NĂM KỶ SỬU NÓI CHUYỆN TRÂU

 

Trong hệ lịch can chi, con trâu (sửu) đứng hàng thứ 2 trong 12 con giáp, chỉ đứng sau con chuột (Tý). Trâu tượng trưng cho sự siêng năng, lòng kiên nhẫn, vững vàng và sự bền bỉ. Người ta cho rằng người mang tuổi Sửu thường có tính cách thích hợp để trở thành một nhà khoa học, thường điềm tĩnh, kiên định nhưng rất bướng bỉnh. Gắn bó với người nông dân Việt Nam hàng nghìn năm, con trâu đã trở thành con vật vừa gần gũi, vừa linh thiêng, vừa là một người bạn thủy chung son sắt. Và cũng từ ngày xửa ngày xưa, con trâu trở thành hình ảnh quen thuộc trong văn thơ, hội họa và âm nhạc từ dân gian đến đương đại.

Vốn là con vật có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống sản xuất và văn hóa của cư dân nông nghiệp, con trâu đã gắn bó với làng xóm của người nông dân từ miền xuôi đến miền ngược, vùng đồng bằng và miền núi, cao nguyên từ bao đời nay.

Công việc đồng áng của người nông dân vốn nặng nhọc, với bao công đoạn làm đất, gieo cấy, thu hoạch… con trâu đã trở thành người bạn đồng hành san sẻ cùng con người trong mọi việc từ cày bừa, chở lúa, ngô khoai và chuyên chở phân bón ruộng, và tất cả những gì mà sức người không kham nổi một cách lặng lẽ. Nuôi trâu không tốn kém và nhiều công sức. Trâu không kén ăn mà sức chịu đựng lại dẻo dai. Thức ăn cho nó chỉ là những phế phẩm từ nông nghiệp như rơm, dạ, cọng rau khoai, thân cây ngô, ngọn mía và cỏ dại… Tất cả những điều đó đã làm cho con trâu trở thành một tài sản, chỉ có thằng Bờm đại ngốc mới từ chối đổi “3 bò chín trâu” cho cái quạt mo của mình.

Con trâu khi sống và đến khi chết nó vẫn là tài sản lớn của người nông dân. Hội làng nếu thiếu đi cái trống cái da trâu rồi sẽ như thế nào? Cái thời “những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng” sẽ như thế nào nếu thiếu đi cái lược sừng trâu đen bóng. Bây giờ đàn bà con gái không chải lược ấy nữa, nhưng nó lại là đồ vật lưu niệm ý nghĩa cho những người Việt Nam xa xứ hay những người bạn đến từ những miền đất khác. Sừng trâu còn được làm nên một nhạc cụ đặc biệt của người Tây Nguyên là chiếc tù và với âm thanh vang vọng khắp núi rừng, lay động lòng người.

Ngay từ khi lọt lòng mẹ, trẻ con đã được nghe ông bà cha mẹ hay người chị đảm đang hát ru tha thiết bên cánh võng đung đưa với hình ảnh của con trâu và đồng ruộng và làng xóm quê hương... Cùng với cùng với cây đa, bến nước, sân đình, hình ảnh con trâu trở thành biểu tượng của quê hương êm đềm, thân thuộc nhưng gian nan vất vả mà bền bỉ, kiên cường. Chưa có con vật nào mà thân thiết, gắn bó, tha thiết, nồng thắm đến thế với người nông dân.

Đối với đồng bào các dân tộc Tây nguyên, trâu là con vật được trân trọng và mang ý nghĩa hết sức linh thiêng, là vật định giá cho việc mua bán trao đổi vật quý như cồng, chiêng, nhà… Theo truyền thuyết, thần thoại của nhiều dân tộc vùng Tây Nguyên, con trâu biểu hiện cho hình thức tín ngưỡng sơ khai nhất - tín ngưỡng vật tổ. Phần lớn các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme đều có tục đâm trâu hay còn gọi là “ăn trâu”, “chém trâu” để hiến tế thần linh trong các lễ hội lớn của gia đình hoặc cộng đồng. Đồng bào tổ chức “ ăn trâu” để tạ ơn thần linh, khẳng định uy tín, danh vọng của gia đình chủ lễ và của buôn làng. Những năm được mùa, lúa chất đầy kho, đồng bào tổ chức lễ đâm trâu để cúng mừng, ít nhất ba năm một lần.

Đặc biệt, người Thái ở Tây Bắc còn có lễ tạ ơn trâu trong ngày Xíp xí vào 14- âm lịch. Tục cúng này của người Thái bắt nguồn từ xa xưa và được duy trì gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Lễ cúng được thực hiện bằng một nghi lễ hết sức trang trọng, lễ vật cúng tạ gồm một chai rượu, một đĩa trầu cau và những gói cỏ non có gà luộc và xôi bên trong. Trước tiên, thày cúng khăn áo chỉnh tề thắp hương, đọc bài cúng với 42 câu ca ngợi công lao to lớn của con trâu qua một năm và gửi gắm những mong ước của con người. Tiếp theo, chủ nhà sẽ tận tay đút từng gói cỏ cho trâu. Cuối cùng, trâu được thả vào rừng. Trong mấy ngày, người ta còn kiêng mắng mỏ, đánh hay bắt trâu làm nặng.

Một lễ hội đặc sắc khác mà con trâu cũng là trung tâm đlà lễ hội chọi trâu ở vùng Đồ Sơn, Hải Phòng, tổ chức vào ngày 9- âm lịch. Đây là lễ hội thờ cúng thủy thần, gắn liền việc nghi lễ chọi và hiến sinh trâu. Hội chọi trâu là mỹ tục hào hùng mang đậm tính thượng võ, tính táo bạo và lòng quả cảm rất độc đáo của cư dân vùng biển Hải Phòng. Lễ tế thần Điểm Tước (vị thủy thần, và cũng là tành hoàng làng của cả vùng Đồ Sơn) được mở đầu, tiếp đến lễ rước kiệu bát cống, long đình với màn dẫn trâu trình thành hoàng làng, kế tiếp là hội chọi trâu hấp dẫn, sôi nổi thu hút đông đảo du khách bốn phương đến cổ vũ. Đối với cư dân miền biển, con trâu không phải là gia súc gần gũi, quen thuộc nhưng tại sao nó lại là hình ảnh trung tâm của lễ hội? Điều này được lý giải bởi truyền thuyết tiên ông ngắm trâu chọi trên sóng bạc vào một đêm rằm tháng tám. Nhưng có lẽ, xuất phát từ những đặc điểm và vai trò của con trâu trong đời sống của người nông dân hàng từ hàng ngàn năm, với ước mong chinh phục thiên nhiên bằng ý chí và sức mạnh của con người. Đây cũng chính là sự giao thoa giữa yếu tố văn hóa nông nghiệp vùng biển và vùng đồng bằng.

Thật dễ dàng khi tìm hình ảnh con trâu trong vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc. Trong bộ tranh cổ Đông Hồ, con trâu xuất hiện như một điều hiển nhiên bằng hình ảnh Chăn trâu thổi sáo hiền lành và an bình. Cũng với môtíp thân thuộc, gắn bó như một người bạn với người nông dân, con trâu đã đi vào câu chuyện ngụ ngôn cổ xưa Trí khôn của ta đây, đối lập với thế lực hung bạo nhưng ngu ngốc mà đại diện là con hổ.

Hình ảnh con trâu không chỉ gắn liền với các hoạt động văn hóa cổ truyền mà còn được tiếp nối trong các hoạt động văn hóa, thể thao hiện đại. Con trâu vàng là biểu tượng được chọn của SEA Games 22, với ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và thể thể hiện tinh thần thượng võ của người Việt, sức mạnh của văn hóa truyền thống…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009

Tác giả : Đào Loan

;