Bài viết tìm hiểu nghi lễ trong sinh đẻ và nuôi dạy con của người Mường, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cũng như những biến đổi của các nghi lễ này trong bối cảnh hiện nay. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất những giải pháp nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những yếu tố tích cực và hạn chế những yếu tố không phù hợp trong nghi lễ sinh đẻ và nuôi dạy con của người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay.
Huyện Cẩm Thủy là địa phương người Mường cư trú lâu đời và có tỷ lệ dân số cao thứ hai của tỉnh Thanh Hóa (53.800 người, chiếm 52% dân số toàn huyện) đứng sau huyện Ngọc Lặc (91.000 người). Văn hóa truyền thống nói chung và nghi lễ trong sinh đẻ và nuôi dạy con của người Mường xã Cẩm Lương nói riêng đang có sự biến đổi mạnh mẽ do quá trình cư trú cộng cư, hiện tượng giao thoa văn hóa với tộc người Việt, người Thái diễn ra ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế du lịch và các dự án kinh tế đã và đang có những tác động sâu sắc tới đời sống văn hóa của đồng bào.
1. Nghi lễ sinh đẻ, nuôi dạy con trong truyền thống
Quan niệm liên quan đến sinh đẻ và con cái
Người Mường ở Cẩm Lương rất coi trọng và quan tâm đến việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Đứa con ra đời thường có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đôi vợ chồng, các thành viên trong gia đình và dòng họ. Đối với ông bà, đứa trẻ ra đời khiến họ vui mừng vì nòi giống tiếp tục được duy trì, đông cháu sẽ có thế lực hơn các dòng họ khác trong xóm, làng. Khi có con, người chồng sẽ có vai trò, trách nhiệm của một người cha và hạnh phúc khi nghĩ rằng về già có người phụng dưỡng và khi chết có người thờ cúng. Đối với người vợ, có con (đặc biệt là con trai) giúp củng cố vị trí của người phụ nữ trong gia đình, dòng họ nhà chồng.
Theo quan niệm trước đây của người Mường ở Cẩm Lương, gia đình hạnh phúc là gia đình đông con, nhất là đông con trai. Vì vậy, các gia đình người Mường luôn muốn các con kết hôn sớm để sau này có đông con cháu. Họ cho rằng, đông con để khẳng định vị thế của gia đình đối với dòng họ, làng bản; bên cạnh đó có thêm người lao động và phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già. Hơn nữa, gia đình có nhiều con trai sẽ được mời tham gia vào các công việc hệ trọng như: làm nhà mới, làm mai mối hoặc các công việc chung của làng… Tuy nhiên, quan niệm này tồn tại trong xã hội Mường đã đẩy người phụ nữ vào hoàn cảnh khổ sở khi họ không sinh được con trai cho nhà chồng. Những gia đình không có con trai phải lấy rể đời và họ thích chọn rể ở các gia đình có đông anh em trai. Rể đời được nhập vào họ nhà gái, khi bố mẹ vợ chết, rể được coi là chủ nhà và phải chăm lo việc thờ cúng tổ tiên nhà vợ, lo toàn bộ công việc và được thừa kế toàn bộ gia tài, ruộng vườn của cha mẹ vợ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình người Mường mong muốn có cả con trai và con gái. Phụ nữ Mường vẫn thích có con gái để có người gần gũi, chuyện trò, đỡ đần việc nhà và nhờ vả lúc ốm đau.
Gia đình nào không có con thì hai vợ chồng, bố mẹ luôn lo lắng phải sống trong cô đơn, không có người trông nom khi tuổi già sức yếu. Vì không có con nên người phụ nữ bị gia đình, dòng họ nhà chồng khinh ghét, chê cười. Trong xã hội Mường, vợ chồng lấy nhau sau một, hai năm chưa có con, họ chữa bằng thuốc Nam hoặc tìm thầy cúng để cầu xin con. Sau một thời gian mà vẫn không có con thì họ sẽ xin con nuôi. Theo nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, ở vùng Mường Thanh Hóa, trường hợp nhận và cho con nuôi phần lớn có quan hệ nội gần, nội xa và bên ngoại đối với người mẹ nuôi.
Những kiêng kỵ và nghi lễ trong giai đoạn mang thai
Theo tập tục của người Mường ở Cẩm Lương, người phụ nữ trong thời kỳ mang thai phải kiêng kỵ nhiều thứ từ các thức ăn, uống đến mọi sinh hoạt nói chung. Trong thời gian mang thai, người phụ nữ Mường vẫn đi làm việc bình thường, nhưng là các công việc nhẹ nhàng, không làm các công việc nặng nhọc và không được với tay quá cao để tránh sảy thai. Người Mường quan niệm, trong thời gian mang thai, người phụ nữ phải luôn vui vẻ, tránh bực tức, nóng giận để không ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Người phụ nữ còn phải kiêng một số thức ăn để giữ gìn sức khỏe cho bản thân và em bé như: kiêng ăn thịt các con vật bị chết, kiêng ăn ốc để con có răng, kiêng ăn măng để con chân tay có ống, kiêng uống nước đựng trong ống bương chặt vát đầu vì sợ em bé sinh ra sẽ bị sứt môi, kiêng ăn thịt dê đực, vịt đực…
Bên cạnh việc ăn uống, khi có thai người phụ nữ Mường còn phải kiêng một số việc như: kiêng nhảy qua hố nước vì sợ sa sẩy, không được chặt kéo dây mây, dây rừng vì sợ đứa con sinh ra bị co giật và không được ngồi ở bậc thang lên nhà sàn. Khi vào mùa cấy, người phụ nữ mang thai không được lội xuống ruộng… Người phụ nữ Mường khi mang thai không được tham gia vào các lễ hội và các nghi thức cúng tế của làng, xóm. Bên cạnh đó, họ còn kiêng đi dự đám cưới vì sợ em bé sinh ra sau này sẽ kém duyên và không tham dự đám tang bởi lo sợ nhiễm khí âm, khí lạnh từ người chết sẽ ảnh hưởng tới thai nhi...
Tập quán và nghi lễ khi sinh con
Theo quan niệm của người Mường, phụ nữ phải sinh con ở nhà chồng, nếu có trường hợp sinh ở nhà cha mẹ đẻ thì phải sinh dưới nhà sàn vì nếu để máu của dòng họ khác rơi trong nhà mình sẽ đem lại cho gia đình nhiều rủi ro.
Cũng giống như nhiều vùng Mường khác, ở Cẩm Lương, phụ nữ Mường thường sinh con bên cạnh bếp lửa. Gia đình chuẩn bị củi, áo mũ, tã lót và đóng giường cho người đẻ. Đến ngày sinh nở, người nhà đi nhờ bà đỡ. Người phụ nữ Mường đau đẻ ngồi dựa vào người thân và thường đẻ ngồi (1). Khi đứa trẻ chào đời sẽ được cắt rốn bằng mảnh sành đã được tẩy trùng sạch. Cũng có một số nơi, người Mường cắt rốn cho trẻ bằng một thanh nứa lấy từ đầu chiếc rui trên mái nhà phía trước (nếu là con trai) hoặc từ mái nhà phía sau (nếu là con gái).
Thời gian ở cữ và nuôi con nhỏ
Sau khi sinh xong, sản phụ được đặt nằm cạnh bếp lửa, xung quanh có quây chăn, màn tạo thành buồng. Theo phong tục của người Mường, nếu sinh con đầu lòng, sản phụ phải nằm cạnh bếp lửa một tháng, con thứ hai, thứ ba nằm cạnh bếp lửa 15 đến 20 ngày.
Khi trong nhà có sản phụ mới sinh, người Mường treo một cành ớt chỉ thiên đỏ hoặc cành gai sắc ngoài cửa cầu thang lên nhà sàn để báo trong nhà có sản phụ mới sinh, kiêng những người lạ vào (2). Sau khi sinh xong, sản phụ được cho uống một bát thuốc lá cây rừng có tác dụng tiêu máu độc. Đứa trẻ nằm trên giường cữ với mẹ và khi người mẹ cảm thấy sức khỏe tốt mới cho con bú. Trong thời kỳ ở cữ, sản phụ chỉ được ăn cơm với muối nướng và ăn kiêng khem rất nhiều món như cá, tôm ốc, lươn...
Thời gian nằm cạnh bếp lửa, sản phụ phải ở yên trong buồng của mình, khi muốn ra khỏi chỗ nằm phải mang theo con dao để trừ tà ma. Khi đứa trẻ đầy cữ (khi bé trai sinh ra được 7 ngày và bé gái được 9 ngày) sẽ làm lễ Pảo cơm đủ để tạ ơn vua bếp và cúng các bà mụ. Lễ vật trong lễ Pảo cơm đủ gồm một con lợn nhỏ (để cúng vua bếp) và 7 bát nước thuốc nếu đứa trẻ là con trai hoặc 9 bát nước thuốc nếu đứa trẻ là con gái. Sau khi làm lễ xong, sản phụ phải uống một ít nước trong mỗi bát thuốc để cầu cho em bé luôn mạnh khỏe.
Khi đứa trẻ sinh ra được tròn một tháng, gia đình sẽ làm lễ ăn mừng thôn (lễ mừng cháu) hay còn gọi là lễ đầy tháng. Lễ này người Mường ở Cẩm Lương thường tổ chức rất lớn. Gia đình mời họ hàng, làng xóm tới dự và bày cỗ ăn uống. Theo tục lệ, những người được mời tới dự sẽ đem theo năm tấm vải tự dệt và một con gà làm quà tặng cho em bé. Người tới dự sẽ buộc chỉ vào cổ tay em bé và chúc phúc cho em bé. Trong ngày đầy tháng, em bé sẽ được ông bà nội đặt tên. Người Mường ở Cẩm Lương rất chú trọng lễ đặt tên cho bé. Theo quan niệm của họ, trước khi đặt tên cho đứa bé phải hỏi bên nội, bên ngoại ba đời xem có ai mang tên ấy không và nếu đã có người mang tên đó thì phải lựa chọn một cái tên khác.
Khi đứa trẻ được khoảng hai tuổi, ông bà ngoại sẽ cầu vía cho cháu. Theo nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, nhà ngoại đi làm vía cho cháu (chủ yếu là cháu đầu) vào thời điểm thu hoạch vụ mùa xong (tháng một hoặc nửa đầu tháng chạp). Sau khi hai nhà thống nhất ngày làm vía, những người bên nhà ngoại: ông bà ngoại, ông chú, bà bác, ông mối (người đã làm mối cho đôi vợ chồng trước đây) và thanh niên trai gái khiêng gánh lễ vật sang nhà nội thăm cháu. Lễ vật nhà ngoại đi làm vía cho cháu thường bao gồm: hai thúng gạo nếp, một thúng bánh chưng, 10 chai rượu, một con lợn, hai con gà, một cái áo, một vòng bạc đeo cổ. Bên nhà nội cũng lo sắm sửa đồ lễ và đón khách. Bên nội đãi khách một con lợn, ba chĩnh rượu cần và gạo nếp đồ xôi đủ cho đám vía ăn. Bên nội, ngoài người trong nhà còn mời ông chú, bà bác, anh em trong họ, hàng xóm láng giềng đến dự lễ làm vía. Lễ làm vía cho cháu ngoại của người Mường thường sắm bày hai mâm: mâm cúng tổ tiên và mâm cỗ vía.
Ở Cẩm Lương, tất cả các gia đình khi cho trẻ nhỏ ra khỏi nhà đều lấy than củi bôi một vệt nhọ lên trán em bé với ý rằng để bà mụ không lạc đường mà luôn ở bên cạnh che chở cho em bé. Sau khi đi ra ngoài về mà đứa trẻ lười ăn, gia đình sẽ đi gọi vía (hóc wái) cho trẻ. Lễ vật dùng để gọi vía gồm một nắm cơm, một quả trứng, một chiếc vợt cá. Những lễ vật này sẽ được đem đến ngã ba đường để làm lễ cúng gọi vía về.
Như vậy, có thể thấy rằng khoảng thời gian từ khi mang thai đến khi sinh đẻ và chăm sóc trẻ nhỏ, người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều tập tục, những kiêng kỵ và nghi lễ. Trong đó, người Mường đã sử dụng nhiều kinh nghiệm, tri thức dân gian trong việc chăm sóc sức khỏe cho sản phụ và trẻ sơ sinh mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trẻ em Mường lớn lên được dạy cách ăn ở, cách ứng xử với người lớn, anh em bà con. Ngày xưa, trẻ em Mường rất ngoan ngoãn, lễ phép. Các em vừa chơi, vừa làm, vừa học. Các em đi chăn trâu trên các cánh đồi, cánh rừng; theo cha mẹ lên nương xuống ruộng, theo người lớn đi săn, đi đánh cá. Nhìn chung, trẻ em Mường trước đây không được đi học chữ, chỉ có con nhà lang đạo giàu có mới gửi con xuống miền xuôi đi học (3).
2. Biến đổi trong tập quán, nghi lễ sinh đẻ và nuôi dạy con
Biến đổi trong quan niệm
Hiện nay, người Mường đặc biệt là giới trẻ đã có quan niệm và nhận thức trong việc sinh đẻ khác với ông cha họ trước đây. Họ không quan niệm phải đẻ thật nhiều con, đặc biệt là con trai để nối dõi nữa. Qua phỏng vấn, chúng tôi thấy rằng, phần đông thanh niên Mường hiện nay cho biết, sinh con trai hay con gái không còn quan trọng mà chủ yếu là phải nuôi dạy con thành người tốt, có ích cho gia đình, làng xóm.
Những cuộc vận động của chính quyền xã Cẩm Lương về sinh đẻ có kế hoạch, mỗi gia đình chỉ nên có hai con để chăm sóc và nuôi dạy cho tốt được đông đảo bà con người Mường ở Cẩm Lương hưởng ứng và thực hiện.
Ngày nay, người phụ nữ Mường khi mang thai và sinh đẻ đã nhận được nhiều sự cảm thông và quan tâm hơn trước rất nhiều. Nhiều người nghĩ rằng, phụ nữ khi mang thai thường hay gặp nhiều thuận lợi trong công việc là do đứa bé trong bụng mẹ mang lại. Đồng thời cũng có thể đem đến sự may mắn cho các thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, người phụ nữ mang thai đã có thể tham gia vào lễ nghi của gia đình, các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được chia sẻ tình cảm và giúp đỡ của mọi người. Những năm gần đây, hầu hết phụ nữ Mường ở Cẩm Lương mang thai đến sinh đẻ tại trạm y tế xã, các trung tâm y tế, bệnh viện huyện, vì thế tình trạng tử vong do sinh đẻ ở phụ nữ được hạn chế rất nhiều.
Trường hợp những người phụ nữ không có khả năng có con cũng không phải chịu nhiều khổ đau như trước nữa. Đa phần mọi người nhận thức được việc không có con không phải do phụ nữ ăn ở thất đức mà có thể do bệnh lý của người vợ hoặc cũng có thể của người chồng. Những người phụ nữ không có con được gia đình quan tâm hơn và được giúp đỡ tìm kiếm thầy thuốc giỏi, các loại thuốc để chữa trị. Bên cạnh đó, người chồng cũng có những suy nghĩ tích cực, không còn gây áp lực nặng nề đối với vợ, đã biết chia sẻ, động viên vợ chữa bệnh.
Kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy, có 84,8% số người được hỏi cho rằng không nhất thiết phải sinh bằng được con trai. Con trai hay con gái đều được yêu quý và chăm sóc như nhau. Chỉ có 15,2% ý kiến cho rằng nhất thiết phải sinh bằng được con trai. Trong nhóm ý kiến này, điều quan trọng nhất là phải có con trai để nối dõi tông đường và chăm sóc cha mẹ khi về già. Quan niệm con gái đi lấy chồng cha mẹ không được cậy nhờ cũng đã dần thay đổi. Đặc biệt là, chỉ có 7,9% ý kiến vẫn cho rằng, nếu không có con trai sẽ bị mọi người trong cộng đồng chê cười và họ cảm thấy mặc cảm khi sinh ra toàn con gái.
Biến đổi trong nghi lễ và kiêng kỵ
Xưa kia, việc chăm sóc thai phụ, sản phụ, trẻ em chủ yếu là uống thuốc nam hoặc tiến hành một số nghi lễ như cúng vía, cúng đặt tên, cúng kéo cây si... thì nay đã hạn chế rất nhiều. Người Mường đã đưa sản phụ đến trạm xá, các trung tâm y tế để khám chữa bệnh và sinh đẻ.
Ngày trước, phụ nữ Mường mang thai, đẻ con phải thực hiện nhiều điều kiêng kỵ từ việc đi lại, ăn uống, giao tiếp và tham gia vào đời sống cộng đồng. Hơn nữa, những thành viên khác trong gia đình cũng phải theo những kiêng kỵ nhất định. Ngày nay, tập quán kiêng kỵ vẫn còn diễn ra song đã có nhiều tiến bộ. Một số kiêng kỵ như phụ nữ mang thai không được tham gia các nghi lễ, các sinh hoạt cộng đồng... đã dần được loại bỏ. Thai phụ cũng có thể ăn uống tất cả những thứ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Sản phụ trong thời gian ở cữ chưa đầy tháng có thể tự do đi lại trong nhà...
Tập quán cho sản phụ và đứa trẻ nằm cạnh bếp lửa đến hết cữ đã không còn duy trì ở những sản phụ sinh sống ở xã Cẩm Lương. Trong các gia đình Mường, thai phụ, sản phụ được quan tâm, chăm sóc, được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hơn. Người Mường luôn chú ý chăm sóc đứa trẻ sơ sinh từ bữa ăn đến giấc ngủ. Phần lớn các bà mẹ đều cho con bú ngay sau khi đẻ. Với những trường hợp thiếu sữa thay vì cho ăn cơm nhai như trước, họ cho trẻ em uống thêm sữa công thức...
Có thể nói, biến đổi tích cực nhất trong tập quán sinh đẻ của người Mường ở Cẩm Lương là phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ, tiêm phòng tại các cơ sở y tế, trạm xá. Nhiều cơ sở y tế trên địa bàn thị trấn Cẩm Thủy đã có máy siêu âm màu, thu hút được sự quan tâm của nhiều chị em. Một biến đổi lớn nữa trong chăm sóc sức khỏe của trẻ em Mường chính là thực hiện quy định của nhà nước về việc trẻ em từ 0 đến 6 tuổi được tiêm phòng miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế còn đưa con đến các trung tâm y tế dự phòng tỉnh để tiêm thêm một số bệnh khác ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước.
3. Giải pháp bảo tồn và phát huy các yếu tố tích cực trong nghi lễ sinh đẻ và nuôi dạy con của người Mường
Giải pháp về cơ chế, chính sách
Dựa vào kết quả nghiên cứu để bổ sung hoặc điều chỉnh một số nội dung cụ thể trong chính sách bảo tồn, duy trì và làm giàu văn hóa truyền thống, phù hợp với thực tế địa phương cũng như đường lối văn hóa của Đảng và Nhà nước hiện nay, trong đó có tập quán, nghi lễ trong sinh đẻ và nuôi dạy con của người Mường.
Giải pháp về sự nhận thức
Sinh đẻ là vấn đề hệ trọng trong cuộc sống của mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng. Việc sinh đẻ phải được tiến hành một cách khoa học, an toàn, phù hợp với phong tục, tập quán, nghi lễ sinh đẻ của địa phương cũng như của dân tộc, hoàn cảnh từng gia đình. Đảm bảo an toàn tính mạng của sản phụ và thai nhi, đúng quy trình sinh sản của ngành y tế và khoa học.
Chính vì vậy, người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cần có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về những giá trị văn hóa trong tập quán và nghi lễ sinh đẻ, nuôi dạy con cái cũng như trách nhiệm bảo tồn, phát triển những nghi lễ này trong đời sống văn hóa của cộng đồng Mường ở giai đoạn hiện nay.
Chính quyền địa phương cần tạo mọi điều kiện cho người dân, nhất là thế hệ trẻ người Mường ở xã làm chủ được các giá trị văn hóa truyền thống và có ý thức duy trì, phát huy, làm giàu, phát triển những giá trị văn hóa này.
Sinh đẻ là một việc hệ trọng của đời người, trong đó chứa đựng nhiều giá trị tri thức dân gian của tộc người. Để bảo tồn, duy trì, phát huy các giá trị tri thức, kinh nghiệm tốt đẹp đó, cần duy trì và tuân thủ thực hiện những quy định về dưỡng thai, sinh sản và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh của ngành y tế, trong việc sinh đẻ của người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy.
Giải pháp thực tiễn cụ thể
Khảo sát, thu thập đầy đủ tài liệu về văn hóa truyền thống, tri thức, kinh nghiệm dân gian về sinh đẻ của người Mường ở Cẩm Lương, đặc biệt là tập quán và nghi lễ trong sinh đẻ và nuôi dạy con của người Mường sinh sống tại các làng ở xã Cẩm Lương.
Kết hợp với các ban ngành địa phương, giáo dục về tầm quan trọng của văn hóa truyền thống, tri thức, kinh nghiệm sinh đẻ và nuôi dạy con của tộc người Mường tới thế hệ trẻ, đặc biệt là nữ giới đang ở độ tuổi sinh sản; tổ chức các cuộc tuyên truyền tới từng hộ gia đình, hội thi hội diễn về chủ đề nếp sống gia đình,sinh đẻ khoa học, an toàn và kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời cần phê phán, chỉ rõ cho người dân thấy những tập quán, nghi lễ sinh đẻ không còn phù hợp.
Chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để người dân Mường tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng tốt, đồng thời quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và cơ quan y tế các cấp đóng trên địa bàn.
Tập trung ưu tiên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho thanh niên, phụ nữ vị thành niên...
Nghi lễ trong sinh đẻ và nuôi dạy con cái là một trong những nghi lễ quan trọng đối với cuộc sống của người Mường ở Cẩm Lương. Trong xã hội truyền thống, tập quán và nghi lễ trong sinh đẻ và nuôi dạy con được đồng bào quan tâm và thực hiện bài bản theo đúng phong tục, tập quán xưa. Từ sau đổi mới đến nay, sự thay đổi tập quán, nghi lễ trong sinh đẻ và nuôi dạy con cái tại vùng Mường Cẩm Lương diễn ra khá mạnh mẽ dưới sự chuyển đổi của nền kinh tế, mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa giữa các tộc người, vùng miền... Qua nghiên cứu tại xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong quan niệm của người Mường về sinh đẻ và nuôi dạy con, cũng như sự thay đổi trong việc kiêng kỵ, kiêng khem và thực hành các lễ nghi. Đây là những thay đổi hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà đồng bào Mường đã biết loại trừ dần những việc không còn phù hợp và tiếp thu những quan niệm mới song vẫn giữ được những tri thức, kinh nghiệm sinh đẻ, nuôi con.
_________________
1. Tư liệu do nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải cung cấp.
2. Tư liệu phỏng vấn ông Cao Sơn Hải, năm 2014.
3. Cao Sơn Hải, Lễ tục vòng đời người Mường - điều tra, khảo sát, hồi cố ở vùng Mường, Thanh Hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr.60.
Tác giả: Hà Diệu Thu
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020