Trước khi được biết đến với vai trò biên kịch - đạo diễn, Trần Trọng Dần đã có hơn 10 năm làm nhà sản xuất phim. Anh là một trong những nhà sản xuất Việt kiều nổi tiếng trong cộng đồng làm phim Việt Nam với nhiều dự án phim thành công như: Ngôi nhà trong hẻm, Dịu dàng… Bộ phim Út Lan: Oán linh giữ của là dự án điện ảnh thứ hai mà Trần Trọng Dần đảm nhận hai vai trò: biên kịch kiêm đạo diễn sau phim Kẻ ẩn danh (2023). Luôn bày tỏ niềm yêu thích với văn hóa Việt Nam, anh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu đưa lên màn ảnh rộng những nét văn hóa Việt ở góc nhìn của mình.
• Được biết anh tốt nghiệp trường Đại học UCLA, có bằng kỹ sư cao học điện tử tại trường Stanford University và được chính phủ Mỹ cấp 9 bằng phát minh trên lĩnh vực điện tử. Vậy cơ duyên nào đã giúp anh gắn bó với lĩnh vực điện ảnh nhiều năm nay?
- Tôi thích xem phim từ nhỏ. Những kỷ niệm hạnh phúc nhất tuổi thơ ấu sống ở Đà Lạt là khi được đi ra rạp xem phim. Tôi mang niềm yêu thích đó trong suốt những năm sau, khi đã đi học và đi làm. Vốn không bao giờ nghĩ mình sẽ làm ở ngành điện ảnh, tôi tham gia lãnh vực điện ảnh hoàn toàn là một sự tình cờ. Nhiều năm gắn bó với điện ảnh vì tôi hứng thú với những thử thách của công việc và cảm thấy rất hạnh phúc khi có cơ hội làm phim phục vụ khán giả Việt Nam.
• Là một Việt kiều trở về nước làm việc trong ngành điện ảnh, anh gặp những thuận lợi và khó khăn nào khi thực hiện các dự án sản xuất phim?
Khi thực hiện các dự án sản xuất phim, thuận lợi của tôi là đã được xem rất nhiều phim, tất cả các thể loại, từ khắp các nền điện ảnh. Điều này làm tôi quen thuộc với phim ảnh, giúp cho việc đánh giá chất lượng các dự án phim mà tôi muốn sản xuất và giúp cho tôi biết rõ tôi phải làm gì, kể các câu chuyện gì khi bắt tay vào làm phim.
Tuy nhiên, làm phim điện ảnh, đối với một nhà sản xuất, thì luôn luôn có những khó khăn. Khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là làm phim cho hợp với văn hóa và sở thích của khán giả Việt Nam. Bên cạnh đó là việc cân đối các khâu trong quá trình phối hợp làm phim vì các giới hạn của dự án như ngân sách, thời gian, nhân sự… Việc sáng tạo và khám phá những điều mới mẻ trong khuôn khổ cuả dự án cũng là thách thức không nhỏ.
• Với bộ phim Út Lan: Oán linh giữ của, điều gì thôi thúc anh đưa lên màn ảnh một truyền thuyết dân gian vốn là một khái niệm khá phổ biến trong đời sống tâm linh của người miền Tây?
- Có nhiều lý do cho tôi cảm thấy hứng thú với thử thách này. Tôi không quen thuộc miền Tây, nhưng tôi thích bối cảnh miền Tây và những hình ảnh về đời sống của vùng sông nước này. Từng nghe và thích những truyền thuyết kinh dị dân gian, tôi thấy việc sáng tạo là cần thiết để mang những câu chuyện này đến khán giả hiện đại. Việc làm phim về một Việt Nam trong quá khứ cũng vừa là thử thách lớn, lại vừa mang lại nguồn cảm hứng cho tôi.
Diễn viên Phương Thanh phải trải qua 7 vòng thử vai, đánh bại hơn 100 ứng viên tiềm năng khác để được chọn vào vai chính
Mai Cát Vi đã có một vai diễn độc đáo và phức tạp bậc nhất mà cô bé từng thể hiện
• Út Lan: Oán linh giữ của không chỉ đưa chất liệu truyền thuyết dân gian vào điện ảnh mà còn được nhà sản xuất tiết lộ là tác phẩm của “những người con miền Tây”. Anh có thể chia sẻ những nét văn hóa đậm bản sắc của người miền Tây mà anh gửi gắm trong bộ phim này?
- Làm phim về miền Tây, tôi rất hân hạnh được làm việc với những người con của miền Tây như nhà sản xuất Nguyễn Lê Lan Anh và nhiều người hợp tác khác trong các tổ, trong đoàn phim. Họ luôn nói thẳng cho tôi những gì họ nghĩ, để tôi có cơ hội đối phó ngay với những vấn đề nêu lên. Tôi cảm thấy may mắn vì họ luôn luôn làm việc vui vẻ và cố gắng làm tốt nhất cho dự án. Út Lan: Oán linh giữ của lấy cảm hứng từ truyền thuyết “ma giữ của” - một khái niệm phổ biến trong đời sống tâm linh của người miền Tây nói riêng. Việc đưa chất liệu truyền thuyết dân gian vào điện ảnh không chỉ góp phần tạo chiều sâu cho kịch bản, mà còn gợi lên nỗi ám ảnh mang tính bản sắc Việt - nơi ranh giới giữa tâm linh và đời thực luôn mập mờ và cuốn hút.
Ngoài ra, chất miền Tây không chỉ thể hiện ở bối cảnh rặt Nam Bộ của vùng quê An Bình và ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi của nhà ông Danh - một gia đình giàu có lâu đời trong vùng mà còn ở chất văn hóa hiển hiện trong đời sống tinh thần của các nhân vật. Đó là những quan niệm dân gian và niềm tin của con người, là sắc màu văn hóa trong những trích đoạn tuồng cổ mà Mạc Văn Khoa trong vai ông Danh cố gắng gửi tới khán giả. Với một nghệ sĩ đến từ miền Bắc như anh, đây là một thử thách lớn nhưng cũng là cơ hội khám phá với các cảnh hóa thân thành nhân vật tướng quân trong một vở diễn cổ. Cảnh phim hát cải lương để lại cho Mạc Văn Khoa dư âm xúc động kéo dài về sau, cho tới khi anh bước vào phòng thu để lồng tiếng hậu kỳ.
Để tri ân bà con miền Tây đã hỗ trợ đoàn phim trong thời gian ghi hình, đoàn phim đã tổ chức buổi chiếu đặc biệt vào 15/6 tại quảng trường hồ Soài Chék, huyện Tri Tôn (An Giang). Tôi rất cảm động chứng kiến khán giả xếp hàng nhận gần 400 vé miễn phí. Đây là lần đầu tiên bà con Tri Tôn có cơ hội xem một bộ phim điện ảnh trước khi tác phẩm chính thức được ra rạp toàn quốc. Tại huyện Tri Tôn (An Giang) chưa có rạp phim nên gần như người dân không có cơ hội được trải nghiệm xem phim màn ảnh rộng. Do đó, để bà con có thể xem phim với chất lượng tốt tương đương như rạp chiếu, ê-kíp đã đầu tư dựng rạp chiếu ngoài trời ở quảng trường hồ Soài Chék với màn hình chiếu rộng và dàn âm thanh chuyên dành cho các concert âm nhạc lớn.
NSƯT Đức Khuê đóng một vai phản diện trong phim
NSND Đào Bá Sơn trong một cảnh phim
• Sự trở lại của “Ảnh hậu trẻ nhất Việt Nam” Mai Cát Vi trong một bộ phim kinh dị khiến nhiều khán giả chờ đợi. Vì sao anh lại chọn Mai Cát Vi cho một nhân vật dường như cất giữ những bí mật then chốt của bộ phim, và một diễn viên tuổi teen như cô ấy liệu có đủ nội lực diễn xuất để biểu đạt chiều sâu nội tâm của nhân vật?
Mai Cát Vi có diễn xuất cùng ngoại hình rất ấn tượng và đã tạo được chỗ đứng riêng trong những bộ phim trước. Mai Cát Vi cho rằng Út Lan là vai diễn độc đáo và phức tạp bậc nhất mà cô bé từng thể hiện. Tôi luôn tin tưởng về khả năng và sự làm việc chuyên nghiệp của cháu. Mai Cát Vi có thể diễn xuất chỉ bằng mắt, hay đôi môi, tư thế, và luôn luôn đúng nhịp tôi cần. Khi tôi chọn vai này, tôi đã biết tôi cần một diễn viên có thể thu hút hết oxy trong rạp, làm khán giả ngợp thở khi xem, cả trong những phân đoạn ngắn ngủi nhân vật ấy xuất hiện và trong các “gò bó tuyệt đối” của nhân vật. Và từ đầu tôi đã biết đây sẽ là lựa chọn đúng!.
Mạc Văn Khoa hóa thân thành nhân vật tướng quân trong một vở diễn cổ
• Việc chọn dàn diễn viên với các diễn viên của cả hai miền, từ nghệ sĩ Quốc Trường, Mạc Văn Khoa, Mai Cát Vi đến NSƯT Đức Khuê và diễn viên trẻ Phương Thanh liệu có phải là cách để anh chiều lòng khán giả ở cả miền Bắc và miền Nam?
- Vì quan niệm làm phim là dành cho khán giả nên tôi cố gắng chiều lòng khán giả Việt Nam khắp nơi. Tuy nhiên, tôi chọn diễn viên theo nhu cầu của câu chuyện muốn kể trong phim và trong khả năng, thời điểm của dự án. Dàn diễn viên được chọn theo tiêu chí hợp vai, tôi muốn khoác một vẻ ngoài mới cho mỗi người. Trong phim, Mạc Văn Khoa lần đầu đóng vai phản diện trên màn ảnh rộng với một nhân vật có chiều sâu tâm lý, bóc trần những mặt tối ám ảnh của bản ngã con người khi đứng trước vinh hoa, lợi lộc. Ở thế đối lập là Quốc Trường trong vai Sơn. Còn Phương Thanh là một gương mặt hoàn toàn mới, tôi hy vọng cô ấy sẽ được biết đến nhiều hơn sau bộ phim này. Để có được vai này, Thanh phải trải qua 7 vòng thử vai, đánh bại hơn 100 ứng viên tiềm năng khác để được chọn vào vai chính. NSƯT Đức Khuê đóng vai phản diện trong phim, đây là nhân vật khác biệt so với màu sắc tính cách của anh ấy ngoài đời và nhiều vai diễn trước đây. Ông Mã thâm sâu, xảo quyệt - vai diễn của NSND Đào Bá Sơn cũng là một mắt xích quan trọng hé lộ bi kịch thế hệ giáng xuống gia đình họ Mã. Những phân đoạn diễn xuất của ông có thể coi là “xương sống” của toàn bộ câu chuyện, tạo nên kịch bản lớp lang, hằn sâu bi kịch kéo dài nhiều thế hệ của bộ phim.
• Anh có đặt một mục tiêu nào đó về doanh thu cho bộ phim này?
Tôi không đặt một mục tiêu cụ thể, tuy nhiên, tôi mong rằng phim sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư và nhà phát hành. Ngoài ra, tôi mong khán giả tìm được nhiều niềm thú vị khi xem phim này và tự hào về năng lực của mọi người trong ê kíp cũng như của điện ảnh Việt Nam!
• Xin cảm ơn anh!
HOÀNG PHƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 610, tháng 6-2025