Trải qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, từ chức năng sử dụng chủ yếu để đệm cho giọng hát hoặc đệm cho nhạc cụ khác độc tấu, các nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar châu Âu đã đưa cây đàn phát triển vượt bậc trở thành một trong những nhạc cụ phổ biến nhất thế giới. Trong đó, sự tiến bộ và sáng tạo về kỹ thuật chơi đã đóng vai trò quan trọng cho quá trình hoàn thiện phương pháp diễn tấu, xây dựng khuôn mẫu chuẩn mực mà sau này được gọi là phong cách guitar cổ điển.
Guitar cổ điển là cây đàn sáu dây nylon với dáng cong đều hình số 8. Âm nhạc mang phong cách guitar cổ điển là những tác phẩm được sáng tác, chuyển soạn dựa trên tính năng đặc trưng của cây đàn.
Bắt nguồn từ hai kỹ thuật cơ bản nhất trên đàn là các ngón gảy bàn tay phải và ngón bấm bàn tay trái, các nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar đã phát triển sáng tạo thành nhiều loại kỹ thuật đa dạng. Có một số kỹ thuật cơ bản tạo nên cách chơi đàn guitar cổ điển ngày nay, đó là: từ ngón gảy bàn tay phải tạo nên các kỹ thuật chạy ngón, chơi hợp âm; các ngón bấm bàn tay trái tạo nên kỹ thuật barre, luyến. Trong cách trình tấu, kỹ thuật gảy bàn tay phải mang tính bao trùm cơ bản nhất, tạo nên âm thanh chủ yếu của toàn bộ tác phẩm.
Vào TK XVI, kỹ thuật này ảnh hưởng từ nhạc cụ họ hàng tiền thân là đàn lute với ngón út thường tựa trên mặt đàn tạo ra tính cân bằng và sự ổn định cao. Khoảng cách giữa các ngón tay phải là cố định, khi tìm được vị trí đặt ngón út thuận lợi nhất sẽ giúp tay phải ổn định, có khả năng thực hiện các kỹ thuật dễ dàng, thuận lợi, từ đó người chơi có thể dành sự tập trung, sức lực hơn cho tay trái và để thể hiện âm nhạc.
Tác phẩm chuyển soạn cho guitar thời kỳ này chủ yếu sử dụng ngón cái (p), ngón trỏ (i), ngón giữa (m). Đặc điểm này xuất phát từ hình thức cũng như độ khó của âm nhạc thời kỳ này chưa phức tạp và phù hợp với việc sử dụng ba ngón. Đây là cách lựa chọn hợp lý vì ba ngón này khỏe nhất trên bàn tay, có sự độc lập riêng rẽ cao nên dễ điều khiển, thời gian luyện tập phát triển các kỹ năng được rút ngắn. Và, khi biểu diễn, các nghệ sĩ sử dụng kỹ thuật gảy móc dây là chính, chưa chú trọng về âm sắc.
Trong quá trình gảy các nốt liên tục, lần lượt theo chiều ngang với tốc độ nhanh đã tạo nên kỹ thuật chạy ngón. Thời kỳ này thường sử dụng sự phối hợp hai ngón để thực hiện những câu chạy liền bậc, ít nhảy quãng như trong tác phẩm The Frog Galliard của nhà soạn nhạc, ca sĩ, nghệ sĩ đàn lute người Anh John Dowland. Cho đến nay, các tác phẩm của John Dowland vẫn thường được các nghệ sĩ guitar cổ điển nổi tiếng thế giới trình diễn. Với nhiều lợi thế về tốc độ, âm sắc, chạy hai ngón đã được ưa dùng từ TK XVI cho đến nay và trở thành một kỹ thuật mẫu mực.
Khi gảy kết hợp các nốt cùng lúc theo chiều dọc đã tạo nên kỹ thuật chơi hợp âm. Hợp âm trong các tác phẩm thời kỳ này chủ yếu từ 2 đến 4 bè, công năng đi rất bình ổn, thường dùng âm sớm hoặc âm muộn, được chơi theo hai cách là rải lần lượt, hoặc chơi tất cả nốt trong hợp âm cùng một lúc.
Kỹ thuật bấm bàn tay trái chiếm từ 90% trở lên trong các tác phẩm guitar, nói cách khác, để chơi được các tác phẩm thì nhất định phải sử dụng kỹ thuật này. Chính vì sự bao trùm và thông dụng như vậy, nên kỹ thuật này thường bị quên trong vô thức hoặc bị xem nhẹ. Cùng với kỹ thuật gảy của tay phải, kỹ thuật bấm ở tay trái có vai trò quyết định chất lượng âm thanh, thể hiện tầm cao và tri thức âm nhạc của người chơi.
Do ảnh hưởng từ cần đàn vihuela và lute có chín phím thường dùng và ba phím trên mặt đàn nên ban đầu, các bản nhạc chuyển soạn cho guitar trong TK XVI, phạm vi các nốt nhạc được sử dụng trên cần đàn chủ yếu là đến phím 8 (tính từ đầu cần), sử dụng bốn ngón để bấm là ngón trỏ, ngón giữa, ngón nhẫn, ngón út. Ngón cái để sau cần đàn, đối trọng với bốn ngón còn lại. Âm nhạc giai đoạn này chủ yếu mang chức năng đệm cho giọng hát hay đệm cho nhạc cụ khác, nên thường xuyên chơi hợp âm, đôi khi hợp âm nhiều hơn bốn nốt mà các ngón tay trái có thể bấm. Chính nhân tố quan trọng này đã góp phần tạo nên kỹ thuật barre (chặn ngón trỏ trên dây đàn làm đơn giản hơn động tác bấm hợp âm, đồng thời tăng số lượng nốt được bấm). Kể từ đó đến nay, kỹ thuật này hầu như mang tính cơ bản, nó xuất hiện trong mọi tác phẩm viết cho guitar.
Sang TK XVII, kỹ thuật chơi guita được mở rộng và phát triển. Việc sử dụng nhiều các hình thức suite, sonat với mật độ hòa âm dày, có sự phân chia cường độ rõ nét giữa bè đệm - bè giai điệu, sự phức tạp về nội dung nghệ thuật… nhất là sự phổ biến của các tác phẩm phức điệu đã thúc đẩy kỹ thuật móc dây phát triển mạnh mẽ. Khi thể hiện chuyển động của các bè, đáp ứng sự phân chia cường độ theo nội dung tác phẩm trên cùng một bàn tay gảy, ngoài tư duy hòa âm, người chơi phải luyện tập, phát triển sự kiểm soát lực của từng ngón một cách độc lập, chính xác để thể hiện rõ ý đồ của tác giả. Khi chơi càng nhiều tác phẩm, với nội dung nghệ thuật và yêu cầu đòi hỏi về bè và hòa âm đa dạng, thì kỹ thuật gảy càng đạt đến trình độ cao hơn. Cũng có những trường hợp phổ biến trong bản nhạc, cùng một ngón nhưng có lúc đảm nhận chơi giai điệu, lúc lại chuyển qua chơi bè đệm. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải nâng cao khả năng kiểm soát đạt đến sự tinh tế cho mỗi ngón gảy bàn tay phải.
Ngoài kết hợp các ngón bàn tay phải, còn có cách chơi hợp âm bằng một ngón. Kỹ thuật này khá phổ biến ở các tác phẩm âm nhạc đương thời như trong Sarabande của Robert de Visee người Pháp (nghệ sĩ đàn lute, guitar, theorbo và đàn viol phục vụ cho các vị vua Luis XIV và Luis XV), hay trong Folie của nhạc sĩ người Ý Francesco Corbetta (nghệ sĩ guitar, giảng viên âm nhạc). Đây là nhân tố quan trọng cho sự xuất hiện cách chơi kỹ thuật rasguedo, hoặc tremolo một ngón sau này.
Cũng giống như bàn tay phải, việc sử dụng nhiều hình thức âm nhạc lớn với hòa âm phức tạp và sự phát triển mạnh mẽ của nhạc phức điệu nhiều bè, đã làm cho kỹ thuật bấm phát triển. Những ngón tay trái độc lập với nhau hơn, kết hợp tư duy hòa âm để có được các chuyển động tay trái chính xác, phù hợp với yêu cầu của bản nhạc. Sự bấm (giữ nốt ngân vang) hay thả các nốt (ngắt âm) không được tự do mà phải tuân thủ nghiêm khắc các ký hiệu nốt nhạc được ghi.
Thời kỳ này bắt đầu sử dụng phổ biến kỹ thuật luyến có nguồn gốc từ kỹ thuật bấm. Cách chơi là dùng hai ngón bấm cùng lúc trên một dây. Gảy nốt bấm thứ hai bằng tay phải rồi dùng chính ngón bấm tay trái đó kéo xuống, hoặc ngược lại, chơi nốt thứ nhất rồi dùng ngón tay trái bổ mạnh vào nốt phía sau tạo âm thanh. Kỹ thuật này được sử dụng theo nhiều cách, góp phần mở rộng về phương thức thể hiện nghệ thuật trong tác phẩm. Có thể dùng để chơi những nốt hoa mỹ trang trí cho giai điệu như trong tác phẩm Suite en La mayor, phần Villanos của Gaspar Sanz, hay làm mềm hóa, tăng cường cảm xúc cho câu nhạc như bản Chacona của Gaspar Sanz (nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar, organ của vùng Aragon Tây Ban Nha). Cho đến nay, kỹ thuật luyến trở thành một phần không thể thiếu trong tác phẩm viết cho guitar cổ điển.
Từ kỹ thuật luyến, các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã đạt được thành công lớn trong việc tăng tốc độ cho các câu chạy. Đó là sự kết hợp giữa kỹ thuật ngón gảy bàn tay phải với kỹ thuật luyến bàn tay trái tạo nên thủ pháp chạy câu mới, tốc độ nhanh và chất lượng âm thanh đa dạng hơn TK XVI. Điều này được thể hiện rõ ở phần allemande trong tác phẩm Allemande und Courante của Giovanni Battista Granata (nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar người Ý) . Trong một câu chạy chỉ dùng tay trái để bấm, thì toàn bộ sức mạnh tạo nên tốc độ của câu đều dồn lên ngón gảy, bắt ngón gảy phải làm việc hết công suất. Cách này làm người chơi tốn nhiều thời gian trong tập luyện, và khi biểu diễn, nếu không có thể lực tốt cộng với tâm lý thỏa mái thì khả năng mắc lỗi là điều sẽ xảy ra. Cho đến ngày nay, cách chạy câu kết hợp với kỹ thuật hai bàn tay này vẫn được các nghệ sĩ guitar ưa dùng.
Đến TK XVIII, đã định hình kỹ thuật guitar khuôn mẫu cổ điển. Do ảnh hưởng của trào lưu âm nhạc cổ điển, nên các nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar cũng đặt được những dấu ấn và chuẩn mực trong cách chơi. Kỹ thuật bàn tay phải chuyển từ 3 sang sử dụng 4 ngón. Lúc này ngón út đã rời khỏi mặt đàn. Tư thế tay phải chuẩn của guitar cổ điển là 4 ngón gảy phải nằm trên khoảng không hoặc tựa trên dây đàn. Trong tác phẩm, các nhạc sĩ chú trọng đến chất lượng, màu sắc âm thanh bằng việc đưa ra các dấu nhấn, ký hiệu thể hiện sắc thái, tính chất của câu, đoạn nhạc. Phát triển những cách chạy điển hình trong âm nhạc cổ điển đó là chạy quãng tám, rải hợp âm 3 hoặc 4 nốt liên tục và chạy cromatic rất được ưa dùng làm câu nối giữa các đoạn với nhau. Tác phẩm Sonata for guitar của tác giả người Ý Mauro Giuliani đã thể hiện rõ điều này.
Cách chơi hợp âm không chỉ dừng lại ở việc sử dụng một hoặc nhiều ngón như ở TK XVII, mà còn kết hợp với các kỹ thuật khác như luyến, chạy ngón tạo nên sự phong phú đa dạng về màu sắc và tính hiệu quả. Thời kỳ này, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ đã tham gia đóng góp những tác phẩm viết riêng cho cây đàn tạo nên sự phát triển mạnh mẽ, độc lập và có khuynh hướng tách ra từ hai nhạc cụ tiền thân của guitar là vihuela và lute. Kỹ thuật bấm đã mở rộng phạm vi sử dụng nốt nhạc từ phím I đến XII tính từ đầu cần đàn.
Kỹ thuật luyến được các nghệ sĩ rất yêu thích và sử dụng rộng rãi, xuất hiện trong 98% số lượng tác phẩm hình thức lớn như sonat, biến tấu viết cho guitar thời này. Xuất phát điểm từ cách chơi đơn thuần, kỹ thuật luyến đã được nâng tầm chơi tự do ngẫu hứng như cadenza trong bản rondo thứ 3 (Tuyển tập 3 bản rondo của Donisio Aguado). Dùng như thủ pháp biến tấu chủ đề trong var.5 tác phẩm Biến tấu trên chủ đề Cây sáo thần của Mozart của tác giả Fernando Sor. Cả hai tác giả này đều là nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar người Tây Ban Nha. Một biến thể của kỹ thuật luyến cũng được xuất hiện nhiều hơn trong tác phẩm thời kỳ này, đó là glissando (vuốt) với cách chơi gảy một nốt nhạc rồi dùng tay trái kéo lên hoặc trượt xuống nốt tiếp theo để tạo âm thanh.
Góp phần lớn trong việc mở rộng khả năng diễn tấu và phát triển kỹ thuật tay trái ở TK XVIII, không thể bỏ qua kỹ thuật staccato. Cách chơi này dựa trên sự thay đổi đột ngột chuyển động của động tác bấm. Quy trình thứ tự để chơi bao gồm các chuyển động: bấm vào – gảy – ngắt âm ngay khi vừa gảy xong. Kỹ thuật này đòi hỏi cảm giác tinh tế ở đầu ngón tay và khả năng phối hợp chính xác giữa hai tay. Đặc biệt ở động tác ngắt âm, nếu tay trái rời hẳn khỏi dây đàn sẽ tạo thành những âm thanh thừa. Do vậy, tay trái vẫn tiếp xúc với dây đàn khi thực hiện động tác ngắt âm. Đây là chuyển động cần tập luyện rất công phu, nhưng làm chủ nó, có nghĩa là bàn tay trái sẽ kiểm soát tốt các vị trí trên cần đàn.
TK XIX, có thể coi kỹ thuật guitar đã đạt tới mức độ hoàn chỉnh. Đã có cây đàn chuẩn về kích thước, hình dáng, số dây, gắn liền với thuật ngữ classical. Ngoài cách gảy móc dây là sự du nhập cách gảy ép dây từ nhạc flamenco của Tây Ban Nha. Ngay khi xuất hiện, kỹ thuật này đã chứng tỏ là một phần không thể thiếu trong cách chơi của mỗi nghệ sĩ. Với vai trò quan trọng như vậy, Andrew Segovia (nghệ sĩ guitar Tây Ban Nha), người đưa âm nhạc guitar cổ điển nổi tiếng trên khắp thế giới viết Cuốn sách guitar của tôi, đã đặt kỹ thuật ép dây lên vị trí hàng đầu.
Kỹ thuật chạy ngón được phát triển từ các thế kỷ trước tạo nên cách chơi tremolo. Về cơ bản, đây là một dạng kỹ thuật chạy bốn ngón, nhưng ngón cái luôn nằm ở bè bass, 3 ngón còn lại chơi trên cùng một dây. Về nghệ thuật, kỹ thuật góp phần mở rộng thủ pháp thể hiện âm nhạc trên đàn guitar. F. Tarrega sử dụng kỹ thuật này để nhấn mạnh sự ngân vang không ngừng của giai điệu, tạo nên những cảm xúc mới cho người nghe mà trước đây chưa từng có. Kỹ thuật chơi hợp âm kết hợp với các loại kỹ thuật khác tạo những màu sắc và cách thể hiện mới.
Trong thế kỷ này, kỹ thuật luyến được các nhạc sĩ sử dụng để phô diễn sức mạnh, độ dẻo dai và chính xác của bàn tay trái như trong variation 10 bản Grand jota của Francisco Tarrega.
Trước đây, sự phối hợp kỹ thuật hai bàn tay được hình thành, phát triển từ đơn giản đến phức tạp, thì trong quá trình tìm tòi cách thể hiện mới, các nghệ sĩ đã tạo thêm một xu hướng là tách hai tay độc lập, một bàn tay đảm nhận cả hai nhiệm vụ gảy và bấm.
Đã xuất hiện nhiều sách nghiên cứu phương pháp chơi của các tác giả Tây Ban Nha như Metodo de Guitarra của Antonio Cano (1811 - 1897), A modern method for the guitar (School of Tarrega ,3 volumns) của Francisco Tarrega (1852 - 1909). Các sách của tác giả Đức: Instruction for the Spanish guitar của Johann Kaspar Mertz (1806 - 1856), Gitarre - Solopiel Studien của Heinrich Albert (1870 - 1950), hay Schule fur die Guitare của Johann Kaspar Mertz (1806 - 1856). Việc tổng hợp, củng cố chắc chắn các kỹ thuật có từ thế kỷ trước, nghiên cứu cách chơi ngón phổ biến thường gặp trong các bản nhạc, để xây dựng nên hệ thống phát triển kỹ thuật cơ bản riêng theo nhiều lối tư duy khác nhau, đã góp phần hoàn thiện kỹ thuật trong phong cách âm nhạc guitar cổ điển.
TK XX, guitar đạt được sự phổ biến, lan rộng, những tài liệu nghiên cứu, sáng tác cho guitar được in ấn trên khắp thế giới. Bên cạnh sách xây dựng phát triển kỹ thuật theo nhiều cách khác nhau, còn có những sách đề cập đến tính khoa học, nâng cao trình độ chuyên nghiệp và tính nghệ thuật trong cách chơi đàn guitar. Chẳng hạn, nghiên cứu chuyển động của tay có trong cuốn Science et Methode de la Technique Guitaristique của Cardoso Jorgo (bác sĩ, nhạc sĩ người
Thế mạnh của guitar là sự tiếp xúc trực tiếp giữa người chơi và nhạc cụ, tạo nên những đặc trưng âm sắc riêng biệt với sự biến hóa không thể đoán trước khi biểu diễn. Trong tác phẩm Filicidace (chuyển soạn từ nhạc hát blue của Moraes Jobim) của tác giả Roland Dyens, giai điệu chính được chơi trên lỗ đàn mô phỏng sự mềm mại, ngân nga của chất giọng. Nhưng sau nốt giai điệu, ngay lập tức tay phải chuyển xuống gần phía ngựa đàn dưới để chơi mô phỏng dàn nhạc đệm với tính chất cứng, nghiêm khắc, chính xác của hòa âm đệm, càng làm nổi bật lên sự ngọt ngào của giai điệu chính (giọng hát).
Sự kết hợp giữa các nốt bấm và dây buông được khai thác triệt để tạo nên những cách chơi hợp âm độc đáo, như chơi đồng âm trong tác phẩm Etude №11 của Heitor Villa Lobos. Không những vậy, khi kết hợp nốt bấm, dây buông và kỹ thuật luyến đã thoát khỏi giới hạn về tốc độ và giải phóng tư duy, khả năng thể hiện âm nhạc, tạo nên những chuỗi âm thanh dài, gam màu đặc biệt như khi độ vang của 32 nốt được hòa trộn ngẫu nhiên với tốc độ móc tam (tốc độ nhanh của guitar cổ điển), chẳng hạn trong Paisaje cubano con campanas của Leo Brouwer là một ví dụ điển hình.
Kỹ thuật bấm tiếp tục được mở rộng hết chiều dài dây đàn, đến những vị trí như khoảng trống giữa ngựa trên cần đàn và khóa. Đi đầu trong thủ pháp khai thác những cách chơi mới này là tác giả người Pháp gốc Thổ Nhĩ Kỳ Roland Dyens. Ông đã khai thác các âm thanh ở khoảng giữa các khóa căng dây và ngựa đàn phía trên đầu nhạc cụ, tận dụng việc vặn khóa đàn để tạo các nốt nhạc có cao độ đúng tương đối.
Khái niệm cao độ tương đối trong âm nhạc cổ điển so với khả năng nhấn nhá của cây đàn guitar phím lõm hay đàn nguyệt là không mới, nhưng với nhạc cụ phương Tây là mới. Và có thể, đây là một yếu tố quan trọng trong việc giải quyết vấn đề kết hợp hài hòa giữa tính năng chuyên nghiệp bác học phương Tây với những đặc trưng âm nhạc dân gian để mở đầu cho một thời kỳ mới, với những khuynh hướng phát triển guitar vượt trội không thể đoán trước.
Trải qua nhiều thế kỷ, các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã xây dựng, phát triển các kỹ thuật guitar rồi tổng hợp, đúc kết trở thành hệ thống kỹ thuật cơ bản mẫu mực trong phong cách guitar cổ điển. Không chỉ dừng ở đó, TK XX bên cạnh việc củng cố khuôn mẫu nghiêm khắc cổ điển, có một bộ phận các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã phá vỡ những ranh giới hạn chế để tìm đến với khả năng tiềm ẩn của cây đàn để viết nên những tác phẩm mang đặc trưng riêng của guitar. Có thể khẳng định, việc tạo dựng được hệ thống kỹ thuật cơ bản và đạt đến sự tự do trong thể hiện đã giúp hoàn thiện lối chơi, đưa guitar trở thành một trong những nhạc cụ có tính chuyên nghiệp bác học cao và phổ biến khắp thế giới.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014
Tác giả : Nguyễn Văn Phúc