Nét độc đáo trong nghề dệt thổ cẩm của người Thái

Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống xuất hiện ở nhiều vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam, mỗi dân tộc đều tạo ra những nét độc đáo riêng, từ chất liệu, hoa văn, màu sắc, cách dệt, sản phẩm dệt… Đối với người Thái, thổ cẩm không chỉ là sản phẩm dùng trong may mặc thường ngày, mà còn chứa đựng trong đó sự khéo léo của người phụ nữ, sự sáng tạo và quan niệm về nhân sinh quan của đồng bào.

Dệt thổ cẩm - nét văn hóa đặc sắc của người Thái bảo tồn đến ngày nay

Không biết từ khi nào những tấm thổ cẩm đã gắn với đời sống của người Thái, họ duy trì, tiếp nối nghề trước hết từ những người phụ nữ trong gia đình. Theo bà Lò Thị Tóm (74 tuổi, huyện Mộc Châu, Sơn La), hầu hết phụ nữ Thái đều biết đến nghề dệt, hình ảnh người bà, người mẹ ngồi bên khung cửi cùng tiếng thoi đưa, đã hằn sâu trong tâm thức của mỗi người con dân tộc Thái. Tiếp xúc với nghề từ sớm, đến năm 13-14 tuổi, họ có thể dệt ra những tấm vải có màu sắc, họa tiết rất chỉn chu. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, bà mong muốn giới thiệu văn hóa dệt thổ cẩm của người Thái tới nhiều du khách khi đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, để nhiều người biết đến và cảm nhận được phần nào cái hay cái đẹp trong văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.

Bà Lò Thị Tóm bên chiếc khung cửi thân quen của đồng bào dân tộc Thái

Trong nghề dệt thổ cẩm, người đàn ông có vai trò lớn trong việc làm ra chiếc khung cửi - được xem là vật dụng quan trọng nhất, quyết định chất lượng của các sản phẩm thổ cẩm. Khung cửi của người Thái có kích thước lớn với nhiều bộ phận, được làm từ tre hoặc gỗ, có độ bền cao. Một chiếc khung cửi chắc chắn, các bộ phận hoạt động mượt mà, điều khiển nhịp nhàng giữa chân và tay, sẽ tạo cho người dệt cho cảm giác dễ chịu, thoải mái, từ đó cho ra đời những tấm thổ cẩm đẹp.

Giống như nhiều dân tộc khác, để tạo ra một tấm thổ cẩm, người Thái cũng phải thực hiện quy trình, từ trồng bông, bật bông, kéo sợi, tạo màu, mắc khung cửi, dệt thành phẩm… Họa tiết trên thổ cẩm của đồng bào Thái phong phú, đa dạng, chủ yếu là họa tiết hình học, chữ viết, cỏ cây hoa lá, động vật… Người dệt phải tỉ mỉ từ cách xếp chỉ, đưa thoi, đếm số lượt chỉ màu để tạo hình họa tiết một cách chính xác, tạo nên tổng thể hài hòa, có bố cục rõ ràng. Để tạo tác được những hoa văn tinh xảo, đòi hỏi người dệt phải có quá trình tích lũy kinh nghiệm, sự khéo léo, sáng tạo.

Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ Thái

Đặc biệt, khi cầm tấm vải thổ cẩm trên tay, ta có thể cảm nhận được sự gần gũi qua màu sắc gắn với tự nhiên như màu của cây cối, hoa rừng hay ánh mặt trời. Vì là nghề thủ công, nên dệt thổ cẩm phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm, nhân sinh quan của từng người, từng độ tuổi khác nhau. Đối với những cô gái trẻ, tấm thổ cẩm được dệt với màu sắc tươi sáng; đến khi về nhà chồng họ phải tự tay làm tặng bố mẹ chồng bộ chăn đệm, chiếc khăn piêu - những sản phẩm đạt độ tinh xảo nhất định; đến khi lớn tuổi, tấm thổ cẩm được dệt ra sẽ có màu sắc của sự chiêm nghiệm, suy tư, cùng gam màu trầm, họa tiết mang tính trừu tượng hơn. Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm trở thành một phần không thể vắng bóng trong đời sống của người dân tộc Thái, đồng thời là thước đo sự khéo léo, cần mẫn của mỗi người phụ nữ.

Trong những sự kiện quan trọng của cộng đồng, cả nam và nữ người Thái vẫn ưu tiên mặc trang phục truyền thống, màu sắc hài hòa nhưng không kém phần rực rỡ của thổ cẩm đã góp phần không nhỏ tạo nên niềm tự hào về truyền thống dân tộc. Nếu như trước đây, sản phẩm thổ cẩm của người Thái chỉ sử dụng trong gia đình, hoặc trao đổi vật phẩm trong vùng, thì đến nay, những chiếc khăn, túi, chăn, gối, quần áo, vật dụng trang trí, đồ lưu niệm… của đồng bào đã tạo được sức hút đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Khách tham quan tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của người Thái

Bà Lò Thị Tóm chia sẻ, sản phẩm thổ cẩm của người Thái không quá cầu kỳ như một số dân tộc khác, nhưng có tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, để tạo ra những tấm thổ cẩm hoàn toàn thủ công bền và đẹp mất rất nhiều thời gian, nên sản phẩm tạo ra không được nhiều. Bên cạnh đó, các bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều ngành nghề, có người biết dệt có người không, đó cũng là một trong những lý do khiến nghề đang dần mai một. Hiện nay, đã có nhiều Hợp tác xã Dệt thổ cẩm được thành lập, đáp ứng mong muốn khôi phục nghề dệt của rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Thái. Mô hình này được nhiều địa phương ủng hộ, liên kết các hộ gia đình, tổ sản xuất trên địa bàn đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo đầu vào, đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm, phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng. Đây chính là bước đi nhằm mở rộng thị trường, khôi phục nghề thủ công truyền thống, quảng bá văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sức hút cho du lịch địa phương.

Có thể nói, khi đến vùng Tây Bắc nước ta, không khó để nhìn thấy bóng dáng của những sản phẩm từ thổ cẩm Thái, họ lưu giữ, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa truyền thống độc đáo ngay trong đời sống đương đại. Chất liệu, bố cục, đường nét hoa văn, màu sắc trên những tấm thổ cẩm thể hiện trình độ thẩm mỹ tốt, kỹ thuật cao và đời sống tinh thần vô cùng phong phú của đồng bào Thái. Đến nay, nghề dệt thổ cẩm được đồng bào duy trì, phát triển, thể hiện nét cá tính, bản sắc không thể tách rời khi nhắc đến dân tộc Thái: “Em se sợi thành vóc hoa dâu/ Em dệt cửi thành gấm vân chéo/ Em dệt tơ thành đóa hoa vàng/ Người các bản, các phường muốn khóc/ Đều ước ao được em thêu khăn” (dân ca Thái).

Bài: VÂN ANH - Ảnh: TUẤN MINH

;