Đại biểu Quốc hội đồng thuận, thống nhất cao đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, sáng 10-5, các đại biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận

Trước khi tiến hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu quan tâm, tập trung một số vấn đề: về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; các quy định trên đã đầy đủ chưa, đã gắn trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người truyền tải thông tin quảng cáo, đặc biệt là người có ảnh hưởng trong bối cảnh môi trường truyền thông số ngày càng phát triển mạnh mẽ; về quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới; về quy định liên quan đến quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; về xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo…

Cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo

Phát biểu thảo luận, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, quảng cáo và những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực quảng cáo trên các phương tiện thông tin truyền thông và đặc biệt là quảng cáo trên nền tảng số với sự tham gia của KOL là các cá nhân hoặc tổ chức có kiến thức và có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực ngành nghề hoặc đối với xã hội, họ là những người truyền cảm hứng, dẫn dắt dư luận chủ chốt có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của người khác… Họ là những người tiêu dùng, có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường, họ trải nghiệm và đưa ra các nhận xét, đánh giá chủ yếu theo quan điểm và cách nhìn cá nhân với kiến thức trải nghiệm chân thật, tạo sự tin tưởng từ khách hàng, nhất là trong các chiến dịch marketing, quảng cáo thương hiệu.

Theo đại biểu, những vấn đề nêu trên không chỉ được xã hội quan tâm mà ít nhất đã được 2 lần thể hiện trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội khóa XV. Những vấn đề được đặt ra trong các phiên chất vấn, trả lời chất vấn về tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, các mặt hàng tiêu dùng xã hội từ xa xỉ đến thiết yếu, thậm chí là những loại thực phẩm truyền thống trong các bữa ăn hằng ngày cũng được quảng cáo từ các hình thức khác nhau.

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu ý kiến thảo luận

“Vì vậy, trong luật lần này, cùng với quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng cần phải tăng cường mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo bởi những tác động trực tiếp của nó đến tính mạng và sức khỏe của người dân” – Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, nâng cao mức phạt để đảm bảo tính răn đe, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản và quyền lợi của người tiêu dùng, tạo ra một môi trường quảng cáo lành mạnh và bình đẳng. Đồng thời, cần rà soát, bổ sung các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý của đối tượng này, nhất là những người có ảnh hưởng.

Một số ý kiến cho rằng cần thiết phải có cơ chế quản lý nghiêm đối với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng, đại biểu thấy rằng đây là điều cần thiết. Bởi những người này làm việc trong các cơ quan, tổ chức khi họ vi phạm quy định quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo sai sự thật thì các cơ quan, tổ chức đó cần có cơ chế quản lý chặt chẽ.

Đại biểu nhấn mạnh, cần sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động nội bộ quy định cụ thể trách nhiệm về đạo đức nghề nghiệp khi tham gia hoạt động quảng cáo cũng như quy định rõ các hình thức xử lý vi phạm.

Người nổi tiếng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật khi tham gia quảng cáo

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) nhấn mạnh, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã được các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu cơ bản đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Đóng góp nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về kiểm soát, quản lý trong hoạt động quảng cáo đối với tất cả các nền tảng truyền hình trực tuyến, các trang tin tức, các trang thông tin điện tử, cơ chế xử lý nghiêm đối với các trang điện tử đăng tải quảng cáo sai sự thật, không đúng theo công dụng, nội dung sản phẩm, những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng để công tác quản lý, kiểm soát đối với nội dung và hoạt động quảng cáo được chặt chẽ. Đồng thời, bổ sung quy định yêu cầu các trang tin phải chịu trách nhiệm kiểm duyệt quảng cáo trước khi đăng tải nội dung, thay vì chỉ dựa vào hệ thống quảng cáo tự động như hiện nay.

Đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh người nổi tiếng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật khi tham gia quảng cáo

Đại biểu Trần Khánh Thu đề cập đến vấn đề về các vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị phát hiện, cho thấy các công ty này đều có các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm công bố sản phẩm nhưng thực tế các sản phẩm được sản xuất qua điều tra, kiểm định của cơ quan công an lại được xác định là hàng giả. 

“Vậy việc yêu cầu người quảng cáo, nhất là các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên có trách nhiệm kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm hàng hóa có thực sự khả thi khi thực hiện. Việc thông báo trước người tiếp nhận quảng cáo về việc thực hiện hoạt động quảng cáo sẽ như thế nào?” – đại biểu nêu.

“Cần sửa đổi, bổ sung các nội dung này để đảm bảo khả thi hơn về cơ chế bồi thường và hoạt động quảng cáo sai của người truyền tải quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng, tôi thấy cũng cần quy định rõ hơn trong luật, có thể bổ sung thêm nghĩa vụ của họ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai của mình” - Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị.

Đại biểu chia sẻ kinh nghiệm của các nước, tại Hoa Kỳ, Ủy ban Thương mại Liên bang yêu cầu người nổi tiếng phải tiết lộ rõ ràng mối quan hệ tài chính với thương hiệu khi quảng cáo sản phẩm, quảng cáo phải trung thực không gây hiểu lầm về hiệu quả hoặc tính năng của sản phẩm; hay tại Hàn Quốc thì cấm các hoạt động quảng cáo trá hình trên mạng xã hội, nếu vi phạm có thể phạt tối đa 2% doanh thu quảng cáo hoặc tối đa 500 triệu won, tính ra khoảng 8,7 tỷ đồng và đến năm 2022 thì tại Hàn Quốc còn bổ sung thêm nội dung cấm nghệ sĩ làm gương mặt đại diện cho các hãng rượu để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

“Các quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo tính trung thực trong hoạt động quảng cáo, người nổi tiếng thì cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật khi tham gia quảng cáo để tránh hậu quả pháp lý và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân. Nếu người quảng cáo đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thẩm định hợp lý dựa trên giấy tờ hồ sơ pháp lý do doanh nghiệp cung cấp thì thông thường họ sẽ không bị xem là cố tình quảng cáo gian dối mà chủ doanh nghiệp hoặc người sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm chính…” – Đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải có trách nhiệm đăng ký hoạt động

Đóng góp ý kiến về nội dung quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo tại khoản 1 sửa đổi, bổ sung Điều 4, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng nội dung này được đề cập khá đầy đủ. Để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc bổ sung việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên môi trường mạng như một nội dung riêng biệt để nhấn mạnh tính cấp thiết. Bởi vì môi trường mạng như là internet, mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới đang trở thành kênh quảng cáo chủ đạo, thay thế dần các phương thức truyền thống nhưng lại dễ bị lợi dụng để truyền bá thông tin sai sự thật, lừa đảo, tiếp tay cho các sản phẩm kém chất lượng, như thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc, các dịch vụ cờ bạc, cá độ trá hình…

Theo đại biểu, tại khoản 6 Điều 23 quy định về quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, Dự thảo luật cũng đã quy định yêu cầu người quảng cáo nước ngoài khi có nhu cầu quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ qua hình thức quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam. Đây là một bước quan trọng, tạo đầu mối pháp lý rõ ràng trong nước để cơ quan quản lý giám sát và xử lý khi có vi phạm…

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung nội dung là tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải có trách nhiệm đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, lưu trữ dữ liệu liên quan đến hoạt động quảng cáo phát sinh tại Việt Nam, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Trường hợp cung cấp dịch vụ quảng cáo thông qua nền tảng số, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải bảo đảm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong việc xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận phiên thảo luận

Đại biểu Quốc hội đồng thuận, thống nhất cao đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, với không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, tâm huyết và trách nhiệm, đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng thuận, thống nhất cao đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Việc ban hành luật sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng thị trường quảng cáo phù hợp với xu thế chung, phát triển minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời phát huy vai trò của quảng cáo để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, giữ gìn, lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các đại biểu thống nhất với quy định chung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo, đồng thời nhất trí việc giao cho Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm quản lý của từng bộ, ngành, địa phương có liên quan cũng như ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt các yêu cầu cụ thể với nội dung quảng cáo đối với nhóm sản phẩm này.

Về quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới là xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát, quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới như đại diện pháp lý, cơ chế phản hồi, tiếp nhận, xử lý, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lợi ích quốc gia nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng cáo trên mạng phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế số.

Về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. “Đồng thời, các đại biểu đề nghị rà soát quy định để đảm bảo tăng cường hiệu quả quản lý và nâng cao trách nhiệm, đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, tiêu chí người ảnh hưởng, trách nhiệm pháp lý như việc bồi thường thiệt hại do quảng cáo sai sự thật hoặc trách nhiệm liên đới của người quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện, nhất là những người có ảnh hưởng” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu.

Một số ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế quản lý nghiêm đối với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức khi họ vi phạm quy định quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo gian dối. Các cơ quan, tổ chức cần có cơ chế quản lý, quy định cụ thể, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp khi họ tham gia quảng cáo.

Về xử lý vi phạm hành chính cũng như trách nhiệm khi vi phạm các hoạt động quảng cáo. Một số ý kiến cho rằng cần thiết phải xem xét điều chỉnh theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này vì một số hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc quảng cáo sản phẩm chưa được kiểm chứng có thể trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Do đó, “đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, đặc biệt là các nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo theo hướng tăng xử phạt nhằm nâng cao tính răn đe, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, đồng thời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, xây dựng môi trường quảng cáo minh bạch, lành mạnh và bình đẳng” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về nội dung liên quan đến quảng cáo ngoài trời, thời lượng quảng cáo trên báo chí, truyền hình và công tác kỹ thuật lập pháp, rà soát để thể hiện cho khoa học và rõ ràng hơn trong quá trình sửa đổi các điều. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ VHTTDL sớm hoàn thiện các nghị định, các thông tư để thực hiện luật khi luật có hiệu lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, để hoàn thiện dự thảo luật và thông qua tại kỳ họp này, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu và nghiêm túc tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật vào chiều ngày 11-6.

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng TTĐTQH

;