Một số đặc điểm giọng nữ cao tại Việt Nam

Tóm tắt: Bài viết nêu bật quá trình phát triển giọng nữ cao tại Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển. Tác giả nhấn mạnh quá trình phát triển, vai trò, tầm quan trọng của giọng nữ cao trong sự phát triển chung của nền thanh nhạc nước nhà, đồng thời phân tích một số đặc điểm trong đào tạo giọng nữ cao tại Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Từ khóa: nghiên cứu, đặc điểm, giọng nữ cao, Việt Nam.

Abstract: The article highlights the process of developing the soprano voice in Vietnam in the context of the country’s integration and development. The author emphasizes the development process, role, and importance of the soprano voice in the overall development of the country’s vocal music industry, and analyzes some characteristics of soprano training in Vietnam in general and Quang Ninh Province in particular.

Keywords: research, characteristics, soprano voice, Vietnam.

1. Quá trình du nhập và vai trò của Belcanto trong sự phát triển thanh nhạc chuyên nghiệp Việt Nam

Hát theo lối hát đẹp, giàu cảm xúc (Belcanto) đã được du nhập và phát triển ở Việt Nam từ những năm 30 TK XX và đã được các ca sĩ hàng đầu Việt Nam trong đó có các ca sĩ giọng nữ cao vận dụng một cách sáng tạo. Giọng nữ cao đã nổi lên như một hiện tượng của đời sống thanh nhạc (ca hát chuyên nghiệp).

 Giọng nữ cao (Soprano) đã chiếm một vị trí nổi trội đặc biệt với thể loại nhạc kịch (Opera), thính phòng cổ điển và giọng hát này luôn là nhân vật chính của câu chuyện. Trong ca khúc Việt Nam, rất nhiều sáng tác được viết cho giọng nữ cao như: Bóng cây Kơnia, Cánh chim báo tin vui, Bài ca hi vọng, Mẹ yêu con, Người Hà Nội, Người con gái sông La, Suối Mơ, Trường ca sông Lô, Nụ cười sơn cước, Ở rừng nhớ anh...

Giọng nữ cao là một trong những loại giọng mang thuộc tính của giọng nữ. Giọng có đặc trưng là âm thanh sáng sủa, hát được những âm vực cao, tốc độ nhanh linh hoạt, những nốt ngắt láy, hoa mỹ, bán âm tiến hành một cách linh hoạt.

Là giọng hát thực hiện được nhiều loại kỹ thuật như: Cantilena, Staccato, Trillo, Passage... giàu sức biểu cảm. Giọng nữ cao thể hiện tốt những tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật tinh tế và điêu luyện trong các thể loại Opera, thính phòng, các Romance của quốc tế và Việt Nam.

Có thể nói rằng, giọng nữ cao đã tạo nên tính độc đáo về giọng hát của loài người, với tính chất vừa dịu dàng, tinh tế, vừa quyết liệt, vừa lôi cuốn hấp dẫn lại có khả năng thể hiện những kỹ năng hát phong phú, đa dạng. Đồng thời, giọng nữ cao đã thể hiện khả năng vượt trội so với giọng nữ trung và nữ trầm.

Trên thế giới, lịch sử phát triển Opera cũng là lịch sử quá trình hình thành và phát triển các giọng hát và đặc biệt giọng nữ cao được xuất xứ từ những giọng hát hợp xướng, hát nhà thờ... Giọng nữ cao được ví như một loại nhạc cụ, như cây đàn Violon với khả năng biểu hiện kỳ diệu, rất phong phú và đa dạng.

Ở Việt Nam, từ những năm 60, 70, 80, 90 TK XX, đã xuất hiện những giọng nữ cao như: Ái Liên, Minh Đỗ, NSND Thanh Huyền, NSND Tường Vi, NSƯT Ngọc Dậu, NSND Lê Dung, NGƯT Diệu Thúy, NSƯT Thúy Huyền, NSƯT Ánh Tuyết...

Những năm gần đây, một số giọng nữ cao đã càng được ghi nhận qua các cuộc thi hát thính phòng chuyên nghiệp như: NSƯT Ngọc Lan, NSƯT Thu Lan, Anh Thơ, Lan Anh, Bích Thủy, Phương Nga...

Sự du nhập lối hát Belcanto đã được kết hợp với phong cách hát truyền thống, từ phương pháp cộng hưởng với lối nhả chữ dân tộc, nhiều ca sĩ giọng nữ cao cũng rất thành công khi thể hiện các bài dân gian trữ tình như: NSND Thanh Hoa, NSND Thu Hiền... Đặc biệt, sự ứng dụng trên nền tảng được học thanh nhạc cổ điển, nhiều ca sĩ cũng rất thành công trong lĩnh vực hát nhạc nhẹ như: NSƯT Hà Thủy, NSND Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung... qua đó đã khẳng định kỹ thuật thanh nhạc Việt Nam ngày càng phát triển.

Có được sự tiến bộ và thành tựu của giọng nữ cao ở Việt Nam phải nhắc đến công lao những thế hệ nghệ sĩ đầu tiên đã được đào tạo kỹ thuật hát Belcanto như: PGS-NSND Mai Khanh, PGS-NSND Trung Kiên, PSG-NGND Lô Thanh, NSND Quý Dương, NSND Trần Hiếu, NSND Quốc Hưng, NSƯT Dương Phú, NSƯT Gia Hội, NSƯT Dương Minh Đức... và đặc biệt là sự đóng góp của các nghệ sĩ, ca sĩ, các giảng viên thanh nhạc giọng nữ cao như: NSND Thanh Huyền, NSND Tường Vi, NSND Lê Dung, NSƯT Thuý Huyền, NGƯT Mộ La, Mỹ Bình, NSƯT Bích Việt, NGƯT Diệu Thuý, NSƯT Ánh Tuyết, NSƯT Rơchămpiang, NSƯT Ngọc Lan, NSƯT Thu Lan, Bích Thuỷ, Lan Anh, Anh Thơ, NSƯT Tân Nhàn, Phương Nga... Họ là những người tiếp thu kỹ thuật hát Belcanto của thế giới và áp dụng trong hát ca khúc Việt Nam. Chính họ là những người truyền dạy và đào tạo nhiều thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ, giảng viên thanh nhạc cho đất nước.

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập, “nghệ thuật hát mới” đã kế thừa được những giá trị của nghệ thuật hát cổ truyền dân tộc và tiếp thu những kỹ thuật của nhiều trường phái trên thế giới như: Đức, Pháp, Ý, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Tiếp thu kỹ thuật hát tiên tiến của thế giới, vận dụng một cách sáng tạo vào ngôn ngữ, truyền thống văn hóa Việt Nam là việc làm không thể thiếu trong nghệ thuật ca hát của chúng ta. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường nghệ thuật là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Làm sao để có thể đào tạo ra một ca sĩ hát hay và kéo dài tuổi nghề? Đã có không ít những ca sĩ hát bằng giọng tự nhiên, không được đào tạo, chỉ được ít năm đã hỏng giọng.

Trước xu thế hội nhập của xã hội hiện nay, đòi hỏi nền thanh nhạc cần phải có nhiều công trình mới về lý thuyết chuyên ngành, phương pháp sư phạm chuyên ngành và lịch sử chuyên ngành... Những công trình này sẽ giúp ích rất nhiều cho giáo dục âm nhạc... đặc biệt vấn đề “Nghiên cứu một số đặc điểm giọng nữ cao Việt Nam” cần được đề cập đến một cách cụ thể và bài bản, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc nước nhà.

Trường Đại học Hạ Long, có Khoa Nghệ thuật nằm trong hệ thống các trường văn hóa nghệ thuật đào tạo âm nhạc của cả nước, từ khi được thành lập đến nay đã đào tạo được rất nhiều khóa học chuyên ngành Thanh nhạc ở hệ Trung cấp, Cao đẳng. Trường đã biên soạn được giáo trình riêng, tuy nhiên vẫn tham khảo của Nhạc viện, lược bớt, bổ sung cho phù hợp với trình độ và mục tiêu đào tạo của trường địa phương. Trong những năm vừa qua chất lượng đào tạo của nhà trường đã ngày càng được nâng lên rõ rệt. Minh chứng cho thấy nhiều ca sĩ nổi tiếng bắt đầu sự nghiệp ca hát từ đây: Hồ Quỳnh Hương, Tuấn Anh, Ngọc Anh, Hoàng Tùng, Hoàng Thái, Hà Hoài Thu, Hồng Chinh, Bích Phương... một số ca sĩ Huy Anh, Đức Bắc, Phương Anh, Huyền Diệp, Ngọc Diệp, Thu An... Điều đó khẳng định nhà trường đi đúng hướng đào tạo, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, với mục tiêu đào tạo diễn viên ca hát chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, năng khiếu nguồn cho các trường Trung ương nên việc đổi mới về phương pháp giảng dạy, giáo trình, giáo án, tài liệu tham khảo giúp việc nâng cao chất lượng đào tạo các giọng hát nói chung và giọng nữ cao nói riêng tại Trường Đại học Hạ Long càng mang tính cấp thiết.

Qua thực tế giảng dạy tại Trường Đại học Hạ Long, chúng tôi thấy cần thiết đi sâu nghiên cứu về giọng nữ cao, đặc biệt giọng nữ cao Việt Nam với những đặc điểm chung và riêng, sự thuận lợi và khó khăn, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giọng nữ cao tại Trường Đại học Hạ Long.

Là một giảng viên Thanh nhạc giọng nữ cao, trước thực tế nêu trên, chúng tôi quyết định chọn: “Nghiên cứu một số đặc điểm giọng nữ cao tại Việt Nam”. Từ đó ứng dụng vào công tác đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long, góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện đào tạo giọng nữ cao trong đời sống thanh nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam.

2. Quá trình phát triển của giọng nữ cao tại Việt Nam

Giai đoạn du nhập

 Từ cuối TK XIX - đầu TK XX khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống văn hóa, trính trị, kinh tế và đặc biệt là nền âm nhạc phương Tây đã du nhập vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Từ một nền văn hóa dân gian đậm nét, âm nhạc cung đình - bác học, đặc biệt là âm nhạc của tộc người Việt mang những đặc trưng đơn thuần của âm nhạc như nhiều nước ở châu Á, các giai điệu thiên về chất trữ tình và mang đặc tính ngũ cung... đến thời kỳ này đã có sự tiếp thu và chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp - châu Âu với những thủ pháp kĩ thuật, kĩ năng sáng tác được thể hiện rõ nét qua các sáng tác ca khúc “mới”, phong trào hát lời ta theo điệu Tây trong giới trẻ... Tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Huế, các phòng trà, tiệm nhảy, vũ trường lần lượt mọc lên phục vụ giới thượng lưu và các sĩ quan Pháp. Trong thời gian đó một số giọng nữ cao như: Kim Ngọc, Thái Hằng, Thái Thanh... đã được đông đảo khán giả hâm mộ qua các sáng tác của Doãn Mẫn với Biệt ly, Văn Chung với Bóng ai qua thềm, Bên hồ Liễu, Đặng Thế Phong với Con Thuyền không bến, Văn Cao với Thiên Thai, Suối Mơ, Nguyễn Văn Thương với Đêm Đông, ngoài ra, còn các sáng tác của Nguyễn Xuân Khoát, Tô Vũ... và một số ca khúc của các tác giả thế giới như: Dòng sông xanh của Johan Strauss, Ave Maria, Mộng mơ của Schubert và nhiều ca khúc của Pháp. Tuy nhiên họ hát chưa có kỹ thuật, chủ yếu hát bằng giọng tự nhiên và bằng cảm xúc vì thời kỳ đó chưa có trường đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp.

Giai đoạn phát triển

Sau ngày hòa bình lập lại, kể từ khi Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập năm 1956, hằng năm Bộ Văn hóa đã mời các chuyên gia nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô...) sang đào tạo ca sĩ trẻ. Các ca sĩ giọng nữ cao bắt đầu được làm quen với những vấn đề về cách lấy hơi, sử dụng hơi thở, tìm vị trí cộng minh của âm thanh và luyện giọng.

Sang thập kỷ 50-60 TK XX, nhà nước ta đã liên tục cử người đi du học thanh nhạc tại nước ngoài (Thanh Trì, Mộ La, Hoài Thu, Anh Đào, Thúy Huyền, Diệu Thúy, Lê Dung, Ngọc Lan...). Có thể nói kỹ thuật Belcanto được coi trọng trong đào tạo chính quy trong nước và nước ngoài, đã tạo nên một đội ngũ thanh nhạc giọng nữ cao cốt cán cho đất nước. Họ đã đem những kỹ thuật thanh nhạc chuyên nghiệp ở nước ngoài truyền thụ cho các học viên trong nước.

Năm 1960-1961, Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) mời nghệ sĩ nhân dân Badrigie của Liên Xô sang dạy thanh nhạc và dàn dựng vở Opera nổi tiếng của Tchaicovsky. Nghệ sĩ giọng nữ cao Ngọc Dậu, cùng Quý Dương, Trần Hiếu, Trung Kiên đã đảm nhiệm các vai chủ chốt trong vở: Evghênhi - Onhêghin, cùng các ca sĩ ca múa nhạc, sân khấu trong nước được huy động tham gia vở diễn. Vở diễn đã thành công rực rỡ, được khán giả cổ vũ nhiệt tình. Công chúng Việt Nam lần đầu tiên được tiếp cận với loại hình nghệ thuật vừa lạ lẫm, vừa lí thú này. Đối với các ca sĩ, đó là sự khích lệ lớn lao, đánh dấu một bước ngoặt về sự nghiệp nghệ thuật Opera nước nhà. Từ hai thập kỷ 60-80 của TK trước, trong các vở nhạc kịch của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, giọng nữ cao đã khẳng định vị thế vô cùng quan trọng không thua kém các giọng ca nam danh tiếng, có thể kể đến: Ngọc Dậu, Kim Định, Thanh Nga, Huyền My, Bích Liên...

Sau ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975. Lối hát giọng thật với những ca khúc nhạc trẻ đã nổi lên cuốn hút nhiều tầng lớp yêu thích ca hát trong xã hội. Lối hát Belcanto với những ca khúc truyền thống và thính phòng đã không được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân do công tác quản lý, chỉ đạo còn chưa được quan tâm đúng mức, nhận thức còn hạn chế, cơ sở vật chất còn khó khăn; do khuynh hướng thương mại hóa nghệ thuật, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, đặc biệt trong giới trẻ. Một số chương trình phát thanh, truyền hình còn dễ dãi với chất lượng các chương trình ca nhạc, còn lẫn lộn giữa chuyên nghiệp và không chuyên, nhiều ca sĩ trẻ được báo chí lăng xê quá mức dẫn tới tư tưởng thực dụng, ca sĩ không cần học nhiều. Vì vậy, đã ảnh hưởng đến sự phát triển của những chương trình ca nhạc cổ điển, thính phòng.

 Một số kết quả đạt được

Năm 1996, Bộ Văn hóa tổ chức cuộc thi hát thính phòng toàn quốc lần thứ nhất tại TP.HCM (sau này trở thành cuộc thi quốc gia thường niên). Cuộc thi này đã đánh dấu bước phát triển rất mạnh mẽ trong đời sống thanh nhạc chuyên nghiệp Việt Nam và đặc biệt là giọng nữ cao. Cuộc thi để lại nhiều tiếng vang tốt đẹp, từ đó thanh nhạc Belcanto được coi trọng trở lại. Kết quả: Rơchăm Phiang giải Nhất (NGƯT Mộ La hướng dẫn); Bích Hồng giải Nhì (NSƯT Quốc Trụ hướng dẫn); Thu Lan giải Ba (NGƯT Mộ La và NSND Lê Dung hướng dẫn); Ngọc Định giải Nhì (NGƯT Diệu Thúy hướng dẫn).

Cuộc thi thính phòng toàn quốc lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2000. Kết quả: Lan Anh giải Nhất (PGS-NSND Trung Kiên hướng dẫn); Anh Thơ giải Nhì giọng nữ (NGƯT Mộ La hướng dẫn).

Đây là cuộc thi có tiếng vang lớn hơn để thúc đẩy sự phát triển việc đào tạo giọng nữ cao, phương pháp thanh nhạc Belcanto bắt đầu khởi sắc trở lại.

Sau này gương mặt trẻ sáng giá Bích Thủy dưới sự hướng dẫn của PGS-NSND Trung Kiên. Chị đã đoạt giải Nhất cuộc thi ca hát thính phòng Đông Nam Á tại Băng Cốc, Thái Lan và Trung Quốc. Ngoài ra còn có các NSƯT Phương Nga giải Nhất cuộc thi Sao Mai toàn quốc năm 2001; Đào Tố Loan giải Nhất Sao Mai 2011 dòng Thính phòng, giải Ba cuộc thi Âm nhạc quốc tế MAP năm 2021; Đỗ Tố Hoa giải Nhất Sao Mai dòng nhạc thính phòng năm 2017, giải nhất tiếng hát Việt - Trung năm 2014.

Tại Quảng Ninh, phong trào ca hát được xuất phát từ trong lao động sản xuất của công nhân vùng mỏ, các xí nghiệp, nhà máy... nơi đây có phong trào văn hóa văn nghệ phát triển mạnh. Vùng đất mỏ là nơi sản sinh ra nhiều giọng ca nổi tiếng của Việt Nam như: NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSƯT Thúy Nội, NSƯT Hồng Hạnh, những ca sĩ trưởng thành từ lực lượng vũ trang, các đơn vị trên địa bàn tỉnh như Kim Oanh, Bích Liên, Thu Khanh...

 Kể từ khi Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật được thành lập từ năm 1971 thì phong trào ca hát mới chính thức được đào tạo mang tính bài bản. Một số giảng viên Thanh nhạc giọng nữ cao như Bích Hòa, Nguyễn Thị Loan, Thu Hằng, Kim Oanh, Lê Thu, Khánh Thơ. Các ca sĩ như: Lệ Quyên, Phương Anh, Thanh Tâm, Ngọc Diệp, Huyền Diệp...

Hiện nay, nước ta vẫn tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về âm nhạc, đặc biệt là lối hát Belcanto. Rất nhiều ca khúc Việt Nam cũng cần sử dụng lối hát Belcanto qua các giọng nữ cao mới truyền tải được đầy đủ nội dung, hình thức âm nhạc của những tác phẩm đó, như: Mẹ yêu con, Bài ca hy vọng, Xa Khơi, Người Hà Nội, Bóng cây Kơnia... Ngoài ra, nhiều ca sĩ hát nhạc nhẹ như: Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà... đều tốt nghiệp nhạc viện, nắm được cách hát Belcanto nên đã hát được những bài hát có âm vực rộng với những thủ pháp biểu cảm đã thể hiện các ca khúc nhạc nhẹ thật hiệu quả.

Qua đó, có thể thấy giọng nữ cao Việt Nam vẫn không ngừng phát triển, thể hiện được kỹ thuật tinh tế, thủ pháp xử lý sắc thái ngày càng rõ nét hơn khi thể hiện những ca khúc nghệ thuật của Việt Nam.

Từ khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bị sụp đổ, không còn hỗ trợ đào tạo văn hóa nghệ thuật cho chúng ta nữa nên lớp giảng viên trẻ ít có dịp được đi tu nghiệp tại nước ngoài, việc học tập các vở nhạc kịch cũng phần nào bị hạn chế. Mặt khác, do thị hiếu khán giả, do xu thế phát triển của xã hội, các nhạc sĩ hiện nay ít chú ý đến sáng tác nhạc kịch mà chủ yếu là sáng tác ca khúc nên các nghệ sĩ Opera ít có dịp được thể hiện khả năng nghệ thuật của mình. Đây là một hạn chế của đời sống thanh nhạc chuyên nghiệp Việt Nam.

Trong tương lai, muốn thu hút được khán giả đến với sân khấu nhạc kịch, giọng nữ cao cùng các giọng ca khác cần được tập luyện nhiều với các giảng viên danh tiếng trong và ngoài nước, được tham gia các vai diễn trong các vở nhạc kịch nhiều hơn vì so với thế giới nền nhạc kịch của chúng ta vẫn còn quá non trẻ, còn phải có sự nỗ lực lớn mới sánh kịp các nước trên thế giới.

3. Đặc điểm của giọng nữ cao Việt Nam

Trên thế giới, từ khi Opera ra đời cho đến nay, giọng nữ cao dần chiếm lĩnh sân khấu ca kịch, ngày càng khẳng định vị thế vững chắc trong lòng khán thính giả. Nhờ sự nỗ lực và tìm tòi của các chuyên gia thanh nhạc hàng đầu thế giới đã tập huấn và trang bị kỹ thuật thanh nhạc giúp các giọng nữ cao khắc phục được một số nhược điểm để vươn tới đỉnh cao của giọng hát. Một giọng nữ cao hoa mỹ có thể hát được âm vực thấp của giọng nữ trung, Si1 lên đến D3 mà không vấp phải một trở ngại nào. Giọng nữ cao kịch tính màu sắc lên đến D3, staccato đến f3, các giọng Drammatic có âm lượng rất lớn… Sau này, nghệ sĩ Sarapin - người Nga sang Ý biểu diễn đã làm thay đổi quan niệm (Đào tạo thanh nhạc cần phải song song giữa kỹ thuật biểu diễn với kỹ thuật thanh nhạc. Người ca sĩ cần hiểu được nội dung, tác giả, tác phẩm, hiểu nhân vật, biết lồng ghép cảm hứng nghệ thuật sẽ chữa được sự gào thét, căng thẳng của kỹ thuật. Kỹ thuật và nghệ thuật phải song song phát triển trong cuộc đời ca sĩ). Nhờ vào các vai diễn trên sân khấu, sự khổ luyện, cùng sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, các nghệ sĩ giọng nữ cao quốc tế đã phát huy được tiềm năng của giọng, cống hiến hết mình trên sân khấu và tên tuổi của họ luôn còn mãi với thời gian. Nền nhạc kịch đã có quá trình phát triển rất lâu đời và được trải qua nhiều thời kỳ.

Ở Việt Nam phong cách hát cổ điển, thính phòng mới chỉ du nhập vào nước ta hơn 50 năm. Như vậy, nền nhạc kịch của chúng ta vẫn còn khá non trẻ so với thế giới. Giọng nữ cao ở Việt Nam chiếm tỷ lệ tương đối lớn so với giọng nữ trung và nữ trầm. Chủ yếu do cấu tạo cơ thể được sinh trưởng theo địa lý, khí hậu, nét đặc trưng văn hóa từng vùng miền, cấu tạo sinh lý và đặc biệt do phát âm tiếng nói của người Việt Nam (đơn âm, đa thanh, có dấu giọng và ngữ điệu...) nên tiếng nói của phụ nữ Việt Nam thường nhẹ nhàng, thanh thoát rất thuận lợi với giọng nữ cao. Đối với các em nữ sinh trưởng tại vùng biển, miền núi có chất giọng khỏe khoắn hơn cả. Có trường hợp, mới nghe lúc đầu gần giống giọng nữ trung nhưng sau một thời gian tập luyện các bài tập phát triển âm vực, dưới sự dìu dắt của người thày có chuyên môn vững vàng giọng hát cũng phát triển thuận lợi, bộc lộ những ưu điểm và thế mạnh của giọng nữ cao Việt Nam. Tuy nhiên, thể lực, cân nặng, chiều cao hạn chế nên cấu tạo dây thanh đới và các bộ phận phát âm của chúng ta nhỏ bé hơn so với người châu Âu và cả với một số nước phát triển ở châu Á như: Trung Quốc, Triều Tiên, Singapore... Chính vì vậy, các số đo vòng ngực, vòng bụng và các cơ quan phát âm như: phổi, xoang trán, xoang mặt, xoang đầu, vòm miệng, môi... cũng nhỏ bé theo tỷ lệ tầm vóc. Điều này đã ảnh hưởng đến khoảng vang cộng hưởng của giọng hát và tuổi nghề người Việt Nam. Ngoài ra, do truyền thống ca hát dân tộc như: ả đào, xẩm, tuồng, chèo, cải lương... đã thấm sâu vào lối ca hát của người Việt Nam. Vì vậy, cũng phần nào ảnh hưởng tới âm lượng, âm vực của giọng hát. Âm lượng giọng nữ cao Việt Nam mảnh và không dày như giọng nữ cao quốc tế. Tuy nhiên, trong những năm qua, do tiếp thu kỹ thuật của các trường phái thanh nhạc trên thế giới, vận dụng tinh tế, điêu luyện với lối ca hát dân tộc, kỹ thuật thanh nhạc nước nhà đã ngày càng phát triển, âm vực giọng nữ cao Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. NSND Lê Dung có thể hát được âm vực từ C1 đến C3, D3. Nghệ sĩ Lan Anh hát được âm vực từ C1 đến D3. Nghệ sỹ Bích Thủy có thể hát được âm vực từ C1 đến D3, E3 mà không gặp trở ngại nào…

Tại Quảng Ninh, giảng viên giọng nữ cao có thể hát lên C3, D3. Học sinh thanh nhạc giọng nữ cao hát được A2, H2... như vậy họ đã dần san bằng khoảng cách giữa ca hát Việt Nam và quốc tế. Đến nay, chúng ta đã có một đội ngũ các nghệ sĩ, giảng viên, ca sĩ giọng nữ cao có bề dày kinh nghiệm. Họ đã cống hiến vào sự trưởng thành của nền Thanh nhạc Quảng Ninh nói chung và Thanh nhạc nước nhà bằng những thành công trong giảng dạy, biểu diễn và kết quả đạt được trong các kỳ thi quốc gia và tầm cỡ quốc tế.

4. Kết luận

Để đào tạo giọng nữ cao hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, yếu tố có tầm quan trọng bậc nhất là phải có một đội ngũ những người thày giỏi kết hợp phương pháp giảng dạy đúng đắn mới đáp ứng yêu cầu đào tạo ca sĩ giọng nữ cao có năng lực biểu diễn vững vàng.

Trong công tác tuyển sinh, chúng ta phải tuyển chọn được những học sinh có năng khiếu thanh nhạc. Bởi vì, giọng hát và năng khiếu có yếu tố quyết định cho sự phát triển nghệ thuật và chất lượng nghệ thuật. Việc xây dựng cho học sinh một nền tảng kỹ thuật vững chắc, một khả năng thể hiện âm nhạc phong phú là hết sức cần thiết đối với mỗi giảng viên thanh nhạc.

Để rèn luyện kỹ năng và kỹ thuật cho học sinh, giúp học sinh xác định được mục tiêu học tập, tự xây dựng một kế hoạch học tập, rèn luyện biểu diễn là điều rất quan trọng, cùng với sự quan tâm, tạo mọi điều kiện của gia đình, nhà trường và xã hội. Các yếu tố này có mối quan hệ chặt chẽ và ràng buộc lẫn nhau.

Mục tiêu của việc đào tạo giọng nữ cao hệ Trung cấp, Cao đẳng tại các Trường Văn hóa Nghệ thuật ở địa phương là vận dụng được phương pháp giảng dạy sáng tạo, hiệu quả của người thày, kết hợp với việc luyện tập tích cực của học sinh để phát triển kỹ thuật thanh nhạc từ cơ bản nhất đến xây dựng cho học sinh một thói quen hát đúng, chủ động điều khiển được tiếng hát của mình với nhiều kỹ thuật khác nhau để phát huy được các thế mạnh của giọng hát, đáp ứng được yêu cầu về nội dung, tính chất của từng tác phẩm trong và ngoài nước với sức biểu hiện sâu sắc, phong phú và có tính thẩm mỹ cao.

Tuy nhiên, trong thực tế tại các trường nghệ thuật, để đào tạo được một học sinh giọng nữ cao trở thành ca sĩ hay một nghệ sĩ tài năng là một chặng đường vô cùng gian nan và vất vả. Một người thày giỏi, có nhiều kinh nghiệm không thể thành công khi có học sinh có giọng hát tốt mà yếu kém về năng khiếu âm nhạc, thiếu ý chí nghị lực trong học tập và rèn luyện. Ngược lại, những học sinh có giọng hát tốt, có năng khiếu âm nhạc mà không gặp người thày tốt dìu dắt cũng không có được kết quả học tập như mong muốn.

Người thày thanh nhạc phải là người dìu dắt và định hướng từng bước đi ban đầu của học sinh để họ có thể vững vàng trong tương lai, trở thành một ca sĩ, một người thày giỏi hay nhà quản lí nghệ thuật... Muốn vậy, người thày phải được trang bị đầy đủ những kiến thức giảng dạy thanh nhạc đó là: những kiến thức về kỹ thuật thanh nhạc; những kiến thức tổng hợp; những kinh nghiệm thực tế; phương pháp giảng dạy, trong đó phải thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc: thống nhất sự phát triển kỹ thuật và nghệ thuật, dần dần và liên tục nắm vững kỹ thuật hát, tiếp cận từng cá nhân học sinh.

___________________________

Tài liệu tham khảo

1. Mai Khanh, Sách học Thanh nhạc, Nxb Trẻ,1997.

2. Hồ Mộ La, Lịch sử nghệ thuật Thanh nhạc phương Tây, Nxb Từ điển Bách khoa, 2005.

3. Nguyễn Trung Kiên, Giáo trình thanh nhạc hệ trung cấp 4 năm, Bộ Văn hóa - Thông tin, Nxb Hà Nội.

4. Nguyễn Trung Kiên, Lược sử Opera, Nxb Từ điển Bách khoa, 2011.

5. Trần Thị Ngọc Lan, Nâng cao chất lượng đào tạo hát tiếng Việt trong nghệ thuật hát mới, Luận án năm 2010.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 11-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa:15-4-2025; Ngày duyệt đăng: 28-4-2025.

Ths TRỊNH THỊ KIM OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 605, tháng 5-2025

;