Nâng cao ý thức, trách nhiệm khi ứng xử trên không gian mạng

Thời đại số (digital age) hay còn được gọi là thời đại thông tin, thời đại máy tính số hoặc thời đại truyền thông mới là “một giai đoạn trong lịch sử nhân loại với sự chuyển đổi từ ngành công nghiệp truyền thống mà cuộc cách mạng công nghiệp đã mang lại thông qua quá trình công nghiệp hóa, sang nền kinh tế dựa trên số hóa” (1). Chính sự phát triển của ngành công nghệ thông tin đã đưa con người bước vào một giai đoạn phát triển mới hiện đại hơn, thông minh hơn, tiện ích hơn. Thế nhưng bên cạnh những tiện ích đó, cũng tồn tại những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta, đặc biệt về cách hành xử trên mạng xã hội. Nói bao quát hơn chính là văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân trong môi trường số.

1. Gia tăng các tài khoản trên không gian mạng

Trong cuộc sống hiện nay, công nghệ đã và đang chi phối rất nhiều đến đời sống, cách ứng xử của con người. Không khó bắt gặp hình ảnh mọi người trong gia đình hay một nhóm người tại một quán cà phê dán mắt vào điện thoại riêng, các bà nội trợ trong thời đại số đi chợ mua rau, thịt cá cũng không cần mang tiền mặt bởi đã có mã quét QR… Các thiết bị công nghệ tiên tiến, dần thay thế con người làm việc, không người bán, không người lái, làm việc nhà đã có robot, tắt bật đèn đã có thiết bị tự động… Đặc biệt, “tính tới tháng 9-2022, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng internet (đạt tỷ lệ 73,2% dân số) trong cuộc sống hằng ngày. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới” (2). Internet đã trở thành yếu tố thiết yếu trong cuộc sống của người dân Việt Nam, trở thành hạ tầng của nền kinh tế, nhân tố quan trọng thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Internet - mạng xã hội không chỉ là phương tiện truyền đạt thông tin mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo và phổ biến những giá trị văn hóa mới.

Mạng xã hội giúp chúng ta kết nối những mối quan hệ với mọi người xung quanh, bất chấp khoảng cảnh không gian và tạo ra nền tảng yêu thương trong xã hội. Văn hóa ứng xử của người sử dụng mạng xã hội được thể hiện thông qua lời nói, bài viết, cử chỉ, hành vi, tốc độ xử lý vấn đề trên mạng xã hội. Qua đó thể hiện tính cách, năng lực trí tuệ, tư duy nhạy bén của một người nào đó. Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của mỗi cá nhân có tác động không nhỏ đến sự phát triển chung của toàn xã hội. Tốc độ phát triển của công nghệ, mang đến cho người sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại cơ hội để tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau. Có thể người sử dụng mạng xã hội sẽ học được những cách ứng xử văn hóa, văn minh nhưng bên cạnh đó cũng rất dễ bị cuốn theo những lối ứng xử thiếu văn hóa, nhất là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. 

2. Thực trạng văn hóa ứng xử trong môi trường số hiện nay ở Việt Nam

Mạng xã hội có thể là một trang web, một ứng dụng hoặc một nền tảng trực tuyến với các hình thức, tính năng, giao diện khác nhau nhưng nhằm mục đích chung là giúp tất cả mọi người dễ dàng kết nối được với nhau, không bị giới hạn về không gian địa lý hay rào cản về tuổi tác, giới tính, sắc tộc, ngôn ngữ… 

Chúng ta dễ dàng phát hiện, cổ vũ những cách làm hay, những tấm gương người tốt, việc tốt để mọi người làm theo thông qua việc đăng tải bài viết, phát video trực tiếp về những hành động đẹp, tấm gương sáng và chia sẻ để cộng đồng mạng biết đến chỉ bằng một cú nhấp chuột. Mạng xã hội cũng giúp mọi người kịp thời chia sẻ, phản ánh những vấn đề còn bất hợp lý, những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân để các cơ quan chức năng của Nhà nước kịp thời xử lý. 

Người sử dụng mạng xã hội có thể gọi video, livestream, chat trong nhóm, nhắn tin riêng, gửi ảnh, xem nhật ký bạn bè, đăng tin, bài, ảnh, video. Đây là phương tiện để bất cứ ai cũng có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm sống của mình tới mọi người trên không gian mạng rộng lớn. Điển hình như thời gian bùng phát đại dịch COVID-19, mạng xã hội là kênh hữu ích để mọi người cùng chia sẻ tình hình dịch bệnh, cách phòng chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. Đồng thời qua mạng xã hội, những tấm gương sáng trong phòng chống đại dịch COVID-19 của các cán bộ, y bác sĩ ngày đêm thầm lặng cống hiến góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân được lan tỏa. Từ đó, nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã góp sức mình vào công tác phòng chống dịch qua việc thực hiện tốt những biện pháp phòng chống dịch, vận động quyên góp, ủng hộ phòng chống dịch. Rõ ràng, không thể phủ nhận được vai trò của mạng xã hội trong cuộc sống hiện nay. Người sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn, biết cách ứng xử có văn hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn không chỉ cho cá nhân mà cho cả cộng đồng.

Nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi. Trên thực tế, khi tham gia vào mạng xã hội, không phải ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa ứng xử và cũng không phải tất cả mọi người đều biết cách ứng xử có văn hóa, biết phát huy những giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp mà cha ông để lại. Trong bối cảnh dưới tác động của toàn cầu hóa và sự phát triển bùng nổ của khoa học, công nghệ, việc sử dụng mạng xã hội đâu đó còn lệch chuẩn. Hiện nay có rất nhiều những hình ảnh phản cảm, những hành động phi đạo đức dễ bắt gặp trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Twitter, Instagram. Mỗi khi bất đồng quan điểm, nhiều người dễ dàng đăng lên mạng xã hội những lời lẽ thô tục, nói những điều tiêu cực và cũng dễ dàng chia sẻ (share) tới tất cả mọi người ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Trong xã hội ngày nay, lối sống ích kỷ, buông thả, phớt lờ các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc đang được nhiều người lựa chọn, cổ vũ. Một số đông người sử dụng mạng xã hội lại hùa theo những biểu hiện lệch chuẩn về cách ứng xử, thói hư, tật xấu của người khác khiến cho những thông tin tiêu cực càng lan rộng hơn. Đơn cử như trường hợp khi đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Australia (ngày 7-9-2021 tại Mỹ Đình), đông đảo cổ động viên Việt Nam lôi kéo nhau tìm các tài khoản mạng xã hội có tên Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim để tấn công. Hàng nghìn biểu tượng (icon) phẫn nộ với những bình luận bằng tiếng Việt với ngôn từ thô tục, kèm những hình ảnh chế phản cảm được gửi tới trang cá nhân của trọng tài người Qatar, bất chấp lời kêu gọi của không ít người là các tài khoản cần bình tĩnh, ứng xử văn minh trên mạng xã hội. Rõ ràng, đây là những hình ảnh xấu xí, xuyên biên giới, cần phải lên án và ngăn chặn. 

Trong thời đại số, nhiều người sử dụng mạng xã hội lầm tưởng rằng đây là công cụ để cá nhân thể hiện sự tự do, thế giới riêng của mình nên đã lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, thông tin sai sự thật, xâm phạm danh dự, xúc phạm nhân phẩm của người khác, thậm chí bị các thế lực xấu lợi dụng. Nhiều người vô cớ bị nói xấu, lăng mạ trên mạng, từ đó rơi vào trầm cảm, hoảng loạn… Những hành vi này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về cách ứng xử thiếu văn hóa của con người trong thời đại số hiện nay.

Câu chuyện của bà N.P.H từ tháng 3-2021 với những màn livestream sử dụng lời lẽ thiếu chuẩn mực, thậm chí xúc phạm, xâm nhập bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín tới nhiều người nổi tiếng, đặc biệt hàng loạt nghệ sĩ Việt. Đến ngày 30-1-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bà N.P.H với 3 đồng phạm về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi, ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Mối quan hệ trên mạng xã hội có phạm vi rộng lớn, đa dạng và khó kiểm soát hơn so với các mối quan hệ trong đời thực. Một cá nhân có thể tương tác trên môi trường mạng với danh tính công khai hoặc ẩn danh, có thể sử dụng nhiều tài khoản cùng một lúc để thực hiện hành vi giao tiếp. Chính đặc tính giấu mặt trong môi trường online khi bày tỏ quan điểm, thái độ không trực tiếp khiến cho nhiều người coi nhẹ những chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Nhiều trường hợp chỉ lợi dụng thông tin sai lệch để gây sự chú ý, câu like, câu follower (người theo dõi).

Câu chuyện phê bình văn minh và tiếp nhận phê bình một cách văn minh cũng đang được bàn đi bàn lại trong thời gian gần đây. Những người nổi tiếng, đặc biệt trong giới nghệ sĩ là đối tượng khiến cộng đồng mạng quan tâm hơn cả vì họ có tầm ảnh hưởng rất lớn tới công chúng. 

Mâu thuẫn giữa êkíp của một nữ ca sĩ và fanclub của cô đã diễn ra âm ỉ, xoay quanh bình phẩm về thái độ và tính chuyên nghiệp. Sự lên tiếng chính thức của nữ ca sĩ giống như giọt nước làm tràn ly khi đăng tâm thư trên trang facebook cá nhân nhằm lên tiếng bênh vực êkíp và bày tỏ sự bức xúc vì hành động từ chính những người hâm mộ lâu năm của mình. Ngay sau đó, nữ ca sĩ nhận lại những lời bình luận “quay xe”, thất vọng của chính người hâm mộ. Mặc dù sau đó, nữ ca sĩ đã gửi lời xin lỗi, thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe và thừa nhận thiếu bình tĩnh, thiếu tinh tế nhưng vẫn bị người hâm mộ chỉ trích, nhận được những ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng mạng. Sự việc này đã để lại một bài học về tính chuyên nghiệp trong xử lý khủng hoảng truyền thông cũng như cách hành xử trên mạng xã hội với người hâm mộ - vốn là đối tượng vô cùng nhạy cảm.

Xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội ngày nay là hiệu ứng tâm lý đám đông (informational social influence). Đây là hiện tượng một hay nhiều cá nhân bị ảnh hưởng tâm lý, cả về suy nghĩ và cảm xúc bởi những hành vi của một nhóm người khác. Tâm lý này có thể là đồng cảm, đồng thuận hoặc ngược lại, phản bác lẫn nhau. Từ đó, trên mạng xã hội xuất hiện hai xu hướng, hai bên chia sẻ với nhau hoặc xung đột với những quan điểm trái chiều. Nếu hiệu ứng này rơi vào tiêu cực, sẽ có hàng trăm, hàng nghìn bài viết, bình luận trên mạng xã hội, gây ra những ảnh hưởng xấu cho cá nhân và xã hội.

Mới đây nhất, một nghệ sĩ nổi tiếng phải đối mặt với những chỉ trích từ phía cộng đồng mạng, sau khi đăng tải một câu chuyện trên facebook cá nhân. Một nhóm cộng đồng mạng cho rằng câu chuyện của người nghệ sĩ đó chỉ mang tính cá nhân và gây hiểu nhầm cho một số khán giả. Nhưng một nhóm khác cho rằng câu chuyện đầy ẩn ý và là sự đả kích công chúng. Điều đáng nói ở đây là sự phê bình thiếu văn minh của một bộ phận khán giả đã trở thành “giọt nước tràn ly” khiến dư luận xôn xao, câu chuyện đi quá giới hạn. Một bộ phận cộng đồng mạng đã rơi vào hội chứng đám đông, chê bai, lên án nghệ sĩ đó với những lời lẽ thiếu chuẩn mực. Đồng thời, câu chuyện trên âu cũng là bài học chung cho các nghệ sĩ, cần cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội, không để xẩy ra những tranh cãi trái chiều trong xã hội.

Theo PGS, TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, sự cộng hưởng từ mạng xã hội lại càng làm cho việc lan tỏa, cũng như sự thay đổi, biến tấu từ câu chuyện đi xa hơn. Mỗi cá nhân cần hết sức thận trọng trước những phát ngôn của mình hoặc trước hành vi của mình để tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội. Đối với các nghệ sĩ, mạng xã hội là kênh thông tin để họ lan tỏa tầm ảnh hưởng của mình. Chính nhờ mạng xã hội mà những tài năng, thành công của họ được nhiều người biết đến hơn. Nhưng ngược lại, cũng là thách thức lớn với người của công chúng (3).

3. Ý thức, trách nhiệm khi ứng xử trên mạng xã hội 

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, trong đó có: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (4). 

Để có văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, người sử dụng mạng xã hội cần nắm rõ và tuân thủ, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý mạng xã hội, không lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm phát luật. Cụ thể cần chấp hành Luật An ninh mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông (ngày 17-6-2021). Mọi hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội đều bị xử lý nghiêm theo quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hoặc có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. 

Đặc biệt đối với những người nổi tiếng, người của công chúng, các nghệ sĩ cần ứng xử có văn hóa, theo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ VHTTDL ban hành ngày 13-12-2021. Trong đó, đặc biệt Điều 8 quy định về quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng của nghệ sĩ cũng nêu rõ: cá nhân sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước; bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan. Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng đã đề xuất xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trong từng lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”.

Mỗi chúng ta cần trang bị các kỹ năng số để “sinh sống an toàn” trong môi trường số. Cần có ý thức không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều, chúng ta xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn, tích cực. Mọi người tham gia sử dụng mạng phải có trách nhiệm, tôn trọng nhau, có thái độ ứng xử văn hóa, đúng chuẩn mực đạo đức gia đình, xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, cần biết quan tâm, thông cảm, lắng nghe, chia sẻ đến người khác bằng lời nhận xét, bình luận khách quan, tế nhị, bày tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp. Không nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác, không nên đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý. Mỗi cá nhân khi tham gia vào mạng xã hội cần suy nghĩ kỹ lưỡng, lựa chọn, kiểm chứng thông tin chính xác trước khi đăng lên mạng xã hội và phải có trách nhiệm trước những thông tin mình cung cấp, chia sẻ. 

Hành động có trách nhiệm trên không gian mạng là cách duy nhất mà mỗi cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ mình bảo vệ những người xung quanh và góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tuân thủ pháp luật. Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành “Cẩm nang Phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” nhằm mục đích nâng cao nhận thức về trách nhiệm và văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho người dùng internet ở Việt Nam. Trong đó có nhấn mạnh 4 nguyên tắc hành động có trách nhiệm trên không gian mạng đối với cá nhân: “Suy nghĩ hai lần trước khi chia sẻ, tải (hoặc đăng), hoặc bình luận video, hình ảnh, tin tức trên mạng, không thực hiện các thao tác trên nếu không chắc chắn về thông tin; Kiểm tra, xem xét nguồn tin, tác giả, độ tin cậy của thông tin; Tôn trọng suy nghĩ và quyền riêng tư của bản thân và của người khác; Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện tin giả, sai sự thật” (5). Đối với các tổ chức, cơ quan quản lý, cần chủ động cung cấp thông tin chính xác cho người dân, xác thực, minh bạch thông tin để tạo niềm tin cho người dân. Còn đối với các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm kiểm chứng thông tin, đưa thông tin chính xác, không chạy theo nhu cầu giật tít, câu view

Để những giải pháp, đề xuất hiện nay đi vào thực tiễn, thiết nghĩ cần hình thành và nâng cao ý thức cho từng cá nhân khi sử dụng không gian mạng qua các hoạt động thực tiễn. Ở lứa tuổi thanh thiếu niên - lứa tuổi sử dụng mạng xã hội lớn nhất, gia đình cần phối hợp với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức và kỹ năng ứng xử văn minh trên không gian mạng cho các em. Các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cần lồng ghép các kiến thức, kỹ năng ứng xử khi sử dụng internet vào các buổi sinh hoạt thường kỳ. Ngoài ra, chúng ta cần tuyên truyền nhiều hơn nữa về các quy tắc ứng xử trên không gian mạng qua các phương tiện truyền thông như báo, đài, truyền hình… Cần có thêm nhiều cuộc thi tìm hiểu các quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội để từ đó giúp mọi người có thêm kỹ năng, kiến thức, nâng cao được nhận thức và có ý thức, trách nhiệm trước khi tiếp nhận hay đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin lên mạng. 

4. Kết luận 

Xây dựng môi trường văn hóa số văn minh trong bối cảnh kỷ nguyên công nghệ mới đã và đang tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ. Hiện nay, các chuyên gia, các cấp quản lý đã và đang đề xuất rất nhiều giải pháp nhằm phát triển văn hóa, hành vi ứng xử trên mạng xã hội ở Việt Nam. Hành vi ứng xử của người dùng mạng xã hội sẽ quyết định đến tính chất, đặc điểm, chất lượng của môi trường văn hóa. Nhưng trước khi thực hiện hành vi ứng xử đó, thì người sử dụng mạng trước hết cần ý thức và chịu trách nhiệm với mỗi hành vi ứng xử của mình. Hy vọng trong thời gian tới, với sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội sẽ tăng cường công tác giám sát, quản lý không gian mạng, cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ khi tham gia vào môi trường số, từ đó sẽ giúp chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) của Việt Nam được cải thiện rõ rệt hơn. Mạng thì “ảo” nhưng hậu quả để lại từ việc ứng xử thiếu văn hóa lại “không hề ảo”!.

____________________

1. Thời đại thông tin, vi.wikipedia.org.

2. N.H, Việt Nam đứng thứ 12 về lượng người dùng Internet trên toàn thế giới, petrotimes.vn, 8-12-2022.

3. ANTV, Vấn đề và Chính sách, antv.gov.vn, 31-1-2023.

4. Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy giá trị đặc sắc của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhandan.vn, 24-11-2021.

5. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cẩm nang Phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2022, tr.18.

 TS NGUYỄN LIÊN HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023

;