Khi nói đến đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng là nói đến những nghị quyết quan trọng của Đảng đối với sự phát triển văn hóa, văn nghệ nói chung và nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam nói riêng. Theo quan điểm của người viết, nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam được tính từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1945.
Nghệ thuật múa Việt Nam và nghệ thuật múa Cách mạng Việt Nam là hai khái niệm có những đặc điểm chung và riêng, đều mang ý nghĩa và gắn liền với lịch sử. Cái chung cùng phát triển trên dòng chủ lưu múa dân tộc (múa dân gian các dân tộc Việt Nam). Cái riêng đó là cùng chịu sự tác động, chi phối bởi các yếu tố lịch sử, văn hóa dân tộc. Đặc biệt nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam từ khi ra đời đã bám sát các nghị quyết của Đảng làm nền tảng lý luận, được đúc kết từ thực tiễn cách mạng, định hướng phát triển cho từng giai đoạn. Đó là cơ sở để các loại hình nghệ thuật phát triển bền vững, trong đó có nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam.
Tất cả các nghị quyết của Đảng đều lấy con người làm đối tượng để xây dựng và phục vụ. Nghệ thuật múa là thành tố của văn hóa, là kết quả sáng tạo của con người, lấy con người làm đối tượng sáng tạo. Nhìn lại lịch sử, từ khi thành lập nước đến nay, nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam đều lấy con người làm đối tượng để sáng tạo. Quá trình hình thành, phát triển, nghệ thuật múa đã được chứng minh rõ ràng về nguồn gốc, sự tồn tại và những thành tựu qua hàng nghìn tác phẩm. Xuyên suốt lịch sử múa Việt Nam có thể thấy ba lớp văn hóa múa xuất hiện ở những thời điểm, đặc điểm khác nhau, có khi cả ba lớp văn hóa múa chồng lên nhau: Lớp văn hóa múa bản địa (múa dân gian các dân tộc Việt Nam); Lớp văn hóa múa giao lưu với Trung Quốc và các nước trong khu vực; Lớp văn hóa múa giao lưu với phương Tây. Nhưng đặc điểm chính của văn hóa múa Việt Nam là luôn bám sát vào nghệ thuật múa dân tộc, nên đã không bị đồng hóa với văn hóa múa ngoại lai. Thực tế cho thấy là chúng ta biết tiếp nhận và biến đổi, có bản lĩnh trong giao lưu hội nhập, nói cách khác là biết Việt hóa với mục đích làm giàu cho nghệ thuật múa Việt Nam. Để có bản lĩnh văn hóa múa, một trong điều căn cốt nhất đó là nội dung các nghị quyết của Đảng về đường lối văn hóa, văn nghệ.
Cảnh trong vở Hồ Thiên Nga - Ảnh: Thanh Hà
Nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam chịu sự chi phối, tác động bởi nhiều yếu tố: kinh tế, chính trị, văn hóa... nhưng trực tiếp nhất, với tư cách là chủ thể đưa ra các nội dung định hướng phát triển là nghị quyết của Đảng. Bài viết này mong muốn làm sáng rõ những nghị quyết, chỉ thị quan trọng đã chi phối, chỉ đạo, định hướng cho nghệ thuật múa. Chúng tôi phân sự phát triển của nghệ thuật múa thành 4 giai đoạn khác nhau: từ năm 1945 đến 1954; từ 1954 đến 1975; từ 1975 đến 1986; từ 1986 đến nay.
Ngược dòng lịch sử vào năm 1943, chúng ta có bản Đề cương văn hóa Việt Nam. Bản đề cương này được đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng vận dụng các quan điểm của chủ nghĩa Mác với những đặc điểm, đặc trưng của lịch sử dân tộc, văn hóa đất nước để biên soạn. Bản Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 như một tất yếu khách quan, có ý nghĩa lớn lao, định hướng cho nền văn hóa dân tộc... PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ có viết: “Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra một cương lĩnh văn hóa, mà ở đó nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công” (1). Nhận định trên phù hợp với diễn biến lịch sử, có thể nói được chứng minh qua các nội dung nghị quyết sau này về sự xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Có thể nói Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là tuyên ngôn văn hóa đầu tiên của Đảng, là những định hướng lớn về văn hóa, khẳng định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng. Văn hóa là một trong ba mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa. Sự nghiệp văn hóa là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tinh thần cơ bản của quá trình vận động của văn hóa được thể hiện ba nguyên tắc lớn đó là: dân tộc - khoa học - đại chúng. Những nguyên tắc đã thể hiện rõ tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử các giai đoạn từ 1945 đến nay, tùy theo đặc điểm, tính chất, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, cho thấy quan điểm và đường lối phát triển văn hóa của Đảng luôn được đổi mới và phát triển hợp lý, phù hợp với thực tế khách quan.
Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Bác Hồ đã chỉ ra 2 nhiệm vụ quan trọng, khẩn thiết của văn hóa: một là cùng với diệt giặc đói là diệt giặc dốt, hai là phải giáo dục tinh thần cho nhân dân. Hai nhiệm vụ này rất cụ thể, thiết thực, đã chỉ ra những việc làm của văn hóa, chi phối toàn bộ mọi hoạt động của văn hóa, văn nghệ thời kỳ kháng chiến 9 năm. Mặc dù tác phẩm múa trong thời kỳ này không nhiều, nhưng nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam với tư cách là loại hình nghệ thuật độc lập có những đóng góp thiết thực cho đời sống kháng chiến. Nội dung, đề tài đều phản ánh sinh động tinh thần nghị quyết, cương lĩnh của Đảng, đặc biệt hai nguyên tắc dân tộc và đại chúng. Một số gương mặt lịch sử như nhạc sĩ Lương Ngọc Trác viết nhạc cho điệu múa Tưng bừng và nhạc sĩ Minh Tâm là người xây dựng điệu múa. GS,TS, NSƯT Lâm Tô Lộc có ghi lại cảm xúc của tác giả Lương Ngọc Trác: “Năm 1945 những đêm gió rét đi làm về, thấy cảnh người chết đói ngoài đường, tôi thấy xót thương những con người cùng khổ và ước mơ ngày mai hửng nắng xuân, con người sẽ ấm no, hạnh phúc” (2). Đó là ý tưởng ban đầu khi nhạc sĩ cầm bút viết vũ khúc này. Múa Tưng bừng được biểu diễn nhiều lần tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong tuần lễ văn hóa chào mừng Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ tịch. Sau đó ở các địa phương Huế, Hội An, Quảng Trị và nhiều tỉnh thành khác xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm múa sáng tác phục vụ kháng chiến như: Múa cương quyết, Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ Văn Chung; Múa Lưỡi kiếm xung phong, Thái bình vũ khúc của Văn Đông. Rồi phong trào múa tập thể được sáng tác và hưởng ứng ở ba miền Bắc, Trung, Nam, tạo ra bộ mặt văn hóa của vùng tự do và chiến khu. Nhạc sĩ Trần Hoàn (nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin) cũng sáng tác nhiều điệu múa như: Đàn chim xanh, Trăng độc lập, Bầy chim đêm khuya, Hương xuân đất Việt, Nắng mùa xuân... Từ những ngày đầu cuộc kháng chiến, dưới ánh sáng đường lối văn nghệ của Đảng, những người sáng tác múa như: Văn Chung, Văn Đông, Trần Hoàn, Thái Ly, Lâm Tô Lộc, Trương Bình Tòng... có thể nói là những con chim đầu đàn của nghệ thuật múa cách mạng.
Tháng 11-1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nền văn hóa mới của nhà nước lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Từ cách đặt vấn đề của Bác cũng rất cụ thể rõ ràng, đây là tinh thần cơ bản đối với định hướng quan trọng quan điểm giao lưu văn hóa xuyên suốt đến ngày nay. Bác nói: “Tây phương, Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ” (3). Giới văn nghệ sĩ Việt Nam đều ghi nhớ thư của Bác Hồ gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm Hội họa năm 1951, Bác nêu rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Bác đã khẳng định rõ vai trò xung kích của văn hóa, Người nói: “Chính trị, kinh tế, văn hóa đều phải coi là quan trọng ngang nhau”. Bác khẳng định vai trò tiên phong của văn hóa trong xứ mệnh giải phóng dân tộc, đặc biệt là xứ mệnh của nghệ sĩ: “Nay ở trong thơ nên có thép. Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Bài thơ số 132 Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Thấm nhuần tinh thần đó, đội ngũ nghệ sĩ múa trong đó có những biên đạo đã đóng góp rất nhiều tác phẩm múa có nội dung tư tưởng và nghệ thuật tốt. Thể hiện sinh động, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Ký ức về chiến tranh, về các hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm múa không bao giờ phai mờ đối với các thế hệ khán giả Việt Nam. Tính quy mô, hoành tráng của: Ngọn lửa Nghệ Tĩnh (tác phẩm nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh), Cánh chim và ánh sáng mặt trời, Bà má miền Nam, Rồng lửa Thăng Long, Đường trời không lối thoát... là những tác phẩm thể hiện rõ nội dung, tinh thần các nghị quyết của Đảng. Điều đó khẳng định nghệ thuật múa không đứng ngoài văn hóa, chính trị.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976) được xác định và chỉ rõ: Xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hóa mới... Tháng 3-1982, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V đã chỉ rõ nền văn hóa mới là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Hai nhiệm vụ được xác định đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng năm 1986, xác định: “Văn hóa là bộ phận trọng yếu của công tác tư tưởng và văn hóa là động lực mạnh mẽ đồng thời là một mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Như vậy, vai trò nhiệm vụ của văn hóa, văn nghệ được Đảng nâng lên tầm cao mới là động lực, mục tiêu phát triển. Nghệ thuật múa cách mạng cũng không nằm ngoài ý nghĩa, yêu cầu mới. Thời kỳ này, ngành Múa Việt Nam đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo và có những đóng góp mới qua hàng nghìn tác phẩm, đưa đời sống sân khấu nghệ thuật múa trở nên sôi động. Đặc biệt bước đầu trong giao lưu với văn hóa múa thế giới đón nhận nhiều thông tin mới, những dự báo ban đầu trong việc tiếp nhận và đổi mới ngôn ngữ, đổi mới cấu trúc tác phẩm, nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật múa. Trước đòi hỏi của hiện thực đời sống, Hội nghị lần thứ 5 khóa VIII đã ra nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết này đã tiếp nhận tinh thần cơ bản của các nghị quyết trước (kể từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943). Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là trí tuệ mới, tinh thần mới trong việc khẳng định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về văn hóa. Tinh thần cơ bản trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII tiếp tục được khẳng định, làm rõ hơn trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI của Đảng: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng”. Thống nhất trong đa dạng là một chủ trương, định hướng đúng đắn. Nước ta có 54 dân tộc, sự đa dạng về bản sắc khá rõ ràng. Nhiệm vụ của ngành Múa phải làm rõ những đặc điểm khác nhau qua các sáng tạo nghệ thuật biểu diễn. Nội dung này nhiều năm qua đã được ngành Múa quan tâm. Đặc biệt các trường đào tạo múa chuyên nghiệp từ trung ương đến địa phương đã nhiều lần đổi mới, bổ sung, điều chỉnh hệ thống chất liệu múa dân gian các dân tộc. Làm được điều đó cần có những điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ, có phương pháp tiếp cận và tiếp nhận khách quan, chân thực và khoa học. Muốn “đậm đà” cần nắm vững cái cơ bản, nguyên gốc để từ đó xây dựng quan điểm giữ gìn, bảo tồn. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy những gì thực sự có lợi ích, có giá trị văn hóa đích thực đồng thời cũng cần biết dũng cảm loại trừ những cái lạc hậu. Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đã từng phối hợp với một số cơ sở đào tạo trao đổi về vấn đề này. Với tinh thần đó, bước đầu chúng ta đã có những thành quả nhất định. Sự đa dạng là cơ sở để tạo nên tính thống nhất.
Một trong những nội dung cơ bản nghị quyết văn hóa của Đảng được nhấn mạnh, đó là: “Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng, nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội trong giai đoạn mới của cách mạng” (4). Quan điểm này là định hướng cho các hoạt động sáng tác và biểu diễn của nghệ thuật múa, nhằm xây dựng những phẩm chất mới của con người thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng những tiêu chí đạo đức mới, trách nhiệm của nghệ sĩ trong việc xây dựng con người Việt Nam mới. Nhìn lại chặng đường đã đi, những nội dung trong quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa được phản ánh sinh động, phong phú trong các sáng tạo đối với lĩnh vực nghệ thuật múa. Từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đến Nghị quyết Trung ương 9 khóa X, với những thành tựu của văn hóa đã đạt được trong phát triển thấy rõ đường lối xây dựng văn hóa của Đảng là đúng đắn, phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, xuyên suốt qua các nghị quyết, các thời kỳ đó là nội dung cơ bản xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhìn lại các kỳ Đại hội Hội Nghệ sĩ Việt Nam đều phản ánh rõ các Nghị quyết Đại hội luôn quán triệt, thấm nhuần, bám sát đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, những nghị quyết quan trọng, đặc biệt tính xuyên suốt Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII; Nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết 23 NQ/TW về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới của Bộ Chính trị về “Xây dựng con người để phát triển xã hội, phát triển xã hội để xây dựng con người. Nêu cao tinh thần trách nhiệm hưởng ứng tích cực cuộc vận động sáng tác, quảng bá nghệ thuật - Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Qua từng giai đoạn với những đặc điểm lịch sử cùng những diễn biến trong hiện thực đời sống, nghệ thuật múa không ngừng gắn bó, đồng hành với dân tộc, với Đảng trong các hoạt động sáng tạo và biểu diễn, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
_______________
1, 3, 4. Nguyễn Thế Kỷ, Sự nhất quán trong quan điểm đường lối phát triển văn hóa văn nghệ của Đảng, Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật, số 9-2019, tr.11, 12, 19.
2. Lâm Tô Lộc, Tìm hiểu về nghệ thuật múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, 9-2011, tr.72.
Tác giả: Ứng Duy Thịnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021