Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa tổ chức gặp mặt báo chí sơ kết hoạt động những tháng đầu năm 2025 tại Hà Nội.
Nhiều vấn đề về tác quyền âm nhạc được đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí
Nhạc sĩ - NSƯT Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC cho biết: quý I năm 2025 đơn vị thu được 85 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc. Trong năm 2025 Trung tâm sẽ cố gắng thu khoảng 500 tỷ tiền tác quyền âm nhạc cho các hội viên, tăng 100 tỷ so với năm 2024.
Số tác giả đăng ký gửi tác phẩm cho VCPMC hiện tại là 6.720 người, tăng gần 400 tác giả chỉ trong vòng vài tháng. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tiết lộ, vừa qua VCPMC đã chi trả cho một nhạc sĩ (xin không nêu tên) số tiền tác quyền là 1 tỷ 32 triệu đồng.
Phần lớn những tác giả âm nhạc đăng ký trở thành hội viên và gửi gắm tác phẩm cho Trung tâm trong thời gian này là các nhạc sĩ, tác giả trẻ. Điều đó cho thấy VCPMC ngày càng khẳng định vị thế, trở thành địa chỉ tin cậy cho các tác giả trao gửi những tác phẩm âm nhạc của mình. Hiện nay, Trung tâm thu 20% trong tổng số tiền tác quyền mang về, tác giả hưởng 80%. Tuy nhiên trong thời gian tới Trung tâm sẽ cố gắng giảm tỉ lệ của Trung tâm xuống còn 17-18% nhằm mục đích chi trả tối đa quyền lợi cho các tác giả.
Trong những tháng đầu năm 2025, VCPMC có nhiều hoạt động nổi bật như: Tham gia các hoạt động đối ngoại, trao đổi kinh nghiệm; tổ chức hội thảo tập huấn tại Hà Nội (tháng 2-2025) nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức về xử lý dữ liệu và công nghệ thông tin trong lĩnh vực bản quyền. VCPMC đã có phần thuyết trình quan trọng về đối sánh dữ liệu kỹ thuật số, xử lý và phân phối báo cáo sử dụng kỹ thuật số, công cụ quản lý quyền của Facebook, YouTube; Tăng cường hỗ trợ các tác giả rà soát tác phẩm đặc biệt là vấn đề bảo lưu bản quyền, lấy lại quyền cho tác giả nếu có các giao dịch hoặc nếu hợp tác đã hết thời hạn… nhằm đảm bảo quyền lợi và việc khai thác tối đa bản quyền cho tác giả, tránh bị thiệt hại hoặc bị lợi dụng; Hỗ trợ các vấn đề pháp lý về đại diện, về thừa kế, tranh chấp quyền tác giả.
Đồng thời, tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm, thúc đẩy nhanh các vụ kiện xử lý xâm phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong các lĩnh vực biểu diễn, phát sóng, truyền đạt và đặc biệt trong lĩnh vực sao chép trực tuyến do có nhiều kênh YouTube xâm phạm quyền tác giả, đặc biệt là các kênh của BHMedia thuộc Net BHMedia.
Nhạc sĩ Doãn Nho bức xúc vì tác phẩm của mình bị xâm phạm bản quyền
Tuy nhiên theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn vẫn có nhiều nhạc sĩ bị vi phạm bản quyền, điển hình như: Phạm Tuyên, Doãn Nho, Phan Huỳnh Điểu, Xuân Giao… Có mặt tại buổi gặp gỡ, nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định đã gửi đơn kiến nghị tới VCPMC vì tác phẩm của ông gần đây bị xâm phạm bản quyền quá nhiều. Tác giả của ca khúc Chiếc khăn piêu đã ký hợp đồng ủy quyền cho VCPMC quản lý, khai thác các tác phẩm của mình.
“Tôi không ủy quyền quản lý hoặc chuyển giao quyền sở hữu hay sử dụng các tác phẩm âm nhạc của mình cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào khác. Nhưng hiện nay, có nhiều cá nhân và tổ chức sử dụng các tác phẩm âm nhạc của tôi để phát hành trên các nền tảng nhưng chưa xin phép hay trả tiền bản quyền cho tôi. Đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả, gây thiệt hại chính đáng đến quyền lợi của tôi”, nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định.
Nhạc sĩ Doãn Nho yêu cầu các cá nhân, tổ chức có sử dụng tác phẩm của mình phải xin phép hoặc trả tiền bản quyền thông qua VCPMC.
Các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Xuân Giao, Phạm Tuyên cũng bị vi phạm bản quyền nhiều trên không gian mạng và đại diện gia đình của các nhạc sĩ đã gửi đơn kiến nghị đề nghị các cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm của mình phải xin phép hoặc trả tiền bản quyền thông qua VCPMC.
NGỌC BẢO