Dân tộc Xơ Đăng gồm có 5 nhóm tộc người: Xơ Teng, Tơ đrá, Mơ Nâm, Hà Lăng và Cadong. Nhóm Cadong cư trú chủ yếu ở phía Bắc Tây Nguyên, hướng Đông của dãy Trường Sơn hùng vĩ, bao gồm các huyện Sơn Tây, Tây Trà, Sơn Hà thuộc miền Tây Bắc, tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra, họ còn sinh sống tụ cư ở các huyện Đắk Hà, Đắk Tô, Kon Plong thuộc tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ngoài những phong tục tập quán, tín ngưỡng độc đáo, người Xơ Đăng còn có nhiều sinh hoạt nghệ thuật dân gian mang đậm sắc thái riêng. Đó là các sinh hoạt ca hát, nhảy múa, biểu diễn các loại nhạc cụ trong lễ hội, lễ Tết... Họ hát những bài ca lêu ca ngợi về tình yêu đôi lứa, những bài ranghế, đánh chiêng, thổi sáo, chơi các loại đàn dây… (1).
Âm nhạc dân gian đóng một vai trò đặc biệt quan trọng và là một thành tố gắn kết hữu cơ với đời sống xã hội. Bởi, nó là âm nhạc của người lao động sáng tạo, trao truyền, hưởng thụ và gìn giữ. Nằm trong đặc điểm chung của văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian là âm nhạc của cuộc sống và tồn tại trong cuộc sống, với những chức năng xã hội cụ thể.
Cũng như nhạc khí của các tộc người thiểu số ở Quảng Ngãi, nhạc khí của người Xơ Đăng là nhạc khí dân gian, chưa phát triển để trở thành chuyên môn hóa, nghề nghiệp hóa như âm nhạc chuyên nghiệp, âm nhạc bác học của người Kinh. Song, cũng chính vì chưa phát triển, mà nhạc khí của người Xơ Đăng không bị biến tướng, lai tạp nhiều yếu tố và luôn gắn bó hữu cơ với đời sống xã hội, cũng như từng thành viên cộng đồng trong suốt quá trình lịch sử.
Hiện nay, chưa có tiêu chí rõ ràng về kích thước của các loại nhạc khí. Người Xơ Đăng chế tác nhạc khí bằng phương pháp thủ công, với các nguyên liệu sẵn có ở địa phương và phần lớn là do nghệ nhân tự làm. Chính vì đặc điểm trên, nên những kích thước nêu ra trong nghiên cứu này là kích thước bình quân rút ra từ số đo của nhiều nhạc khí cùng loại, hoặc chọn một nhạc khí mà theo các nghệ nhân là có âm thanh hay nhất và mẫu mã đẹp nhất.
Mỗi nhạc khí có thể có mặt ở nhiều dân tộc, nhiều vùng khác nhau và tên gọi cũng có thể khác nhau, nên khi trình bày về từng nhạc khí, chúng tôi sẽ có đối sánh. Việc ký âm những bài bản của âm nhạc dân gian là việc làm không đơn giản, bởi các âm thanh của nó không nằm trong hệ bình quân luật, cộng vào đó là rất nhiều yếu tố dị bản, như một tất yếu của âm nhạc dân gian. Đây là một nghiên cứu được thực hiện dựa trên kết quả của quá trình khảo sát, điền dã của chính tác giả tại các xã người Xơ Đăng: Sơn Bua, Sơn Tân, Sơn Mùa, Sơn Dung (huyện Sơn Tây); Trà Kem, Trà Xinh (huyện Trà Bồng) tỉnh Quảng Ngãi.
1. Phân loại nhạc khí Xơ Đăng
Từ xưa người ta đã phân chia các nhạc khí truyền thống theo màu âm hoặc chất liệu chế tác. Vì được chế tác bằng những chất liệu khác nhau nên các nhạc khí đã có những màu âm riêng, góp phần tạo sự phong phú, đa dạng của âm nhạc bát âm. Việc phân loại kiểu này đã có từ xa xưa và phù hợp với vũ trụ quan và mô hình bát quái như “bốn phương”, “tám hướng” (2). Đến nay, cách phân loại theo hệ thống bát âm này ít người sử dụng, vì một nhạc khí có thể cấu tạo bởi nhiều chất liệu khác nhau.
Chúng tôi cũng muốn trình bày thêm về cách nhìn nhận và phân loại trong việc nghiên cứu các nhạc khí của người Xơ Đăng. Trong việc nghiên cứu nhạc khí, điều trước tiên chúng tôi quan tâm là những vấn đề về nhạc khí học (Instrumentation) như hình dáng, kích cỡ, cấu tạo, chức năng, bài bản… Mặc dù vậy, nhưng khi đi vào nghiên cứu những vấn đề cụ thể, chúng tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc giải mã nó, bởi rất hiếm các nghệ nhân hiểu biết hoặc còn nhớ vấn đề này, nhiều khi sự hiểu biết của họ cũng không được thống nhất. Ở đây, chúng tôi sử dụng những nguyên tắc phân loại nhạc khí của hai nhà âm nhạc học nổi tiếng trên thế giới là E.M. Hornbstel và C.Sachr. Giá trị của phương pháp khoa học này là sử dụng những tiêu chí nhất quán, có thể áp dụng cho việc phân loại nhạc khí của tất cả các dân tộc. Phương pháp này dựa trên hai nguyên tắc:
Nguồn vật chất chuyển động tạo ra âm thanh. Từ nguồn này chia các nhạc khí ra thành 4 họ lớn: họ dây dựa trên nguồn dây rung; họ hơi dựa trên sự rung của khối không khí chứa trong một vật; họ màng rung dựa trên sự rung của màng căng; họ thân vang dựa trên sự rung của toàn bộ nhạc khí (3).
Phương pháp kích âm, để chia một họ thành các chi, theo phương pháp phân loại này thì các nhạc khí họ dây của người Xơ Đăng được chia làm hai chi: chi dây gẩy là các loại đàn v’roac, đàn goong; chi dây kéo là đàn kaní, đàn rauốt…
2. Chất liệu chế tác nhạc khí
Người Xơ Đăng sử dụng các chất liệu có sẵn trong tự nhiên để chế tác các loại nhạc khí khác nhau của mình. Có nhạc khí được chế tác chỉ bằng một chất liệu, nhưng cũng có nhiều nhạc khí được chế tác bằng nhiều chất liệu khác nhau. Các chất liệu như: tre, lá, nứa, da thú, gỗ, vỏ bầu, kim loại là chất liệu chính để làm nên các loại nhạc khí. Chẳng hạn: tre dùng để làm khóa đàn, phím đàn; lá dùng để làm kèn lá; nứa được sử dụng rất rộng rãi để chế tạo nhiều loại nhạc khí khác nhau, do có những ưu điểm là thẳng tắp, thanh mảnh (tạo độ rung và cộng hưởng cho âm thanh) và cứng cáp (loại nứa già). Các nhạc khí được làm từ nứa, như: ponpút, tàlía, v’roac, đàn goong, rauốt… Chất liệu da thú để làm những chiếc trống, người Xơ Đăng thường chọn da nai, da mang, da sơn dương, da bò. Theo họ, các loại da này làm trống sẽ vang và hay hơn các loại da khác. Chất liệu gỗ (loong), chủ yếu được sử dụng để làm trục đàn, tang trống. Chất liệu vỏ bầu (đaah) - quả bầu khô (rỗng ruột) để làm đàn v’roac các loại, goong… Chất liệu kim loại (mam): khác hẳn với các nhạc khí được làm từ tre, lá, nứa, da, gỗ, ching là một nhạc khí được coi là chủ lực của người Xơ Đăng được làm bằng đồng thau. Không như các nhạc khí khác, nghệ nhân đồng thời là người tự chế tác các nhạc khí. Riêng đối với ching (kể cả những chiếc lục lạc), cho đến nay người Xơ Đăng chưa sản xuất được. Họ phải mua bán hoặc đổi chác với người Việt từ làng Phước Kiều, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam hoặc từ những vùng khác, có khi phải qua Myanmar để mang về những bộ ching quý giá.
Trở lại các nhạc khí họ dây, thời xa xưa người Xơ Đăng còn dùng cả gân thú để làm dây đàn, gần đây họ đã biết sử dụng dây kim loại. Họ thường dùng dây đàn guitar, mandoline, hoặc thậm chí có khi tận dụng cả dây thắng (phanh) xe đạp, dây điện thoại bị hư hỏng. Ngoài những chất liệu nêu trên, còn có những chất liệu khác như sáp ong rừng dùng để gắn kết các bộ phận của nhạc khí và một số loại dây rừng để làm dây đàn, như dây k’jăh dùng làm dây đàn kaní, dây đàn rauốt…
Nguồn chất liệu để chế tác các nhạc khí ở đây có sự tương đồng mang yếu tố quốc gia và khu vực Đông Nam Á, bởi nó nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng mưa nhiều rất phù hợp với hệ sinh thái động thực vật. Các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian không phải ngẫu nhiên mà cho rằng, âm nhạc của các tộc người Đông Nam Á là âm nhạc của tranh, tre, lá, nứa. Có thể về hình dáng, kích cỡ, chức năng, chủng loại của các nhạc khí người Xơ Đăng với nhạc khí của các dân tộc láng giềng không giống nhau. Nhưng vấn đề nguồn chất liệu để chế tác nhạc khí, góp phần tạo dựng nên một không gian âm nhạc và địa âm nhạc, có thể được coi là một hằng số văn hóa.
Từng chất liệu chế tác của một nhạc khí có liên quan hết sức chặt chẽ đối với màu âm và sắc thái âm nhạc của bản thân từng nhạc khí. Màu âm (âm sắc) kết hợp với các yếu tố của âm nhạc như: giai điệu, thang âm, hòa âm trong sự vận động và môi trường diễn tấu của nó sẽ tạo ra những giá trị mang tính đặc trưng của âm nhạc dân gian, cũng như vấn đề bản sắc âm nhạc của từng tộc người, từng vùng, miền…
3. Nhạc khí họ dây của người Xơ Đăng
Đàn v’roac
V’roac là loại đàn khá phổ biến trong đời sống âm nhạc và sinh hoạt cộng đồng của người Xơ Đăng. Nó cũng rất phổ biến trong âm nhạc dân gian của một số dân tộc vùng Tây Nguyên như Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng. Các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi, như: Co, H’rê cũng đều có những cây đàn v’roac. Cách thức để dễ dàng phân biệt đàn v’roac với đàn goong chính là tư thế diễn tấu, đàn v’roac được đặt nằm ngang còn đàn goong được dựng đứng. Tên gọi v’roac được dùng khá rộng rãi với cách phát âm hơi khác nhau đối chút như b’ro, b’rô, b’rôh. Người Xơ Đăng ở Quảng Ngãi có 3 loại v’roac: v’roac triêng (2 dây), v’roac tru (3 dây), v’roac rênh (5 dây).
V’roac 2 dây (v’roac triêng), có cấu tạo 2 phần chính: bầu đàn (đaah), cần đàn. Người ta thường thả dây bầu trên một cái giàn ở trước sân nhà hoặc trên rẫy. Các nghệ nhân chọn những quả bầu xinh xắn, tròn trịa cũng như kích cỡ vừa ý nhất để sau này làm đàn. Bầu đàn là một trái bầu già được khoét ruột rồi cắt hai đầu trên và dưới, đem hong thật khô. Chiều cao của quả bầu khi cắt ra là 18cm và đường kính 20cm. Phần vỏ bầu phía cuống được buộc cần đàn ngang qua, bởi một sợi dây rừng mảnh và chắc, thường là dây mây. Bầu đàn đã trở thành hộp cộng hưởng, trông rất độc đáo và thẩm mỹ. Gần đây, có một số nghệ nhân vùng Sơn Hà đã thay thế quả bầu bằng một thau nhôm nhỏ (thường để đựng nước), hiệu quả âm thanh có phần vang hơn nhưng âm sắc không đầm ấm, trữ tình bằng dùng quả bầu. Cần đàn được làm bằng một ống nứa (h’đjaah) hoặc lồ ô chiều dài khoảng 47-62cm, đường kính khoảng 2,7-3,7cm. Trên cây đàn v’roac, bộ phận cần đàn hết sức quan trọng. Nghệ nhân phải chọn những cây nứa thật già để cần đàn được chắc chắn và những khúc nứa thật thẳng, mới có thể chế tạo ra những cây v’roac tốt nhất. Cần đàn có khoét lỗ để lắp tay nắm lên dây đàn (xê v’roac). Trên cần đàn có 5 phím nhỏ được làm bằng gỗ mây hoặc gỗ cây gạo. Người ta dùng sáp ong đất để làm keo dán phím vào cần đàn.
V’roac được mắc hai dây bằng kim loại, người ta thường dùng dây mí (dây số 1) hoặc dây si (dây số 2) của đàn guitar hoặc dây mí của đàn mandoline. Thậm chí họ còn tận dụng cả ruột dây điện thoại, dây thắng xe đạp để làm dây đàn, vì trên thị trường từ xưa đến nay chưa bao giờ có loại dây đàn v’roac. Một dây nằm gần sát cần đàn, dây còn lại cách dây kia chừng 4cm. Dây mắc cách xa phím đàn được gọi là dây chồng dây nằm gần phím đàn thì gọi là dây vợ.
Về tư thế diễn tấu v’roac, nghệ nhân dùng tay phải gảy vào dây (tạo âm). Cụ thể là dùng ngón trỏ và ngón giữa để gảy dây vợ, dây vợ đảm nhiệm phần giai điệu, ngón cái phụ trách dây buông, dây chồng dùng để thực hiện chức năng đệm cho bè giai điệu bằng những âm trì tục. Bàn tay trái bấm phím đàn với các kỹ thuật ngón rung, ngón nhấn.
Đàn v’roac dùng để độc tấu những giai điệu tự sự và mô phỏng âm thanh của các bài ching trong cộng đồng. V’roac được sử dụng trong nhiều môi trường diễn tấu khác nhau: lễ hội, sinh hoạt cộng đồng tại nhà sàn lúc nông nhàn, nhất là những đêm trăng thanh gió mát các chàng trai thường tấu những khúc nhạc giao duyên tỏ tình. Ngoài ra, đàn v’roac còn tấu được những khúc nhạc êm ái, đầm ấm dành để ru con, ru cháu. Âm thanh hai dây đàn có quan hệ gần một quãng 4 đúng hoặc quãng 5.
V’roac 3 dây (v’roac tru), bài bản của đàn v’roac tru khá phong phú, mang những nội dung gắn với đời sống thường nhật. Ngoài ra, cây đàn v’roac cũng mô phỏng được những âm thanh của các dàn ching. Bài Ching dơh ching ngây do nghệ nhân Vá Kam (thôn Huy Em, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây) trình diễn, có tiết tấu vui tươi, nhộp nhịp. Có thể nhận thấy, giai điệu của bài Ching dơh ching ngây được tiến hành trong phạm vi một quãng 8 đúng. Tuy tầm âm rất hẹp, nhưng nó vẫn luôn hấp dẫn người dân, có lẽ ở sự thân thuộc, gần gũi và gắn bó. Tuy nhiên, những năm gần đây, có lẽ do sự giao thoa văn hóa âm nhạc ngày càng diễn ra mạnh mẽ, nên cây đàn v’roac 3 dây ít được lớp trẻ sử dụng.
Người Co và người H’rê ở Quảng Ngãi ít khi sử dụng loại đàn v’rooc tru 3 dây như người Xơ Đăng. Có khi họ đã quen với tập quán sử dụng loại đàn có 2 dây (trong đó có 1 dây phụ trách phần giai điệu và 1 dây phụ trách phần hòa thanh trì tục). Cây đàn v’rooc tru 3 dây của người Xơ Đăng so với cây đàn b’ro của người Cor và đàn b’rooc của người H’rê thì âm thanh của nó có phần phong phú hơn, thể hiện những nội dung âm nhạc đa dạng hơn.
Đàn v’roac 5 dây (v’roac rênh), lần lượt từ âm thấp đến âm cao là: c1 - d1 - e1 - f1 - g1. Ngoài những bài bản âm nhạc trong sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là mô phỏng những âm thanh của dàn ching 5 chiếc ra, v’roac 5 dây thường ít được sử dụng rộng rãi như những loại khác.
Đàn goong
Một số vùng Cadong ở Sơn Dung, Sơn Mùa còn gọi cây đàn này là v’roac k’râu. Các dân tộc thiểu số ở Bắc Tây Nguyên còn có những tên khác để gọi cây đàn này, như goong và goong - đe (Gia Rai, Giẻ Triêng). Riêng người Ba Na huyện An Khê (tỉnh Gia Lai) gọi là đàn tinh ninh (hay teng neng); người Giẻ Triêng vùng Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) gọi là puôi brol; người H’rê ở tỉnh Quảng Ngãi gọi đàn này là k’râu. Trong quá trình khảo sát điền dã, chúng tôi chưa thấy người Co ở Quảng Ngãi sử dụng cây đàn này.
Các nghệ nhân đang chơi đàn Goong và Kaní - Nguồn: cand.com.vn
Hình dáng goong gần giống với cây v’roac, nhưng không có phím bấm; kích cỡ goong lớn hơn v’roac và có từ 5-15 dây đàn. Cấu tạo của cây đàn goong gồm có hai phần chính: bầu đàn (đaah) và cần đàn (xey). Bầu đàn được làm bằng vỏ quả bầu già, khô được cắt bỏ hai phần đầu. Chiều cao của bầu đàn 17-23cm, đường kính 22-27cm. Bầu đàn được gắn với cần đàn. Cần đàn thường được làm bằng ống cây nứa. Người ta thường chọn những ống nứa thật thẳng, chắc chắn (nứa già) về phơi nắng hoặc hong lửa thật khô, để có sự ổn định về âm thanh. Nếu cần đàn được làm bằng ống nứa còn tươi, thì một thời gian sau, khi ống nứa khô và rút lại sẽ khó khăn trong việc so dây đàn, cũng như bố trí ngựa đàn. Cần đàn dài khoảng 47-62cm, đường kính 4-5,5cm.
Trên cần đàn thông thường được mắc 11 dây và không có phím bấm. Phía đầu đàn (phía trên) người ta dùng thanh sắt nhỏ nung đỏ xuyên vào cần đàn thành những lỗ nhỏ để tra khóa đàn. Khóa đàn để căng dây đàn, được làm bằng gỗ cứng hoặc cật tre già. Đầu bên kia là ngựa đàn, các dây đàn được mắc cố định tại đây bằng một miếng gỗ nhỏ (loại gỗ tốt) thật cứng. Ngày nay, có nghệ nhân còn tận dụng cả khoăn kim loại trong cây dù đi mưa (đã hỏng) để mắc những dây đàn goong vào cho chắc chắn. Từ nhiều năm nay, dây kim loại và dây nilon đã thay thế sợi dây bằng gân thú (hay sợi dứa) trong nhạc khí này của người Xơ Đăng.
Âm thanh của đàn hoàn toàn là âm thanh của dây buông, nên nghe suôn sẻ, thánh thót. Kỹ thuật diễn tấu đàn goong không có ngón nhấn, ngón rung, ngón vuốt, nhưng ưu thế của nó là hòa thanh, sự phối hợp tuyệt vời giữa các dây đàn trên nhiều ngón tay của người trình diễn. Đàn goong là loại đàn dùng cho cả nam giới và nữ giới, thường chơi những giai điệu dân ca như ca lêu, ranghế, dêôdê… Với khả năng tạo âm thanh phong phú, nó có thể mô phỏng tất cả các bài ching của người Xơ Đăng. Toàn bộ âm thanh của đàn goong được phát ra trên hệ thống dây buông, có hòa âm phong phú, nên nghe êm tai và thánh thót. Đàn goong của người Xơ Đăng có từ 5-15 dây đàn, nhưng phổ biến nhất là loại đàn có 7 dây, 9 dây.
Như đã đề cập ở trên, ngoài những bài bản như ca lêu, ranghế, dêôdê thì thế mạnh diễn tấu của goong là mô phỏng những âm thanh tuyệt vời của các dàn ching, như bài Đăk Tu. Bài Đăk Tu do anh Đinh Túc độc tấu đàn v’rooc k’râu 9 dây, là một bài nhạc, theo chúng tôi là tuyệt hay. Xóm Đăk Tu (p’lây Đăk Tu) của người Xơ Đăng là một vùng quê tuyệt đẹp, được phản ánh nhiều trong dân ca, dân nhạc ở đây, như bài ca lêu Đăk Tu (theo điệu dêôdê), bài ching Đăk Tu…
Đàn kaní
Nhạc khí thuộc chi dây kéo của người Xơ Đăng ở Quảng Ngãi có 2 loại: đàn kaní và đàn rauốt. Các dân tộc Bắc Tây Nguyên như: Rơ ngao (Ba Na), Gia Rai cũng có cây đàn này. Người Xơ Đăng và người H’rê ở Quảng Ngãi còn gọi đàn này là rơđoang. Có thể người Xơ Đăng gọi tên nhạc khí này theo cách gọi của người H’rê (một dân tộc láng giềng). Đặc biệt, người Xơ Đăng và người H’rê có những điểm rất giống nhau trong chế tác và sử dụng nhạc khí này. Theo kết quả điều tra của chúng tôi, người Xơ Đăng vùng Sơn Tây có loại nhạc khí này, nhưng người Xơ Đăng ở vùng Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng) không có loại đàn này.
Về mặt hình thức, cây đàn và tư thế ngồi diễn tấu thì kaní gần giống cây đàn cò của người Kinh. Đàn có 1 dây được làm bằng các chất liệu gân thú, dây tơ, dây xơ dứa hoặc dây nilon. Gần đây người ta làm bằng dây kim loại. Cần đàn là một ống nứa dài 60cm, cung kéo là một thanh nứa nhỏ. Trên thân đàn nghệ nhân dùng sáp ong để gắn từ 4-5 phím gọi là: vú mói, vú páy, vú pí, vú pun. Phía dưới dây đàn có buộc một sợi dây chỉ, đầu kia của sợi chỉ được buộc vào một miếng kim loại (một miếng nhôm mỏng hoặc miếng cắt từ lon bia…). Điều độc đáo là cấu tạo của cây đàn kaní không có hộp cộng hưởng, thay vào đó là khoang miệng của người diễn xướng.
Khi diễn tấu, nghệ nhân ngồi dùng bàn chân trái kẹp giữ phần đầu gỗ của đàn. Tay phải kéo cật thanh nứa vào dây đàn để tạo âm thanh. Miệng ngậm miếng kim loại có sợi chỉ buộc nối vào dây đàn. Lúc này khoang miệng nghệ nhân trở thành hộp cộng hưởng rất tuyệt vời. Âm thanh to nhỏ, màu sắc giai điệu luôn phụ thuộc trực tiếp vào sự thay đổi uyển chuyển, linh hoạt của khoang miệng khi mở, khi đóng.
Đàn kaní được người Xơ Đăng chơi chủ yếu vào mùa xuân hoặc sau khi thu hoạch mùa màng, cũng có khi dùng để chuyện trò giao lưu với nhau để làm mai mối vợ chồng cho con cái của họ… Nhờ những âm thanh gần với giọng người, nên có thể hiểu được nội dung của người chơi đàn muốn gửi gắm. Các cây đàn v’roac, goong là những nhạc khí dây dành cho cả nam giới và nữ giới. Nhưng điều đặc biệt là kaní thường do những nam giới lớn tuổi sử dụng. Theo các nghệ nhân cao tuổi ở các làng (p’lây) Xơ Đăng, xưa kia kaní chỉ được phép chơi ngoài rừng, kiêng chơi trong nhà vì cho rằng những âm sắc huyền ảo của nó là âm thanh của các vị thần linh. Ngày nay, người ta gần như đã bỏ hoặc đã quên điều cấm kỵ trên. Âm thanh kaní nếu nghe âm lượng nhỏ thì gần giống với giọng hát, có màu sắc huyền ảo và hấp dẫn. Trên thân đàn có 4 phím, theo thứ tự từ đầu đàn trở xuống ta có hệ thống nốt: c2 - d2 - fis2 - g2 - a2.
Thực tế, cao độ các âm này không hoàn toàn chuẩn xác, do tính chất nửa đàn - nửa hát trong phương pháp tạo âm. Hơn nữa, lại phải truyền âm từ dây đàn qua sợi chỉ và từ sợi chỉ được truyền đến trong sự ngân, rung của miếng kim loại trong miệng. Điều này, dẫn đến tần số dao động của âm thanh nơi nguồn âm đã được chuyển hóa và phân tán. Nhưng cũng chính nhờ các chuyển hóa, phân tán và “không chuẩn” ấy, cùng với âm lượng vừa như một giọng hát đã tạo ra những âm thanh với sắc thái nửa hư nửa thực, như từ một cõi xa xăm nào đó vọng lại...
Bài bản của kaní không nhiều, bao gồm một số bài như: Tự sự, Trai gái tự tình, Mẹ ru con ngủ… Giai điệu của trai gái tìm hiểu nhau nghe mượt mà, trong sáng, có phần ngộ nghĩnh, vui tai. Cách tiến hành giai điệu chủ yếu là sự nhắc lại nhiều lần một nốt nhạc, nhưng ở âm hình tiết tấu khác nhau, để làm yếu tố chuẩn bị cho vút lên một chuỗi giai điệu tươi sáng. Nhịp 2/4 và đan xen vào nhau tạo sự phong phú về nhịp điệu. Tuy âm sắc kaní nghe rất độc đáo nhưng âm lượng có sự hạn chế. Qua một số chương trình phát sóng về âm nhạc dân gian của Đài Truyền hình Việt Nam những năm gần đây, chúng tôi được biết cây đàn kaní của một số dân tộc phía Bắc Tây Nguyên đã có sự cải tiến là gắn thêm một vỏ quả bầu khô (kiểu b’rooc) trên cần đàn. Việc này, đã làm tăng thêm âm lượng và không ảnh hưởng gì đến kỹ thuật diễn tấu cũng như bài bản của nó. Thế nhưng ở trường hợp này, chúng ta cần thận trọng cân nhắc kỹ lưỡng, bởi cây đàn kaní (hay rơđoang) là để thủ thỉ tâm tình, ru con hoặc giao duyên. Sự thay đổi về mặt âm lượng cũng chính là sự thay đổi về chất lượng âm thanh, có thể sẽ ảnh hưởng đến môi trường diễn tấu cũng như chức năng xã hội của cây đàn này.
Đàn rauốt
Đàn rauốt có cấu trúc gần giống với cây đàn cò (đàn nhị) của người Kinh, nhưng rauốt có phím đàn. Đàn rauốt có 4 phần chính: hộp cộng hưởng, thân đàn, trục đàn và ngựa đàn. Hộp cộng hưởng, thân đàn, trục đàn và ngựa đàn. Hộp đàn thường làm bằng mộ đốt tre (hoặc 1 đốt cây nứa); thân đàn thường là một thanh nứa thẳng và chắc, trục đàn và ngựa đàn được làm bằng loại gỗ tốt. Phương thức diễn tấu, tạo âm của rauốt tương đương với cây đàn cò (đàn nhị) của người Kinh. Người chơi rauốt thường ở tư thế ngồi bệt xuống đất, ngón chân cái kẹp giữa hộp cộng hưởng, một tay cầm cần đàn, một tay dùng thanh nứa mỏng đặt sát dây đàn và kéo. Đàn rauốt là nhạc khí dành cho nam giới, được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Xơ Đăng.
Độc tấu đàn rauốt bài Ranghế Lempui (Ranghế vui vẻ) do nghệ nhân Vá Y Vê (xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây) biểu diễn là một bài nhạc rất độc đáo. Ở đây, nghệ nhân Vá Y Vê đã trình diễn rauốt bằng 2 kỹ năng khác nhau, đó là dùng tay gảy và dùng vĩ kéo. Điều này, chứng tỏ sự yêu thích của người Xơ Đăng dành cho điệu hát ranghế - một điệu hát khá phổ biến ở các p’lây người Xơ Đăng. Thực ra trong lịch sử âm nhạc từ xa xưa, dân ca là cái có trước, sau đó rất lâu bằng bộ óc sáng tạo, con người đã chế tác ra những công cụ tạo âm và những nhạc khí phục vụ cho đời sống tinh thần.
Có thể nói, âm nhạc của người Xơ Đăng giàu khả năng biểu hiện về mặt nội dung, cũng như phương thức diễn tấu và có tính chất độc đáo. Người dân đặc biệt yêu thích âm nhạc và rất có năng khiếu về loại hình nghệ thuật dân gian này. Chính vì thế, âm nhạc cũng như các nhạc khí đã gắn bó tồn tại trong đời sống xã hội của họ và duy trì đến ngày nay.
_______________
1. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Viện Dân tộc học, Hà Nội, 1984, tr.95-107.
2. Người Trung Quốc xưa đã phân loại các nhạc khí thành 8 loại (bát âm): kim - mộc - thổ - trúc - ti - cách - bào - thạch (nghĩa là: kim loại - gỗ - đất - nứa - tơ - da - quả bầu - đá).
3. Tô Ngọc Thanh, Giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn nghệ, Trung tâm Văn hóa dân tộc TP.HCM, 1995, tr.13-16, 97-98.
PGS, TS NGUYỄN THẾ TRUYỀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023