý thức bởi những ẩn ức sâu kín về tình yêu, tuổi trẻ, cái chết. Trong thời gian đồng hiện, Ota đã bày tỏ hết xúc cảm của mình về người cha Kikuji, người tình trẻ tuổi khiến bà quên hẳn tuổi tác. Dường như nhân vật của tác phẩm luôn sống trong những mặc tưởng với quá khứ. Xúc cảm của nhân vật như được đẩy lên cao độ bởi cái bóng của quá khứ. Do vậy, ở hiện tại, chỉ cần có cái cớ nào đó thôi thì nhân vật có thể liên tưởng ngay tới những kỷ niệm xưa cũ. Ngàn cánh hạc như chìm trong nỗi niềm sâu xa về cuộc đời, tình yêu trầm luân.
Sự di biến của thời gian thể hiện rõ qua hệ quy chiếu gián tiếp của dòng ý thức, các nhân vật khác cũng được gián tiếp miêu tả. Trong tác phẩm, có rất nhiều đoạn miêu tả Ota qua dòng ý thức của Kikuji cùng con gái. Trước cái chết của Ota, Kikuji trở nên bấn loạn, tự vấn rằng liệu Ota không thể gột bỏ mặc cảm tội lỗi hay vì tình yêu dằn vặt, phải chăng vì muốn trốn chạy khỏi những rắc rối, giải thoát bản thân cả cho Kikuji. Nhân vật Ota hiện lên đầy đủ những tính cách, tư tưởng sống động mà sâu lắng qua Kikuji. Qua nhân vật Ota, nhà văn đã thực hiện sứ mệnh của mình “như lữ khách đi tìm cái đẹp đã mất, luôn muốn níu giữ cái đẹp với bản chất hiện hữu trước sự vô hạn của thời gian” (3).
Sự xáo trộn thời gian thể hiện giữa việc quá khứ tranh chấp với hiện tại, thể hiện đậm đặc trong tác phẩm. Khi quá khứ viễn lai thì hiện tại bỗng chốc trở thành quá khứ. Ranh giới giữa hiện tại với quá khứ trở nên mong manh. Chính vì vậy, con người có thể sống trong hai trạng thái dung hợp của thế giới bên trong xưa cũ, hiện tại mới mẻ đang dần trôi qua, biểu hiện rõ nhất trong những thời khắc cao trào của cảm xúc nhân vật. Khi Ota đang chìm sâu trong xúc cảm với chàng trai trẻ, bà không thể chối bỏ được hình bóng của quá khứ, nỗi đau của hiện tại. Chính vì thế, “một giọt nước mắt lăn xuống gò má bà Ota rồi nhỏ lên mặt gối; đôi vai run rẩy, bà nức nở; bà ta cúi đầu nhặt chiếc đũa tre để khuấy trà, một giọt nước mắt rơi xuống thành ấm” (4). Quá khứ ngọt ngào đang tranh chấp với hiện tại đau khổ cùng cực của Ota ẩn chứa trong giọt nước mắt bị kìm nén trong thời gian dài, đợi đến lúc gặp lại Kikuji mới vỡ òa. Nỗi đau đang xé nát con tim của người đàn bà thời trẻ, người đàn bà lớn tuổi trong sự tự ý thức về thời gian cuộc đời di biến. Trong lúc khao khát kiếm tìm lại sự tươi mát của thuở ban đầu, bà chợt sực tỉnh nhận ra, thương xót cho chính bản thân mình. Chính vì thế, khi hỏi Kikuji bao nhiêu tuổi, Ota lại tự thốt lên: “Vẫn ở trong tuổi hai mươi. Tôi không tin, tôi đau khổ quá. Tôi không hiểu chính tôi nữa” (5).
Bên cạnh Ota, Kikuji thì Fumiko cũng có những thời khắc bị xáo trộn xúc cảm trong nỗi đau tột cùng. “Chàng chìm trong những mặc tưởng về Ota, nỗi mất mát ở hiện tại. Vì thế, mặc dù có lúc chợp mắt được, liền đó chàng trở nên tỉnh táo, vẫn nằm mộng nhiều lần; trước linh cữu Ota, chàng đang tạ lỗi; nhưng tình yêu tràn ngập trong lời tạ tội khiến cho tội lỗi như được nâng niu, dịu xuống” (6). Bên cạnh đó, Fumiko cũng có nhiều xúc cảm dồn nén hơn: “giọng nàng thấm đầy nước mắt, nàng lắc đầu quầy quậy. Một giọt nước mắt văng ra, vẽ một đường lạ từ khóe mắt bên trái tới tận mang tai nàng hay vì một lý do nào đó, nước mắt nàng lại ứ ra, nhỏ xuống đầu gối, nàng nhìn vào vệt nước mắt in trên vai áo” (7). Từ việc xây dựng thời gian đảo lộn, dung hợp, tác giả đã miêu tả chân thực xúc cảm nội tâm của nhân vật. Qua câu chuyện tình cảm chồng chéo, phức tạp, bế tắc của con người, dần hiện ra sự kết thúc đầy bi ai với cái chết, sự cô đơn. Đối với Kikuji, chàng đã nhận thấy định mệnh cô đơn của mình trong hình bóng tuyệt vọng của Fumiko. Tại góc vườn ẩm ướt, trước những mảnh vỡ của Shino, chàng đã bật khóc. Trong sự tan tác đó, Kikuji nhìn thấy quá khứ của Ota, hiện tại của Fumiko khiến chàng bi cảm tột cùng. Như vậy, trước nỗi cô đơn, mỗi nhân vật tự tìm cho mình một con đường để giải thoát. Ota chọn cái chết, Fumiko dọn nhà đi nơi khác, cô gái nhà Inamura đi lấy chồng. Dường như trên thế gian này chỉ còn Kikuji độc bước trên hành trình của mình. Kết thúc đau buồn của những nhân vật có thể là do họ không dung hòa giữa quá khứ với hiện tại. “Rút cục chỉ còn lại Kurimono; như để nhổ vào người đàn bà mà chàng coi như kẻ thù tất cả cái nọc độc tích tụ lại, Kikuji bước hối hả vào bóng mát công viên” (8). Cái kết của cuộc đời Kikuji bị bỏ ngỏ trong ánh sáng yếu ớt của bóng mát công viên khiến cuộc sống hiện tại trở nên mông lung. Chàng như vô vọng trên con đường xa xăm của mình đang đi, trên đôi chân như chùng xuống bởi nỗi sầu buồn miên man.
Như vậy, trong dòng chảy của thế giới nội tâm ý thức, vô thức, cảm thức thời gian được thể hiện. Từ đó, tác giả gián tiếp phát biểu quan điểm về thời gian cuộc đời, thân phận con người ở hiện tại. Trong dòng chảy bất tận của thời gian, con người như bị cuốn trôi theo quy luật của tự nhiên, tình yêu, vẻ đẹp cuộc sống đều ngắn ngủi, chóng tàn nên con người cần phải sống hết mình với hiện tại, trân trọng từng khoảnh khắc, ươm mầm, nâng niu cuộc sống của ngày mai. Dù cuộc đời quá khứ, hiện tại có bị bôi xóa theo thời gian thì con người vẫn phải có hành động kiếm tìm, khơi gợi những vẻ đẹp có nguy cơ bị suy tàn đó. Phảng trong cảm thức thời gian có thể nhận thấy những hoài niệm, nỗi buồn dịu nhẹ, tinh thần bất diệt trước vẻ đẹp Nhật Bản.
Những năm đầu TK XX là thời điểm có nhiều sự xáo trộn trong xã hội Nhật Bản. Có thể thấy người Nhật được tiếp nhận nhiều luồng văn hóa khác nhau, đặc trưng nhất là tư tưởng nghệ thuật hiện đại của phương Tây. Yasunari Kawabata là người nghệ sĩ nhạy cảm với thời cuộc, là lá cờ đầu hướng đến việc bảo vệ những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Nhà văn chọn con đường sáng tác dung hòa giữa các giá trị truyền thống với hiện đại nhằm tiếp thu có chọn lọc văn hóa đương đại Nhật Bản. Chính vì thế, cảm thức thời gian của Yasunari Kawabata vừa thể hiện chất thiền trong dòng chảy nội tâm nhân vật, vừa thể hiện dòng ý thức hiện đại nhằm tạo nên hiệu quả cao nhất cho nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, chuyển tải một cách tự nhiên, sâu lắng những giá trị nội dung của Ngàn cánh hạc. Qua cách xử lý thời gian đồng hiện trong dòng thời gian đảo lộn, dung hợp là chủ đạo, tác phẩm đã làm rõ những giằng xé của nhân vật Kikuji, Ota, Fumiko trong mối quan hệ giữa tình yêu, nhục cảm với vẻ đẹp của trà đạo.
_______________
1.Đặng Anh Đào, Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.77.
2, 4, 5, 6, 7, 8. Yasunari Kawabata, Yasunari Kawabata, tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2005, tr.435, 529, 559, 588, 627, 645.
3. Đào Thị Thu Hằng, Kiểu nhân vật lữ khách đi tìm cái đẹp trong tác phẩm của Yasunari Kawabata, Nghiên cứu Nhật Bản, Đông Bắc Á, 2005, tr.45.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 - 2018
Tác giả : HOÀNG THỊ MỸ NHỊ