Islam giáo với phát triển quốc gia Indonesia hiện nay

Indonesia là quốc gia có sự đa dạng về văn hóa, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ. Đất nước có nền văn hóa lâu đời và chịu sự ảnh hưởng lớn bởi các tôn giáo chính như: Hindu, Phật giáo và Islam giáo. Kể từ sau năm 1998, đất nước có những cải cách trong nhiều lĩnh vực và Islam đóng vai trò quan trọng trong phát triển quốc gia. Bài báo tập trung làm rõ sự xuất hiện, hình thành cộng đồng Muslim và sự tham gia của các tổ chức Muslim vào quá trình dân chủ hóa, các hoạt động chính trị, các lĩnh vực phát triển xã hội. Từ đó, đưa ra những đánh giá và nhận xét về vai trò của Islam trong xã hội đương đại Indonesia.

1. Sự xuất hiện và hình thành cộng đồng Muslim ở Indonesia

Islam giáo có lịch sử phát triển lâu đời ở Indonesia. Những điều kiện về địa lí, kinh tế, chính trị và văn hóa của quốc gia cổ đại tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành cộng đồng Muslim ở Indonesesia. Đây là quốc gia Đông Nam Á hải đảo có vị trí địa lí thuận lợi cho việc giao thương quốc tế nhộn nhịp từ phương Đông qua vịnh Ba Tư, bờ biển Levantine rồi lên Bắc Âu, giữa các nền kinh tế lớn từ Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản), Tây Á (Iran, Ả Rập), Nam Á (Ấn Độ) và phương Tây. Chính vì thế, ban đầu, các thương nhân từ Trung Quốc, Ba Tư và Ấn Độ sang đây để trao đổi hàng hóa, trong đó có các thương nhân Muslim từ TK VII-VIII. Để Islam được chấp nhận ở đây thì quá trình thâm nhập trải qua những thách thức nhất định và cũng có nhiều thuận lợi từ đặc điểm văn hóa bản địa. Nền văn hóa người Malay lúc bấy giờ đã có sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo và Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, tính bao dung, mềm dẻo và thích nghi của Islam đối với các tín ngưỡng truyền thống địa phương đã khiến tôn giáo dễ dàng hòa nhập vào đây. Thậm chí, trong quá trình thâm nhập, các nghi lễ truyền thống của người Malayu được đưa vào thực hành trong các nghi lễ đạo Islam. Bên cạnh đó, việc truyền đạo chủ yếu sử dụng tiếng Malay nên không có bất cứ trở ngại về mặt ngôn ngữ đối với người tiếp nhận giáo lý. Hơn thế, tại thời điểm lịch sử này, các mô hình chính trị của nhà nước cổ đại sụp đổ và chưa có một mô hình nào thích hợp để thay thế (1). Vậy nên, Islam đã có sự tác động đúng thời điểm nhằm hỗ trợ các Sultan (tiểu vương) hình thành nên các tiểu vương quốc và nhanh chóng nắm quyền cũng như truyền bá tôn giáo.

Như vậy, Islam xuất hiện khá muộn ở Indonesia so với các tôn giáo khác như đạo Phật và Ấn Độ giáo. Sự thâm nhập của nó vào Indonesia một cách tự nhiên, không có bất cứ đối kháng nào của người dân địa phương hay từ chính quyền. Trong đó, nhân tố có tính chất quyết định nhất đối với sự xuất hiện và truyền bá rộng rãi Islam vẫn là quyền lợi về kinh tế gắn với tín đồ, đặc biệt đối với người đứng đầu các tiểu vương quốc. Từ khi xuất xuất hiện vào TK VII, mãi đến TK XIII mới bao phủ ở Malaysia và cộng đồng Muslim được thành lập và nằm trong hệ thống Islam thế giới vào TK XIV (2).

Hiện có khoảng 231 triệu Muslim và chiếm khoảng 87.20% dân số Indonesia và khoảng 13% tổng Muslim thế giới vào năm 2021(3). Indonesia được xem là quốc gia có số Muslim lớn nhất thế giới. Ở đây, Islam có thể được phân loại rộng rãi thành “chủ nghĩa hiện đại”, theo thần học chính thống trong khi tiếp thu cách học hiện đại, hoặc “chủ nghĩa truyền thống”, theo cách giải thích của các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương. Hầu hết tín đồ ở đây tuân thủ dòng Sunni. Tuy nhiên, tín đồ sống ở mỗi khu vực khác nhau có lịch sử phát triển riêng nên đức tin Islam giáo cũng khác nhau, vì vậy có sự đa dạng của các dòng Islam giáo. Đặc trưng cơ bản nhất là kinh tế đóng vai trò quyết định trong quá trình phát triển cộng đồng, việc thành lập các vương quốc và các phong trào xã hội khác. Cộng đồng Muslim có sự đổi mới cùng với cải cách đất nước từ sau năm 1998 đến nay. Chính phủ ngày càng muốn tách vấn đề tôn giáo khỏi hoạt động của bộ máy cấp trung ương. Do đó, vai trò của tổ chức Islam giáo đối với phát triển xã hội trên một số lĩnh vực có sự thay đổi lớn.

2. Islam giáo trong quá trình phát triển quốc gia

Tôn giáo và phát triển

Tôn giáo và phát triển là hai khái niệm gắn liền với nhau. Tôn giáo mang đến những niềm tin, hy vọng, còn phát triển đem đến những biến đổi tốt đẹp hơn đối với con người và cuộc sống. Như vậy, vấn đề phát triển liên quan đến thế giới thực tại, còn tôn giáo thường quan tâm đến các vấn đề thế giới khác. Chính vì thế, phát triển là phạm trù hữu hình, tôn giáo thường đề cập các vấn đề khó nắm bắt hơn. Với cách hiểu này, hai khái niệm dường như đối lập nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vẫn có điểm tương đồng. Đó chính là tư tưởng của con người muốn hướng đến sự biến đổi của thế giới từ bên trong theo quan niệm tôn giáo và từ bên ngoài theo quan điểm phát triển. Do đó, hai khái niệm này có sự gặp gỡ và kết nối chặt chẽ nhằm tạo ra thế giới riêng của con người (4). Chính vì thế, vấn đề tôn giáo và phát triển vẫn có sự gắn kết với nhau, hay đó chính là sự tích hợp của tôn giáo với phát triển.

Có thể thấy Islam giáo có mối liên hệ với phát triển xã hội, thể hiện qua tính thế tục của tôn giáo. Kinh Koran đề cập trực tiếp đến nhiều vấn đề giữa tôn giáo và phát triển xã hội như công bằng xã hội; an sinh xã hội; quyền cá nhân, tình yêu và sự tôn trọng; giáo dục; sự hòa hợp và tình huynh đệ; giá trị gia đình; xóa đói giảm nghèo; thương mại và nông nghiệp; bảo hiểm Islam giáo; sinh kế; đánh bạc, tệ nạn (5). Đối với phát triển xã hội nói chung là giá trị nền tảng của Islam được quy định trong kinh Koran và cũng là cơ sở cho việc quản lý xã hội. Islam là thuật ngữ rất gần gũi với các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội của quốc gia, là tôn giáo của hòa bình, tình yêu nhân loại, sự đồng cảm, thân ái và kiềm chế bạo lực cũng như sự thù hận. Những giáo lý của kinh Koran chỉ rõ, an sinh xã hội là những giá trị cơ bản của Islam.

Quan điểm phát triển của Islam phản ánh rất rõ qua quá trình biến đổi thích ứng với xã hội hiện đại của cộng đồng. Islamgiáo nói chung là tôn giáo có chủ trương kêu gọi các tín đồ áp dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhằm cải thiện cuộc sống nhưngvẫn duy trì những giới hạn của tôn giáo. Muslim tin rằng tôn giáo sẽ đưa mọi người từ bóng tối ra ánh sáng và có nhiều đặc điểm tương ứng với phát triển như: kêu gọi tín đồ tin rằng tất cả mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp, tôn vinh sức mạnh của vật chất lẫn tinh thần, tôn trọng các nguyên tắc cũ có nghĩa là quá trình phát triển phải có tính kế thừa, chấp nhận sử dụng các phương tiện hiện đại dù có các nguyên tắc cố định, khuyến khích tín đồ tìm tòi và trau dồi kiến thức là cơ sở của phát triển cũng như mang lại lợi ích cho cá nhân và xã hội tôn giáo, yêu cầu tín đồ áp dụng kiến thức trong mọi lĩnh vực đời sống và ngành nghề, thừa nhận sự phát triển vật chất trong khuôn khổ tôn giáo. Thông qua các nguyên tắc liên quan đến phát triển nói chung này, từ xưa đến nay, cộng đồng Muslim khắp thế giới có sức mạnh kinh tế lớn, đóng góp lớn đối với nền văn minh nhân loại.

Islam giáo trong phát triển quốc gia

Trong xã hội Indonesia, mối quan hệ giữa nhà nước, pháp luật và Islam giáo rất chặt chẽ. Mặc dù một quốc gia có dân số chủ yếu là Muslim, không phải là một quốc gia Islam giáo; khuôn khổ ý thức hệ nhà nước Pancasila quy định niềm tin vào một và chỉ một Thiên Chúa. Chính phủ cũng không ủng hộ một cộng đồng tôn giáo nhất định (6). Nhà nước Indonesia là một nhà nước thế tục và đa nguyên, hiến pháp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của luật pháp nhà nước châu Âu. Về nguyên tắc, vai trò của nhà nước vẫn bị hạn chế trong việc thiết lập khung pháp lý và các vấn đề hành chính, hiếm khi can thiệp vào các vấn đề thần học. Các đảng Islam muốn gắn nguyên tắc nhà nước Islam trong hiến pháp nhưng không được đa số Muslim ủng hộ. Trong đó, tòa án Sharia thực sự chịu trách nhiệm cho việc thực thi luật Islam, một số yếu tố có thể được thực thi theo luật tự trị khu vực (Luật 22/1999). Nhưng trên thực tế, quyền tài phán của họ vẫn bị giới hạn trong các trường hợp theo luật gia đình Islam (liên quan đến hôn nhân, ly hôn) và cần phải có sự chấp thuận của các tòa án quận thế tục để có thể thi hành một cách hợp pháp. Ngoài Aceh, một số tỉnh khác đã giới thiệu các yếu tố của Sharia kể từ năm 2001 và xu hướng theo mô hình vai trò Aceh.

Cùng với quá trình đổi mới của Indoenesia, Islam giáo cũng có sự thay đổi phù hợp với thời đại mới. Cải cách dân chủ và các mô hình sau chế độ Trật tự mới sụp đổ. Sự biến đổi của hệ thống tổ chức chính trị - xã hội của Indonesia hơn nửa thế kỷ qua cũng cho thấy bước tiến dân chủ hóa mà Indonesia đã đạt được. Sau khi giành lại nền độc lập từ tay thực dân Hà Lan năm 1950, các tổ chức chính trị xã hội Indonesia chỉ được khoảng thời gian tự do ngắn ngủi (từ năm 1950-1959). Ngay sau đó, Indonesia bước vào chế độ Dân chủ Chỉ đạo (1959-1965) và Trật tự Mới (1966-1998) với sự kiểm soát khắt khe của chính phủ với các tổ chức chính trị xã hội. Chỉ các tổ chức chính trị xã hội có đường lối ủng hộ chính phủ hoặc không đe dọa đến chính phủ mới có nhiều khả năng tồn tại. Ở cả hai thời kỳ đều có các điều luật hạn chế sự thành lập và hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội. Tuy nhiên, trong cả hai thời kỳ vẫn có những khuynh hướng tổ chức chính trị xã hội khác nhau tồn tại, trong đó một khuynh hướng là các tổ chức ủng hộ chính phủ hoặc tập trung vào dịch vụ phát triển và phúc lợi xã hội, khuynh hướng còn lại là các tổ chức hướng đến cải cách thể chế, cải cách dân chủ, bảo vệ quyền con người... Trong khi các tổ chức mang tính phúc lợi xã hội và phát triển văn hóa nhận được sự đồng tình, trợ giúp của nhà nước và phát triển mạnh thì các tổ chức mang thiên hướng dân chủ bị kìm hãm và rất khó khăn để phát triển. Các tổ chức này đã góp phần quan trọng vào sự thay đổi chế độ chính trị xã hội, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, đặc biệt trong thời kỳ Trật tự mới.

Từ năm 1998, hàng loạt cải cách chính trị xã hội quan trọng diễn ra. Những cải cách mang tính dân chủ được thực hiện trên rất nhiều lĩnh vực. Cùng với đó là sự xuất hiện của đảng chính trị Islam giáo như: PAN, Partai Amanat Nasional; PBB, Partai Bulan Bintang; PKB, Partai Kebangkitan Bangsa; PKS, Partai Keadilan Sejahtera; PPP, Partai Persatuan Pembangunan. Một số trong các đảng chính trị này có quan điểm bảo thủ nhưng vẫn tuân theo các quy tắc dân chủ.

Sự ra đời của nhiều tổ chức Islam giáo dân sự liên quan đến cải cách dân chủ. Ngoài các tổ chức xã hội mang tính chất phát triển và phúc lợi, còn có rất nhiều tổ chức chính trị xã hội vận động dân chủ ra đời và hoạt động tích cực. Những tổ chức này đã có vai trò đáng kể làm thay đổi bộ mặt chính trị xã hội Indonesia, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách dân chủ của quốc gia này. Đáng chú ý là phong trào theo một học thuyết tân hiện đại, trở thành một trong những định hướng giáo lý quan trọng nhất ở đây. Nó kết hợp các yếu tố truyền thống và hiện đại, có lập luận chặt chẽ nhằm ủng hộ dân chủ. Đại diện quan trọng nhất của phong trào này là cựu Tổng thống Abdurrahman Wahid, trí thức Nurcholish Madjid và các thành viên của Islam giáo Jaringan, mạng lưới Islam giáo tự do. Có nhiều tổ chức xã hội dân sự Islam tích cực tham gia vào việc tái tổ chức nhà nước và xã hội theo hướng dân chủ là một phần của chủ nghĩa đa nguyên mới này. Ngoài nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự cũng đóng vai trò là trung tâm cho sự phát triển xã hội của đất nước.

Theo báo Kompas trích dẫn từ Cục Thống kê Indonesia (BPS), năm 2000 có khoảng 70.000 tổ chức phi chính phủ (7). Các tổ chức Islam giáo chính tham gia phát triển xã hội như: Muhammadiyah, Nahdlatul Ulama, Majelis Ulama Indonesia. Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều tổ chức Islam giáo khác nhau ở cơ sở hỗ trợ cho quá trình phát triển xã hội ở các địa phương.

Muhammadiyah (1912) là tổ chức tôn giáo xã hội hiện đại hàng đầu ở Indonesia có các chi nhánh trong cả nước và có 30 triệu tín đồ. Muhammadiyah điều hành các nhà thờ Islam giáo, nhà cầu nguyện, phòng khám, trại trẻ mồ côi, nhà nghèo, trường học, thư viện công và các trường đại học trên khắp Indonesia. Các hoạt động chính là giảng dạy tôn giáo, giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội và trao quyền kinh tế. Trong số tất cả các tổ chức Islam giáo Indonesia làm việc ở cấp quốc gia, Muhammadiyah có ảnh hưởng mạnh nhất đến các tổ chức ở Aceh, hỗ trợ quá trình phục Islam và tái thiết ở Aceh, chủ yếu trong các lĩnh vực giáo dục và y tế. Muhammadiyah đại diện cho một Islam giáo với tiêu chí dân chủ và dân sự, mặc dù có ảnh hưởng bảo thủ.

Nahdlatul Ulama (NU-1926) là tổ chức tôn giáo xã hội Islam giáo có quy mô lớn nhất Indonesia, với khoảng 40-60 triệu tín đồ. Được thành lập vào năm 1926, NU đại diện cho Islam giáo truyền thống Indonesia bắt nguồn sâu xa từ Sufism. NU cũng hoạt động ở cấp quốc gia, nhưng vẫn mạnh nhất ở vùng nông thôn Java. NU là tổ chức liên kết, kết nối quyền lực giữa các học giả tôn giáo (ulama), các nhà lãnh đạo (kyai) của pesantren (trường nội trú Islam giáo) và các sinh viên, tín đồ của họ. NU đang tham gia vào các hoạt động tương tự như của Muhammadiyah nhưng cũng tập trung vào công việc phát triển cộng đồng được thực hiện bởi Pesantren. NU thường được biết đến như một tổ chức rất tự do và ôn hòa.

Majelis Ulama Indonesia (MUI; Hội đồng Ulama Indonesia-1975) được thành lập theo sáng kiến ​​của Suharto với tư cách là một tổ chức hòa giải giữa chính phủ và cộng đồng Islam giáo, để chuyển các mục tiêu phát triển của chính phủ sang các thuật ngữ Islam giáovà ủy quyền cho họ thông qua các tư tưởng ​​pháp lý của Islam giáo (fatwas). Là một cơ quan tôn giáo được nhà nước bảo trợ một phần, MUI có nhiệm vụ bảo đảm sự tham gia mạnh mẽ hơn của các học giả tôn giáo vào phát triển quốc gia, khu vực và địa phương, để cải thiện cơ sở hạ tầng tôn giáo (nhà thờ Islam giáo và trường học) và giáo dục, hỗ trợ phòng chống nghèo đói giữa những người Islam giáo thông qua việc tăng cường zakat và các loại quyên góp khác. MUI có chức năng quan trọng nhất là xây dựng các fatwas về các vấn đề tôn giáo và xã hội, thay mặt cho Ulama. MUI hoạt động như một tổ chức bao trùm gồm mười tổ chức quần chúng Islam giáo quan trọng nhất ở Indonesia và 50 tổ chức nhỏ hơn có đại diện ở cấp tỉnh, huyện. Chi nhánh Aceh của MUI, Majelis Permusyawaratan Ulama (MPU), có mức độ độc lập cao.

Các tổ chức của Muslim có thể tham gia nhiều hơn đối với một số lĩnh vực kém phát triển trong xã hội đặc biệt là cấp địa phương. Những lĩnh vực nổi bật mà cộng đồng đóng vai trò quan trọng như: giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ, phát triển nông thôn, trao quyền phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình, phúc lợi xã hội. Đáng chú ý nhất là hệ thống giáo dục Islam ở cấp địa phương, những vùng nông thôn nghèo, đối tượng thế yếu. Các vấn đề Islam gặp phải là mâu thuẩn giữa giáo lý nguồn trong thánh kinh với thực hành tôn giáo và các biện pháp cải thiện nhận thức về sức khoẻ, quyền con người. Bản thân Islam có thể thay đổi những định kiến xã hội nếu chính họ diễn giải lại các vấn đề trong kinh Koran theo hướng tích cực nhất. Cùng với sự nỗ lực kết nối của Chính phủ Indonesia, Islam giáo đã tham gia vào quá trình phát triển và góp phần giúp đất nước thực hiện các kế hoạch hành động trong đó có phát triển một số lĩnh vực xã hội. Kết quả là Indonesia đã đạt được tiến bộ ấn tượng trong việc giảm bất bình đẳng thu nhập và cải thiện mức sống, giảm tình trạng nghèo đói, tăng tỷ lệ tiếp cận y tế địa phương, thay đổi dần thói quan khám và chữa bệnh của người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giảm thiểu những rủi ro đối tượng thiệt thòi trong xã hội. Bên cạnh đó, một số đặc điểm Islam giáo cũng mang đến những hạn chế đối với quá trình phát triển xã hội.

Những hoạt động của các tổ chức này và nhiều tổ chức khác dựa trên nguồn zakat, là một trong năm trụ cột của Islam giáo. Đây là phương tiện kinh tế chính để thiết lập công bằng xã hội và dẫn dắt xã hội Islam giáo thịnh vượng, an sinh. Zakat được giải quyết những vấn đề liên quan đến nghèo đói. Mục đích chính của zakat là ngăn cản sự tích lũy của cải của một nhóm xã hội và cũng làm giảm thiểu xu hướng phân phối của cải không thường xuyên trong xã hội. Trong Islam giáo, đó là một nghĩa vụ tôn giáo bắt buộc đối với Muslim giàu có về tài chính. Họ được yêu cầu phải trả một phần hai (2,5%) tổng thu nhập hoặc tiền của họ mỗi năm cho những Muslim nghèo.

3. Kết luận

Islam giáo là một trong hai tôn giáo chính có quá trình phát triển lâu đời, ảnh hưởng lớn đến đời sống tôn giáo và tâm linh của phần lớn dân số Indonesia. Mặc dù đất nước Islam giáo thế tục nhưng Islam giáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, xã hội nói chung và phát triển xã hội nói riêng. Từ khi hình thành cho đến nay, cộng đồng Islam giáo trải qua nhiều giai đoạn phát triển và có sự tham gia trong các hoạt động phát triển xã hội theo các mức độ khác nhau của từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có quá trình thay đổi lớn sau thời kỳ Trật tự mới. Chính sách phát triển xã hội được xác định lại, hướng tới xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và thịnh vượng. Nhiều kế hoạch hành động và mục tiêu phát triển được đưa ra. Những nỗ lực của Chính phủ là làm sao giải quyết được vấn đề dân tộc và tôn giáo trong các văn bản như hiến pháp, luật có tính cởi mở với Islam giáo. Những nỗ lực của cộng đồng Islam giáo còn thể hiện ở sự cố gắng cải cách, thay đổi cách tiếp cận xã hội theo hướng quốc tế hóa tôn giáo. Chính phủ đang dần nhận ra tầm quan trọng của một hệ thống tổ chức Islam giáo. Chính phủ Indonesia đã công nhận tiềm năng bảo vệ xã hội của Islam giáo cũng như những thách thức này và củng cố chiến lược phát triển dài hạn cho phát triển xã hội. Trong bối cảnh hiện tại, để bảo vệ xã hội phát triển và làm thế nào phát triển bền vững trong tương lai thì Islam giáo là vấn đề cần được chú trọng hơn nữa khi Indonesia muốn phát huy mối quan hệ giữa tôn giáo đi liền với phát triển.

_______________

1. Các quốc gia này chưa có mô hình nhà nước thống nhất nên họ chọn mô hình chính trị theo kiểu Mandala đặc trưng của Ấn Độ làm mẫu. Cấu trúc xã hội kiểu Ấn Độ giáo này đã sớm hình thành và có nhiều bất cập, tỏ ra lỗi thời và có nhu cầu phải thay đổi bằng cái mới.

2. Marshall Cavendish Reference (Firm), Islamic beliefs, practices, and cultures (Tín ngưỡng, thực hành và văn hóa Islam giáo), Nxb Tarrytown, N.Y, 2010, tr.23.

3. Muslim Population By Country 2021 (Dân số Islam giáo theo quốc gia năm 2021), worldpopulationreview.com.

4. HAAR, G. T, Religion and development: ways of transforming the world (Tôn giáo và phát triển: cách để biến đổi thế giới), Nxb Columbia University, New York, 2011.

5. Mubarak Ahmad Saqi, Thánh Thư Koran, Nxb Ahmadi, 1988.

6. Triết lý chung của Pancasila có 5 nguyên tắc phục vụ nhà nước, chủ nghĩa độc thần, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa nhân đạo, dân chủ và công bằng xã hội.

7. Setiawan, Bonnie, LSM sebagai Kekuatan Sosial Baru (Tổ chức phi chính phủ như một lực lượng trong xã hội mới), Nxb Pustakaloka, 2004.

Tài liệu tham khảo

1. Phan Thế Châu, Islam giáo lược khảo, Nxb Đông Quang, Sài Gòn, 1973.

2. Ngô Văn Doanh, Islam giáo giáo và văn hóa Đông Nam Á thời cận - hiện đại, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 12, 2008.

3. Trương Sĩ Hùng, Tôn giáo trong đời sống văn hóa Đông Nam Á, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2010.

4. Đỗ Quang Hưng, Tôn giáo và nhà nước pháp quyền, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2014.

5. D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1997.

TS HOÀNG THỊ MỸ NHỊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;