Lai Châu: Đẩy mạnh xây dựng bản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Là tỉnh vùng cao biên giới với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có trên 84,6% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số như: Cống, Mảng, Si La, Hà Nhì… hiện đang sinh sống ở khắp các xã, bản trên địa bàn tỉnh. Vượt lên trên những khó khăn về vật chất, cơ sở hạ tầng giao thông, điện thắp sáng… bà con luôn đoàn kết đồng lòng chung tay xây dựng bản mường nơi mình sinh sống đạt chuẩn văn hóa.

Bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được bảo tồn phát huy thông qua các hoạt động văn hóa từ tỉnh đến cơ sở 

Để phong trào xây dựng bản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển mạnh và thu hút mọi người dân cùng tham gia thì ngoài việc phát huy vai trò của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, Ban vận động ở các bản, khu phố trong việc tuyên truyền vận động, triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ của phong trào hằng năm, thì mỗi cơ quan thành viên ban chỉ đạo đều phát động các phong trào cụ thể, thu hút mọi tầng lớp nhân dân và từng vùng đồng bào dân tộc cùng tham gia triển khai thực hiện. Trong đó tiêu biểu phải kể đến Hội Phụ nữ với phong trào “5 không 3 sạch”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; Mặt trận Tổ quốc với Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh với phong trào xây dựng điểm sáng văn hóa biên giới. Ngành VHTTDL chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, các mô hình tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống; luân chuyển sách, báo đến các xã, bản biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chiếu phim có thuyết minh lồng tiếng của đồng bào dân tộc, thông tin lưu động, tuyên truyền miệng, biểu diễn nghệ thuật; phục dựng, bảo tồn những làng nghề, lễ hội truyền thống với phần lễ được tổ chức đơn giản gọn nhẹ nhưng đảm bảo yếu tố tâm linh, bên cạnh đó là phần hội với các trò chơi dân gian, những môn thể thao truyền thống, những bài hát, điệu múa mang âm hưởng dân ca của mỗi tộc người.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, Giàng Páo Mỷ (người được đeo vòng tay) thăm gian hàng triển lãm của đồng bào dân tộc Mông trong Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Than Uyên năm 2019.

“Hằng năm Phòng Văn hóa và Thông tin chúng tôi luôn chủ động tham mưu cho UBND huyện Than Uyên tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao ở các xã; hướng dẫn tổ chức hoạt động cho các Nhà văn hóa xã, bản, quy ước hương ước; xây dựng, dàn dựng mới các các chương trình, tiết mục cho các đội văn nghệ xã, bản trên cơ sở phát huy những gì sẵn có, những đặc trưng văn hóa của từng tộc người trên địa bàn. Từ đó góp phần bảo tồn sống những bản sắc văn hóa của một số tộc người trước nguy cơ mai một, thất truyền. Đặc biệt vào dịp 2/9 hằng năm hay còn gọi là “Tết độc lập” thì không chỉ có người dân Than Uyên mà đồng bào dân tộc ở các tỉnh lân cận như: Sơn La, Yên Bái... cũng đổ về thị trấn Than Uyên để vui hội, với những trò chơi dân gian, bài hát điệu múa, lễ hội đường phố, đua thuyền...”. Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên, Hoàng Thị Liễu chia sẻ.

“Để việc xây dựng bản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện hiệu quả, ngay từ mỗi gia đình, cộng đồng, tộc người thì hằng năm các Đồn biên phòng đều phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, xây dựng đội văn nghệ ở các bản; khuyến khích các nghệ nhân, người cao tuổi truyền dạy cho các thế hệ các tiết mục múa, hát truyền thống, kỹ năng làm khèn... Đặc biệt Đồn Biên phòng Dào San còn phối hợp với xã Dào San phát huy tối đa hiệu quả tuyên truyền tại cụm loa chợ Dào San với thời lượng 60 phút/số/tuần về Hiệp định, Quy chế khu vực biên giới, Luật phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em, các tấm gương người tốt việc tốt trên địa bàn; các tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá, bản văn hoá… Bình quân mỗi năm cụm loa truyền thanh phát được trên 50 số, với trên ba ngàn lượt người nghe. Đồng thời Đồn còn phối hợp với lực lượng dân quân của xã tiến hành tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về quân sự, quốc phòng, huấn luyện dân quân tự vệ...”. Đại tá Lê Công Thành – Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu chia sẻ.

Từ một bản vùng cao biên giới giao thông đi lại khó khăn nhưng nhờ có sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương và cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Huổi Luông nên các tiêu chí về xây dựng bản văn hóa đã được người dân bản Cang Thàng xã Huổi luông (Phong Thổ) nắm chắc, hiểu sâu nên đến nay 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, 98% trẻ em được tiêm chủng theo đúng độ tuổi, 100% người dân trong bản được cấp thẻ bảo hiểm y tế, bản không để xảy ra tình trạng chăn thả gia súc ngoài đường làng ngõ xóm, vệ sinh môi trường được đảm bảo, không có tệ nạn xã hội, hiện nay bản có 68% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, từ năm 2006 đến nay bản liên tục được công nhận và giữ vững danh hiệu bản văn hóa, bản vinh dự được UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng bản văn hóa.

Dẫn chúng tôi đi thăm một số bản văn hóa, gia đình văn hóa trên địa bàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ka Lăng (Mường Tè) Khoàng Xì Chừ cho hay: “Xuất phát từ phong trào xây dựng bản văn hóa mà bà con nhân dân ở các bản sống đoàn kết, biết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tình trạng sinh con thứ ba ngày càng giảm, các đám tang được tổ chức gọn nhẹ, không để lâu ngày trong nhà. Cùng với đó thì các lễ hội của người Hà Nhì nơi đây vẫn được duy trì tổ chức, phụ nữ người Hà Nhì vẫn thường xuyên xe sợi, dệt vải và may trang phục cho các thành viên trong gia đình”.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 82,5% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 78,2% bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, trong đó có khoảng 80% bản, khu phố thuộc đồng bào dân tộc thiểu số. Và chính những gia đình văn hóa, bản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đóng góp to lớn trong việc gìn giữ từng tấc đất, ngọn suối nơi biên cương Tổ quốc trong tình hình mới.

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

;