Đóng góp của ca khúc Hà Nội trong giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng

1. Vẻ đẹp toàn diện của bức tranh Hà Nội bằng nghệ thuật âm thanh

Với số lượng ca khúc đồ sộ về Hà Nội được trải dài từ thời kỳ đầu tân nhạc, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cho tới ngày hôm nay, một Hà Nội đã được dệt nên bằng lịch sử oai hùng và kiêu hãnh. Những ca khúc Hà Nội đã phản ánh hiện thực đời sống xã hội mang những sắc màu đa dạng và phong phú về nội dung, đề tài và hình thức thể hiện qua từng giai đoạn lịch sử. Những năm tháng đấu tranh oanh liệt, ca khúc Hà Nội ngập tràn khí thế chiến đấu. Những năm tháng xây dựng khôi phục sau chiến tranh lại tràn đầy niềm lạc quan tin tưởng ở tương lai. Và hôm nay, Hà Nội sẽ mãi là thành phố của hòa bình, của khát vọng và niềm tin yêu. Ngôn ngữ âm nhạc, hình tượng âm nhạc được chuyển biến theo từng giai đoạn lịch sử. Ta đã thấy một Hà Nội hào hùng trong Tiến về Hà Nội (Văn Cao), một Hà Nội hoành tráng trong Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), hiên ngang trong Tiếng nói Hà Nội (Văn An), đĩnh đạc trong Hà Nội trong niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), mềm mại trong Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh), Hà Nội mang đậm nét dân gian trong Một thoáng Tây Hồ (Phó Đức Phương) hay một Hà Nội với những điều bình dị của cuộc sống hằng ngày trong Nồng nàn Hà Nội (Nguyễn Đức Cường)…

Công chúng được thưởng thức một số lượng lớn các ca khúc viết về Hà Nội với các loại đề tài, hình thức thể hiện cùng các ngôn ngữ, chất liệu để diễn đạt và thể hiện mọi góc độ của đời sống. Một bức tranh nghệ thuật khổng lồ về Hà Nội bằng âm thanh hay một pho biên niên sử về Hà Nội bằng nghệ thuật âm thanh luôn được công chúng Thủ đô và công chúng cả nước đón nhận bằng những tình yêu nồng nàn nhất. Vẻ đẹp của những ca khúc viết về Hà Nội đã đánh thức mọi cảm xúc, năng lực sáng tạo, nhận thức, ý thức, định hướng thẩm mỹ và tạo nên thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, đồng thời phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách con người một cách toàn diện.

2. Ca khúc viết về Hà Nội góp phần giáo dục lý tưởng thẩm mỹ

Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, lý tưởng thẩm mỹ đều có mặt, nhưng chủ yếu là ở lĩnh vực nghệ thuật. Thông qua nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ dường như có điều kiện để thể hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất những ngôn ngữ của riêng mình. Âm nhạc với ngôn ngữ âm thanh, những hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng nhiều sự biểu đạt phong phú và đa dạng mà đặc biệt là ca khúc khi có lời ca diễn tả những nội dung được phản ánh trong các tác phẩm đó. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng những chuẩn mực của các giá trị nghệ thuật đó.

Đồng hành cùng nền âm nhạc cách mạng nước nhà, ca khúc Hà Nội đã hun đúc nên tinh thần quật cường của nhân dân trong những ngày kháng chiến gian lao. Người Hà Nội đã lên đường kháng chiến với những bước chân trùng trùng, lớp lớp của những đoàn quân mà chúng ta có thể thấy trong ca khúc Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao với “Trùng trùng quân đi như sóng”. Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta lại được chứng kiến một Hà Nội quả cảm của những trái tim hiến dâng cho tổ quốc yêu thương. Hình ảnh cao đẹp này đã được khắc họa trong các ca khúc như: Thủ đô huyết thệ (Lương Ngọc Trác) với lời ca: “Đoàn Thủ đô thề xung phong quyết tử/ Nguyện một lòng cho tổ quốc quyết sinh, hay Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung sông Hồng reo!/ Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng/ Bùng cháy, khắp phố ta ơi!/ Vùng lên chiến sĩ ta ơi!/ Trời Hà Nội đỏ máu”. Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh của những cô gái, chàng trai Hà Nội một lòng son sắt quyết giữ bầu trời thủ đô yêu dấu: “Ơi cô gái ơi!/ Súng bên vai, sao vuông đầu mũ/ Em đi về đâu mà mắt em tươi sáng/ Em đi về đâu mà chân bước hiên ngang… Anh chiến sĩ ơi!/ Đã bao đêm canh bên nòng súng/ Ngắm những đường phố mà thấy sao tha thiết/ Ôi Thủ đô, thịt da máu xương ta/ Trút căm hờn vào quân xâm lược/ Giữ đất trời Thủ đô mến yêu của ta” (Bài ca Hà Nội - Vũ Thanh). Đó là một Hà Nội đanh thép đáp trả lại những trận chiến với quân thù “Hà Nội của ta đó, sừng sững như một pháo đài kiên cố” (Hà Nội của ta đó - Vĩnh Cát). Đó là một Hà Nội đầy hào khí oanh liệt khi “B52 tan xác cháy sáng bầu trời, hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời/ Rồng ta lao vút tới vây bắt lũ hung thần khát máu/ Ý chí chúng ta đây mạnh hơn ngàn lần bom súng quân thù/ Một trận Điện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng” (Hà Nội, Điện Biên Phủ trên không - Phạm Tuyên). Hà Nội chiến thắng và vang khúc khải hoàn ca: “Ơi Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây!/ Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông/ Hà Nội mến yêu của ta, Thủ đô mến yêu của ta/ Là ngôi sao mai rạng rỡ/ Sáng soi bóng đêm Trường Sơn, lắng trong nước sông Cửu Long/ Nhẹ nhàng bước chân hành quân dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền...” (Hà Nội niềm tin và hy vọng - Phan Nhân). Nhiều năm sau, âm hưởng chiến thắng của Hà Nội còn mãi ngân vang mãi và không thể nào quên của công chúng Hà Nội và cả nước: “Ta chưa quên, ta chưa quên một mùa thu/ Hà Nội vùng lên, Hồng Hà cuộn sóng/ Ta chưa quên những ngày đêm mịt mù bão lửa/ Đêm pháo hoa anh lại gặp em/ Trời “Điện Biên Hà Nội” chiến thắng…” (Trời Hà Nội xanh - Văn Ký). Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn lại bồi hồi trong ca khúc Hà Nội trái tim hồng với những nỗi nhớ “Hà Nội ơi có tự bao giờ, mấy nghìn năm chói chang rực rỡ/ Hà Nội ơi náo nức bài ca,vẫn âm vang, trong tâm hồn ta…”.

Ca khúc Hà Nội trong chặng đường chiến đấu đã xây dựng một lý tưởng sống và lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp, hun đúc một tình yêu son sắt đối với quê hương, đất nước mình. Ca khúc Hà Nội đã xây dựng được ý thức thẩm mỹ với các trạng thái tình cảm, lý trí, thị hiếu, năng lực để thực hiện ước mơ và khát vọng ý chí, lôi cuốn con người hướng tới mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những hình tượng thật đẹp trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô sẽ sống mãi trong lòng công chúng của nhiều thế hệ.

Trải qua năm tháng của những cuộc chiến nhưng những ca khúc viết về Hà Nội vẫn luôn được công chúng đón nhận, điều này chứng tỏ những tác phẩm ấy đã đạt được các giá trị nghệ thuật và có chất lượng thẩm mỹ cao, có khả năng phản ánh sâu sắc hiện thực của đời sống xã hội, tác động đến tâm lý, cảm xúc của tâm hồn con người, góp phần định hướng hành động của con người. Lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn sẽ giúp cho sự sáng tạo của các tác giả định hình được những hình tượng, giá trị nghệ thuật cần được xây dựng trong mỗi tác phẩm đó. Những ca khúc về Hà Nội có tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc hình thành các lý tưởng thẩm mỹ ở công chúng, qua đó lại tiếp tục được bồi đắp thêm một lý tưởng sống cao đẹp.

3. Ca khúc viết về Hà Nội góp phần bồi dưỡng năng lực cảm xúc và định hướng thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh

Ca khúc viết về Hà Nội đã tạo nên một sức hút mạnh mẽ đối với công chúng, tạo nên sự yêu say đến lạ kỳ. Cảm xúc dạt dào niềm kiêu hãnh oai hùng của những ca khúc về đề tài chiến đấu và bảo vệ Thủ đô yêu dấu, ca ngợi thiên nhiên và con người Hà Nội, về tình yêu và cuộc sống… đã ngấm sâu trong trái tim của nhiều thế hệ.

Sự đóng góp của nghệ thuật âm nhạc nói chung và những ca khúc viết về Hà Nội nói riêng đã luôn hàm chứa cái đẹp, được con người tiếp nhận một cách tích cực. Truyền thống của âm nhạc Hà Nội được lan tỏa qua nhiều thế hệ và cho tới ngày hôm nay, những nét riêng thanh lịch vẫn luôn hiện hữu trong các sáng tác mới về Hà Nội. Điều này sẽ giúp công chúng có được sự trau dồi về văn hóa, bồi dưỡng và làm phong phú năng lực cảm xúc của con người, từ đó tự hoàn thiện chính bản thân mình.

Mỗi một giai đoạn lịch sử của đất nước đã tạo nên những thị hiếu nghệ thuật khác biệt, trong đó có nghệ thuật âm nhạc nói chung với sự nổi trội là các sáng tác về Hà Nội cũng không nằm ngoài những quy luật đó bởi sự phát triển chung của xã hội loài người. Phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử, xã hội nhất định mà thị hiếu thẩm mỹ vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính xã hội, là mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung.

Giai đoạn đầu tân nhạc Việt Nam cho tới trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ thị hiếu âm nhạc cổ truyền, công chúng đã được tiếp nhận sự du nhập của âm nhạc phương Tây với những âm điệu mới mẻ. Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Pháp, âm hưởng của đề tài chiến đấu mang tính chủ đạo trong giai đoạn này với nhịp điệu hừng hực khí thế chiến đấu và tiếp tục phát triển rộng rãi, trong giai đoạn chống Mỹ đã xuất hiện thêm chất trữ tình chiến đấu. Những bài ca chiến đấu đã trở nên thân thuộc trong tâm trí mỗi người con của Thủ đô, đồng thời cũng được lan tỏa rộng rãi tới công chúng cả nước. Cả nước hướng về Hà Nội, dõi theo những bước chuyển mình của Hà Nội từ những tháng ngày khói lửa, gian lao, rồi công cuộc vừa chiến đấu bảo vệ Thủ đô, vừa dựng xây và hàn gắn những vết thương sau chiến tranh. Những ca khúc Hà Nội đã phản ánh nội dung hiện thực một cách đa dạng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của công chúng. Âm hưởng chính ca dường như chiếm phần lớn về thị hiếu trong giai đoạn này. Đất nước thống nhất, âm nhạc chuyển sang những âm hưởng tươi mới hơn. Giai điệu tươi trẻ dần xuất hiện với những hình tượng nghệ thuật mới nhằm ngợi ca tình yêu cuộc sống, thiên nhiên, con người, tình yêu đôi lứa... Những đề tài về chiến tranh, ngợi ca chiến công của Hà Nội vẫn tiếp tục được phản ánh nhưng mang những hơi thở mới mẻ hơn, hiện đại hơn. Thị hiếu thẩm mỹ nghệ thuật ngày một chắt lọc hơn, cầu kỳ hơn trong việc hoàn thiện cho một tác phẩm từ đề tài, cấu trúc tác phẩm, phối khí, dàn nhạc thu thanh, ca sĩ thể hiện, phong cách trình diễn… Từ đây, những thị hiếu thẩm mỹ cá nhân trở thành nhiều nhóm khác nhau. Người thích thể loại nhạc này, người thích thể loại nhạc khác. Người thích âm hưởng cách mạng, dân gian, nhạc nhẹ, dân gian đương đại… mỗi người lựa chọn cho mình những tác phẩm thuộc thể loại mình yêu thích để thưởng thức.

Ca khúc về Hà Nội với sự phong phú của các thể tài đã đáp ứng được lượng công chúng lớn của Thủ đô và cả nước. Sự định hướng đúng đắn trong những sáng tác ca khúc của Hà Nội ở bất kỳ giai đoạn nào cũng toát lên những vẻ đẹp riêng có của Hà Nội. Nơi đây đã gieo vào tâm hồn người nghe bao nỗi nhớ tha thiết để rồi những người con Hà Nội dẫu đi đâu cũng mong khắc khoải trở về với Hà Nội thân yêu. Để ai chưa một lần đặt chân tới Hà Nội cũng gói ghém những yêu thương ấy trong tim và ngân xa những bài ca Hà Nội. Thị hiếu thẩm mỹ của công chúng đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của những ca khúc về Hà Nội. Những giai điệu hùng tráng Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), hừng hực khí thế chiến đấu trong Tiếng nói Hà Nội (Văn An). “Người Hà Nội mang trong tim, độc lập tự do thiêng liêng, ngẩng đầu lên ngân cao tiếng hát. Dù đổ nát đau thương lòng chúng ta sáng ngời, máu xương giành lấy cuộc đời” (Hà Nội những đêm không ngủ - Phạm Tuyên). Để rồi Hà Nội mãi là niềm tin và hy vọng với những giai điệu đầy yêu thương của Trời Hà Nội xanh (Văn Ký), Hà Nội một trái tim hồng (Nguyễn Đức Toàn)… Hà Nội đẹp và thanh bình trong những giai điệu thật đẹp của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông… của những con đường góc phố thân quen của Hà Nội. Hà Nội đẹp trong tiềm thức, trong tình yêu thương được lan tỏa từ ngàn đời.

Ca khúc về Hà Nội với sự phong phú về nội dung đã góp phần quan trọng đối với quá trình phát triển tư duy hình tượng của con người, từ đó, tâm hồn con người sẽ trở nên trong sáng hơn và thị hiếu thẩm mỹ cũng trở nên tốt đẹp hơn. Những hình tượng nghệ thuật thật đẹp của các ca khúc viết về Hà Nội đã có tác động tích cực trong việc hình thành một thị hiếu thẩm mỹ, nghệ thuật lành mạnh.

____________

Tài liệu tham khảo

1. Dương Viết Á, Âm nhạc - Lý luận và cây đời, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994.

2. Dương Viết Á, Theo dòng âm thanh cái đẹp sải cánh, Nhạc viện Hà Nội - Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, 1996.

3. Dương Viết Á, Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn văn hóa, Nxb Hà Nội, 2005.

4. Dương Viết Á, Mấy vấn đề về văn hóa âm nhạc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, 2009.

5. Dương Viết Á, Đường hướng cảm thụ âm nhạc của người Hà Nội đương đại, 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc, 2010.

6. Dương Viết Á, Hằng vọng… và mãi mãi, 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc, 2010.

7. Dương Viết Á, Sống động và sôi động, các trào lưu âm nhạc mới Hà Nội, 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc, 2010.

8. Dương Viết Á, Với âm nhạc, Hà Nội vẫn hỏi và đòi, 1000 nămâmnhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc, 2010.

9. Lê Ngọc Anh, Cái đẹp trong quan niệm của Secsnưsépki, Tạp chí Triết học, số 5, 1997.

10. A.Xô-Khor (Vũ Tự Lân dịch), Vai trò giáo dục của âm nhạc, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1978.

Ths BÙI THỊ PHƯƠNG ĐÔNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;