Đồng Văn là một huyện vùng cao núi đá biên giới của tỉnh Hà Giang nơi cực Bắc của Tổ quốc, toàn huyện có 17 xã và 2 thị trấn, với trên 22 đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch luôn được chú trọng quan tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong những năm qua, huyện Đồng Văn luôn chú trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch theo chủ trương “lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn văn hóa”. Huyện đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 4-4-2021, về bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2025. Hằng năm, ban hành kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Đồng Văn, cũng như kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống tại các làng văn hóa du lịch tiêu biểu.
Diễn viên quần chúng tại các xã thuộc huyện Đồng Văn trình diễn dân ca, dân vũ tại Lễ hội Khèn Mông lần thứ X năm 2025
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 12 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó 4 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia; 8 di tích được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh; 25 cụm di sản địa chất khác nhau, đã được xác lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ, bàn giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý.
Đặc biệt, huyện Đồng Văn còn có 5 di sản văn hóa phi vật thể, được ghi danh vào danh mục di sản cấp quốc gia, đó là: Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô xã Lũng Cú; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen xã Lũng Cú; Lễ ra đồng (pặt oong) của dân tộc Pu Péo xã Phố Là; Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo xã Phố Là; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng rừng của người Cờ Lao xã Sính Lủng; đồng thời, có 1 di sản văn hóa phi vật thể chung của tỉnh Hà Giang là Nghệ thuật khèn Mông.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được gắn với phát triển du lịch tại huyện Đồng Văn được chú trọng quan tâm. Hiện nay, huyện Đồng Văn có 13 lễ hội được tổ chức thường niên, trong đó có 11 lễ hội truyền thống và 2 lễ hội văn hóa. Đó là: Lễ hội Gầu Tào tại xã Sà Phìn (mùng 4 Tết Nguyên đán), xã Sủng Là (ngày 15-1 âm lịch); Hội Xuân khèn Mông tại xã Phố Cáo (mùng 6 Tết Nguyên đán); Lễ hội Hoa tam giác mạch được tổ chức tháng 11 hằng năm, từ năm 2015 đến nay, với quy mô cấp tỉnh; Lễ hội khèn Mông được tổ chức dịp 30-4, 1-5 hoặc mùng 2-9, từ năm 2013 đến nay với quy mô cấp huyện; nhiều lễ hội dân gian tổ chức tại các xã, thị trấn... Trong các lễ hội, bên cạnh phần lễ, phần hội được tổ chức với phong phú các hoạt động văn hóa dân gian, dân ca, dân vũ, các trò chơi, các môn thể thao dân tộc. Qua đó bảo tồn, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của nhân dân, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng các dân tộc.
Bên cạnh đó, huyện Đồng Văn còn duy trì và nâng cao chất lượng làng văn hóa du lịch tiêu biểu tại các thôn: Lũng Cẩm Trên - xã Sủng Là (đặc trưng dân tộc Mông); Ma Lé- xã Má Lé (đặc trưng dân tộc Giáy), Lô Lô Chải- xã Lũng Cú (đặc trưng dân tộc Lô Lô)… Hướng dẫn các đồng bào tạo ra sản phẩm lưu niệm như túi, khăn, vỏ gối… dựa trên các hoạt tiết trang trí truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc; dàn dựng sân khấu hóa những trích đoạn trong các tín ngưỡng để biểu diễn phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tại các làng văn hóa của địa phương.
Các làng nghề truyền thống chuyên sản xuất những sản phẩm đặc trưng của địa phương cũng ngày được nâng cao. Hiện nay, tại huyện Đồng Văn có 9 làng nghề với các sản phẩm: Chè san tuyết Lũng Phìn, các sản phẩm từ hoa tam giác mạch, mật ong Bạc hà, Đậu xị, gà đen, thịt bò khô, thịt lợn hun khói... Sản phẩm hàng hóa của các làng nghề không chỉ có thương hiệu, uy tín, phục vụ nhân dân tại địa bàn, còn được du khách quan tâm, yêu thích. Cùng với làng nghề, không gian văn hóa chợ phiên gắn phát triển du lịch tại Đồng Văn cũng được duy trì thường xuyên. Đây là nơi để nhân dân trao đổi hàng hóa, nông sản, đồng thời góp phần quảng bá các sản vật độc đáo của địa phương đến với du khách.
Đồng thời, huyện Đồng Văn triển khai đồng loạt xây dựng các công trình hạ tầng du lịch mang tính chất bảo tồn, quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc vùng cao nguyên đá. Tiêu biểu là kiến trúc văn hóa cổng nhà, bờ rào đá nhằm tạo điểm nhấn và ấn tượng đối với du khách. Trong đó, phải kể đến công trình cổng chào Đồng Văn được xây dựng theo kiến trúc truyền thống; Bờ rào đá khu vực đầu thị trấn Đồng Văn dài 2km; mô hình Quẩy tấu, khèn Mông bằng mây tre đan khổng lồ tại khu vực giếng nước thần; nhà trưng bày sản phẩm đặc trưng của huyện tại Phố Cổ Đồng Văn và một số công trình khác tại đất mũi, xã Lũng Cú; thôn Lao Xa, xã Sủng Là; cụm cây đa Thiên Hương…
Chia sẻ về công tác bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc nhằm phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Văn Chinh cho biết: “Ban lãnh đạo huyện quyết tâm, từng bước đưa những di sản văn hóa phi vật thể trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách, điều đó không chỉ bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Thông qua các hoạt động sẽ giúp cho đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có các nghệ nhân được nâng cao. Điều này tạo thêm động lực cho đồng bào thực hiện công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản; đồng thời khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự giác, cũng như quảng bá và bảo tồn các giá trị di sản cho thế hệ mai sau”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cũng cho biết, số lượng du khách đến với Đồng Văn trong những năm gần đây ngày càng tăng cao. Lượng khách hàng năm tăng từ 100 đến 150 nghìn lượt mỗi năm, thời điểm có lượng khách đông nhất từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau.
Để có được kết quả đó, huyện Đồng Văn đã có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thu hút du khách như: Xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện; Khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý theo hướng bền vững, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài; giữ gìn, bảo tồn, khai thác phát huy có hiệu quả các di tích, di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học phục vụ phát triển du lịch; Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa; Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch bền vững; Phát triển du lịch cần đi đôi với bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, huyện Đồng Văn tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, trong việc đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ nghiệp vụ, khả năng giao tiếp không chỉ của đội ngũ lao động trực tiếp trong ngành mà còn của cả cộng đồng người dân tham gia vào hoạt động dịch vụ tại các khu du lịch trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch…
BÍCH NGỌC, TUỆ SAM - Ảnh: TUẤN MINH