NGUỒN SÁNG TRONG TRANG TRÍ TÁN LỬA TAM MUỘI CHÙA BÚT THÁP

Trong khuôn khổ ghi chép này chúng tôi đề cập tới hình tượng nguồn phát sáng được thể hiện trong trang trí của tán lửa tam muội của bộ tượng Tam thế tam Thiên Phật chùa Bút Tháp.

Hình tượng nhịp mùa (hoa văn dây hoa lá chữ S)

Phía trong diềm lửa là dải hoa lá chạy viền, bao gồm dây, lá và hoa lựu, tạo hình gần thực. Các đường dây hoa lá uốn theo nhịp hình chữ S. Nhịp chuyển động hình chữ S này có nhịp vận động tuần hoàn không biến đổi. Ta đã gặp khá nhiều kiểu chuyển động này trong trang trí của người Việt, nó mang tư cách nhịp sinh trưởng của vạn vật theo tuần tự bốn mùa (xuân - sinh, hạ - thành, thu - suy, đông - hủy). Đây là yếu tố cầu mùa thường thấy khi nghiên cứu về bản sắc văn hóa của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước, nơi mà toàn bộ các hoạt động sản xuất phụ thuộc vào nhịp tuần hoàn của khí tiết (theo lịch mặt trăng).

Hình tượng mặt trăng, tinh tú và bầu trời đêm (tán tròn và ba lớp mây)

 

Hình tượng mặt trăng:

 

Tán tròn được thếp vàng có kích thước là

Pho Quá khứ thế: 45 cm

Pho Hiện tại thế: 46 cm

Pho Vị lai thế: 45 cm

Bề mặt tán tròn thếp vàng chen cùng với sơn đỏ sẫm mà phần đỏ sẫm lắng xuống dưới, phần thếp vàng dày sáng ở trên tạo ra bề mặt có chất cảm. Chất cảm này tạo chiều sâu cho chất liệu, biểu cảm được sức tỏa sáng của nguồn phát sáng.

Tán tròn và ba lớp mây trong lòng tán tam muội hình thuyền đã được trình bày như trên thì ta thấy nhịp vận động của các lớp mây nhẹ nhàng (tính âm). Với các yếu tố như đã trình bày, tán tròn có yếu tố của nguồn phát sáng. Lại nằm giữa mây nước và các u nổi màu vàng ròng gợi ý nhiều về tinh tú thì tán tròn này hoàn toàn có thể tượng trưng cho mặt trăng nằm giữa tinh tú là mô tả bầu trời Đêm.

 

Hình tượng mây nước và tinh tú:

 

Lớp mây thứ nhất, số lượng cánh mây là: Pho Quá khứ thế: 14 cánh mây, Pho Hiện tại thế: 14 cánh mây, Pho Vị lai thế: 12 cánh mây.

Cấu trúc: Lớp mây thứ nhất có các cánh gấp khúc hai cung tròn rồi tỏa cảnh ôm sát vành hào quang, cánh nhỏ, có gân khắc chìm chuyển động theo cánh, đầu cánh tù tròn, cong lên phía trên, xoáy tròn phía trong.

Chuyển động: Lớp mây thứ nhất chuyển động theo cung tròn quanh vành hào quang, các cánh mây tỏa lên phía trên, tạo cảm giác bốc cháy của lửa. Các xoáy tròn trong lòng cánh mây có nguyên tắc chuyển động trái chiều như sau: Xoáy tròn trong lòng những cánh mây bên phải của tượng thì xoáy ngược chiều kim đồng hồ, xoáy tròn trong lòng những cánh mây bên trái tượng thì xoáy theo chiều thuận kim đồng hồ. Hai bên xoáy tròn chuyển động ngược nhau như vậy tạo ra hai dải mây, các xoáy tròn chuyển động hướng vào tượng Phật ngồi ở giữa. Nguyên tắc trái chiều này lặp lại trong lòng các cụm mây ở ba lớp mây trên toàn bộ tượng có hiệu quả nhằm tập trung lực thị giác vào trung tâm tác phẩm.

Lớp mây thứ hai, số lượng cánh mây là: Pho Quá khứ thế: 13 cánh mây, Pho Hiện tại thế: 14 cánh mây, Pho Vị lai thế: 15 cánh mây.

Cấu trúc: Cánh mây bắt đầu phức tạp, tạm chia làm hai bộ phận để tiện trình bày. Bộ phận xoáy tròn có vành trong và vành ngoài. Vành ngoài gồm khoảng 5 cung tròn nhỏ tựa như 5 cánh tròn hoa mai nối tiếp chuyển động theo cung tròn, cánh lớn nhất là cánh hình mũi mác, có gân đục rỗng lòng, chuyển động theo hình chữ S nằm ngang giống hình mây lửa ở đầu bẩy hiên tòa thượng điện chùa Bút Tháp.

Vành trong là một đường gân cứng chắc, khoẻ, uốn xoáy tròn có chuyển động ngược chiều với xoáy tròn ở các cánh mây lớp thứ nhất.

Chuyển động: Các cánh mây lớp thứ hai có vị trí ở khoảng giữa các cánh mây của lớp thứ nhất, chuyển động có hướng ly tâm. Dường như cấu trúc tạo hình của lớp mây này diễntả sự tỏa ra của ánh sáng phía trung tâm.

Lớp mây thứ ba, số lượng cánh mây là: Pho Quá khứ thế: 12 cánh mây, Pho Hiện tại thế: 04 cánh mây, Pho Vị lai thế: 04 cánh mây.

 Cấu trúc: Cánh mây ở lớp này lộ phần xoáy tròn trong lòng cánh mây, các xoáy có chuyển động cùng chiều với xoáy tròn ở lớp mây thứ hai. Sự xuất hiện không đầy đủ là diễn tả sự che khuất, đây là lối ứng xử tạo hình của người Việt nhằm mô tả vẻ tầng tầng lớp lớp của mây.

Chuyển động: các xoáy có chuyển động cùng chiều với xoáy tròn ở lớp mây thứ hai. Về phần mây này đem đối chiếu với hình sóng nước ở bệ tượng pho Vị lai thế ta thấy chúng cùng một lối diễn tả, điều đó cho phép ta hiểu mây ở đây là mây nước.

 

Điều đặc biệt là các điểm nổi u của xoáy tròn thuộc tất cả các lớp mây đều thếp vàng lấp lánh gợi về các vì tinh tú. Phần lòng mây chạm rỗng các khoảng có hiệu quả thị giác bên cạnh các vân mây nước thì bản thân các khoảng trống cũng có hình. Chúng tôi ngờ rằng: Có lẽ các khoảng trống ở đây nhằm diễn tả bầu trời?

 

Hình tượng mặt Trời mây lửa và bầu trời sinh lực

Ở giữa điểm nhọn trong lòng Tán Tam muội hình thuyền là cụm hình tròn khắc một đường viền chìm, thếp vàng kim và mây lửa. hai bên cụm chính giữa này có hai cụm mây đang chầu vào.

Cấu trúc: Cụm này có hai phần

Phần hoa văn mây ở hai bên và phần vành tròn ở chính giữa.

Phần hình tròn thếp vàng có thể giả định là mặt trời bởi các yếu tố tạo hình như sau:

Xung quanh hình tròn thếp vàng có mây màu đỏ ôm trùm lấy hình tròn rồi chia thành năm ngọn, ngọn cao nhất nhọn đầu, các ngọn nhỏ tỏa ra và bốc lên mạnh mẽ khiến ta liên tưởng đến nhịp vận động của lửa.

Chuyển động và cấu trúc của cụm này cho phép ta hiểu là cụm này là nguồn phát sáng mạnh (tính dương). Hai cụm mây hai bên chầu vào nguồn phát sáng ở giữa (so sánh hoa văn đồng dạng trên trán văn bia ở Văn Miếu có hai cụm mây chầu mặt trời). Qua sự phân tích trên cho ta thấy nếu giả định trên là đúng thì cụm chi tiết là mặt trời với hai cụm mây hai bên mặt trời thì nghĩa của chúng rộng hơn: Đó là bầu trời ban ngày.

Đến đây, tán lửa tam muội không chỉ đơn thuần là tán hào quang của đức Phật nữa mà nghệ thuật trang trí đã đem đến cho tán lửa này lớp ý nghĩa vũ trụ với các hoa văn chuyển tải lời nguyện cầu bằng tạo hình của mây - cầu mưa, lửa - cầu  sinh trưởng, mặt trăng, tinh tú (đêm), mặt trời (ngày), hoa lựu màu đỏ - cầu sinh lực, hoa dây - nhịp vận động của mùa... các yếu tố đó đã tạo nên hình mẫu thiên nhiên hài hòa mặt trăng và mặt trời tuần tự mà làm nên đêm ngày, lửa và nước khắc rồi giao nhau tạo ra mưa thuận gió hòa, tiết khí xoay vần mà thành mùa màng... đó mới là hạnh phúc. Cao hơn tất cả các ý nghĩa trên, ở đây là khát vọng về vạn vật hài hòa của cha ông ta ngàn đời. Là cách ứng xử hài hòa giữa khát vọng bản địa và tôn giáo ngoại sinh.

        Mật ngữ ở đây, theo tôi là thái độ sống, ứng xử, làm việc đều theo quy luật của hài hòa. Là âm siêu dương thái. Là thuận ý trời hợp lòng người. Đó là lẽ tất yếu, dẫu là tình đời hay lẽ đạo đều là thế. Nếu cuộc sống này có lúc nào đó chẳng phải thế thì tôi cũng xin cầu mong mãi là như thế.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 304, tháng 10-2009

Tác giả : Đặng Thị Huệ

;