Khảo sát, thống kê, số hóa tư liệu Hán Nôm ở Hà Nam - những kết quả bước đầu

Hà Nam là vùng đất lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, phong phú, đặc sắc của nhiều tầng văn hóa cổ giàu bản sắc. Toàn tỉnh hiện có 1.784 di tích (551 ngôi đình, 490 ngôi chùa, 306 ngôi đền, số còn lại là miếu, phủ, văn chỉ, từ đường...) được phân bố đều khắp ở các thôn xóm.

 

Những thư tịch cổ còn lưu lại trên đất Hà Nam đa dạng, phong phú gồm nhiều chất liệu như: bia đá, giấy, lụa, ván khắc gỗ… với nhiều loại văn bản như: sắc phong, trát văn, gia phả, hương ước, khế ước, văn bia, hoành phi, câu đối, châu bản, địa bạ… chủ yếu là tư liệu Hán Nôm, phần lớn được cất giữ ở các công trình văn hóa tín ngưỡng của làng, xã như: đình, đền, chùa, nghè, miếu, am… hoặc trong các gia tộc, dòng họ tiêu biểu có truyền thống về văn tài, võ lược, phần nào đã phản ánh rõ nét truyền thống, văn học nghệ thuật, tổ chức làng xã cũng như sinh hoạt xã hội của các bậc tiền nhân.

Chính những thư tịch cổ này cung cấp cho thế hệ hậu sinh vô số thông tin quý báu để xác định niên đại, nguồn gốc xuất xứ của di tích với biết bao câu chuyện ẩn chứa những thông điệp từ quá khứ. Đây cũng chính là kho báu lưu giữ ký ức của quê hương và cũng là nguồn tư liệu rất quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học về địa lý, lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ, kinh tế, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán gắn với cuộc sống, con người qua các thời kỳ lịch sử.

Tuy nhiên, nguồn thư tịch cổ này đang chịu sự tác động không nhỏ từ các điều kiện khách quan như: sự bào mòn của thời gian, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện, phương thức bảo quản, ý thức của người dân...

Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa của các nguồn tư liệu quý và tính cấp thiết phải thực hiện sưu tầm, số hóa tư liệu Hán Nôm tại các thôn, làng, dòng họ, tư gia, Sở VHTTDL Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 35 ngày 31/3/2022 về việc Khảo sát, thống kê, số hóa tư liệu Hán Nôm, tư liệu cổ, quý hiếm trên địa bàn huyện Lý Nhân; giao cho Thư viện tỉnh chủ trì, phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Phòng VHTTTT huyện Lý Nhân và UBND các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, thống kê, số hóa tư liệu Hán Nôm hiện có nhằm mục đích khảo sát, thống kê, số hóa những tư liệu Hán Nôm có giá trị (sắc phong, gia phả, thần tích, ngọc phả, văn tế, ghi chép…) được viết trên giấy dó, hoặc chép tay. Lưu trữ, bảo quản các tư liệu quý hiếm này một cách bền vững dưới dạng kỹ thuật số nhằm tránh các yếu tố rủi ro do thời gian, thiên tai, khí hậu và tần suất sử dụng; khai thác tài nguyên và sản phẩm thông tin, phục vụ việc tra cứu, nghiên cứu của nhân dân và các nhà nghiên cứu. Hướng dẫn Ban quản lý các di tích, dòng họ, gia đình phương pháp bảo quản, lưu giữ tư liệu được lâu bền hơn. Tổ chức dịch bước đầu thông tin tư liệu đã sao chụp, xử lý file ảnh, tổ chức lưu trữ, hoàn thiện và bàn giao sản phẩm là USB có chứa dữ liệu cho địa phương. Sản phẩm cuối cùng là tư liệu dưới dạng điện tử, được lưu trữ và khai thác tại Thư viện, Bảo tàng và các di tích, gia đình, dòng họ.

Song song với việc khảo sát, thống kê, số hóa những tư liệu Hán Nôm, Sở VHTTDL Hà Nam đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, điển hình là đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu Hán Nôm đến cán bộ, đảng viên, nhân dân; đến Ban Quản lý di tích, các gia đình, dòng họ… để mọi người nắm được và có trách nhiệm phối hợp thực hiện tốt việc khảo sát, thống kê và số hóa tư liệu Hán Nôm.

Qua đợt 1 khảo sát tại 44 di tích thuộc 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lý Nhân (gồm: Hợp Lý, Văn Lý, Chính Lý, Công Lý, Nguyên Lý, Đức Lý, Bắc Lý, Đạo Lý và thị trấn Vĩnh Trụ), đã số hóa tư liệu Hán Nôm tại 39 di tích (2 điểm không số hóa được vì tài liệu lưu giữ là bản photocopy, 3 điểm tài liệu bị rách nát không thể sao chụp hoặc không tiếp cận được…); bao gồm: 32 đình; 3 chùa; 3 miếu; 1 đền; 1 đàn; 1 gia đình, 3 nhà thờ họ; đã tiến hành sao chụp và số hóa được 253 tư liệu Hán Nôm: 233 sắc phong, 5 thần tích, 18 thần sắc; 3 ngọc phả; 3 gia phả; 3 văn tế; 6 ghi chép.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh thì mặc dù nguồn kinh phí rất ít ỏi nhưng Sở đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiến hành số hóa các tư liệu Hán Nôm tại huyện Lý Nhân, trong đó ưu tiên các trang tư liệu quý hiếm bằng giấy. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương đưa ra những giải pháp khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hán Nôm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Sở sẽ tiến hành thống kê chi tiết và tiếp tục khảo sát, số hóa tư liệu Hán Nôm để từ đó có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào bảo quản các tư liệu Hán Nôm, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ bằng các biện pháp: photocopy, scan, chụp ảnh với độ phân giải cao. Đây là cách lưu trữ rất hiệu quả và cần thiết, tạo điều kiện cho việc bảo quản, khai thác, trao đổi các tư liệu Hán Nôm thuận lợi và dễ dàng hơn trong xu hướng toàn cầu hóa. Có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ chuyên viên, thư viện viên, những người làm quản lý văn hóa tham dự các lớp chữ Hán, chữ Nôm để đọc, hiểu, nắm vững giá trị của các văn bản Hán Nôm, dần mở rộng phạm vi giới thiệu giá trị di sản Hán Nôm của tỉnh. Trong tương lai, có thể Sở sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn để phân loại, phiên dịch, xuất bản thành tài liệu số để lưu trữ tập trung trong hệ thống lưu trữ của Thư viện tỉnh; lựa chọn một số tài liệu quý để xuất bản sách, ấn phẩm giới thiệu đến các độc giả.

 

HOÀNG OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

 

;