Tóm tắt: Bài viết phân tích vai trò của lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ trong việc bảo tồn giá trị văn hóa, thúc đẩy kinh tế địa phương và xây dựng hình ảnh du lịch bền vững. Thông qua việc đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp, nghiên cứu nhằm cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc kết hợp giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch. Bên cạnh đó, bài viết cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng địa phương trong quá trình phát triển du lịch bền vững thông qua lễ hội.
Từ khóa: lễ hội truyền thống, Nghinh Ông, Cần Giờ, du lịch bền vững, bảo tồn di sản.
Abstract: This article analyzes the role of the Nghinh Ong Can Gio Festival in preserving cultural values, promoting the local economy, and building a sustainable tourism image. Through evaluating the current situation and proposing solutions, the research aims to provide theoretical and practical foundations for combining cultural heritage preservation with tourism development. In addition, the article also emphasizes the role of the local community in the process of sustainable tourism development through the festival.
Keywords: traditional festival, Nghinh Ong, Can Gio, sustainable tourism, heritage conservation.
Ðoàn diễu hành rước kiệu Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024 - Ảnh: Thái Hòa
1. Mở đầu
TP.HCM không chỉ là trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam mà còn là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa phong phú. Nơi đây hội tụ nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị, phản ánh đặc trưng tín ngưỡng, phong tục tập quán và lối sống của các cộng đồng cư dân. Việc nghiên cứu và bảo tồn những di sản này không chỉ góp phần duy trì bản sắc dân tộc mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn liền với việc tôn vinh giá trị truyền thống và tăng cường giao lưu văn hóa.
Trong số các lễ hội truyền thống tại TP.HCM, lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là một trong những lễ hội tiêu biểu, mang đậm tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân. Lễ hội không chỉ có ý nghĩa cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, biển yên sóng lặng mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ trong đời sống lao động của người dân vùng biển. Hơn nữa, lễ hội Nghinh Ông đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, khẳng định tầm quan trọng của nó trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam.
Việc nghiên cứu về lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ có ý nghĩa quan trọng trong cả khía cạnh học thuật lẫn thực tiễn. Một mặt, nghiên cứu giúp làm rõ những giá trị văn hóa - xã hội đặc trưng của lễ hội, từ đó góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy di sản. Mặt khác, trong bối cảnh du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc khai thác lễ hội Nghinh Ông như một sản phẩm du lịch văn hóa sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản. Tuy nhiên, để có thể phát triển du lịch bền vững dựa trên lễ hội Nghinh Ông, cần có những giải pháp cụ thể nhằm hài hòa giữa bảo tồn và khai thác, đảm bảo không làm mai một giá trị truyền thống, đồng thời tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội lâu dài cho địa phương.
Trên cơ sở đó, bài viết này tập trung phân tích những giá trị văn hóa của lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch gắn với lễ hội, cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch bền vững trên địa bàn. Qua đó, nghiên cứu không chỉ cung cấp thêm góc nhìn về mối quan hệ giữa di sản văn hóa và du lịch mà còn góp phần định hướng chính sách phát triển du lịch bền vững tại Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung.
2. Tổng quan và giá trị của lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ
Tổng quan về lễ hội
Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng của ngư dân địa phương, được ví như “Tết biển” với quy mô lớn hơn cả Tết Nguyên Đán. Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn mang đậm yếu tố tâm linh, thể hiện lòng thành kính của ngư dân đối với thần Nam Hải (cá Ông), cầu mong một năm thuận buồm xuôi gió, mưa thuận gió hòa và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Người dân trang trí tàu thuyền tham gia lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024 - Ảnh: Thái Hòa
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ 15 đến 17-8 âm lịch hằng năm, trùng với dịp Tết Trung Thu. Vì vậy, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, lễ hội còn là dịp đại lễ, ngày hội lớn của người dân Cần Giờ, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham gia.
Các hoạt động chính của lễ hội bao gồm: lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác Cần Giờ; lễ Thượng đại kỳ khai hội; lễ mừng công ngư dân Cần Giờ tại Công viên thị trấn Cần Thạnh; lễ cúng tiền hiền, hậu hiền, bạn cũ lái xưa tại lăng Ông Thủy Tướng; chương trình nghệ thuật Nghinh Ông Cần Giờ - đêm hội trăng rằm tại Công viên thị trấn Cần Thạnh và khu vực bãi biển Công viên Cần Thạnh; lễ Nghinh Ông trên biển, rước đoàn Nghinh về lăng Ông Thủy Tướng qua các điểm như lăng Ông Thủy Tướng, bến đò Cơ khí, bến đò Tắt Xuất...
Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều hoạt động nghệ thuật, thể dục thể thao và giao lưu văn hóa đặc sắc như: triển lãm hình ảnh, hiện vật; tổ chức lễ hội đặc sản biển và du lịch biển; các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, hát bội, văn nghệ phong trào, giao lưu đờn ca tài tử, múa rối nước; biểu diễn văn nghệ thiếu nhi, đêm hội trăng rằm; kết hợp bắn pháo hoa, tổ chức phiên chợ hàng Việt, trưng bày và mua bán sản phẩm đặc trưng của địa phương (1).
Giá trị của lễ hội
Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, là một nét văn hóa đặc trưng phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, tri thức dân gian và quan niệm của ngư dân địa phương trong đời sống lao động trên biển. Thông qua các nghi thức, nghi lễ, trò chơi dân gian và hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, mà còn thể hiện lòng tri ân đối với thần Nam Hải (cá Ông), thần biển, cũng như những người đã góp phần phát triển nghề biển, các anh hùng liệt sĩ và ngư dân không may hy sinh trên biển. Đồng thời, lễ hội còn thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc của dân tộc với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của ngư dân ven biển Cần Giờ, lễ hội Nghinh Ông nổi bật với những nghi lễ trang trọng, công phu cùng các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc địa phương. Trải qua nhiều thế hệ, lễ hội không ngừng được bảo tồn, kế thừa và phát triển, thu hút đông đảo ngư dân cũng như du khách tham dự.
Bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, lễ hội còn mang giá trị tinh thần to lớn, góp phần động viên, khích lệ ngư dân trong lao động sản xuất, đồng thời làm phong phú đời sống văn hóa của cộng đồng. Lễ hội Nghinh Ông cũng là nguồn tư liệu quý giá cho nghiên cứu khoa học về văn hóa tín ngưỡng, cộng đồng xã hội và lịch sử, đồng thời truyền cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sĩ.
Hiện nay, lễ hội không chỉ là sự kiện của riêng ngư dân huyện Cần Giờ mà còn thu hút đông đảo người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận tham gia. Đây là dịp để cộng đồng giao lưu, gắn kết trong không gian văn hóa tâm linh và các hoạt động vui chơi, giải trí. Sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng tổ chức lễ hội, phục hồi và phát huy các nghi thức truyền thống, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chính quyền (2).
3. Vai trò của lễ hội Nghinh Ông và thực trạng phát triển du lịch ở Cần Giờ
Vai trò của lễ hội Nghinh Ông trong phát triển du lịch bền vững
Lễ hội Nghinh Ông không chỉ là một sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng của cư dân vùng biển Cần Giờ mà còn có tiềm năng trở thành một yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển du lịch bền vững của địa phương. Việc khai thác và phát huy giá trị của lễ hội này có thể mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần thúc đẩy du lịch Cần Giờ phát triển theo hướng bền vững. Điều này có thể được thực hiện thông qua các khía cạnh:
Tạo sản phẩm du lịch đặc sắc: việc kết hợp các hoạt động lễ hội với du lịch trải nghiệm sẽ mang đến những hành trình hấp dẫn cho du khách. Chẳng hạn, khách du lịch có thể tham gia vào các nghi thức rước Ông trên biển, chiêm ngưỡng các màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống và khám phá đời sống ngư dân địa phương. Bên cạnh đó, việc kết nối lễ hội với các loại hình du lịch sinh thái, như tham quan rừng ngập mặn Vàm Sát, du lịch cộng đồng tại các làng chài, hoặc thưởng thức ẩm thực hải sản đặc trưng, sẽ giúp nâng cao giá trị du lịch của Cần Giờ.
Bảo tồn di sản văn hóa: lễ hội Nghinh Ông là một phần không thể thiếu trong kho tàng di sản văn hóa của cư dân miền biển. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội không chỉ giúp gìn giữ truyền thống mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động như trưng bày hiện vật, tổ chức hội thảo về lịch sử lễ hội và xây dựng các tuyến du lịch văn hóa, địa phương có thể quảng bá sâu rộng hơn những giá trị truyền thống của mình. Đồng thời, các biện pháp bảo vệ môi trường, chẳng hạn như hạn chế rác thải nhựa trong lễ hội, giúp nâng cao ý thức cộng đồng về phát triển du lịch xanh và bền vững.
Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng: một trong những yếu tố quan trọng giúp du lịch phát triển bền vững là sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Lễ hội Nghinh Ông là cơ hội để người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch, từ cung cấp dịch vụ lưu trú, ẩm thực, đến hướng dẫn du lịch và bán các sản phẩm thủ công truyền thống. Nhờ đó, họ có thể hưởng lợi kinh tế từ du lịch, đồng thời duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Khi cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp, họ sẽ có động lực bảo vệ lễ hội và gìn giữ môi trường sinh thái, tạo nên một vòng tuần hoàn bền vững giữa văn hóa, du lịch và kinh tế địa phương.
Thực trạng phát triển du lịch ở Cần Giờ
Cần Giờ, huyện duy nhất của TP.HCM giáp biển, cách trung tâm thành phố hơn 40km, sở hữu hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú và được UNESCO ghi nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2000. Tuy nhiên, việc kết nối và phát triển du lịch ở nơi này vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Hiện nay, các hoạt động du lịch chỉ thực sự sôi động vào những dịp đặc biệt khi thành phố hoặc huyện tổ chức sự kiện quy mô lớn, với nhiều chương trình biểu diễn văn hóa, du lịch, thể dục thể thao thu hút đông đảo người dân. Song, theo đánh giá và khảo sát, phần lớn người tham gia chủ yếu là cán bộ, đoàn thể, đơn vị tham gia theo kế hoạch, cùng với ngư dân địa phương và vùng lân cận.
Mặc dù một số tour du lịch đã bắt đầu được tổ chức trong dịp lễ hội, nhưng số lượng vẫn còn khá hạn chế. Nguyên nhân chính là do hạ tầng giao thông và các dịch vụ du lịch chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này cho thấy, để tăng cường kết nối và phát triển du lịch, cần có các chính sách xúc tiến mạnh mẽ hơn, xây dựng chiến lược xã hội hóa và đầu tư bài bản vào hạ tầng cũng như các dịch vụ hỗ trợ du lịch.
Bên cạnh đó, sự phát triển của kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa đã tác động đáng kể đến cộng đồng ngư dân Cần Giờ. Các hoạt động truyền thống gắn với nghề khai thác thủy hải sản ngày càng suy giảm, nhường chỗ cho sự phát triển của các ngành thương mại, dịch vụ và sản xuất. Điều này khiến sự tham gia của cộng đồng ngư dân vào các hoạt động lễ hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngày càng giảm sút. Đồng thời, các yếu tố tín ngưỡng và nghi thức truyền thống cũng đứng trước nguy cơ mai một do thiếu sự kế thừa và truyền dạy từ thế hệ trước (3).
4. Đề xuất giải pháp
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội
Lễ hội Nghinh Ông không chỉ là một sự kiện tâm linh của ngư dân mà còn là một di sản văn hóa quan trọng cần được bảo tồn và phát huy. Việc duy trì và nâng cao giá trị của lễ hội không chỉ giúp gìn giữ truyền thống mà còn góp phần quảng bá bản sắc văn hóa địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. Để làm được điều này, cần thực hiện các biện pháp sau:
Duy trì và chuẩn hóa các nghi thức truyền thống: một trong những yếu tố quan trọng nhất để bảo tồn lễ hội là đảm bảo tính nguyên bản và chính thống của các nghi thức truyền thống. Các hoạt động cúng tế, rước Ông trên biển, múa lân - sư - rồng, hát bội, cùng các phong tục đi kèm cần được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống. Bên cạnh đó, việc ghi chép, nghiên cứu và lưu giữ tư liệu về các nghi thức này cũng rất quan trọng để truyền lại cho các thế hệ sau.
Tăng cường giáo dục cộng đồng về ý nghĩa của lễ hội: lễ hội Nghinh Ông không chỉ là một sự kiện tín ngưỡng mà còn phản ánh truyền thống đoàn kết, tri ân của cư dân vùng biển. Để lễ hội có thể tiếp tục duy trì và phát triển, cần đẩy mạnh giáo dục cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị văn hóa và lịch sử của lễ hội. Các hoạt động như tổ chức hội thảo, triển lãm, lồng ghép nội dung về lễ hội vào chương trình giảng dạy địa phương sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân và khuyến khích sự tham gia của các thế hệ trẻ trong việc gìn giữ di sản này.
Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá và lưu trữ tư liệu về lễ hội: trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc số hóa tư liệu và ứng dụng công nghệ trong quảng bá lễ hội sẽ giúp nâng cao hiệu quả bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về lễ hội, bao gồm tư liệu hình ảnh, video, bài viết nghiên cứu, sẽ giúp lưu giữ những giá trị truyền thống một cách lâu dài. Đồng thời, việc sử dụng mạng xã hội, website du lịch và các nền tảng thực tế ảo để giới thiệu về lễ hội cũng sẽ thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế.
Cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch
Một trong những yếu tố then chốt để phát triển du lịch bền vững là nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch, nhằm mang đến trải nghiệm thuận lợi và hấp dẫn hơn cho du khách:
Nâng cấp hệ thống giao thông kết nối TP.HCM với Cần Giờ: Hiện nay, việc di chuyển từ TP.HCM đến Cần Giờ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy. Việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, phát triển hệ thống phà hoặc cầu nối sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham gia lễ hội. Bên cạnh đó, cần phát triển thêm các tuyến xe buýt và phương tiện công cộng kết nối giữa các điểm du lịch trong khu vực.
Phát triển các dịch vụ lưu trú sinh thái: Với lợi thế thiên nhiên hoang sơ và môi trường sinh thái đặc sắc, Cần Giờ có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình lưu trú thân thiện với môi trường như homestay, nhà nghỉ sinh thái và resort ven biển. Các mô hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách mà còn giúp họ có cơ hội trải nghiệm đời sống của ngư dân địa phương, từ đó tăng sự gắn kết với văn hóa bản địa.
Xây dựng các tour du lịch kết hợp: Để thu hút du khách tham gia lễ hội và kéo dài thời gian lưu trú, cần xây dựng các tour du lịch kết hợp giữa lễ hội Nghinh Ông với tham quan các điểm du lịch khác như rừng ngập mặn Vàm Sát, khu du lịch sinh thái Đảo Khỉ, các bãi biển và làng chài truyền thống... để tạo thành một mạng lưới liên kết khai thác du lịch hiệu quả. Bên cạnh đó, các sản phẩm phục vụ du lịch cũng cần được nghiên cứu, sản xuất và đa dạng hóa, bao gồm tổ yến, thủy hải sản, sinh vật đặc trưng của rừng ngập mặn… nhằm mang đến cho du khách nhiều lựa chọn hấp dẫn. Điều này không chỉ mở rộng cơ hội khám phá Cần Giờ ngoài khuôn khổ lễ hội Nghinh Ông, mà còn góp phần tạo nên một bức tranh du lịch toàn diện và phong phú hơn. Đồng thời, việc phát triển đa dạng sản phẩm du lịch cũng góp phần nâng cao chất lượng lễ hội và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Du lịch địa phương (4).
Tăng cường quản lý và quảng bá du lịch
Bên cạnh việc bảo tồn văn hóa và phát triển hạ tầng, việc xây dựng chiến lược quản lý và quảng bá du lịch hiệu quả sẽ giúp lễ hội Nghinh Ông trở thành một sản phẩm du lịch có sức hút lớn hơn. Các giải pháp bao gồm:
Đẩy mạnh hoạt động quảng bá qua các kênh truyền thông: Việc quảng bá lễ hội thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, mạng xã hội, video quảng bá và web du lịch sẽ giúp nâng cao nhận thức của du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, hợp tác với các công ty lữ hành để đưa lễ hội vào các tour du lịch cũng sẽ giúp mở rộng thị trường du khách tiềm năng.
Xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững: Du lịch lễ hội cần được phát triển theo hướng bền vững, không chỉ tập trung vào số lượng du khách mà còn phải đảm bảo lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương và môi trường. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp du lịch và người dân để xây dựng các kế hoạch quản lý du lịch hợp lý, kiểm soát số lượng khách tham gia, đảm bảo an toàn và trật tự trong lễ hội.
Liên kết với các tổ chức bảo tồn môi trường: Lễ hội Nghinh Ông gắn liền với tín ngưỡng tôn vinh cá Ông - loài cá được ngư dân xem là vị thần hộ mệnh trên biển. Do đó, việc bảo vệ môi trường biển và hệ sinh thái xung quanh Cần Giờ cần được lồng ghép vào hoạt động du lịch. Địa phương có thể phối hợp với các tổ chức bảo tồn môi trường để tổ chức các chương trình như thu gom rác thải, bảo vệ rừng ngập mặn, giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong lễ hội. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ hệ sinh thái mà còn nâng cao nhận thức của du khách và người dân về du lịch bền vững.
Kết luận
Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là một di sản văn hóa độc đáo, có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch bền vững tại TP.HCM. Việc bảo tồn và khai thác hợp lý lễ hội không chỉ góp phần bảo vệ giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và áp dụng các chiến lược phù hợp nhằm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.
_______________________
1, 3, 4. UBND TP.HCM, Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh (dự thảo), 2024, tr.5-7, 10-11, 19.
2. Cục Di sản văn hóa, Tóm tắt lý lịch Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ (đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), 2013, tr.3-4.
Tài liệu tham khảo
1. UBND TP.HCM, Kế hoạch Tổ chức Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ năm 2023 và kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển Lễ hội Nghinh Ông - Cần giờ, 10 năm được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, kế hoạch số 4673/KH-UBND ngày 19-9-2023.
2. UBND huyện Cần Giờ, Kế hoạch phối hợp tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024, kế hoạch số 6441/KH-UBND ngày 4-9-2024.
3. UBND huyện Cần Giờ, Báo cáo kết quả phối hợp tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024, báo cáo số 7278/BC-UBND ngày 3-10-2024.
4. Thảo Lê, Cần Giờ đón 3,5 triệu lượt du khách trong 9 tháng, thu gần 3.000 tỷ đồng, tuoitre.vn, 4-10-2024.
5. Vũ Quyền, Cần Giờ nên phát triển du lịch sinh thái gắn với rừng ngập mặn, danviet.vn, 19-1-2024.
6. Phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Cần Giờ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, researchgate.net, 8-2024.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 12-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 24-3-2025; Ngày duyệt bài: 30-3-2025.
NGUYỄN THÁI HÒA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025