Tính hiệu quả và tính kịp thời của các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam

Tóm tắt: Bài viết tập trung nghiên cứu tính kịp thời và hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật trong việc quản lý và thúc đẩy hoạt động phổ biến phim (PBP) trên không gian mạng (KGM). Thông qua phân tích thực trạng triển khai, những thành tựu nổi bật, các hạn chế còn tồn tại, nghiên cứu đề xuất những giải pháp chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Qua đó, bài viết khẳng định vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng của điện ảnh Việt Nam như một ngành công nghiệp văn hóa chủ lực, hướng tới mục tiêu đóng góp 7% GDP quốc gia theo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Từ khóa: Luật Điện ảnh, phổ biến phim, không gian mạng, quản lý pháp luật.

Abstract: This article focuses on examining the timeliness and effectiveness of legal normative documents in managing and promoting film distribution in cyberspace. Through analyzing the current implementation, notable achievements, and existing limitations, the research proposes strategic solutions to enhance law enforcement efficiency. Consequently, the article affirms the role of law in protecting national cultural identity, while emphasizing the potential of Vietnamese cinema as a key cultural industry, aiming to contribute 7% to the national GDP as outlined in the National Target Program for Cultural Development in the 2025-2035 period.

Keywords: Cinematography Law, film distribution, cyberspace, legal management.

1. Thực trạng tính kịp thời và hiệu quả của pháp luật về PBP trên KGM

Đáp ứng nhịp thở của thời đại

Luật Điện ảnh 2022 ra đời trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam đã có nhiều đổi thay, hơn 15 năm kể từ khi những quy định về hoạt động điện ảnh đã được luật hóa, để xem phim, người xem không chỉ tìm đến những môi trường quen thuộc như chiếu phim tại rạp, trên sóng truyền hình hay các cửa hàng bán, cho thuê băng đĩa mà nay nhiều người dễ dàng tiếp cận với đa dạng các thể loại phim mình ưa thích trên KGM. PBP trên KGM trở thành thuật ngữ mới được sử dụng cho các quy định tại Luật, các văn bản dưới Luật và nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở lĩnh vực khác có liên quan tới hoạt động này. Trước khi có quy định về PBP trên KGM, phim trên KGM đã được xác định tại Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2009, nhưng chưa thực sự có quy định cụ thể nên hoạt động này gần như chưa có sự kiểm soát về mặt pháp lý, dẫn đến sự tràn lan của phim có nội dung vi phạm pháp luật từ các nền tảng PBP trực tuyến, các trang web không rõ nguồn gốc hoặc có máy chủ đặt tại nước ngoài. Với các quy định tại Điều 21 Luật Điện ảnh năm 2022, được cụ thể hóa qua Điều 12-17 của Nghị định 131/2022/NĐ-CP và các Thông tư số 17/2022/TT-BVHTTDL, Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL… về cơ bản đã lấp đầy những khoảng trống của văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra một hành lang pháp lý vừa chặt chẽ vừa linh hoạt mang đến những biến chuyển mạnh mẽ trong việc thực thi pháp luật về PBP trên KGM.

Điểm mới mang tính tiên phong của các quy định này chính là sự thay đổi cách tiếp cận quản lý: thay cho tư duy “không quản được thì cấm”, chuyển từ “dễ” quản lý sang “dễ” doanh nghiệp, Luật Điện ảnh năm 2022 cho phép chủ thể được phép PBP tự phân loại phim trước khi phổ biến khi đáp ứng các điều kiện cụ thể, đồng thời thực hiện việc hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo trên phim khi phổ biến. Trách nhiệm của các chủ thể - từ cơ quan quản lý nhà nước (Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh), chủ thể được phép PBP, đến các tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông, có nền tảng truyền thông số - được phân định rõ ràng. Những thay đổi này đã góp phần tháo gỡ những rào cản, những bất cập tồn tại từ lâu, đặc biệt trong việc kiểm soát các nền tảng PBP xuyên biên giới như Netflix, AppleTV… vốn trước đây PBP đến Việt Nam mà gần như không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào.

Ngoài những thành tựu đã nêu, thực tiễn triển khai Luật Điện ảnh 2022 còn cho thấy một số xu hướng tích cực đáng chú ý. Theo thống kê từ Cục Điện ảnh, số lượng phim Việt Nam phát hành trực tuyến tăng 35% trong năm 2023 so với năm 2022, với hơn 120 phim mới được thông báo trên danh sách phim trước khi phổ biến trên các nền tảng nội địa như VieON, FPT Play. Điều này một mặt phản ánh sự thích nghi nhanh chóng với xu hướng số hóa, hội nhập, đồng thời cho thấy hiệu quả ban đầu của các quy định pháp lý trong việc khuyến khích sản xuất phim, sáng tạo nội dung của ngành Điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên xu hướng phát hành, PBP trên KGM trong gần một thập niên trở lại đây, nhìn từ góc độ phim điện ảnh đã đến với người xem ở Việt Nam, ước tính có khoảng gần 40% phim phổ biến trực tuyến mang tải khá sâu đậm bản sắc văn hóa dân tộc nơi nó phát xuất, phần còn lại tập trung vào các thể loại giải trí phổ thông như hài kịch và lãng mạn, điều đó phần nào cho thấy sự cạnh tranh gay gắt của thị trường phim mới này và những tác động không nhỏ mang tính định hướng sáng tạo từ những sản phẩm điện ảnh đến từ ngoài nước.

Sau hơn 2 năm, tác động ban đầu của các quy định này là điều không thể phủ nhận. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước như FPT, TV360, MyTV, AppleTV… đã được công nhận đủ điều kiện PBP trên KGM, các nền tảng đều tuân thủ, thực hiện khá nghiêm túc quy định của Luật Điện ảnh năm 2022 về việc phân loại phim, hiển thị cảnh báo, thực hiện biện pháp kỹ thuật và gỡ bỏ phim vi phạm ngay khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Người xem không chỉ được tiếp cận những tác phẩm điện ảnh có chất lượng cao, cập nhật nhanh với thế giới, mà còn được bảo vệ trước những nội dung không phù hợp, đặc biệt đối với đối tượng là trẻ vị thành niên. Điều đó là minh chứng cho tính khả thi, hiệu quả, kịp thời của pháp luật trong việc bắt kịp nhịp thở của thời đại, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành Điện ảnh trong môi trường số hóa.

Thành tựu nổi bật

Hiệu quả thực thi pháp luật được thể hiện qua sự tuân thủ của các chủ thể, nỗ lực quản lý của cơ quan nhà nước và sự phối hợp giữa các bên liên quan. Các doanh nghiệp Việt Nam như FPT Play, TV360, MyTV… về cơ bản đã nghiêm túc thực thi các quy định về phân loại phim, hiển thị cảnh báo, thông báo danh sách phim trước khi phổ biến và gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nhiều phim vi phạm Điều 9 Luật Điện ảnh năm 2022 đã được các chủ thể được phép PBP trên KGM gỡ bỏ ngay theo yêu cầu của Bộ VHTTDL, cho thấy mức độ chấp hành cao (1).

Đối với các tổ chức PBP xuyên biên giới như Netflix, AppleTV, iQIYI, WeTV… sự khác biệt về văn hóa và thể chế chính trị còn thấy được trong ứng xử của phương thức tổ chức, hoạt động vận hành nhưng các chủ thể này cũng đã thể hiện ứng xử tích cực, tôn trọng trong việc phối hợp với Bộ VHTTDL để tuân thủ pháp luật Việt Nam. Theo báo cáo của Tổ công tác quản lý hoạt động PBP trên KGM, tính đến nay, đã có 20 doanh nghiệp trong nước và tổ chức xuyên biên giới được công nhận đủ điều kiện phân loại PBP trên KGM. Kết quả này là sự hợp tác giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trong lĩnh vực PBP trên KGM đồng thời một lần nữa cho thấy các quy định pháp lý rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ… đã tạo ra một môi trường minh bạch và công bằng, không chỉ nâng cao được chất lượng dịch vụ mà còn góp phần giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và an ninh, chủ quyền quốc gia.

Về mặt quản lý, Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả như phổ biến tuyên truyền pháp luật kết hợp với hướng dẫn phân loại phim đan xen với kiểm tra định kỳ, đột xuất phim đã phổ biến của các chủ thể được phép PBP trên KGM. Tổ công tác quản lý phim trên KGM được thành lập ngày 11-4-2023 đến ngày 31-12-2024, đã kiểm tra việc thẩm định và hiển thị phân loại với hơn 160 phim (tương đương hơn 1.500 tập, 1.200 giờ), phát hiện và yêu cầu điều chỉnh những phim chưa được thực hiện đúng theo quy định về phân loại độ tuổi, hiển thị cảnh báo đồng thời rà soát gỡ bỏ phim vi phạm cũng như phim không được cấp giấy phép phổ biến trước khi có Luật Điện ảnh năm 2022. Hệ thống kỹ thuật chặn lọc của các cơ quan, tổ chức có liên quan cũng đóng vai trò quan trọng, với 1.461 website/ blog xấu độc bị chặn, bao gồm nhiều trang PBP bất hợp pháp (2). Các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong năm 2023 - 2024 cho thấy hầu hết chủ thể được phép PBP trên KGM chấp hành nghiêm túc các kết luận và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Thanh tra Bộ VHTTDL đã phối hợp với Cục Điện ảnh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của một số chủ thể được phép PBP từ vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm quy định Luật Điện ảnh, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp lớn như FPT Play, TV360, Galaxy Play, Netflix, Apple TV… rà soát toàn bộ phim trước khi phổ biến, đảm bảo tuân thủ quy định Điều 21 và không vi phạm các nội dung cấm tại Điều 9 Luật Điện ảnh năm 2022.

Sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông (trước đây), Bộ Công an và các chủ thể được phép PBP trên KGM, các doanh nghiệp viễn thông trở thành điểm sáng trong công tác phối hợp liên ngành, liên thành phần thực thi pháp luật. Các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại Hà Nội và TP.HCM cho các doanh nghiệp như FPT Play, TV360, MyTV, Mobile TV… không chỉ góp phần nâng cao nhận thức mà còn là sợi dây gắn kết giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận trong việc tuân thủ các quy định pháp luật. Những thành tựu này khẳng định rằng Luật Điện ảnh 2022 không chỉ kịp thời mà còn hiệu quả trong việc định hướng và quản lý hoạt động PBP trên KGM.

Thách thức từ thực tiễn

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình thực thi pháp luật vẫn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Trước hết, nhân sự thực hiện công tác quản lý hoạt động PBP trên KGM hiện tại có số lượng rất khiêm tốn, chỉ có 1 cán bộ công chức chuyên trách thuộc chỉ tiêu biên chế của Cục Điện ảnh, phần lớn còn lại là các cán bộ công chức hoạt động kiêm nhiệm. Thiết bị công nghệ và cơ sở vật chất phục vụ cho tổ công tác chỉ ở mức tối thiểu, chưa được trang bị hơn các trang thiết bị cho công tác, nhiệm vụ văn phòng phổ thông, chưa có máy tính với các phần mềm chuyên dụng, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện việc đào tạo, rà quét thay thế nguồn nhân lực thực hiện theo giải pháp thủ công. Trong khi đó số lượng phim trực tuyến không chỉ tiếp tục tăng nhanh mà còn xuất hiện nhiều phim nhiều tập phát song song (simulcast) với nội dung phức tạp và vi phạm ngày càng tinh vi, nên nguồn lực vật lực càng bộc lộ những hạn chế, chưa đủ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn chứ chưa nói đến tương lai.

Thứ hai, nguồn ngân sách nhà nước chi cho công tác quản lý phim trên KGM còn rất khiêm tốn, không nói là quá eo hẹp nhưng chưa thực sự tương xứng với khối lượng công việc. Điều này ảnh hưởng đến khả năng và hiệu quả của công tác hậu kiểm, giám sát và xử lý vi phạm một cách toàn diện, đặc biệt khi các nền tảng trực tuyến thường xuyên cập nhật phim mới chưa theo bất kỳ một quy luật nào. Số lượng phim được chủ động hậu kiểm chỉ tương đương với số lẻ trong tổng số phim đã và đang phổ biến trên KGM, trong khi các vi phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, thậm chí đòi hỏi tính chất chuyên gia sâu khi tiếp cận bởi những vấn đề vi phạm có thể chưa từng xuất hiện trước đây nên khi nguồn nhân lực hiện tại không phải là thế mạnh như đã nêu trên, thì công nghệ thông minh hỗ trợ càng trở thành nhu cầu cấp thiết hơn bất cứ khi nào. Theo số liệu khảo cứu của nhóm nghiên cứu công tác PBP trên KGM, nếu Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Điều 42 Luật Điện ảnh năm 2022) đi vào hoạt động với nguồn thu trích lại 1% từ doanh thu phòng vé đối với phim nhập khẩu và 0,5% từ quảng cáo trực tuyến, quỹ này có thể huy động được khoảng 50-70 tỷ đồng mỗi năm có thể góp phần quan trọng hỗ trợ, tài trợ cho các dự án sản xuất phim ngắn, phim thử nghiệm và bảo tồn hiệu quả hơn bản sắc văn hóa Việt Nam. Sự chậm trễ trong việc thành lập Quỹ này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà làm phim độc lập mà còn làm giảm động lực sáng tạo trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng quốc tế.

Thứ ba, sự phân cấp quản lý chưa thực sự mang lại hiệu quả như đề ra. Các cơ quan quản lý tại địa phương chưa sẵn sàng tham gia vào công tác phân loại phim một phần do không đáp ứng điều kiện theo quy định, nhưng ngay cả khi có đủ điều kiện như TP.HCM, thành phố Hà Nội cũng chưa thực sự chủ động đề xuất để thành lập và vận hành Hội đồng thẩm định phim, dẫn đến tình trạng khó thành lập được mạng lưới đồng bộ trong công tác quản lý hoạt động này. Công tác thanh, kiểm tra ngoài những chủ động tích cực như đã nêu trên nhưng cũng còn có không ít vụ việc bị động, chỉ được tiến hành sau khi có phản ánh từ dư luận, từ những nguồn thông tin khác như trường hợp một số chủ thể PBP trên KGM khi PBP Hướng gió mà đi, Đội tuần tra lưu động...

Thứ tư, việc phân loại phim trên KGM, một hoạt động tác nghiệp quan trọng được quy định tại Điều 21 Luật Điện ảnh gặp khá nhiều khó khăn do không có quy định thành phần hội đồng theo tiêu chuẩn trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ nên kết quả phân loại phim được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL nhưng phần nhiều vẫn dựa trên định tính, thiếu sự đồng bộ trong nhận thức về pháp luật. Phần nhiều hội đồng phân loại phim trên KGM của các doanh nghiệp không có chuyên gia điện ảnh hoặc có tên chuyên gia nhưng chỉ mang tính hình thức, dẫn đến tình trạng các hội đồng không có sự thống nhất trong kết quả phân loại khi phân loại cùng một phim. Ngay cả khi hội đồng có đủ thành phần, việc nắm bắt các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định hướng dẫn để phân loại chính xác độ tuổi (như K, T13, T16, T18) vẫn là thách thức. Chẳng hạn, một số phim để có thể phân loại ở mức T13 khi có cảnh nóng hay bạo lực… ở mức độ nhẹ nhưng nội dung lại có một số yếu tố không định lượng được rõ ràng mà không được khuyến khích dẫn đến phải nâng mức độ phân loại lên T16. Yếu tố con người trong việc thẩm định luôn giữ vai trò quan trọng, bởi nếu không được trang bị đầy đủ cơ sở lý luận, kiến thức văn hóa, kiến thức điện ảnh phong phú, vững vàng, người thẩm định không dễ thực hiện được việc phân loại đúng theo quy định, không dễ định lượng được mức độ bạo lực, tình dục cũng như có hay không những yếu tố nhạy cảm như gây kích động hay mang tính cảnh tỉnh để cảnh báo cũng như để lên án, phê phán cái ác, cái xấu. Một số phim có hình ảnh, lời thoại miêu tả chi tiết sự tàn bạo, cái ác, cảnh sử dụng ma túy có thể vô tình mà trở thành hành vi hướng dẫn và người xem có thể bắt chước làm theo… dẫn đến vi phạm Luật Điện ảnh nhưng những lỗi vi phạm khá điển hình này gần như chưa được hội đồng phân loại phim của các chủ thể được phép PBP trên KGM nhận thức một cách đầy đủ, buộc cơ quan quản lý phải có biện pháp xử lý những sai phạm.

Thứ năm, vi phạm bản quyền tác giả và nội dung không phù hợp vẫn thường xuyên là vấn đề được đề cập đến khi nói về PBP trên KGM. Trong khi nhiều chủ thể được phép PBP trên KGM đang vất vả dồn cả tâm, lực để bổ sung cho kho phim thêm phần phong phú, hấp dẫn, thu hút người xem bằng cách mua bản quyền phim mới, thì không ít các trang web bất hợp pháp cung cấp miễn phí và ngang nhiên tồn tại. Khi bị cơ quan chức năng chặn truy cập thì ngay sau đó chúng chỉ cần đổi tên hoặc chuyển sang miền khác mà tiếp tục duy trì sự hiện diện như thách thức đối với công tác quản lý, phá vỡ sự phát triển lành mạnh của thị trường khi thu hút một lượng khán giả không nhỏ xem phim mà không cần trả phí. Một số phim bị cấm, phim phân loại C vẫn quay trở lại trên KGM chỉ sau một thời gian ngắn có kết quả phân loại hay bị gỡ bỏ từ cách thức PBP khác, khiến cho việc xử lý đôi khi không khác gì việc “bắt cóc bỏ đĩa”. So với những nền tảng PBP trong nước, các nền tảng đặt máy chủ ở nước ngoài, việc kiểm soát nội dung tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam có một số khó khăn hơn. Trong khi những vi phạm liên quan đến lợi ích quốc gia, chủ quyền biển đảo… thường được ngăn chặn và luôn xử lý triệt để thì những lỗi vi phạm khác chưa được định lượng cụ thể theo luật định, việc xử lý còn có phần nhẹ nhàng hơn so với tác động tiêu cực của hành vi vi phạm đó mang lại, đặc biệt đối với các chủ thể phổ biến xuyên biên giới. Những hình ảnh, lời thoại chưa thực sự phù hợp với thuần phong mỹ tục, với văn hóa Việt Nam cũng trở thành sự bất bình đẳng trong việc xử lý bằng công cụ pháp luật khi nguyên nhân phần nhiều xuất phát từ những khác biệt về văn hóa, nhưng những phim này lại có số lượng không nhỏ trong kho phim của các nền tảng PBP xuyên biên giới.

Sau cùng, không ít phim ngắn, phim thể nghiệm vi phạm bản quyền do các nhà làm phim độc lập sản xuất đã bị phát tán trên các nền tảng thương mại khác không phải là nền tảng PBP, không được phép PBP trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại không nhỏ chỉ cần nhìn từ góc độ kinh tế và tinh thần sáng tạo nghệ thuật cho tác giả, các nhà làm phim. Điều này cho thấy hệ thống giám sát hiện tại, có nguồn lực từ con người và thiết bị công nghệ vẫn chưa thực sự đủ khả năng đáp ứng, xử lý triệt để các nội dung vi phạm ở nhiều hình thức, cấp độ. KGM vẫn là môi trường chưa thực sự an toàn, lành mạnh, trong sạch đối với nhiều người xem phim. Những hạn chế như đã nêu trên phần nào là những ánh xạ cho thấy cần có những điều chỉnh và đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt hơn để pháp luật thực sự phát huy vai trò trong môi trường số.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật

Để khắc phục những hạn chế và phát huy tối đa hiệu quả của Luật Điện ảnh 2022 trong quản lý hoạt động PBP trên KGM, cần triển khai các giải pháp chiến lược, mang tính đồng bộ và dài hạn.

Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Nguồn thu của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cần được cụ thể hóa, như trích từ doanh thu bán vé phim nhập khẩu, phí thẩm định, hoặc doanh thu quảng cáo, nhằm sớm thành lập và đưa Quỹ vào hoạt động, tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ ngành Điện ảnh. Đồng thời, các quy định chi tiết về quản lý phim xuyên biên giới cần được bổ sung, hoàn thiện hơn, đảm bảo tính minh bạch và công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, việc tăng cường đầu tư ngân sách và công nghệ là yếu tố then chốt. Nhà nước cần bố trí ngân sách để mua sắm thiết bị hiện đại và xây dựng hệ thống giám sát tự động, đáp ứng khối lượng phim trực tuyến ngày càng lớn. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý dữ liệu lớn (Big Data) để giám sát liên tục 24/7, phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời sẽ giúp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ văn hóa trong môi trường số. Hệ thống này có thể được phát triển dựa trên mô hình của Hàn Quốc, nơi sử dụng AI để rà, quét nội dung không phù hợp quy định với độ chính xác lên đến 95%. Chi phí ban đầu có thể cao, nhưng hiệu quả dài hạn sẽ vượt trội, đặc biệt khi áp dụng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Thứ ba, đào tạo và nâng cao năng lực nhân sự là một yêu cầu cấp thiết. Cần tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ và quản lý điện ảnh, đảm bảo cân đối về số lượng và chất lượng nhân lực. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo chuyên gia thẩm định phim, giúp họ nắm vững các văn bản pháp luật và có kiến thức điện ảnh sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn để phân loại phim chính xác, tránh tình trạng duy ý chí. Khuyến khích sự tham gia của thành phần ngoài nhà nước vào đào tạo nguồn nhân lực để góp phần đa dạng hóa phương thức đào tạo, phát huy nhiều nguồn lực xã hội sẽ giúp đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành trong thời đại số, từ đó giảm tải cho đội ngũ quản lý hiện tại vốn đang quá mỏng.

Thứ tư, cần thúc đẩy phân cấp và tăng cường phối hợp với các địa phương. Hỗ trợ các địa phương như TP.HCM, Hà Nội thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim sẽ giảm tải cho Bộ VHTTDL, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý ở cấp cơ sở. Xây dựng cơ sở dữ liệu phim đã thẩm định, phân loại, tạo điều kiện cho các địa phương truy cập và quản lý hiệu quả là một bước đi cần thiết để đồng bộ hóa hệ thống quản lý trên toàn quốc. Ngoài ra, cần thành lập các trung tâm nghiên cứu điện ảnh tại các địa phương trọng điểm như Cần Thơ, Đà Nẵng và Huế, nơi có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Các trung tâm này không chỉ hỗ trợ thẩm định phim mà còn tổ chức các hội thảo, triển lãm để nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của điện ảnh trong bảo tồn bản sắc.

Thứ năm, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa và xử lý nghiêm khi có vi phạm. Thanh tra Bộ VHTTDL đã xử phạt vi phạm hành chính 3 tổ chức và 1 cá nhân với tổng số tiền 227.500.000 đồng, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp như Netflix, Apple, TV360, FPT Play, Galaxy Play… rà soát toàn bộ kho phim trong quá trình tiếp tục phổ biến. Tuy nhiên, cần xây dựng cơ chế kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các chủ thể PBP trên KGM, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới, để đảm bảo thực thi nghiêm Điều 9 Luật Điện ảnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) trong và ngoài nước (như Google, YouTube…) để ngăn chặn truy cập vào các website và từ các đường link vi phạm - hiện đã chặn 2.763 website và 3.611 link, bao gồm các nội dung vi phạm bản quyền từ các chủ sở hữu lớn như JTBC, KBS, SBS (3).

Thứ sáu, hợp tác quốc tế cần được đẩy mạnh để giao lưu hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quản lý và hỗ trợ, chuyển giao công nghệ. Thiết lập thỏa thuận hợp tác song phương với các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam tiếp thu các mô hình quản lý phim trực tuyến tiên tiến. Ngoài ra, Việt Nam có thể tham gia các quỹ hỗ trợ điện ảnh quốc tế như Eurimages (châu Âu), Quỹ Phát triển Điện ảnh châu Á (ACF), nhằm huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án phim mang đậm bản sắc dân tộc. Đồng thời, tăng cường quảng bá phim Việt Nam qua các liên hoan phim quốc tế, như tổ chức một sự kiện thường niên tại các thành phố sáng tạo trong nước đã được vinh danh, sẽ tạo cơ hội quảng bá cho các nhà làm phim, nhất là các nhà làm phim trẻ tiếp cận, giao lưu văn hóa góp phần tạo sự hài hòa trong môi trường phát triển thị trường điện ảnh nói chung, thị trường phim trên KGM nói riêng.

Thứ bảy, cần xây dựng một chiến lược truyền thông dài hạn để nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng. Các chiến dịch như “Điện ảnh Việt - Gìn giữ Hồn Việt” có thể được triển khai qua mạng xã hội, kết hợp với các trường đại học để giáo dục sinh viên về trách nhiệm bảo vệ bản sắc văn hóa. Tổ chức cuộc thi làm phim ngắn về chủ đề bản sắc dân tộc, với giải thưởng từ Quỹ hỗ trợ (khi thành lập), sẽ khơi dậy sự sáng tạo và ý thức cộng đồng. Ngoài ra, tổ chức các buổi chiếu phim cộng đồng tại các vùng nông thôn, nơi nhận thức pháp luật còn hạn chế, sẽ giúp lan tỏa giá trị văn hóa và tăng cường sự tuân thủ pháp luật.

Cuối cùng, cần đánh giá lại hiệu quả của các quy định hiện hành sau mỗi 3 năm triển khai, thay vì chỉ dựa vào báo cáo định kỳ. Một nghiên cứu độc lập, do các học giả trong và ngoài nước thực hiện, sẽ giúp xác định những khoảng trống pháp lý và đề xuất sửa đổi kịp thời, tạo tiền đề cho các chính sách văn hóa trong tương lai. Việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia như Pháp - nơi có hệ thống Quỹ CNC (Centre National du Cinéma) hỗ trợ sản xuất và quảng bá phim - hoặc Hàn Quốc, Singapore - với nhiều nét tương đồng về văn hóa, cùng những mô hình quản lý chặt chẽ đối với các nền tảng trực tuyến sẽ cung cấp những bài học quý báu để hoàn thiện khung pháp lý Việt Nam.

Những giải pháp này không chỉ là các biện pháp kỹ thuật mà còn là lời kêu gọi cho một sự đồng hành toàn diện giữa pháp luật, nghệ thuật và văn hóa. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử xuyên biên giới tiếp tục định hình tương lai, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ giúp Luật Điện ảnh 2022 phát huy tối đa hiệu quả, đưa điện ảnh Việt Nam vươn mình trở thành một ngành công nghiệp văn hóa chủ lực, đóng góp 7% GDP quốc gia như mục tiêu đã đề ra.

3. Kết luận

Luật Điện ảnh 2022 cùng các văn bản hướng dẫn đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc quản lý hoạt động PBP trên KGM tại Việt Nam. Sau hơn 2 năm triển khai, từ sự đồng thuận của xã hội, sự tuân thủ của các doanh nghiệp và nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước đến sự phối hợp giữa các bên, pháp luật đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc định hướng và thúc đẩy phát triển ngành Điện ảnh trong môi trường số. Tuy nhiên, những hạn chế về nhân lực, ngân sách, công nghệ, sự phân cấp quản lý cùng với các thách thức trong thẩm định, phân loại phim trong việc ngăn chặn, kiểm soát, đảm bảo việc thực thi pháp luật trước khi phim được phổ biến đến người xem cho thấy vẫn còn một chặng đường dài để hành lang pháp lý thực sự hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi trở thành điểm tựa và bệ phóng cho sự phát triển bền vững của ngành Điện ảnh.

Điện ảnh Việt Nam, với bề dày lịch sử và tiềm năng sáng tạo, mang trong mình sứ mệnh vừa bảo tồn bản sắc dân tộc, vừa phát triển hiện đại hòa nhập với thế giới. Hành trình ấy không chỉ là câu chuyện của những tổ chức xây dựng, bảo vệ và thực thi pháp luật mà còn là khát vọng của những người làm nghệ thuật, những người giữ lửa cho văn hóa Việt Nam trong thời đại số. Với những giải pháp chiến lược được đề xuất, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai nơi điện ảnh không chỉ là nghệ thuật mà còn là ngành kinh tế quan trọng trong các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế của một quốc gia dân tộc đáng tự hào trên bản đồ toàn cầu.

____________________________

1, 2. Báo cáo số 3148/BC-UBVHGD15 ngày 30-12-2024 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

3. Đặng Thị Quỳnh Hoa, Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam, Tham luận Hội thảo khoa học “Quản lý Phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”.

Tài liệu tham khảo

1. Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31-12-2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.

2. Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15.

3. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Báo cáo kết quả khảo sát việc triển khai thực hiện Luật Điện ảnh, 30-12-2024.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 23-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 10-3-2025; Ngày duyệt bài: 25-3-2025.

TS ĐỖ QUỐC VIỆT - Ths TRẦN VĂN ƯỚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025

;