Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2025) và 80 năm ngày truyền thống Công an Nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2025), tối ngày 19/4/2025 tại Quảng trường Đài tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ tỉnh Tây Ninh đã diễn ra chương trình nghệ thuật Ký ức để lại.
Chương trình do Đảng ủy Công an Trung ương, Cục Công tác chính trị (Bộ Công an) phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức, thực hiện, được dàn dựng theo hình thức bán thực cảnh -trên sân khấu ngoài trời, kết hợp nhiều hình thức biểu diễn. Chương trình kết cấu gồm 3 chương - 6 cảnh với tổng thời lượng 80 phút: Chương I: Ký ức đỏ, chương II: Chia lửa với miền Nam, chương III: Đất lửa Tây Ninh, nhằm tôn vinh lực lượng An ninh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Địa bàn chủ yếu được phản ánh trong chương trình là mảnh đất Tây Ninh - nơi được coi như ATK của miền Nam, cơ quan đầu não của cách mạng, đóng vai trò rất quan trọng trong chiến đấu với Mỹ và ngụy quân ngụy quyền. Mỹ ngụy cũng hiểu rõ ý nghĩa, tác động của Trung ương cục ở Tây Ninh đối với cuộc chiến nên đã tiến hành nhiều chiến dịch càn quét tàn khốc nhằm tìm diệt, đánh bật cán bộ cách mạng nơi đây. Ngược lại, đội ngũ các chiến sĩ an ninh quyết tâm bảo vệ lực lượng, bảo vệ lãnh đạo… Sự xung đột vì thế đã được đẩy lên với các cuộc chiến ác liệt giữa cán bộ của ta và quân địch. Nhưng cuối cùng, nhờ sự ủng hộ của nhân dân, lực lượng cách mạng vẫn được bảo toàn và từ đó đã có những chỉ thị chính xác, góp phần to lớn để cách mạng miền Nam từng bước tiến lên, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với chiến thắng 30/4, thống nhất đất nước.
Chương trình có sự tham gia của gần 500 diễn viên chuyên nghiệp và 120 chiến sĩ Công an tỉnh Tây Ninh, đội Cảnh khuyển, nhiều khí tài quân sự… đã tái hiện lại giai đoạn rất dài trong lịch sử dân tộc: từ khi Bác Hồ về chiến khu Việt Bắc, tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, thành công qua chiến dịch Điện Biên Phủ cho tới cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi năm 1975. Thể hiện được chặng đường cách mạng suốt cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ trong vòng 80 phút quả không dễ. Đạo diễn, biên đạo, đồng thời cũng là tác giả kịch bản Tuyết Minh đã cố gắng để đem tới không khí thật chân thực mà lại giàu tính nghệ thuật. Chị kết nối các bài hát một cách chọn lọc, đó là những ca khúc đã đi cùng năm tháng, mang tính gợi nhớ thời điểm lịch sử. Những bài hát này được kết hợp cùng các câu chuyện kịch về lãnh tụ, những trường đoạn nhạc kịch… Xuyên suốt là cuộc đời của một chiến sĩ an ninh (ca sĩ Đào Mác đóng vai) từ khi rời làng quê hương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, chiến đấu anh dũng trên mảnh đất Tây Ninh, trở thành cán bộ điệp báo… Và cũng từ cuộc đời của người chiến sĩ có tính chất điển hình này, hình ảnh các bà mẹ Việt Nam anh hùng cả hai miền Nam Bắc cũng được diễn tả rất xúc động. Bà mẹ miền Bắc tần tảo nuôi con, an ủi con dâu để con trai yên lòng chiến đấu. Bà mẹ miền Nam anh dũng nuôi giấu cán bộ, chấp nhận bị bắt bớ, tù đày tra tấn để bảo vệ cán bộ...
Đạo diễn Tuyết Minh đã sử dụng âm nhạc, dàn múa để tái hiện không gian theo lát cắt lịch sử tạo hiệu ứng rất hiện đại
Không gian sân khấu trên quảng trường rộng lớn, khối lượng người diễn và người xem lên tới cả ngàn người… Vì vậy, bên cạnh những cảnh trọng tâm, đạo diễn sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật như đan xen, chồng lớp… để đem tới hiệu quả cao nhất. Tận dụng kỹ thuật ánh sáng, hiệu ứng công nghệ cao trong biểu diễn, đạo diễn đã có những trường đoạn gây bất ngờ với người xem. Như cảnh hai chiếc ô tô, những chiếc xe Honda 67 gắn với hình ảnh các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, cảnh tháo chạy trên chiếc xe Jeep của địch, kết hợp với màn hình lớn với hiệu ứng hình ảnh, ánh sáng… vừa thú vị, vừa gây cảm xúc rất tốt tới người xem.
Đạo diễn đã sử dụng âm nhạc, dàn múa để tái hiện không gian theo lát cắt lịch sử tạo hiệu ứng rất hiện đại. Vừa rộng dài thời gian, không gian mà vẫn có điểm nhấn là những trường đoạn kịch về các lãnh tụ trong những thời điểm quyết định của cuộc chiến, hay những trường đoạn Cải lương do hai NSƯT Quang Khải và Hoa Mai thủ vai ông bà lão miền Nam chịu đựng bị tra tấn, tù đày để cứu cán bộ. Đặc biệt là vai diễn về người chiến sĩ an ninh tiêu biểu do ca sĩ Đào Mác thủ vai rất tròn, trải dài suốt chương trình, như sợi dây gắn kết các sự kiện theo một cách tự nhiên, hấp dẫn với tình cảm gia đình, tình vợ chồng, tình đồng đội… Các nghệ sĩ được nhiều khán giả nhớ mặt thuộc tên như: NSƯT Thanh Tâm (vai nữ biệt động), ca sĩ Anh Thơ (vai đồng chí Tư), Trọng Tấn trong vai trò người dẫn chuyện, Khắc Tiệp (vai tướng Mỹ),… đã rất trân trọng cơ hội hiện diện trong chương trình, đem tới những phút giây trình diễn đầy cảm xúc, thăng hoa. Họ không chỉ là những ca sĩ mà khi nhập vai diễn cũng đã hết mình cho chương trình, khiến khán giả náo nức, vui sướng hòa theo trong những ca khúc quen thuộc.
Chương trình nhằm tôn vinh lực lượng An ninh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc
Khán giả đã cảm nhận hết được sức hấp dẫn của những cảnh đan xen diễn ra cùng lúc ở nhiều tầng sân khấu. Cũng chính nhờ biểu diễn ở không gian rộng lớn, có nhiều tầng sân khấu, có nhiều lớp đan xen nên ý nghĩa về cuộc chiến tranh nhân dân, cuộc chiến tranh được cả dân tộc tiến hành đã được khán giả thấu hiểu. Chưa ở nơi đâu, cuộc chiến tranh nhân dân được thể hiện rõ hơn ở Việt Nam, một cuộc chiến của dân tộc nhỏ, tiềm lực yếu chống lại kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần nhưng sức mạnh của sự đồng tâm, nhất trí ở mọi tầng lớp đã khiến kẻ địch phải thúc thủ, thất bại thảm hại. Đặc biệt là hiệu ứng khoảng lặng khá bất ngờ khi vừa vỡ òa cảm xúc với niềm hân hoan chiến thắng toàn vẹn thì đèn xuống, âm nhạc trầm buồn diễn tả nỗi đau của nhiều gia đình không còn toàn vẹn sau chiến tranh.
Kết thúc, chương trình như vỡ òa cảm xúc khi tiếng hát Tiến quân ca của các em thiếu nhi vang vọng, cùng với hàng hàng lớp lớp chiến sĩ quân đội, công an nhân dân, các tầng lớp xã hội và toàn bộ nhân dân có mặt tại quảng trường đều tự giác đứng nghiêm, rưng rưng chào lá Quốc kỳ trải rộng trên màn hình lớn, hòa trong màn pháo hoa rực rỡ. Khán giả được thưởng thức màn nghệ thuật mãn nhãn, với nhiều cảm xúc, lần đầu tiên tại Tây Ninh có một chương trình ý nghĩa như vậy, nhiều hình thức biểu diễn hiện đại đến vậy. Người xem như hiểu thêm về lịch sử, trân trọng sự hi sinh của các anh hùng trong cuộc kháng chiến, tự hào về mảnh đất mình đang sống biết bao.
Ca sĩ Trọng Tấn trong vai trò người dẫn chuyện
Đạo diễn, NSND Vũ Hải xúc động nhắn gửi biên đạo Tuyết Minh: “Ký ức để lại hoành tráng, sâu sắc, xúc động, nghệ thuật rất đẳng cấp”. Bạn Zennie Trang Nguyễn là một tư vấn chiến lược truyền thông độc lập cũng phát biểu: “Sẽ là một điều đáng tiếc nếu chỉ dừng ở bề nổi của chương trình mà bỏ qua chiều sâu lịch sử với hàng loạt những trận đánh mang về chiến thắng vang dội ngay tại vùng căn cứ địa cách mạng Tây Ninh và ngôn ngữ nghệ thuật đã được dùng để kể câu chuyện ấy. Em bất ngờ vì ngôn ngữ nghệ thuật đẹp đã được dùng một cách trang trọng để kể câu chuyện về chiến tranh Việt Nam. Em ấn tượng nhất với Junction City 1967 và Quyết tử giữ Gò Dầu. Việc đạo diễn chọn lọc, tiết chế đúng mực “hàm lượng” nghệ thuật của chương trình đã gia tăng tính thưởng thức của chương trình rất nhiều… Những gì chị chọn mang đến cho Ký ức để lại rất đáng ghi nhận”.
Theo đạo diễn Tuyết Minh, mỗi chương trình chính luận đều phải có cách làm sáng tạo, đem tới cảm xúc tích cực cho khán giả chứ không phải là sự lặp lại, là cách làm có tính chất giới thiệu các bài hát liên tiếp nối nhau, vì vậy, chị đã “chơi lớn”, có những sáng tạo mới trong chương trình. NSƯT Thanh Tâm, người từng đồng hành với Tuyết Minh ở nhiều chương trình đã phát biểu: “Chương trình lần này Tuyết Minh đã xây dựng bộ phim ngắn cùng với nhạc kịch có quy mô rất lớn, lại biểu diễn theo hình thức bán thực cảnh với số người tham gia lớn cũng là khó khăn thách thức nhưng Tuyết Minh đã rất bản lĩnh, rất sáng tạo, có tinh thần luôn đổi mới, làm phong phú thêm cho cách thể hiện tác phẩm”.
NSƯT Quang Khải (thể hiện cả vai Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chương I và Trưởng ban An ninh T.Ư Cục Phạm Thái Bường chương II) cũng đánh giá cao sự sáng tạo trong cách làm sự kiện mang tính chính trị của đạo diễn Tuyết Minh. Tận dụng được mọi yếu tố từ điện ảnh cho tới kịch, nhạc kịch, âm nhạc… ánh sáng, âm thanh, màn hình hiện đại… điều mà không phải đạo diễn nào cũng có khả năng nghĩ tới, làm được. Phần mở đầu là phim ngắn Ký ức để lại, chỉ với 9 phút, tác phẩm này đã tái hiện khái quát toàn cảnh câu chuyện lịch sử của cả dân tộc với những lát cắt từ cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đỉnh cao chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; khắc họa ý chí, tư tưởng, khát vọng của cả một thế hệ Công an nhân dân anh hùng.
Chiến tranh đã đi qua nhưng những ký ức một thời máu lửa của lớp lớp thanh niên giã biệt gia đình, quê hương lên đường đi chiến đấu vẫn luôn lắng đọng trong tâm thức mỗi người. Những hình ảnh sâu lắng, hào hùng về hình tượng người chiến sĩ an ninh với niềm tự hào về những chiến công oai hùng của toàn Đảng, toàn quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước qua chương trình Ký ức để lại như lời tri ân của giới trẻ hôm nay. Mỗi người dân Việt càng thêm trân trọng và nhận thức rõ sự vô giá của hòa bình, thêm biết ơn những hy sinh xương máu của ông cha ta và các thế hệ đi trước để có độc lập, tự do cho hôm nay và cho muôn đời sau.
Vai diễn về người chiến sĩ an ninh tiêu biểu do ca sĩ Đào Mác thủ vai rất tròn
DIỆP BẢO NGỌC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 604, tháng 4-2025