Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Nghệ - Tĩnh. Năm 2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngay sau khi được UNESCO ghi danh, việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm được hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Một trong những nét nổi bật đó là thành lập các câu lạc bộ (CLB) dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Ở bài viết này, tác giả chỉ xét đối tượng các CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh do UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) ra quyết định thành lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Giao lưu Dân ca Ví, Giặm tại thị xã Hồng Lĩnh
Quá trình thành lập các CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh do UBND cấp xã ra quyết định trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VHTTDL Hà Tĩnh, năm 2012, các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, Vũ Quang là những đơn vị tiên phong thành lập điểm 4 CLB dân ca Ví, Giặm ở xã Thạch Châu, xã Xuân Hải, xã Xuân Phổ, xã Đức Giang. Tiếp đó, năm 2013 đến năm 2014, huyện Nghi Xuân tiếp tục xây dựng CLB dân ca Ví, Giặm ở xã Cương Gián, xã Xuân Mỹ; các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc thành lập điểm 5 CLB ở xã Việt Tiến, thị trấn Thạch Hà, xã Cẩm Mỹ, xã Kỳ Bắc, xã Kỳ Văn, xã Tùng Lộc. Từ năm 2015 đến nay, tất cả các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhân rộng các CLB dân ca Ví, Giặm trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Nhờ vậy, số lượng CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có sự phát triển rộng khắp.
Tiết mục Thành Sen vọng mãi lời Người của CLB dân ca Ví, Giặm phường Nam Hà (thành phố Hà Tĩnh) đoạt giải A
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 209 CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh do UBND cấp xã ra quyết định thành lập. Cụ thể: thị xã Kỳ Anh: 11 CLB; huyện Kỳ Anh: 20 CLB; huyện Cẩm Xuyên: 22 CLB; thành phố Hà Tĩnh: 15 CLB; huyện Lộc Hà: 11 câu lạc bộ; huyện Thạch Hà: 22 CLB; huyện Can Lộc: 19 CLB; thị xã Hồng Lĩnh: 6 CLB; huyện Nghi Xuân: 17 CLB; huyện Vũ Quang: 10 CLB; huyện Đức Thọ: 18 CLB; huyện Hương Sơn: 17 CLB; huyện Hương Khê: 21 CLB.
Các CLB được thành lập cơ bản đảm bảo về quy mô, cách thức tổ chức hoạt động:
Về Ban chủ nhiệm: Mỗi CLB bầu từ 3 - 5 thành viên và phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Chủ nhiệm CLB cơ bản là công chức văn hóa cấp xã hoặc người hát dân ca Ví, Giặm tốt, có uy tín ở địa phương.
Về thành viên CLB: Mỗi CLB bình quân từ 20 - 30 thành viên, có CLB có đến 50 thành viên với đủ các thành phần, giới tính, nghề nghiệp, lứa tuổi tham gia khác nhau như nghệ nhân, cán bộ (những người đang công tác hoặc nghỉ hưu), học sinh, sinh viên, nông dân… Tất cả đều có chung đam mê, sở thích hát dân ca Ví, Giặm; có ý thức về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo tồn, phát triển loại hình văn hóa dân gian này.
Về chế độ sinh hoạt: Các CLB xây dựng quy chế hoạt động, quy định hoạt động thường xuyên ít nhất mỗi tháng một lần, có nơi mỗi tuần 1 lần. Trong các dịp hội thi, hội diễn, có CLB sinh hoạt có tuần lên tới 2 - 3 lần.
Về địa điểm sinh hoạt: Nhà sinh hoạt văn hóa thôn, tổ dân phố/xã, phường, thị trấn hoặc đình làng, có khi tại một gia đình có điều kiện không gian rộng rãi, chủ nhà say mê yêu thích dân ca Ví, Giặm.
Về nội dung sinh hoạt: Các CLB xây dựng nội dung khá phong phú, hấp dẫn, phù hợp như: Truyền dạy, tập luyện các làn điệu cổ, bài hát nguyên gốc dưới hai hình thức (do các nghệ nhân thực hiện hoặc theo băng ghi âm; sưu tầm các làn điệu cổ); tự sáng tác và biểu diễn các làn điệu, bài hát, trích đoạn, hoạt cảnh với nhiều đề tài liên quan cuộc sống đương đại như ca ngợi quê hương đất nước, cuộc sống sinh hoạt đời thường, tình yêu đôi lứa… Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nhằm phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương, tham gia các hội thi, hội diễn…
Tiết mục của câu lạc bộ phường Kỳ Trinh thị xã Kỳ Anh tại Liên hoan 2023
Kinh phí hoạt động: Các CLB huy động nguồn xã hội hóa và thực hiện theo Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐNDtỉnh Hà Tĩnh về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 98/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2025. Cụ thể: Nghị quyết quy định hỗ trợ 30.000.000 đồng cho các CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh các xã, phường, thị trấn thành lập mới; hỗ trợ 5.000.000 đồng/năm/CLB cho các CLB đã được thành lập và duy trì hoạt động tối thiểu 15 buổi sinh hoạt/năm.
Ngoài ra, các CLB tham gia các hội thi, liên hoan về dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đều được UBND cùng cấp hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước.
Hoạt động của CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh do UBND cấp xã ra quyết định thành lập
CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh do UBND cấp xã thành lập có những ưu điểm sau:
Thứ nhất, kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động cho đến nay, các CLB dân ca Ví, Giặm là một trong những loại hình có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Thông qua các CLB dân ca Ví, Giặm, những giá trị, bản sắc của văn hóa truyền thống được lưu giữ, bảo tồn, phát huy và phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Đây cũng chính là sân chơi để các nghệ nhân có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những sản phẩm do mình sáng tác, sưu tầm và lưu giữ để truyền dạy cho thế hệ trẻ; là nơi phát hiện, ươm mầm và đào tạo nhiều giọng hát dân ca Ví, Giặm hay, tham gia và đạt giải cao tại các hội diễn, hội thi từ địa phương đến tung ương. Thông qua hoạt động của loại hình CLB dân ca Ví, Giặm, các mối quan hệ xã hội, cá nhân được thiết lập và duy trì, tạo nên sự gắn bó mật thiết, tương hỗ lẫn nhau trong nghệ thuật và trong cuộc sống, góp phần xây dựng đời sống tinh thần phong phú, vui tươi cho nhân dân tỉnh nhà. Từ đó, mở rộng tinh thần đoàn kết của cộng đồng, phát huy lòng tự hào về truyền thống quý báu của quê hương, dân tộc và hun đúc nên ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân. Mặt khác, các CLB dân ca Ví, Giặm đã góp phần to lớn trong việc thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Thứ hai, hoạt động của CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đạt hiệu quả cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đã có nhiều địa phương ban hành chính sách riêng về hỗ trợ các CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Cụ thể: thành phố Hà Tĩnh, huyện Hương Khê hỗ trợ cho CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thành lập mới 10 triệu đồng/năm; huyện Đức Thọ đã bố trí hỗ trợ cho CLB dân ca Ví, Giặm duy trì hoạt động có hiệu quả (5 triệu đồng/1 CLB/năm)…
Thứ ba, các nghệ nhân trong CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có vai trò hết sức quan trọng. Ở CLB nào có những hạt nhân chủ chốt thì CLB đó duy trì và phát triển tốt. Điển hình như Nghệ nhân Nhân dân Trần Khánh Cẩm (Chủ nhiệm CLB dân ca Ví, Giặm xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh); Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh (Chủ nhiệm CLB dân ca Ví, Giặm xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên); Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn (Chủ nhiệm CLB dân ca Ví, Giặm xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân); Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Bá Ngọc (Chủ nhiệm CLB dân ca Ví, Giặm thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên); Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hà (Chủ nhiệm CLB dân ca Ví, Giặm xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc)…
Thứ tư, các CLB dân ca Ví, Giặm là nơi tập hợp những người say mê với nghệ thuật Dân ca Ví, Giặm. Họ hoạt động với sự yêu thích loại hình nghệ thuật của dân tộc, trên tinh thần tự nguyện. Hầu hết các thành viên trong CLB đều rất tâm huyết với dân ca Ví, Giặm, nhất là là các nghệ nhân “gạo cội” đã không ngừng học hỏi, rèn luyện ngày đêm truyền dạy cho các nghệ nhân trẻ. Các thành viên theo học lẫn nhau, thành viên nhiều kinh nghiệm truyền dạy cho học viên mới đến hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm.
Bên cạnh những ưu điểm, CLB dân ca Ví, Giặm do UBND cấp xã ra quyết định thành lập có những hạn chế sau
Thứ nhất, sự quan tâm của các cấp, các ngành và hỗ trợ của nhà nước đối với các CLB dân ca Ví, Giặm còn hạn chế. Các CLB đều hoạt động trong tình trạng khó khăn về kinh phí, trang thiết bị, nguồn kinh phí chủ yếu do các thành viên tự đóng góp.
Thứ hai, hoạt động của các CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vẫn còn những hạn chế nhất định chưa được khắc phục.
Về nguồn nhân lực truyền dạy đang gặp nhiều khó khăn, các nghệ nhân am hiểu và có khả năng truyền dạy về dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ngày càng ít và đang có nguy cơ mai một do tuổi ngày càng cao. Một bộ phận giới trẻ đang có xu hướng ít quan tâm tới các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc nên hầu hết các thành viên các CLB dân ca Ví, Giặm là những người trung tuổi, số lượng thành viên trẻ rất ít. Một số thành viên sau khi được đào tạo, truyền dạy vì nhiều lý do khác nhau… nên đã không tham gia CLB dân ca Ví, Giặm. Đây là một khó khăn trong việc phát triển đội ngũ kế cận.
Việc nghiên cứu sưu tầm các làn điệu cổ khó khăn do người lưu truyền còn lại rất hiếm. Việc sáng tác các làn điệu mới còn ít, chưa thường xuyên, chủ yếu thực hiện khi có các hội thi, hội diễn do cấp trên tổ chức.
Các hoạt động trình diễn của các câu lạc bộ chưa thường xuyên. Không gian diễn xướng của dân ca Ví, Giặm trong đời sống hiện nay đã bị sân khấu hóa và đang mai một dần.
Thứ ba, trình độ kỹ năng biểu diễn đàn, hát dân ca Ví, Giặm giữa các CLB chưa đồng đều, dẫn đến việc tự đào tạo, phát triển lực lượng kế cận gặp nhiều khó khăn.
Một số giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh do UBND cấp xã thành lập
Xây dựng, phát triển hệ thống CLB dân ca Ví, Giặm do UBND cấp xã thành lập nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc là một chủ trương đúng đắn. Nội dung này được triển khai thực hiện khoa học, khá đồng bộ, phát huy được sức mạnh của cộng đồng, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần đưa dân ca trở thành hồn cốt của người dân xứ Nghệ. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi chỉ tiêu “100% xã, phường, thị trấn có CLB dân ca Ví, Giặm hoạt động hiệu quả” đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra tại Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 22/12/2023 “về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới”, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy mạnh hoạt động của các CLB.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhiệm vụ bảo vệ và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Lồng ghép tổ chức các sinh hoạt ở cơ sở về dân ca Ví, Giặm thông qua hội nghị của các thôn, tổ dân phố.
Thứ ba, ngành chuyên môn tập trung định hướng, hướng dẫn giúp các CLB đi vào hoạt động hiệu quả; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nghệ nhân; tạo ra sân chơi cho các CLB (tổ chức Liên hoan, hội thi…); cử cán bộ chuyên môn tổ chức điền dã về trực tiếp từng địa phương tiếp cận các CLB dân ca Ví, Giặm, gặp gỡ những người cao tuổi để sưu tầm các làn điệu cổ; xây dựng và tái tạo thêm một số không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm tại các khu, điểm du lịch trọng điểm…
Thứ tư, tiến hành kiện toàn quy chế hoạt động của CLB. Phát huy vai trò của Ban Chủ nhiệm CLB. Nâng cao chất lượng sinh hoạt các CLB nhằm thu hút đông đảo thành phần tham gia.
Thứ năm, quan tâm hỗ trợ kinh phí, huy động các nguồn lực, nguồn xã hội hoá để các CLB duy trì và hoạt động hiệu quả. Có chế độ chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với các nghệ nhân…
Thứ sáu, kịp thời khen thưởng động viên các nghệ nhân có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Thứ bảy, CLB bộ cần khai thác và phát huy những giá trị truyền thống của dân ca Ví, Giặm, từ đó sáng tạo ra những làn điệu dân ca mới mang hơi thở cuộc sống đương đại hiện nay.
Bài và ảnh: NGUYỄN NGA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025