GS,TS Lê Hồng Lý - ảnh: MOCST
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Đền Hùng gắn kết với phát triển du lịch là cuộc trò chuyện thú vị giữa với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật với GS, TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - sự kiện đặc biệt quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam. GS, TS Lê Hồng Lý chia sẻ:
- Tục thờ cúng tổ tiên không phải chỉ có ở Việt Nam, song được nâng lên thành một ngày Giỗ Tổ chung cho cả nước lại là một hiện tượng hết sức đặc sắc mà ít nơi nào có. Ý nghĩa của nó có thể nói bắt đầu từ truyền thống thờ cúng tổ tiên trong gia đình gia đình, sau đó nó được nâng lên thành quốc lễ. Ý nghĩa quan trọng nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, hướng về nguồn cội, thắt chặt tình cảm gia đình, giáo dục đạo đức và lòng yêu nước, tính nhân văn cho con người. Song, điều quan trọng hơn là Giỗ Tổ Hùng Vương được nâng lên thành quốc lễ, khơi dậy tình đoàn kết dân tộc, nó nhắc nhở mọi người con nước Việt rằng chúng ta cùng một tổ tiên (cha Rồng mẹ Tiên), cùng một nguồn cội (đồng bào), cùng chung ruột rà, máu mủ, không gì có thể chia cắt được. Cho nên, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể từ bỏ tổ tiên, nguồn cội của mình được. Đó chính là ý nghĩa lớn nhất của Lễ hội Đền Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh với một thông điệp rất lớn vì ý nhân văn đó. Bởi là con người, ai cũng có gia đình, tổ có tiên, dòng họ. Nếu điểm xuất phát là một gia đình tốt, nhiều gia đình tốt cộng lại thì sẽ có một xã hội tốt. Thiết nghĩ, UNESCO ghi danh tục thờ cúng tín ngưỡng Hùng Vương của Việt Nam ngoài những lý do khác còn là việc họ đề cao đến tính nhân văn của con người mà nhân loại luôn hướng đến. Đó chính là ý nghĩa quan trọng của Lễ hội Đền Hùng.
Điều thú vị là từ khi được Nhà nước đứng ra tổ chức, Giỗ Tổ được xem là một sự kiện quốc lễ đặc biệt (là ngày nghỉ lễ chính thức, tổ chức bài bản, quy mô hoành tráng…) có một sức hút lớn người Việt trong và ngoài nước. Mỗi năm vào dịp này (Giỗ Tổ tháng Ba mùng mười), người Việt dù đi đâu, ở đâu cũng nhớ về tổ tiên, cội nguồn. Để tỏ lòng tôn kính các vị tổ của dân tộc, khi không có điều kiện về quê tham dự, người Việt ở nước ngoài đã dựng đền thờ và tổ chức Giỗ Tổ như ở Mỹ, Đức, CH Séc…, nhờ đó mà bà con được nguôi ngoai nỗi nhớ quê, nhớ quê cha đất tổ của mình. Còn ở trong nước cũng rất nhiều tỉnh, thành phố lập Đền thờ Vua Hùng để vọng thờ và tổ chức Giỗ Tổ cùng với đền thờ các Vua Hùng ở Phú Thọ. Trong tâm thức của mình, ai ai cũng mong muốn, khao khát được một lần trở về nơi linh thiêng là đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ, nơi có đền thờ chính các Vua Hùng. Giỗ Tổ như một biểu tượng nhằm cố kết toàn dân tộc không phân biệt sự khác nhau về ý thức hệ, tôn giáo, giai cấp… Đó là ý nghĩa lớn lao, mà từ các triều đại phong kiến trong lịch sử đã hướng tới và nâng việc thờ cúng các Vua Hùng lên thành Quốc lễ, để hôm nay chúng ta tiếp tục truyền thống đó trong bối cảnh mới.
• Ông có thể cho biết đánh giá về việc phát huy các giá trị di sản văn hóa Đền Hùng gắn kết với phát triển du lịch hiện nay?
Việc phát huy lớn nhất là tính nhân văn của di sản văn hoá này thông qua các hoạt động tâm linh và từ đây là du lịch hành hương về đất Tổ. Xét về giá trị kinh tế, Đền Hùng và Lễ hội của nó là một nơi có thể thu hút khai thác, phát triển kinh tế thông qua các hoạt động du lịch, dịch vụ với con số hàng triệu du khách viếng thăm. Riêng mùa lễ hội năm 2023 tỉnh Phú Thọ ước tính sẽ đón 8 triệu lượt du khách trong nước và nước ngoài. Sự có mặt của số lượng du khách đông đảo này sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, buôn bán và quảng bá các nguồn lợi đặc sản của Phú Thọ. Vấn đề đặt ra chỉ còn là tài năng, sự linh hoạt của của các doanh nhân, của những người quản lý, tổ chức để có thể khai thác được tốt nhất tiềm năng này. Về phía tỉnh Phú Thọ làm sao tạo ra được một môi trường hấp dẫn, với các hoạt động phong phú, đa dạng, tạo ra những sản phẩm du lịch có bản sắc địa phương, mang đậm tính nhân văn…. Về phía Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ một cách bài bản, có hệ thống, để Đền Hùng và Lễ hội thờ các Vua Hùng xứng tầm với những giá trị vốn có của nó.
• Vậy, theo ông, cần có những giải pháp gì để phát huy các giá trị di sản văn hóa Đền Hùng gắn kết với phát triển du lịch đạt hiệu quả?
- Như trên tôi đã nói, với những lễ hội lớn như thế này thì không thể không có sự tham gia từ Trung ương và địa phương, các ngành, các cấp. Muốn để phát triển về kinh tế du lịch ở đây thì cần có trách nhiệm từ nhiều phía : Nhà nước tham gia cái gì? Các doanh nghiệp tham gia thế nào? Vai trò của người dân ra sao…? cần có sự nghiên cứu một cách nghiêm túc, tỉ mỉ và có sự phân vai rõ ràng. Ví dụ, về hoạt động an ninh trật tự, an toàn giao thông… thì tư nhân không thể làm được, phải do nhà nước đảm nhiệm, nhưng các loại hình dịch vụ phục vụ du khách như các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các điểm, vui chơi giải trí, trông coi phương tiện, nhu yếu phẩm, các mặt hàng thiết yếu… thì các doanh nghiệp và người kinh doanh lẻ lại có vai trò tốt. Các hệ thống dịch vụ cần tư nhân hóa và làm như thế nào đó để mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người đi hội. Do vậy, cần có một quy hoạch, quản lý và tính toán của các cơ quan chức năng của địa phương, bộ, ngành cùng phối hợp quản lý. Cần có một chính sách quản lý hoạt động kinh doanh rõ ràng. Nghiên cứu để đưa ra được các vấn đề chiến lược trong việc phát triển du lịch tâm linh ở địa phương, lấy Đền Hùng làm trung tâm, lan toả ra các vùng xung quanh của Phú Thọ và các tỉnh lân cận. Nghiên cứu quy hoạch không gian du lịch và hành trình của nó với di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại này một cách có khoa học. Những năm gần đây, tôi thấy địa phương đã làm khá tốt, bộ mặt cảnh quan, không gian thay đổi đáng kể và có sự rút kinh nghiệm, chỉnh sửa theo thời gian. Ngày nay, du khách lên Đền Hùng đã thấy được sự khang trang của một khuôn viên thờ tự và môi trường sinh thái được chăm chút, xứng tầm với một điểm thờ chung của cả nước, làm yên lòng những người con xa quê khi về nơi giỗ Tổ của mình. Đó thực sự là công lao của người “con trưởng” Phú Thọ, tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để di sản này có thể phát huy hơn nữa tiềm năng của nó trong thời gian tới.
Về du lịch tại đền Hùng Vương, các doanh nghiệp trung ương và địa phương của tỉnh Phú Thọ, cụ thể là Sở VHTTDL, có thể thiết kế các chương trình hoạt động, các tour du lịch kết nối, xâu chuỗi các điểm thuộc quần thể di tích Đền Hùng với các điểm di sản khác trong tỉnh và tỉnh bạn. Bên cạnh đó hướng du khách kết hợp du lịch văn hóa với nghỉ dưỡng tại các khu du lịch sinh thái nổi tiếng trong không gian của địa phương như khu nước khoáng Thanh Thủy, khu sinh thái thuộc các huyện miền núi của tỉnh. Chú trọng đến việc khai thác các giá trị văn hoá tiềm năng của tỉnh trong hoạt động du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa quảng bá được giá trị văn hóa của vùng đất Tổ. Điều này luôn cần sự đồng hành hết sức hài hoà giữa các nhà quản lý văn hóa và những người làm du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng nhất, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế cao. Làm sao cho du khách thấy chuyến du lịch của mình vừa vui vẻ, thuận lợi, an toàn, hấp dẫn, tạo thêm niềm cảm hứng và sảng khoái trong suốt cuộc hành trình của họ. Người dân địa phương giữ gìn, thực hành tốt các hoạt động văn hóa của mình, những người làm văn hóa chỉ ra cho người dân những giá trị văn hóa mà họ có, khuyến khích họ phô diễn, thể hiện những giá trị đó một cách tốt nhất, còn người làm du lịch sẽ từ đó mà lựa chọn những loại hình văn hóa nào phù hợp cho nhóm du khách nào và thời gian để tổ chức tour cho phù hợp. Tất cả những vấn đề đó cần được nghiên cứu, khai thác, chia sẻ để xây dựng được các loại hình du lịch hợp lý, mang đậm giá trị nhân văn và lợi ích kinh tế cho tất cả các bên với phương châm cùng thắng (Win-Win).
Lễ rước kiệu trong ngày Giỗ Tổ - ảnh: Nguyễn Trung Kiên
• Để quảng bá cho du lịch văn hóa Đền Hùng và Phú Thọ, theo ông cần có những hình thức, nội dung quảng bá như thế nào?
- Quảng bá lớn nhất là tự thân giá trị của di sản. Khi di sản có giá trị lớn thì bản thân nó sẽ thu hút người đến thăm di. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị tự thân của di sản, thì việc chăm sóc, gìn giữ, bảo vệ và tổ chức cho người đến đó cũng phải xứng tầm với giá trị của di sản. Đây lại là vấn đề của chính quyền và người dân địa phương. Cho nên vai trò chăm lo, gìn giữ, tổ chức và tiếp đón du khách đến Đền Hùng, đặc biệt trong các dịp lễ hội là một cách quảng bá tốt nhất của tỉnh Phú Thọ thông qua các hoat động này. Làm sao để du khách có ấn tượng tốt nhất khi về Giỗ Tổ, tạo cho họ sự gần gũi, thân thương, thoải mái và thương yêu giống như họ về nhà làm giỗ cha mẹ, ông bà, tổ tiên họ trong gia đình. Có như vậy sẽ để lại ấn tượng sâu sắc không quên và sẽ nghĩ đến những lần về tiếp theo.
Thực tế cho chúng ta thấy, Việt Nam có những di sản nổi tiếng, quảng bá rất lớn nhưng lại chưa thật hấp dẫn du khách. Bởi vì ngoài những sự hoành tráng về cảnh quan, môi trường thiên nhiên, danh thắng đẹp, có ý giá trị về tâm linh, giá trị lịch sử, văn hóa…, còn cần nhiều vấn đề khác như các hoạt động dịch vụ nhu cầu thiết yếu, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, giao thông tốt, sự thân thiện của người dân địa phương, thái độ ứng xử, phục vụ… Như vậy, việc quảng bá không chỉ dựa trên những lời hay ý đẹp về hình thức, mà còn là sự thực chất bên trong những lời nói đó.
Trong thời đại truyền thông đại chúng với mạng xã hội rộng lớn như hiện nay, việc quảng cáo trên các phương tiện này vẫn rất cần thiết. Tuy nhiên cần chú ý lựa chọn hình ảnh, ngôn ngữ và cách thức quảng cáo sao cho phù hợp với truyền thống, với thuần phong mỹ tục và đặc biệt là hình ảnh của di sản văn hoá - cụ thể ở đây là Đền Hùng và Lễ hội Đền Hùng, là việc cần được nghiên cứu và tính toán cẩn trọng. Việc lựa chọn một hình ảnh, một câu nói hay, ấn tượng, gợi mở và hấp dẫn được du khách sẽ tạo ra sự thu hút lớn đối với du khách. Chẳng hạn bao đời nay khi nhắc đến Đền Hùng, trong đầu người dân Việt lại vang lên câu ca:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba”
Vấn đề xây dựng biểu trưng cho Đền Hùng nói riêng cho tỉnh Phú Thọ nói chung cũng nên tiếp tục củng cố và hoàn thiện để đi vào lòng du khách thập phương một cách tự nguyện và ấn tượng. Một biểu trưng khi chứa đựng một cách cô đọng nhất, thể hiện khái quát nhất giá trị văn hóa, lịch sử đích thực của một di sản hay một địa phương, mà lại rất đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, ấn tượng và bắt mắt sẽ là một quảng bá tốt nhất về di sản hay địa phương đó. Ví như Tháp Rùa, Khuê Văn Các của Hà Nội, chợ Bến Thành của Thành phố Hồ Chí Minh là những bằng chứng cụ thể về điều đó. Từ đây dẫn đến các hình thức quảng cáo vô cùng đa dạng và phong phú của các biểu trưng đó thông qua truyền thông, qua các sản phẩm thương mại v.v…để có thể lan toả ra khắp mọi miền.
Một cách quảng bá khác đang được khai thác tốt ở nhiều nơi, trong đó có tỉnh Phú Thọ cần được phát huy, đó là thông qua hoạt động của các loại hình nghệ thuật dân gian. Những diễn xướng nghệ thuật dân gian là một đặc sản của Phú Thọ được giới thiệu trong các lễ hội tại địa phương và ở lễ hội Đền Hùng. Từ khi di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan được ghi danh, đã khơi dậy tiềm năng của các phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn khác tại các địa phương trong tỉnh và được đưa đi trình diễn ở nhiều nơi, ra cả nước ngoài, đây là một cách quảng bá khéo léo và ấn tượng về văn hóa của vùng đất Tổ. Hy vọng thời gian tới nó sẽ được phát huy một cách hiệu quả và mạnh mẽ hơn.
• Xin chân thành cảm ơn ông!
MAI HƯƠNG thực hiện