Nhà báo - NSNA Đinh Quang Thành
Nhà báo - Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đinh Quang Thành sinh ngày 20/8/1935 tại Hà Nội. Cả cuộc đời hoạt động nghề nghiệp của ông gắn bó với chiếc máy ảnh. Hàng chục năm làm phóng viên ảnh chiến trường, có mặt ở nhiều mặt trận, theo bước hành quân cùng các chiến sĩ, các lực lượng quân đội, lăn xả vào những điểm nóng, bất chấp pháo đạn quân thù… ông đã chụp được nhiều bức ảnh quý về công cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ và hào hùng của quân và dân ta.
Ảnh của Đinh Quang Thành giàu thông tin nhưng cũng lại đậm chất nghệ thuật. Bởi khi chụp, ông đã cố gắng chọn góc chụp tốt nhất, căn từng khuôn hình và cố gắng đưa được nhiều thông tin nhất có thể vào ảnh.
Ông thành công trong cả lĩnh vực ảnh báo chí lẫn ảnh nghệ thuật, đã đạt được gần 40 giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Đinh Quang Thành được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022 với bộ 5 tác phẩm ảnh mang tên Địch phá, ta cứ đi thể hiện tinh thần quả cảm trên mặt trận giao thông vận tải của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phóng sự ảnh Giải phóng Sài Gòn của ông đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có Huy chương Đồng Giải báo chí quốc tế (OIJ).
Ở tuổi 90, ông vẫn còn rất minh mẫn. Khi tôi đến thăm ông và hỏi chuyện về những ngày tháng 4 năm 1975, Đinh Quang Thành tay lật từng bức ảnh cho tôi xem, và sôi nổi kể chi tiết từng bức ảnh được chụp như thế nào, ở đâu. Với ông, những con người, địa danh, sự kiện của những ngày tháng đáng nhớ đó đã được khắc sâu vào trong tâm trí, không thể nào phai mờ…
Những ngày tháng 3, tháng 4 năm 1975 Đinh Quang Thành may mắn được theo bước chân đoàn quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Và đặc biệt, trưa ngày 30/4/1975 ông được có mặt ở Dinh Độc lập, được chứng kiến, hiện diện như một nhân chứng, trở thành người “chép sử bằng hình” cho một sự kiện trọng đại của dân tộc, của đất nước mà không dễ gì ai có được. Với ông, không hạnh phúc nào bằng khi được chứng kiến ngày Sài Gòn được giải phóng, đất nước được thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà!
Bộ đội Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, chiều 30/4/1975 - Ảnh: Đinh Quang Thành
• PV: Xin ông tự giới thiệu đôi chút về mình?
Đinh Quang Thành: Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm 1958 - 1960, tôi tham dự khóa đào tạo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Từ năm 1960, tôi trở thành phóng viên ảnh chuyên nghiệp, gắn bó cả cuộc đời với nghề làm báo cho đến tuổi nghỉ hưu. Vì yêu thích nhiếp ảnh, nên năm 1963, tôi đã trở thành một trong những hội viên sáng lập của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Sau hòa bình, ngoài công việc của người phóng viên ảnh, tôi còn say mê sáng tác ảnh nghệ thuật, dải đất hình chữ S thân yêu tôi hầu như đã đặt chân khắp để thu vào ống kính máy ảnh của mình vẻ đẹp đất nước, con người (nói rồi ông giơ cho tôi xem tấm bản đồ Việt Nam được ông đánh dấu, định vị chi chít những nơi mình đã từng đến).
• Được biết, tháng 3/1975 ông được lãnh đạo TTXVN phân công tham gia “tổ mũi nhọn” vào chiến trường miền Nam?
Ngày 25/3/1975 tôi đang công tác ở Hải Phòng thì được lãnh đạo TTXVN gọi về. Trưa đó, tôi có mặt tại cơ quan, lên gặp lãnh đạo thì đã thấy balo tư trang, hành lý như của một quân nhân cho mình đã được chuẩn bị sẵn sàng, cùng lời nhắn: cậu gọi vợ đến đây, có gì cần gửi về nhà thì gửi, chia tay gia đình, đầu giờ chiều là lên đường vào Nam.
Vậy là tôi bắt đầu rời Hà Nội tiến vào phía Nam chiều ngày 25/3/1975. Nhóm công tác lần này của chúng tôi có 3 người, ngoài tôi còn có 2 phóng viên ảnh là Hứa Kiểm và Vũ Tạo. Chúng tôi được chuẩn bị cho một chiếc xe Com-măng-ca đít vuông, kèm theo máy phát 15W, với điện báo viên đi cùng để kịp phát tin bài về cho kịp. Còn ảnh thì tới mỗi trạm dừng chân dọc đường, chúng tôi sẽ chuyển những cuốn phim đã chụp được cho những chiếc xe đi ngược ra Hà Nội mà cơ quan đã phân công chờ sẵn ở đó.
Ngày 26/3/1975, khi chúng tôi vào đến Huế thì Huế đã giải phóng, là phóng viên ảnh, nên chúng tôi mỗi người tìm cho mình 1 hướng đi thích hợp chứ không còn đi chung cùng nhau nữa. Tôi bắt đầu chụp những hình ảnh về thành phố Huế đã được giải phóng, về những quân trang, xe, pháo của quân Ngụy bỏ lại khi tháo chạy, chụp tiếp ở đèo Hải Vân. Ở Huế tôi không chụp được nhiều ảnh lắm, vì còn phải đi tiếp vào phía trong. Đến cầu Nam Ô dưới chân đèo Hải Vân phía Đà Nẵng, gặp nhiều xe tăng của quân ta đang tiến vào đánh chiếm Đà Nẵng khi đó chưa giải phóng, tôi liền xin đi cùng.
Xe tăng 390 và 843 (hai xe tăng vào đầu tiên) trong sân Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975 - Ảnh: Đinh Quang Thành
May mắn thay, ở Đà Nẵng tôi được một cháu nữ thanh niên hoạt động nội thành, tên Vĩnh An, 18 tuổi, chở bằng xe honda đi khắp nơi, thậm chí đến cả những điểm đang còn ác liệt, khói lửa, vì thế ở đây tôi chụp được rất nhiều ảnh ngay trước và sau ngày giải phóng, khắp nơi chiến trường ngổn ngang, tan hoang do địch tháo chạy bỏ lại: nào quân cảng với máy bay, tàu chiến đang trong tình trạng sẵn sàng tháo chạy, nào trung tâm thông tin với các máy móc thiết bị, nào căn cứ hải quân với xác địch còn bị bỏ lại, rồi những cây cầu bị địch phá hoại nhằm làm chậm bước hành quân của quân ta… Đà Nẵng được giải phóng ngày 29/3/1975. Sau chiến thắng Đà Nẵng khoảng 3 đến 4 ngày tôi được lệnh của cấp trên tiếp tục tiến vào phía Nam.
Cứ thế tiến theo hướng Nam, vừa đi vừa chụp qua các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, vòng lên Đà Lạt, Lâm Đồng rồi về lại Đồng Nai…
Bắt đầu từ ngày 26/4/1975, trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chiến dịch mang tên “Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định” chính thức đổi tên thành “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Tôi được biết, việc đổi tên chiến dịch không chỉ xuất phát từ yêu cầu quân sự và chính trị mà còn thể hiện nguyện vọng sâu sắc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, khẳng định quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo di nguyện của Bác Hồ.
Những ngày này nhìn đoàn xe cùng các lực lượng của ta tiến vào miền Nam trên quốc lộ 1 như đi trẩy hội, kéo dài hàng chục km đường, khí thế hừng hực - như một minh chứng rõ nét ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang đến rất gần.
Công nhân cảng Sài Gòn mang hoa quả, bánh kẹo đón mừng quân giải phóng sáng 30/4/1975 - Ảnh: Đinh Quang Thành
• Được biết, ông là một trong số ít các phóng viên ảnh có mặt tại Sài Gòn ngày 30/4/1975?
Từ sớm ngày 27/4/1975 hầu hết các quân đoàn đã được lệnh tiến quân vào Sài Gòn qua 5 ngả. Trong đó Quân đoàn 2 gồm Lữ đoàn tăng 203 và Trung đoàn bộ binh 66 thuộc Sư đoàn 304 được giao nhiệm vụ Đánh chiếm Dinh Độc lập của chính quyền ngụy Sài Gòn từ hướng Đông, đơn vị này được đánh từ 5 giờ chiều ngày 26/4/1975, vì Quân đoàn 2 còn cách trung tâm Sài Gòn gần 70km và phải vượt xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa với 2 chiếc cầu là Rạch Chiếc (trên sông Đồng Nai) và cầu xa lộ (bắc qua sông Sài Gòn).
Tôi cứ vừa chạy vừa chụp theo bước chân tiến quân của bộ binh. Thực sự, phóng viên ảnh hành quân như những người lính bộ binh vậy thì mới có thể chụp được những bức ảnh vẫn còn bốc khói trên trận chiến. Đánh chiếm xong căn cứ Nước Trong, tiếp đến là căn cứ Long Bình, rồi tiến vào xa lộ Biên Hòa. Đây là những căn cứ quan trọng, có chiếm được thì mới có đường tiến vào Sài Gòn, vì vậy địch rất cố thủ rất mạnh khiến trận chiến rất ác liệt. Đêm 29/4/1975 tôi phải cùng các chiến sĩ bộ đội đi chôn những đồng đội đã hy sinh nơi cửa ngõ Sài Gòn…
Văn nghệ sĩ và nhân dân Thị Nghè chào mừng quân giải phóng tiến vào thành phố, sáng 30/4/1975 - Ảnh: Đinh Quang Thành
Theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn, đi đến đâu chúng tôi cũng được người dân Sài Gòn chào đón, nhân dân Thị Nghè là những người đầu tiên xuống đường đón quân đội vào Sài Gòn, thanh niên thì đi trước dẫn đường cho xe tăng tiến về hướng Dinh Độc lập. Với suy nghĩ trước vấn đề lớn của dân tộc, của đất nước, mình phải chụp ảnh như thế nào cho người xem thấy được chiến thắng vĩ đại của đất nước. Tôi cứ chụp và chụp: hình ảnh người dân Sài Gòn đứng hai bên đường tươi cười vẫy chào đoàn quân; hình ảnh văn nghệ sĩ xuống đường cùng với hoa tươi, biểu ngữ đón chào đoàn quân; hình ảnh những đứa trẻ với các cây súng trên vai mang đến điểm thu nhận quân khí; hình ảnh người dân bên xác máy bay địch rơi ngay trên phố trung tâm Sài Gòn; hình ảnh các chị, các mẹ mang các món ăn, nước uống ra bên đường với mong muốn được mời các chiến sĩ sử dụng - nhưng lúc đó, chúng tôi với tinh thần “không được tơ hào cái kim sợi chỉ của người dân” nên đâu có dám nhận tấm lòng yêu thương đó…
Đích đến của ngày đặc biệt này của tôi là Dinh Độc lập. Trưa ngày 30/4/1975 tôi đã có mặt tại Dinh Độc lập để được chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc, của đất nước. Có mặt ở thời khắc lịch sử quan trọng này, với tôi đó là điều vô cùng may mắn trong cuộc đời phóng viên ảnh của mình, cảm xúc vỡ òa vì hạnh phúc, vui mừng. Kìm nén nỗi xúc động trước giờ khắc quá đỗi thiêng liêng của dân tộc, của đất nước, cùng với chiếc máy ảnh tôi đi khắp sân Dinh Độc lập để thu vào ống kính của mình những hình ảnh “chứng nhân lịch sử”…
Nhân dân Thị Nghè đón mừng quân đội vào giải phóng Sài Gòn sáng 30/4/1975 - Ảnh: Đinh Quang Thành
Sau khi ghi được tương đối những sự kiện ở Dinh Độc lập, tôi nhờ một thanh niên Sài Gòn chở bằng xe honda đến khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi được biết sớm ngày 30/4/1975 từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) trên bờ sông Sài Gòn pháo binh quân đoàn đã bắn 304 phát đại bác hạng nặng (116 milimet) vào sân bay Tân Sơn Nhất cày nát đường băng và các khu hầm chứa, khiến cho máy bay đã được cài bom và tên lửa nhưng không thể cất cánh được. Trận đánh ở sân bay ác liệt vô cùng, suốt từ 5 giờ sáng đến gần 10 giờ, các chiến sĩ của Quân đoàn 3 mới qua được cổng số 5 vào chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và trưa ngày 30/4, lá cờ “Quyết thắng” mới được cắm, tung bay trên đỉnh cột cờ Bộ Tư lệnh không quân ngụy.
Khi tôi đến nơi, sân bay vẫn còn ngổn ngang chiến trận, khói lửa mịt mù, vẫn còn những tràng súng chống sự quyết liệt. Những người lính thì chiến đấu, tôi thì chụp ảnh. Không khí khẩn trương, việc ai nấy làm. Tôi thấy một tổ bộ đội ta đang chạy qua đường băng, truy kích quân địch trong sân bay, tính toán tìm vị trí chụp tốt nhất, giơ máy chụp xong, tôi chỉ kịp hỏi “lính đâu đấy”, thì được người lính đang chạy trả lời “Trung đoàn 28, quân đoàn 3” và tôi nói với theo “ảnh chụp các đồng chí sẽ được đưa ra khắp thế giới”…
Thanh niên Sài Gòn hướng dẫn Đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc lập, sáng 30/4/1975 - Ảnh: Đinh Quang Thành.
THẠCH THẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 604, tháng 4-2025