Nhạc kịch (opera) là loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm âm nhạc, múa, nghệ thuật biểu diễn, phục trang, thiết kế sân khấu, ánh sáng… Cùng với giao hưởng, nó được xem là tác phẩm đỉnh cao của các nhà soạn nhạc và là thước đo cho sự phát triển âm nhạc kinh viện của một quốc gia. Nói tới sự thành công của một vở opera, không thể không nhắc tới vai trò của giọng tenor với những đặc trưng riêng biệt.
1. Một số phẩm chất đặc trưng của giọng tenor
Tenor, hay giọng nam cao, là giọng nam nhạc cổ điển có âm vực nằm giữa giọng countertenor (phản nam cao) và giọng baritone (nam trung). Trong opera, nốt thấp nhất trong tác phẩm dành cho giọng tenor tiêu chuẩn có lẽ là nốt La giáng thuộc quáng tám lớn trong aria (một phần độc lập của tác phẩm, viết cho đơn ca) cho vai Rodrigo di Dhu trong vở La donna del lago mà nhạc sĩ Rossini viết cho ca sĩ Andrea Nozzari, vở này rất hiếm khi được biểu diễn. Nốt cao tiêu chuẩn của giọng tenor trong Opera là tenor C (nốt Đô thuộc quãng tám thứ 2).
Ví dụ, trong aria Che gelida manina trong vở opera La bohème của nhạc sĩ Puccini:
Hay trong trong aria Di quella pira trong vở opera Il trovatore của nhạc sĩ Verdi:
Tuy nhiên, còn có nốt cao hơn viết cho giọng tenor tiêu chuẩn trong vở opera là nốt Rê thuộc quãng tám thứ 2, được tìm thấy trong aria Mes amis, écoutez l’histoire thuộc vở Le postillon de Lonjumeau của nhạc sĩ Adolphe Adam và aria Loin de son amie trong vở La Juive của nhạc sĩ Halévy. Nốt cao nhất từng được viết cho tenor là nốt Fa thuộc quãng tám thứ 2 (cao hơn nốt Đô tiêu chuẩn của tenor 1 quãng 4 đúng), đó là aria Credeasi, misera trong vở opera I puritani của nhạc sĩ Bellini:
Nhưng rất ít ca sĩ có thể hát lên đến các nốt cao như vậy, họ thường phải hạ tone ở những aria này hoặc dùng đến kỹ thuật hát falsetto (hát giọng giả thanh của nam).
Trong hợp xướng hỗn hợp gồm bốn bè: soprano, alto, tenor, bass; tenor là dải giọng thấp thứ hai, trên bass và dưới alto và soprano. Trong âm nhạc hợp xướng, không yêu cầu giai điệu phải lên các nốt cao của giọng tenor tiêu chuẩn, phần lớn âm nhạc hợp xướng viết cho giọng tenor trong phạm vi từ khoảng B2 (nốt Si thuộc quáng tám lớn) đến A4 (nốt La thuộc quãng tám một). Các yêu cầu của giọng tenor trong âm nhạc hợp xướng cũng gắn liền với phong cách âm nhạc thường được biểu diễn bởi một dàn hợp xướng nhất định. Dàn hợp xướng hát với dàn nhạc đòi hỏi giọng nam cao với giọng hát cộng hưởng hoàn toàn, nhưng khi hát thính phòng hoặc cappella (hợp xướng được hát mà không có nhạc cụ đệm) đôi khi có thể hát nhẹ nhàng hơn hoặc hát falsetto.
Trong nghệ thuật opera, có thể nói, giọng tenor được các nhà soạn nhạc rất yêu thích, phần lớn các vở opera nổi tiếng viết cho vai chính là giọng tenor. Giọng tenor được phân loại như sau:
Leggiero tenor
Là giọng tenor bay với giọng hát mỏng nhẹ, linh hoạt, có khả năng chạy nốt vô cùng tốt ở những đoạn nhạc nhanh và phức tạp. Quãng trung tình cảm, có thể hát thoải mái, nhẹ nhàng những nốt trên F4 (nốt Pha thuộc quãng tám thứ nhất). Quãng giọng thường trong khoảng từ C3 tới E5, một số ít có thể hát tới F5 hoặc hơn, số khác có thể phát triển giọng ngực xuống dưới C3 một chút (giọng nam hát thấp hơn giọng nữ một quãng 8). Giọng này thường có âm sắc giống nữ, tương đối hiếm ở châu Âu (1). Các vai giọng tenor được viết trong các vở opera Ý đầu TK XIX, thường là vai dành cho tenor leggiero, đặc biệt là các vai trong opera của nhạc sĩ Rossini như: Lindoro trong opera L’italiana in Algeri, Don Ramiro trong opera La Cenerentola, Almaviva trong opera Il barbiere di và những vai trong opera của nhạc sĩ Bellini như: Gualtiero trong Il pirata, Elvino trong La sonnambula và Arturo trong I puritani. Nhiều vai trong opera của nhạc sĩ Donizetti như: Nemorino trong L’elisir d’amore, Ernesto trong Don Pasquale, Tonio trong La fille du régiment. Một trong những ca sĩ giọng leggiero tenor nổi tiếng nhất thời kỳ đó là Giovanni Battista Rubini.
Lyric tenor (lirico tenor)
Giọng nam cao trữ tình, màu giọng sáng, khỏe nhưng không quá nặng, có thể hát xuyên dàn hợp xướng, âm sắc đa dạng. Quãng giọng chủ yếu của giọng này trải từ nốt Đô ở quãng tám nhỏ cho tới nốt Rê ở quãng tám thứ 2, tùy tác phẩm họ có thể xuống dưới nốt Đô ở quãng tám nhỏ vài nốt nữa. Nam giới sở hữu loại giọng này rất nhiều, âm sắc đa dạng, thậm chí, ở châu Á, 99% giọng tenor là lyric (2). Loại giọng này thường hát những vai tiêu biểu trong các vở opera như: vai Rodolfo trong opera La bohème, Pinkerton trong Madama Butterfly của nhạc sĩ Puccini; vai công tước trong Rigoletto, Alfredo trong La traviat của nhạc sĩ Verdi; vai Edgardo trong Lucia di Lammermoor của nhạc sĩ Donizetti... Giọng hát nổi tiếng nhất với thể loại này là Luciano Pavarotti, người Ý.
Trích aria Rodolfo trong opera La bohème của nhạc sĩ Puccini
Giọng lyric tenor còn có 2 nhánh khác được phân chia trong âm nhạc cổ điển Ý là full lyric tenor và light lyric tenor.
Full lyric tenor là giọng nam cao trữ tình, có thể xuống thấp hơn giọng lyric tenor tiêu chuẩn (giọng lirico tenor tiêu chuẩn thường chỉ hát xuống đến nốt Rê ở quãng tám nhỏ), với âm sắc có độ tối, sâu, dày và xốp hơn lyric tenor chuẩn, rất dễ bị nhầm với baritone (3). Giọng ca tiêu biểu có thể kể tới ca sĩ Tùng Dương.
Light lyric tenor là giọng nam cao trữ tình, hơi cao hơn lyric tenor chuẩn với âm sắc sáng, mảnh, màu giọng tươi trẻ. Nếu âm sắc dày hơn một chút thì khá chói, hoặc nếu âm sắc mỏng hơn thì sẽ mềm mại và có độ linh hoạt. Âm vực giọng giống với lirico tenor hoặc đôi khi cao hơn (4). Giọng hát tiêu biểu: Nick Jonas, NSƯT Đăng Dương...
Spinto tenor
Là giọng nam cao trữ tình kịch tính, có quãng âm vực gần được như của giọng lyric tenor nhưng với một chất giọng tối (không quá tối, vẫn có giọng nói êm như lyric) và cứng hơn (nhưng không quá dày). Giọng này có âm sắc mang tính chất slice hoặc squillo (trong tiếng Ý gọi là chất mentel của spinto tenor), khi hát lên cao sẽ sáng nhưng cũng mang độ nặng (5). Quãng âm vực chủ yếu từ nốt La ở quãng tám lớn đến nốt Đô ở quãng tám thứ 2. Loại giọng này có thể hát một cách thuyết phục những vai diễn trữ tình trong các vở opera như: vai Rodolfo trong opera La bohème của nhạc sĩ Puccini; vai công tước trong opera Rigoletto và Alfredo trong La traviat của nhạc sĩ Verdi; nhưng cũng có thể hát xuất sắc ở những vai nặng hơn dành cho giọng tenor kịch tính như: vai Cavaradossi trong opera Tosca, Calafot trong opera Turandot của nhạc sĩ Puccini; Don Jose trong opera Carmen của nhạc sĩ Bizet; Radames trong opera Aïda của nhạc sĩ Verdi, Canio trong opera Pagliacci của nhạc sĩ Ruggero Leoncavallo.
Trích aria Cavaradossi trong opera Turandot của Puccini
Dramatic tenor
Là giọng nam cao kịch tính, âm sắc nặng hơn spinto tenor. Có chất giọng tối, giọng nói hào sảng, âm vang, mạnh mẽ, chuyên hát những vai anh hùng, dũng sĩ hoặc hát đoạn cao trào trong opera (6). Âm vực trong khoảng từ nốt La ở quãng tám lớn tới nốt La thăng ở quãng tám thứ nhất (có thể mở rộng được thêm). Nhiều giọng tenor kịch tính đã chinh phục thành công nốt C ở quãng tám thứ 2 đối với giọng tenor kịch tính. Một số giọng nam cao đầy kịch tính có màu sắc dầy và hơi tối như Enrico Caruso, trong khi những người khác như Francesco Tamagno sở hữu một âm sắc trầm và sáng. Các vai viết cho giọng tenor kịch tính tiêu biểu trong các vở opera: vai Canio trong opera Pagliacci của Leoncavallo, vai Dick Johnson trong opera La fanciulla del West của nhạc sĩ Puccini, vai Don Alvaro trong opera La forza del Destino của nhạc sĩ Verdi, vai Florestan trong opera Fidelio của nhạc sĩ Beethoven, vai Enée trong vở Les Troyens của nhạc sĩ Berlioz...
Trích aria Dick Johnson trong opera La fanciulla del West của Puccini
2. Vai trò của giọng tenor trong vở opera
Trong nhiều vở opera kinh điển, giọng tenor luôn chiếm một vai trò đặc biệt quan trọng, các nhà soạn nhạc viết rất nhiều aria đặc sắc dành riêng cho giọng này (thường là nhân vật chính), bên cạnh đó còn có duo (bài hát dành cho hai người) và trio (bài hát dành cho ba người). Ví dụ, trong vở Tosca của nhạc sĩ Puccini, có tới 4/7 aria và arioso (đơn ca nhẹ hơn aria) viết cho giọng nhân vật nam chính là Mario Cavaradossi (giọng tenor), trong đó có 2 aria nổi tiếng thế giới mà hầu hết các giọng tenor đều muốn chinh phục đó là Recondita armonia và E lucevan le stelle.
Bên cạnh đó, vở opera này còn có 3 duo, tất cả đều viết cho 2 nhân vật chính là Floria Tosca (giọng nữ cao - soprano) và Mario Cavaradossi (giọng tenor). Vai nữ chính chỉ có một aria duy nhất là Vissi d’arte, vai nam chính còn lại của vở là nam tước Scarpia (giọng nam trung) có một aria Ha più forte sapore và một arioso Già, mi dicon venal.
Hay như trong opera Otello của nhạc sĩ Verdi, có tổng cộng bốn aria, hai arioso, hai duo và một quartetto, thì có đến hai aria dành cho nhân vật nam chính giọng tenor là Otello; cả hai duo đều có sự góp mặt của nam chính (duo dành cho Otello và Desdemona - vợ Otello, giọng nữ cao; duo dành cho Otello và Jago - người cầm cờ, giọng nam trung. Tứ ca duy nhất của vở viết cho bốn giọng hát cũng có sự góp mặt của vai nam chính Otello cùng với Desdemona, Jago và Emilia (vợ của Jago, giọng nữ trung). Trong khi đó, hai vai chính khác là Jago chỉ có một aria và Desdemona có một aria và một arioso.
Có thể nói, sự thành công của một opera dựa vào rất nhiều yếu tố, từ âm nhạc, múa, đến hiệu ứng sân khấu, phục trang… Trong đó, không thể không nhắc tới vai trò đặc biệt quan trọng của giọng tenor; không những đảm nhận nhân vật chính mà giọng tenor còn góp vai thứ chính, vai phụ… mang đến nhiều màu sắc cho các vở opera.
Chú thích:
1. Enrico Stinchelli, Le stelle della lirica: i grandi cantanti della repositoryia dell’opera, Nxb Gremese - Roma, 2002, tr.19.
2, 3, 4. Nicholas Till, Đồng hành Cambridge để nghiên cứu Opera, Nxb Đại học Cambridge, 2012,
tr.131.
5. Stark, James, Bel Canto: Lịch sử sư phạm thanh nhạc, Nhà in Đại học Toronto, Canada, 2003,
tr.130.
6. Cotte, RJV, Từ điển mới của Opera, Nxb London, tr.134-135.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Trung Kiên, Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2001.
2. Nguyễn Trung Kiên, Nghệ thuật Opera, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2004.
3. Nguyễn Trung Kiên, Lược sử Opera, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2011.
4. Nguyễn Trung Kiên, Những vấn đề sư phạm thanh nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2014.
5. Hồ Mộ La, Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005.
6. vi.wikipedia.org/wiki/Tenor
Tác giả: Nguyễn Đình Chúc
Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020