Sắc đỏ dậy sóng trên những con thuyền của Chiharu Shiota

Triển lãm Thủy triều cảm xúc tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom, đã tạo ấn tượng mạnh đối với công chúng qua những chiếc thuyền chở đầy những cảm xúc hóa màu đỏ thắm của nghệ sĩ Nhật Bản Chiharu Shiota.

Màu đỏ trong thực hành nghệ thuật của Shiota 

Không chỉ nắm vai trò là màu sắc chủ đạo, màu đỏ còn bao trùm lên toàn bộ không gian các triển lãm ở những nơi Shiota đã đặt chân đến. Nhờ vậy, Shiota đã tạo ấn tượng mạnh với người yêu nghệ thuật trên khắp thế giới bằng duy nhất màu sắc này. Khi đến Hà Nội, cô lại dùng màu đỏ để tiếp tục thể hiện bản ngã của mình. Có lẽ, đó không phải sự lựa chọn màu sắc đầy tính an toàn, mà dường như cô muốn kéo dài hành trình của những sợi chỉ đỏ từ châu Âu sáng châu Á, cụ thể là tới Việt Nam. 

Màu đỏ quả thực là một màu sắc đặc biệt trong văn hóa các quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản. Bởi nó mang tính tôn quý, uy quyền khi được sử dụng nhiều trong thiết kế trang trí cung điện, không gian thờ tự,… Chẳng những vậy, màu đỏ còn mang đến những phước lành, may mắn. Vì thế, nó được sử dụng trong những ngày trọng đại, hỷ sự.

Thế nhưng, cách sắp đặt màu đỏ với mật độ dày đặc như vậy, lại đem đến cảm giác ám ảnh, rợn ngợp đối với người xem. Dường như, nó đang tạo ra tác dụng tương phản với những ý nghĩa tích cực trong văn hóa phương Đông. Phải chăng màu đỏ ấy chất chứa một dự cảm chẳng lành. Đúng như Shiota chia sẻ, việc sử dụng màu đỏ chẳng phải vì ý nghĩa tốt đẹp mà người Á Đông quan niệm, mà đến từ lý do cá nhân. Sau khi mang thai 6 tháng, cô gặp phải sự cố ngoài ý muốn. 3 tháng sau, cha cô lại rời xa cô. Cảm giác liên tiếp phải chứng kiến sự ra đi của người thân, tạo trong cô khoảng trống tâm lý rất to lớn. Cũng từ đó, nỗi buồn ấy cũng đã phủ bóng lên cảm quan nghệ thuật của Shiota. Để rồi, màu đỏ vốn tưởng tràn trề sức sống, sinh khí bỗng lắng xuống như một nốt nhạc trầm buồn. Muôn vàn sợi chỉ đỏ giống như hàng trăm ngàn mạch máu, mạch đập trái tim níu giữ lại những gì thân thuộc nhất với mình. 

Chiharu Shiota (sinh năm 1972) là nghệ sĩ đương đại người Nhật Bản, hiện sống và làm việc tại Berlin, Đức. Cô là một trong số những nữ nghệ sĩ đương đại tài năng và thành công nhất trên thế giới hiện nay, có tác phẩm trưng bày ở nhiều bảo tàng và triển lãm danh tiếng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, cô từng được chọn làm nghệ sĩ đại diện cho Nhật Bản tham gia Venice Biennale năm 2015, triển lãm quốc tế uy tín và lâu đời nhất được tổ chức 02 năm một lần tại Venice, Ý.

Đứng từ một khoảng cách xa, tưởng rằng hệ thống các sợi chỉ đỏ chằng chịt như vậy thiếu đi khoảng không, khiến người xem cảm thấy có chút bí bách khi thoạt nhìn qua. Tiến đến gần hơn để cảm nhận tác phẩm, người xem mới phát hiện, điểm xuyết ở giữa những sợi chỉ đỏ ấy là những khoảng trống rất lớn. Nhờ đó, triển lãm không khiến người xem cảm thấy ngột ngạt về thị giác khi chiêm ngưỡng ở một khoảng cách gần. Những khoảng không đó cũng có thể hiểu là đang tạo cho không gian hô hấp cho một tác phẩm vốn ngồn ngộn sắc đỏ. 

Mượn những con thuyền để chở đầy cảm xúc 

Thực hành nghệ thuật của Shiota là sự hòa quyện nhiều khía cạnh khác nhau của nghệ thuật sắp đặt và trình diễn. Thường chiếm trọng không gian triển lãm là vô vàn sợi chỉ đỏ được đan xen và xâu chuỗi với nhau, đặt trên quy mô lớn. Mạng lưới đỏ ấy kết nối với các đồ vật cụ thể hiện hữu trong đời sống hàng ngày như: chìa khóa, cửa sổ, váy, giày, những chiếc vali, hay những con thuyền… Mỗi đồ vật cụ thể đều gắn với những ký ức, kỷ niệm của cô trong mỗi sự kiện trong đời, hay thu thập trong mỗi chuyến viếng thăm các vùng đất mới.  

Sau khi mất đi người thân như đã chia sẻ ở trên, cô đã sưu tầm đến 1800 chiếc chìa khóa. Tại Venice Biennale (Italia) năm 2015, cô đã liên kết mạng lưới các sợi chỉ đỏ với những chiếc chìa khóa đó. Chìa khóa thường gợi cho người ta liên tưởng đến sự giải thoát. Nhưng, việc sử dụng mạng lưới chằng chịt các sợi chỉ đỏ xâu chuỗi những chiếc chìa khóa lại là níu giữ lấy tâm hồn, cảm xúc. Cùng với đó, điểm nhấn tại triển lãm dịp này, cô cũng có sử dụng các con thuyền mang hơi thở của thành phố nổi Venice. Đây cũng là dịp đầu tiên cô đưa hình ảnh thuyền vào triển lãm của mình. Sử dụng những chất liệu địa phương, cho thấy việc thực hành nghệ thuật của cô đang tương tác với các nền văn hóa trên thế giới. Đồng thời, giúp cho người xem xóa nhòa khoảng cách giao lưu văn hóa giữa người tạo ra nghệ thuật và người thụ hưởng nghệ thuật. 

Sự “nhập gia tùy tục” đầy tài tình ấy như một bí kíp làm nghệ thuật của cô, và tiếp tục được áp dụng trong triển lãm lần này. Triển lãm tại Hà Nội được Shiota sử dụng nhiều chiếc thuyền hơn và trên một không gian mênh mông rộng lớn hơn. Điều đó mô tả thật chi tiết không gian sông nước của Việt Nam khoáng đạt, trù phú, với những chiếc thuyền bồng bềnh trên sông. Nguồn cảm hứng để cô thực hiện đến từ chuyến thăm Việt Nam vào năm 2019. Khi đó, Shiota đã có dịp ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ, ngao du những khắp miền sông nước. Cô ấn tượng trước khung cảnh sinh hoạt, giao thương trên những dòng sông mình ghé thăm. Việc lựa chọn những con thuyền làm vật kết nối với các sợi chỉ đỏ, khiến cho những khán giả Việt Nam cảm thấy gần gũi với triển lãm của cô, cũng như nghệ thuật sắp đặt đương đại của thế giới. Theo chia sẻ, từ trước thời điểm xuất hiện dịch COVID-19, cô đã thai nghén ý tưởng cho một triển lãm ở Việt Nam. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, cô đành phải tạm hoãn đến năm nay mới có thể thực hiện được. Trong khoảng thời gian vỏn vẹn khoảng 1 tuần, Shiota cùng các cộng sự đã hoàn toàn chinh phục được khán giả tại Thủ đô Hà Nội. 

Sẽ chẳng phải nói quá khi dành lời khen, triển lãm là sự mô phỏng đầy sống động không gian sông nước mênh mang với khung cảnh tấp nập thuyền bè. Nhưng đáng nói, thay vì chở nặng những sản vật của mảnh đất phù sa giống với những chợ nổi ở nước ta, con thuyền trong triển lãm lại ăm ắp những cảm xúc trong suốt hành trình trải nghiệm, chiêm nghiệm về cuộc sống, nghệ thuật của cô. Đáng lý ra, cơn sóng phải xuất phát từ dưới mặt sàn, để tạo cảm giác nâng con thuyền lên. Vậy mà, Shiota lại phá cách khi hoàn đổi vị trí thủy triều dâng lên từ trong lòng thuyền. Đây chính là vị trí mà mỗi người khi đi thuyền đều ngồi ở đó, và bản thân cô cũng vậy. Phải chăng những cơn thủy triều ấy là sự dâng trào về mặt cảm xúc. Không còn là những con sóng của dòng sông, mà biến đổi trở thành những con sóng lòng trong cô. Từ lòng thuyền, những cơn sóng dâng trào, tỏa ra, bao trùm lấy không gian trên khắp các bức trường. Để rồi, dưới hiệu ứng của ánh sáng, những cơn thủy triều ấy soi bóng xuống mặt đất. Thủy triều từ trên cao và thủy triều từ phía dưới bao bọc lấy mỗi người khi bước chân vào triển lãm. Một lần nữa, Shiota lại khiến người xem phải suy nghĩ trước thủ pháp sắp đặt trong nghệ thuật của cô. Trước những chuyện buồn cô chia sẻ, ta có thể phỏng đoán, cô đang muốn dùng cảm xúc của mình muốn ôm trọn lấy người xem. Nhưng ở đây, cô không bắt người xem phải buồn một nỗi buồn giống như mình. Mà chắc hẳn, cô đang cố gắng tìm kiếm sự thấu hiểu, đồng điệu từ những người yêu nghệ thuật sống cách quê hương cô 2 múi giờ. Cô cũng giãi bày tâm sự với khán giả: “Đối với tôi, con người chúng ta ai cũng có những cuộc đấu tranh nội tâm, đôi khi chúng ta không biết thể hiện nó bằng ngôn ngữ như thế nào. Còn với tôi, tôi đã mượn nghệ thuật sắp đặt để nói lên tiếng lòng mình”.

Cơ hội cho nghệ thuật đương đại Việt Nam 

Đã có dịp theo dõi nhiều triển lãm của Chiharu Shiota ở nhiều quốc gia trên thế giới, ThS Nguyễn Thế Sơn, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, Thủy triều cảm xúc là mạch tiếp nối những triển lãm trước đó. Trong triển lãm lần này của Shiota ở Hà Nội, anh đã nhận thấy có mối liên hệ với triển lãm ở Venice năm 2015. Song, ấn tượng trước đây của anh là xem các tác phẩm của Shiota ở không gian nhỏ hơn, điểm nhìn được tập trung hơn. 

Gần đây nhất, anh cũng đã có dịp được chiêm ngưỡng một phiên bản khác của những sợi chỉ đỏ tại Bảo tàng Hammer (Los Angeles, Mỹ). Tại đây, Shiota đã tận dụng không gian sảnh của bảo tàng để chắp nối những sợi chỉ đỏ của mình. ThS Nguyễn Thế Sơn cũng bày tỏ niềm vui, sau thành công tại triển lãm ở Mỹ, chặng dừng chân tiếp theo Shiota lựa chọn chính là Việt Nam, tuy vẫn còn là một quốc gia tương đối non trẻ về nghệ thuật đương đại. Triển lãm này xác lập một điều, Việt Nam và thành phố Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành điểm đến đầy hứa hẹn của những nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới và những tác phẩm tầm cỡ quốc tế. Việc giao lưu văn hóa-nghệ thuật qua những cuộc triển lãm có quy mô, đầu tư chỉn chu như vậy sẽ làm giàu có, nâng cao sức sáng tạo và vị thế cho nghệ sĩ bản địa. 

Triển lãm kéo dài từ nay đến hết ngày 30/3/2024.

Bài: NAM SƠN, Ảnh: VCCA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 550, tháng 10-2023

;