Sáng 2-5, đồng bào dân tộc Xinh Mun ở xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã tổ chức tái hiện trích đoạn Lễ cầu sức khỏe (Mạng ma) trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa của chương trình “Điểm hẹn vùng cao” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô,Sơn Tây, Hà Nội).
Nghi lễ Mạng ma (còn gọi là Mượng ma, cầu sức khỏe) là lễ lớn của đồng bào dân tộc Xinh Mun. Nghi lễ này thường được tổ chức vào dịp đầu năm, cầu cho nhân dân bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Lễ Mạng ma thể hiện nét độc đáo trong văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Xinh Mun, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở Sơn La.
Thầy mo cúng ở mâm cúng chính, cầu xin các thần linh về dự lễ
Dân tộc Xinh Mun còn có tên gọi là Puộc, Pụa, cư trú ở vùng biên giới Việt - Lào, chủ yếu ở 2 huyện Yên Châu và Sông Mã, ngoài ra còn sống rải rác ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La của tỉnh Sơn La. Nghi lễ Mạng ma đã xuất hiện rất lâu đời và được bảo tồn, lưu giữ qua các thế hệ trong đời sống của đồng bào Xinh Mun. Hằng năm, cứ mỗi độ Xuân sang, khi hoa ban, hoa mạ nở, măng đắng mọc lên, người Xinh Mun lại tổ chức lễ hội Mạng ma cầu sức khỏe. Mạng ma gồm có phần lễ và phần hội đan xen, thường được tổ chức từ 2 đến 3 ngày tại nhà thầy mo, cầu mong cho thầy mo qua được hạn, có sức khỏe, có người thầy đỡ đầu mới; ngoài ra, còn cầu cho dân bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, không có dịch bệnh...
Trung tâm của lễ Mạng ma là cây vạn vật (xặng bok), tượng trưng cho cây đời. Để chuẩn bị cho cây vạn vật là cả một quá trình công phu. Người chuẩn bị là thầy mo và những “con nuôi” (là người ốm do thầy chữa khỏi) cùng với người dân trong bản. Cây vạn vật là cây tre dài khoảng 4-5m từ mặt sàn đến nóc nhà, được dựng trước gian thờ tổ nghề của thầy mo. Trên cây vạn vật, người ta buộc dây bò khai vào xung quanh cây từ gốc lên đến ngọn; 4 tấm phên đan bằng tre hình xương cá, dài từ gốc lên đỉnh cây vạn vật, được ốp xung quanh cây vạn vật có ý nghĩa dâng những con cá lên thần linh; cài vào thân cây các loại hoa ban, hoa mạ, bông lúa được kết bằng lá tre; treo 2 dây con chim én đan bằng tre dài từ đỉnh cây vạn vật xuống sàn nhà. Từ gốc lên đến thân cây khoảng 50cm, chốt một thanh gỗ ngang vẽ hình xương cá treo lên đó một đôi chũm chọe, một chiếc chiêng nhỏ , một chiếc sừng trâu để uống rượu cần; buộc vào gốc cây 2 cái gậy bằng gỗ 2 củ măng đắng, 2 chum rượu cần.
Thầy mo cầm kiếm nhảy múa quanh cây vạn vật và ra hiệu cho mọi người cùng tham gia
Ngoài ra, lễ cúng còn có lợn, gà, ve sầu... và các vật dụng người Xinh Mun sử dụng như ô dù, cày, bừa, cào, ống tre... Người ta còn chuẩn bị 2 ngôi nhà sàn bằng gỗ, kích thước nhỏ, vẽ trang trí hình xương cá. 2 ngôi nhà tượng trưng cho bên nội và bên ngoại để mời thần linh xuống ngự trị, phù hộ cho gia đình, con cháu và dân bản làm ăn phát đạt. Xung quanh “xặng bok” là những bàn thờ cùng các mâm cúng với nhiều loại thức ăn.
Chủ trì lễ cúng là 2 thầy mo (có thể là nam hoặc nữ): 1 thầy mo đỡ đầu (thầy mo đã hành nghề lâu năm) và 1 thầy mo được đỡ đầu (thầy mo bị ốm) ngồi trước mâm cúng chính, thắp 2 cây nến cắm vào chậu gạo, tay cầm quạt bắt đầu cúng mời các thần linh về dự lễ. Thầy mo chính cúng được một lúc thì thầy mo phụ cũng ngồi vào mâm bên cạnh, cúng trợ giúp mời các thần linh về. Thầy mo vừa cúng, vừa cầu xin các thần linh về dự lễ, cho người ốm khỏi bệnh. Sau mỗi lần xin, thầy mo lại bốc gạo ném lên trên quả trứng, nếu có 2 hạt gạo nguyên đậu trên 2 quả trứng nghĩa là thần linh đã chấp nhận. Cúng xong, mỗi thầy mo ăn 1 miếng xôi, 1 miếng thịt làm phép. Thời gian diễn ra nghi lễ thường từ 2 đến 3 ngày.
Trong nghi lễ, có 5 lễ cúng: Lễ cúng thứ nhất, mời các thần linh về dự lễ; lễ cúng thứ hai, cầu thần linh phù hộ cho chủ cúng và cảm ơn họ nhà ngoại; lễ cúng thứ ba, cúng thần linh phù hộ cho gia chủ, đây là bài cúng chính trong nghi lễ. Ở lễ cúng này, thầy mo sẽ nhận trách nhiệm làm thầy đỡ đầu mới cho thầy mo được đỡ đầu. Lễ cúng thứ tư, theo quan niệm dân gian là lễ gọi hồn người được đỡ đầu và cúng mời tổ tiên về ngự tại nhà. Ở lễ cúng này, 2 thầy mo làm lễ gọi hồn và làm lễ xin tổ tiên phù hộ cho mọi người tham dự nghi lễ được khỏe mạnh, vui vẻ, hướng dẫn mọi người cùng múa xòe và diễn các trò chơi, như kéo thuyền, đấu võ, bắt tổ ong.
Sau đó, người nhà đặt một mâm lễ có 2 ngôi nhà sàn gỗ nhỏ để tổ tiên của gia chủ về ngự, đến khi nào hỏng mới bỏ đi hoặc khi nào làm Lễ Mạng Ma tiếp theo mới thay mới. Người nhà mở 2 chum rượu cần mời mọi người cùng uống, cầu mong sức khỏe cho người được đỡ đầu, người thân trong gia đình. Lễ cúng thứ 5, thầy mo ngồi trước mâm cúng chính, mời các thần linh hưởng lộc, cảm ơn, tiễn các thần linh về trời, kết thúc nghi lễ Mạng ma.
Nhiều trò chơi như đấu kiếm, cày bừa, trò hái trứng... được đồng bào dân tộc Xinh Mun biểu diễn trong phần hội
Sau khi cúng mời các thần linh về dự lễ, các thầy mo tiếp tục cúng thần linh phù hộ cho gia chủ và tiễn đưa thần linh về trời là phần hội. Trong âm thanh của tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng sáo hòa nhịp, thầy mo cầm kiếm nhảy múa quanh cây vạn vật và ra hiệu cho mọi người cùng tham gia nhảy múa quanh “xặng bok”. Trong phần hội, người Xinh Mun tổ chức rất nhiều trò chơi như đấu kiếm, cày bừa, trò kéo co, trò tó miếng, trò hái trứng, trò hái tổ ong, trò múa tiễn thần linh về trời...
Đồng bào Xinh Mun nhảy múa xung quanh cây vạn vật
Lễ Mạng ma đã xuất hiện rất lâu đời và tồn tại cho đến ngày nay, nghi lễ mang tính chất cộng đồng cao chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. Đây cũng là dịp để các con cháu trong gia đình thể hiện lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên và các vị thần linh đỡ đầu cho mình. Với giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, năm 2020, nghi lễ Mạng Ma của dân tộc Xinh Mun được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bài, ảnh: TUẤN MINH