Nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng nương vào lịch sử

Viết về lịch sử để góp phần nối lại những vệt gãy, tô lại những khoảng mờ theo góc nhìn riêng của người sáng tác. Viết về lịch sử cũng để góp phần lý giải quy luật vận hành của lịch sử, sự tồn vong của một triều đại hay rộng hơn là một hình thái xã hội. Và quan trọng nhất, viết về lịch sử để khám phá những uẩn khúc của lòng người, tình người, đặt trong những tình huống, những lựa chọn phức tạp. Một trong những tác giả thành công với mảng đề tài này là nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng.

Sinh trưởng trong một gia đình trí thức ở Hà Nội, Nguyễn Toàn Thắng thừa hưởng năng khiếu văn chương của cha và tình yêu lịch sử từ mẹ, ham đọc ham tìm hiểu, thích viết lách nhưng vì không được cha mẹ khuyến khích đi theo con đường văn nghiệp nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh theo học chuyên ngành tiếng Pháp Trường Đại học Ngoại ngữ ở Thanh Xuân - Hà Nội (Nay là Đại học Hà Nội). Lý do chọn trường của chàng trai 17 tuổi khi ấy đơn giản là để không phải loanh quanh khu Cầu Giấy, Mai Dịch  - nơi gia đình anh đang sinh sống.

Ra trường ở thời điểm kinh tế đất nước bắt đầu phát triển, Nguyễn Toàn Thắng từng làm phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch - những công việc rất hấp dẫn, có thu nhập tốt, nhưng anh vẫn dùng dắng “phải lòng”, chẳng đặng rời xa duyên chữ nghĩa. Lại thêm tính cách lãng tử cùng năng lượng tràn đầy của tuổi trẻ. Anh làm phim tài liệu, làm báo, viết văn, viết kịch bản sân khấu, kịch bản phim... Việc nào cũng nhanh cũng khéo, nhận được sự ủng hộ của bạn bè và những đồng nghiệp đi trước.

Song có thể vì “ôm đồm” mảng miếng mà cái tên Nguyễn Toàn Thắng vẫn chưa bật lên sắc nét, nhiệt huyết nhiều mà năng lượng vẫn chưa được khơi hết. Có một cảm giác như trì trệ, u uất trong người. Anh lao vào viết kịch bản văn học về đề tài lịch sử. Với mảng sáng tác này, anh như được soi chiếu được đối thoại với chính mình, được đào bới kiếm tìm lại vốn đọc rộng rãi tích cóp từ thời niên thiếu đến khi trưởng thành. Những cảm xúc ồ ạt cuốn anh đi. Nhiều đêm thức trắng suy nghĩ hình dung về số phận bậc tiền nhân trong cuộc thăng trầm dâu bể.

Bẵng đi một thời gian, kịch bản Nàng thứ phi họ Đặng của Nguyễn Toàn Thắng được dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Chèo Hà Nội, giành Huy chương vàng Hội diễn chèo Chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016. Vị tướng Đặng Tất tài ba, một lòng ái quốc. Trong bối cảnh nhà Trần sụp đổ, nhà Hồ lên, rồi quân Minh xâm lược, ông không thể khư khư ôm chữ “trung” theo quan điểm hẹp hòi để bị tiêu diệt cả quân cả tướng. Tháng 11 năm 1407, tôn thất nhà Trần là Trần Ngỗi lên ngôi, lấy hiệu là Giản Định Đế, lập ra nhà Hậu Trần, khởi binh chống quân Minh xâm lược. Thua trận, vua phải chạy vào Nghệ An. Nghe tin đó, Đặng Tất lúc này đang làm Đại tri châu ở Hóa Châu bèn giết quan lại nhà Minh ở Hóa Châu rồi mang quân ra Nghệ An theo Giản Định Đế, mưu sự khôi phục nhà Trần. Để thể hiện lòng trung với vua, ông gả con gái út Đặng Thúy Hạnh cho Giản Định Đế, được phong làm Quốc công. Song cũng từ đây oan nghiệt đã xảy đến với ông và gia đình.

Từ nhân vật nữ chính Đặng Thúy Hạnh, Nguyễn Toàn Thắng triển khai nhiều tuyến kịch, khai thác sâu mối quan hệ vua - tôi, cha - con thời loạn, đặc biệt xây dựng mối tình giữa tiểu thư họ Đặng với người thanh niên Quốc Hào. Vì thế cuộc, sự an nguy của gia đình, vì để giữ trọn đạo hiếu, nàng nén nỗi niềm riêng, trở thành thứ phi của Giản Định Đế. Song điều ấy cũng không cứu được cha nàng thoát khỏi cơn thịnh nộ từ bậc đế vương. Chiến tranh loạn lạc cùng những biến cố gia đình dồn dập đã rèn luyện thêm khí chất, vẻ đẹp tâm hồn “Nàng thứ phi họ Đặng”.

Thành công của Nàng thứ phi họ Đặng đem đến sự tự tin để nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng toàn tâm toàn ý với mảng sáng tác về lịch sử. Những kịch bản nối nhau được dàn dựng trên sân khấu chèo, cải lương: Khất sĩ - Tướng quân ăn mày, Người con của Vạn Thắng Vương, Vì sao lạc xứ, Truyền thuyết Triệu Trinh nương..., với chất liệu lịch sử dầy dặn, vừa chặt chẽ logic vừa thể hiện góc nhìn mở để đối thoại với công chúng hôm nay. Kịch bản Người con của Vạn Thắng Vương là một ví dụ. Theo tác giả Nguyễn Toàn Thắng, khi Nhà hát chèo Ninh Bình mời anh viết kịch bản về một danh nhân đất cố đô, anh nghĩ đến Nam Việt Vương Đinh Liễn - người con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng, một nhân vật có số phận rất khác biệt mà chưa tác giả nào đề cập. Tuổi lên năm, Đinh Liễn đã phải đi làm con tin, chịu bao khổ cực ở thành Cổ Loa. Sự hy sinh ấy góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Đinh Tiên Hoàng. Sau này, vì không được vua cha chọn làm người kế vị, ông đã sát hại em trai mình rồi dựng 100 cột kinh thay cho lời sám hối.

Chắp bút kịch bản Người con của Vạn Thắng Vương, tác giả Nguyễn Toàn Thắng chọn khoảng thời gian 15 năm với những biến cố, những sự kiện lớn gắn với cuộc đời Đinh Liễn tuổi hoa niên. Một vở kịch có lớp lang, từ nhân vật chính đến nhân vật phụ đều có số phận, có những câu chuyện riêng: Tướng quân Đinh Bộ Lĩnh cương trực vì nghĩa lớn, dù có phải hy sinh tình riêng cũng cam lòng; Người mẹ Đinh Liễn chịu nỗi đau xa cách con, phải giả điên tìm mọi cách gặp mặt; Người vú nuôi Đinh Liễn thất lạc con trai duy nhất, bao nhiêu năm không biết con sống chết thế nào nhưng vẫn một lòng trung thành, đi theo đến Cổ Loa để chăm sóc, bảo vệ Đinh Liễn như bảo vệ chính con mình. Đặc biệt, cuối kịch bản, tác giả đặt nhân vật Đinh Liễn ở một lựa chọn khác: Không nhận sắc phong hoàng thái tử mà xin được làm tướng trấn ải nơi biên giới để được ở bên người con gái mà chàng hứa hẹn kết tóc se tơ. Một cái kết mở, gợi nhiều suy ngẫm.

Viết về những nhân vật lịch sử ít được biết đến hoặc bị lãng quên là một lựa chọn của Nguyễn Toàn Thắng. Lựa chọn này có khó khăn bởi hiếm nguồn tư liệu tham khảo, song cũng là thuận lợi lớn khi được một mình một lối, thoải mái hơn trong hư cấu sáng tạo. Vì thế anh luôn dồn hết tâm trí, tình cảm của mình vào nhân vật, đặt nhân vật trong những khoảng mờ của lịch sử để dự đoán về những bước đi có tính quyết định, khám phá những xung đột trong chiều sâu nội tâm, khám phá cả những mâu thuẫn những dùng dằng khó nói. Vì thế, nhân vật của anh luôn đầy đặn phong phú về tính cách và sắc thái biểu hiện, gần gũi khán giả hôm nay.

Trong kịch bản Vì sao lạc xứ, nhân vật lịch sử Hồ Nguyên Trừng - con trai cả của Hồ Quý Ly được khắc họa với cốt cách của một vị tướng, nhà khoa học, bậc trí nhân quân tử. Thất bại trên chiến trường, ông cùng cha phải sống đời lưu vong. Bị vua quan nhà Minh dụ dỗ, đe dọa, mua chuộc, Hồ Nguyên Trừng vẫn giữ trọn đạo trung - hiếu - tiết - nghĩa. Song vì không muốn những người vô tội phải chết oan, ông đành phải giao nộp công thức chế súng thần công cho kẻ thù. Những năm cuối đời ông bị mất trí nhớ, nhưng trong sâu thẳm tiềm thức tiếng gọi cố hương vẫn trở về, da diết.

Kịch bản Vì sao lạc xứ được hoàn thành có công sức của NSND đạo diễn Triệu Trung Kiên - người đã gợi ý, trao đổi, tranh luận sôi nổi cùng Nguyễn Toàn Thắng. Khi được dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Cải lương Việt Nam (đạo diễn Triệu Trung Kiên, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, các diễn viên Đoàn Cải lương thể nghiệm tham gia diễn xuất) vở diễn đã đem lại nhiều xúc cảm cho người xem. Nghệ sĩ Văn Đáng với nét diễn chân thật, giọng ca dài khỏe khoắn đã khắc họa rõ nét một Hồ Nguyên Trừng vừa trí tuệ uyên bác, vừa dũng cảm oai phong, hiếu thảo, trượng nghĩa mà cũng rất đỗi đa tình. Đặc biệt, niềm nhớ thương trời Nam của Hồ Nguyên Trừng, qua lời ca nét diễn của Văn Đáng đầy khắc khoải đớn đau.

Văn chương nghệ thuật luôn mong muốn chạm tới miền tâm thức sâu xa của con người, giải mã những số phận cá nhân, tôn vinh những nhân vật kiệt xuất. Nhưng  con người lại quá bé nhỏ trước bão giông lịch sử, những câu chuyện được rút ra từ ngày hôm qua thường bị lãng quên trong chính hôm nay. “Trong lịch sử luôn có những bài học cho hôm nay, chỉ có điều chúng ta thực sự muốn học hay không. Trước các vĩ nhân lịch sử, tôi thấy mình chỉ như một hạt cát”. Thấm thía điều này, nhưng anh vẫn khao khát được kết nối với quá khứ qua từng trang viết. Viết để tôn vinh lịch sử, để hiểu hơn về dân tộc và nhân dân, để giải mã những câu hỏi chưa được làm sáng tỏ. Trong hành trình sống và viết ấy, Nguyễn Toàn Thắng luôn tự nhủ anh còn nhiều điều phải hoàn thiện cho chính minh.

Nguyễn Toàn Thắng trong chuyến công tác Trường Sa

 

ANH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 610, tháng 6-2025

;