Những ca khúc viết về một thời đạn lửa của dân tộc ta ở TK XX, vẫn có giá trị trong việc đánh thức cảm xúc thẩm mỹ đối với thế hệ trẻ hiện nay. Có được cảm xúc thẩm mỹ tốt, họ sẽ nhận thức đúng về lịch sử và có những ứng xử mang tính nhân văn trong cuộc sống.
Mấy năm gần đây, vào những ngày trung tuần tháng 7, tôi được cùng đoàn học viên của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư đi thực tế chuyên môn ở một số tỉnh miền Trung. Năm nay cũng vậy, cái nóng hầm hập của ngày hôm trước, vẫn dai dẳng phả vào sáng hôm sau. Không chút ể oải, mọi người hồ hởi lên xe, đoàn chúng tôi xuất phát sớm. Là người được phân công ngồi sau “bác tài”, đã có kế hoạch từ trước: đi tới tỉnh nào, tôi có nhiệm vụ sẽ mở một số ca khúc viết về tỉnh đó, vừa đúng chuyên môn, vừa tạo/ gợi nên những cảm xúc để người trong đoàn dễ cảm nhận, thu lượm và hiểu thêm về con người, cảnh quan thời kháng chiến và hiện tại.
Khoảng 8 giờ, đoàn chúng tôi đến Thanh Hóa. Mặt trời lên cao, không áng mây, báo hiệu một ngày nắng nóng gay gắt. Thanh Hóa hiện hữu như một chàng trai mới lớn, cường tráng. Cầu Hàm Rồng vẫn còn đó, thành phố vẫn còn đây và xa xa thấp thoáng là nhiều khu nghỉ dưỡng mới xây... Cái hiển hiện trước mắt rất nên thơ, tạo nên sự hút dẫn mạnh mẽ với không ít người trong lớp trẻ thích du lịch Thanh Hóa. Âm thanh của những khúc viết về Thanh Hóa như kéo tôi về với năm tháng xưa: “Chờ gió lên, đưa thuyền về xuôi/ Đôi bờ sông Mã khoe màu/ Hò ơ quê nhà mến yêu/ Nắng chiều lưu luyến vương bóng cầu làng quê thân yêu/ Ơi, sóng vỗ mái chèo, làng thôn quê ta khuất xa trìu mến/ Ơi, núi sông quê nhà/ Hỏi sông nơi đây, có bao anh hùng/ Hò ơi dô ơi/ Các anh các chị, tuổi xuân đôi mươi, cánh tay luyện thép/ Ơi, đánh giặc đêm ngày, đạn bom không ngăn tiếng ca yêu đời hò khoan dô khoan...” (Chào sông Mã anh hùng - Xuân Giao).
Phải thừa nhận rằng, giai điệu và lời ca của ca khúc có tính gợi cảm xúc, gợi suy tư khá cao. Giai điệu phảng phất âm hưởng của hò sông Mã, điều quan trọng là giai điệu ấy, đã tải được toàn bộ lời ca trong một cấu trúc hoàn chỉnh. Trong đời sống hằng ngày cũng như trong sinh hoạt nghệ thuật, người ta thường hay nhắc tới cụm từ: thưởng thức (thưởng thức nghệ thuật, thưởng thức âm nhạc trong đó có thưởng thức ca khúc...). Thực ra, cụm từ này được ghép bởi hai từ thưởng và thức, nó ứng với hai công đoạn của một quá trình nhận thức. Thưởng nghĩa là xem/ nghe để hưởng cái hay, cái đẹp; thức là thức tỉnh/ nhận biết về cái hay cái đẹp. Nói theo triết học, thưởng thức nằm trong quá trình nhận thức của con người về thế giới hiện thực khách quan. Thưởng có thể coi là trực quan sinh động; thức là tư duy trừu tượng. Hai công đoạn của quá trình này có mối liện hệ chặt chẽ, biện chứng không tách rời nhau. Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế, thưởng thức âm nhạc - mà đơn giản là ca khúc - thật ra chẳng dễ chút nào. Vẫn biết là thế, nhưng sự lôi cuốn giai điệu âm nhạc và lời ca đã đánh thức tâm tưởng và dẫn tôi mường tượng - dẫu là cố gắng và có chút mơ hồ - về Thanh Hóa trong quá khứ. Đây là một vùng địa linh nhân kiệt, có núi, có sông, có biển. Nơi từng lưu giữ trong lòng đất những báu vật (trống đồng) minh chứng cho sự tồn tại của một nền văn hóa cổ vào thời kỳ đồ đồng và thời kỳ đồ sắt sớm - Văn hóa Đông Sơn. Nơi có nhiều nhân kiệt đã được ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như Triệu Thị Trinh, Lê Lợi, Lê Lai... và cũng chính trên mảnh đất này, trong quá trình lao động, người dân đã sáng tạo nên nhiều giá trị tinh thần - trong đó có hò sông Mã, dân vũ Đông Anh, trò diễn Xuân Phả - còn tồn tại đến ngày nay, được nhiều người biết đến. Đó là những tư liệu/ chất liệu quý để các nhạc sĩ, nghệ sĩ sử dụng đưa vào tác tác phẩm, mà nhạc sĩ Xuân Giao không phải trường hợp ngoại lệ: “Hỏi sông nơi đây, có bao anh hùng/ Hò ơi dô ơi/ Các anh các chị, tuổi xuân đôi mươi, cánh tay luyện thép/ Ơi, đánh giặc đêm ngày, đạn bom không ngăn tiếng ca yêu đời hò khoan dô khoan...” (Chào sông Mã anh hùng - Xuân Giao).
Cách đây gần 60 năm về trước, với sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Thanh Hóa là một trong những trọng điểm oanh tạc của đế quốc Mỹ. Nhiều thôn, làng bị tàn phá, đặc biệt để hạn chế sự chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam, cầu Hàm Rồng - cầu đường bộ, đường sắt duy nhất bắc qua sông Mã trên tuyến 1A - là một trong những mục tiêu trọng điểm hứng chịu nhiều bom đạn nhất của kẻ thù. Ai từng sống trong thời lửa đạn, mới hiểu và cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh. Ở thời điểm đó, chỉ người nào có niềm tin vào cuộc chiến chính nghĩa mới có tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Giá đỡ của niềm tin và tinh thần lạc quan chính là đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là dự cảm trước đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua lời kêu gọi của Người vào ngày 27-3-1964.
Hơn 4 tháng sau, sự kiện Vịnh Bắc Bộ xảy ra. Do yêu cầu của cách mạng, cần phải có những tập thể, nhân vật điển hình để kịp thời động viên nhân dân hăng hái tham gia chiến đấu, tích cực lao động sản xuất vì mục đích đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Trước yêu cầu đó, giới văn nghệ sĩ không thể đứng ngoài cuộc, họ cũng đi vào tuyến lửa để cùng cộng cảm, chia sẻ những khó khăn, để viết lên những tác phẩm có tính nhân văn sâu sắc. Riêng với loại hình nghệ thuật âm nhạc, đặc biệt là ca khúc trong những năm tháng bão lửa này đã thể hiện được vai trò của nó, mà nhiều người thường ví von như món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Không phản ánh theo cách liệt kê, kể lể, mà ca khúc phải khái quát hóa để tạo nên hình tượng điển hình, thông qua sự biểu đạt có chọn lọc của ngôn ngữ thơ ca và ngôn ngữ âm nhạc. Sự biểu đạt có chọn lọc ấy, trước hết phụ thuộc vào khả năng nhận thức về cái đẹp trong cuộc sống xã hội của nhạc sĩ. Nhạc sĩ đưa cái đẹp vào trong ca khúc và đương nhiên cái đẹp đó sẽ dẫn dắt người nghe vào những miền cảm xúc (cảm xúc thẩm mỹ) với nhiều cung bậc khác nhau.
Ca khúc viết về Thanh Hóa những năm tháng đó, hầu như không thấy cái bi - bi thương do sự tàn khốc của chiến tranh mang lại, mà chỉ thấy sắc màu của sự vui tươi, lạc quan đến không tưởng. Người Thanh Hóa biết biến những khó khăn thành thuận lợi, những công việc thường ngày cũng trở nên huyền diệu và óng ánh chất thơ: “Hôm nao cấy lúa ven cầu, dưới ánh đèn dù soi sáng đêm thâu/ Dòng sông Mã soi bóng nhịp cầu, có những đoàn tầu hối hả về Nam/ Sao đêm đêm nghe náo nức, đây tiếng con tầu hay tiếng tim em/ Ơi cây lúa quê mình xanh biếc yêu thương...”. Và: “Em san lấp hố bom này, cho những đường cày thẳng tắp vươn xa/ Dòng sông Mã vang tiếng ai hò, thấp thoáng buồm về nắng đượm chiều nay/ Ơi quê hương trong tiếng súng vẫn sáng tươi màu vẫn đứng hiên ngang/ Ơi sông Mã nuôi dòng tươi thắm chiến công.../ Ơi con sông xa Thu Bồn nước mát hòa chung tiếng hát với đồng quê ta/ Bao máu xương thấm đất ruộng cày/ Lúa này nặng những phù sa.../ Qua gian lao vẫn nổi câu hò là hò ơi...” (Cây lúa Hàm Rồng - Đôn Truyền).
Giai điệu của ca khúc đã thực sự tạo ra những cung bậc cảm xúc trào dâng và đưa tôi về miền ký ức xưa. Tôi luôn tự vấn: tại sao trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, mà con người vẫn vui tươi, lạc quan sống vì quê hương, đất nước và tình nghĩa như vậy? Có lẽ đó là một niềm mãnh liệt vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Qua Nghệ An vào đến Hà Tĩnh, đây cũng là vùng địa linh đã sinh ra nhiều nhân kiệt cho đất nước, đó là: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Mai Thúc Loan, Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Huy Tự, Phan Đình Giót, Xuân Diệu, Huy Cận... mảnh đất có núi Hồng Lĩnh huyền tích, có dòng sông La, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố... đi vào thơ, ca, nhạc, họa.
Trời sang đầu chiều, nắng vẫn như đổ lửa, hầm hập, da người rát bỏng. Bài hát Người con gái Sông La (nhạc: Doãn Nho, thơ: Nguyễn Phương Thúy) đưa tôi về quá khứ. Gần 60 năm trước, có lẽ vẫn cái nắng, cái gió này, và thêm vào đó là những tiếng nổ inh tai, đất cát bụi mù, xé toạc không gian đất trời Hà Tĩnh. Thế nhưng, con người nơi đây - đặc biệt là các cô gái tuổi đôi mươi - vẫn yêu đời, bám trận địa để cho những tuyến đường thông tuyến xe qua. Lê Thị Tám là một đại diện tiêu biểu và trở thành hình ảnh đẹp, có thể ví như một đóa hoa tươi nở trên miền đất lửa: “Người con gái quê ta/ Đôi mắt trong tựa ngọc.../ Em dõi theo từng ngày/ Đếm từng loạt bom rơi/ Cho bom nổ bên tai/ Em vẫn đứng giữa trời.../ Em vừa mười tám tròn/ Đẹp như xuân sang/ Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn/ Đạp lên cái chết/ Dáng em hiên ngang/... Bom thù xới nát/ Đất này từng ngày/ Mà em đứng đó/ Tóc xanh tung bay/ Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam”. Nhân vật có thật, qua những áng thơ được biểu cảm bằng giai điệu âm nhạc đã trở thành một trong những hình tượng biểu trưng cho người phụ nữ Việt Nam nói chung, và người phụ nữ của Hà Tĩnh nói riêng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tư liệu/ tài liệu lịch sử cho biết rằng: trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc muốn chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường bộ, các chuyến xe không thể không đi qua cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) và Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Và, đương nhiên đây là hai trong những trọng điểm chịu sự oanh tạc khốc liệt nhất bằng không quân của đế quốc Mỹ.
Với Ngã ba Đồng Lộc, sau những năm bão lửa, giờ đây cây cối xanh tươi trở lại, chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Tuy nhiên, tượng đài 10 cô gái vẫn sừng sững, hiên ngang giữa đất trời, như nhắc nhở mọi người nhớ một huyền tích về sự hy sinh anh dũng của các cô gái cho sự yên bình của Tổ quốc và nhân dân.
Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc thường nói: ca khúc cách mạng Việt Nam giống như một biên niên sử bằng âm thanh về hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta ở TK XX. Nghĩa là trong nội dung phản ánh của dòng ca khúc này luôn mang tính thời sự. Nhiều sự kiện được phản ánh kịp thời, tuy nhiên cũng phải thấy rằng, do đất nước có chiến tranh rộng khắp, ở thời điểm đó, do những nguyên nhân chủ/ khách quan khác nhau, nên cũng có nhiều trường hợp chưa được phản ánh kịp thời.
Nghệ thuật âm nhạc, bằng ngôn ngữ biểu cảm riêng có thể phản ánh sự việc diễn ra trước, sau hay ở thời điểm hiện tại. Một tác phẩm ra đời trước hết phải là sự cảm xúc/ rung cảm của nhạc sĩ, ca sĩ sau đó truyền đến công chúng. Cảm xúc/ rung cảm không phải cái giả tạo, tự tạo mà phải xuất phát từ sự sống động của cuộc sống hiện thực khách quan, tức là trong nội dung tác phẩm, chính là hiện thực được phản ánh. Khi bàn về nội dung của tác phẩm nghệ thuật, tác giả Dương Viết Á cho rằng: “Nội dung của tác phẩm nghệ thuật bao gồm: phần hiện thực và phần được phản ánh, tức là khách thể thẩm mỹ và chủ thể thẩm mỹ. Từ đó có thể rút ra ba mặt của nội dung: nội dung trực tiếp hay nội dung cụ thể (câu chuyện, sự vật, hiện tượng được trình bày trong tác phẩm); nội dung thời đại hoặc nội dung khách quan (hoàn cảnh lịch sử đã gợi cho nghệ sĩ lựa chọn đề tài); và nội dung tư tưởng (thái độ của nghệ sĩ đối với hiện thực được phản ánh trong tác phẩm)” (1).
Với 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, chuyện kể lại rằng: Ngày 24-7-1968, tiểu đội nhận lệnh đi san lấp hố bom, sửa chữa đường... Bất ngờ, máy bay địch thả một loạt bom đúng vào đội hình, 10 cô gái đã hy sinh. Đồng đội đào bới gọi tên từng người, nhưng chỉ tìm được 9 thi thể, riêng Hồ Thị Cúc thì không thấy đâu. Nhà thơ Yến Thanh cũng có mặt tại đó, ông viết bài thơ Hồn trinh nữ ở đâu (sau sửa thành Cúc ơi), đọc trước hố bom (2). Những cảm xúc chân thật, những tiếng nấc nghẹn không chỉ của riêng tác giả Yến Thanh mà của cả đồng đội. Đọc xong bài thơ, sau 2 tiếng người ta đã tìm được Hồ Thị Cúc về quy tập cùng đồng đội. Dựa trên ý thơ của bài thơ, tác giả Nguyễn Trung Nguyên viết ca khúc Cúc ơi. Ca khúc lấy chất liệu âm nhạc của ví để chắp cánh cho lời ca, đem đến một cung bậc cảm xúc ngậm ngùi, xót thương: “Tiểu đội xếp hàng ngang/ Không thấy em về Cúc ơi... Em nằm nơi mô mịt mù khói lửa/... Lòng đất sâu thì lạnh lắm/ Mà áo em lại mỏng, da em xanh và mái tóc còn xanh/ Về với anh Cúc ơi, về thôi Cúc ơi/... Đồng đội khóc em cạn khô dòng lệ/ ... Về thôi Cúc ơi”.
Cái cảm xúc bi thương cứ đề nặng trong tâm trạng tôi. Và, ngày thứ tư, khi đến Thành cổ Quảng Trị, vẫn cái nắng chao chát, chẳng riêng tôi, mà mọi người trong đoàn đều rưng rưng nước mắt. Bởi mỗi nhành cây, ngọn cỏ, tấc đất dòng sông nơi đây đều ngấm xương, máu của thế hệ cha anh. 81 ngày đêm đỏ lửa ở Quảng Trị là bản bi tráng hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta ở TK XX. Những dự cảm kỳ lạ về ngày thống nhất, những lời dặn với người vợ, người mẹ ở địa phương qua bức thư viết tại hầm trú ẩn của một chiến sĩ quê Thái Bình cũng như nhiều câu chuyện khác làm bao người xúc động. Chẳng ngòi bút nào có thể ghi nổi sự tàn khốc của chiến tranh trong những ngày đỏ lửa ở Quảng Trị và cũng chẳng có loại hình nghệ thuật nào có thể phản ánh hết được sức chịu đựng phi thường cũng như lòng quả cảm của những con người đã xả thân vì đất nước. Chiến tranh đã lùi xa, những người trong cuộc chiến may mắn còn sống sót trở về, họ chẳng thể quên dòng sông đỏ máu, họ chẳng thể quên xác đồng đội nằm dưới dòng sâu. Nhà thơ Lê Bá Dương viết: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm” (Lời người bên sông/ Đò xuôi Thạch Hãn).
Không ồn ào, không lên gân, chỉ là lời nhắc nhở nhẹ nhàng vậy thôi, thế mà thấm đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cũng cách tư duy ấy, trong ca khúc Cỏ non thành cổ của nhạc sĩ Tân Huyền, nhắc nhở thế hệ sau hãy: “...Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ non xanh tơ/ Xin chớ vô tình/ Với người hy sinh/ Trên mảnh đất quê mình”.
Nhìn nước mắt rơm rớm bờ mi trên những gương mặt trẻ, tôi tin rằng thế hệ trẻ - nếu được đánh thức - họ sẽ không thể nào vô tình với lịch sử, với những người đã anh dũng hiến dâng tuổi thanh xuân để giành lại độc lập cho Tổ quốc. Tôi cũng tin chắc rằng, nếu sử dụng một số ca khúc có tính nhân văn, trong những hoàn cảnh nhất định, sẽ có tác dụng như một đường dẫn để tạo ra cảm xúc thẩm mỹ trong việc giáo dục nhận thức của lớp trẻ hiện nay.
________________
1. Dương Viết Á, Theo dòng âm thanh cái đẹp sải cánh, Nhạc viện Hà Nội - Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, 1996, tr.71.
2. Văn Dũng (lược ghi), “Cúc ơi” - Bài thơ gọi tìm cô gái Đồng Lộc bị chôn vùi dưới hố bom, dantri.com.vn, 25-7-2018.
PGS, TS NGUYỄN ĐĂNG NGHỊ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022