Theo thống kê, cả nước có gần 1 vạn lễ hội truyền thống được phân bố rộng rãi, trải dài từ Bắc đến Nam. Gọi là lễ hội truyền thống bởi những lễ hội này vốn có từ lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ, phong tục, trình tự… và được duy trì qua nhiều thế hệ. Ví dụ như: lễ Tết Nguyên đán, lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Xuân núi Bà Đen (Tây Ninh), Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam (An Giang),… Đa phần các lễ hội diễn ra trong một dịp đặc biệt, theo thời gian, theo phạm vi lớn nhỏ, hoặc tính chất,… và đến hướng tới những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp.
Lễ rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân trong Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Trân trọng lễ hội truyền thống là cách mỗi người thực hiện nghĩa cử cao đẹp với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”; thành kính, tôn vinh, biết ơn đối với các vị thần, linh vật, nhân vật lịch sử,… đã có công khai thiên lập địa, chiến đấu chống kẻ thù, xây dựng, bảo vệ toàn vẹn bờ cõi đất nước, mang lại cuộc sống no ấm, đủ đầy cho nhân dân.
Trân trọng lễ hội truyền thống là cách để mỗi người chung tay bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị, phong tục, nghệ thuật, lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc. Khi cuộc sống sinh động trong quá khứ được tái hiện lại một cách chân thực, mỗi người sẽ được tiếp xúc, hiểu và biết rõ hơn về truyền thống văn hóa của quê hương mình, sẽ yêu quý hơn đất nước mình. Trong xu thế hội nhập văn hóa thế giới, trong sự phát triển như vũ bão của thời đại công nghệ số, việc trân trọng các lễ hội truyền thống sẽ giúp cho văn hóa dân tộc vốn được hun đúc qua hàng ngàn năm không bị hòa nhập, hòa tan trong chính tâm thức của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Trân trọng lễ hội truyền thống, mỗi chúng ta sẽ cùng nhau tạo nên sự gắn kết cộng đồng càng thêm bền chặt. Cho dù lễ hội lớn hay nhỏ, đó vẫn là tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, vốn liếng văn hóa của dân tộc. Tham gia lễ hội, mọi người được dịp chia sẻ những giá trị chung, được gặp gỡ, giao lưu, được mang đến cho nhau niềm vui, hứng thú, giải trí, đồng thời cùng xây dựng những thói quen mới, lối sống, cách hành xử văn minh trong xã hội hiện đại.
Trân trọng lễ hội truyền thống, mỗi người sẽ góp phần chung tay xây dựng, phát triển kinh tế đất nước. Không khó để thấy rằng, các lễ hội truyền thống bên cạnh yếu tố tinh thần còn mang giá trị kinh tế. Bởi giá trị của lễ hội không nằm ở sản phẩm đơn thuần mà là sản phẩm đặc biệt, thông qua các lễ hội sẽ thu hút đông đảo khách du lịch thập phương. Một khi nguồn lực phát triển văn hóa du lịch ở các địa phương phát triển, tất yếu sẽ tạo đà cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Lễ hội truyền thống chính là sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại, là “giáo án” vô giá góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, đoàn kết, đùm bọc yêu thương lẫn nhau trong cộng đồng. Những gì là hồn cốt, là bản sắc văn hóa dân tộc, nếu được người trẻ tiếp xúc, học hỏi, hiểu biết, chắc chắn những cốt lõi truyền thống sẽ mãi được kế thừa, tiếp nối, gìn giữ, phát huy và lan tỏa.
Dù trải qua hàng nghìn năm nhưng những lễ hội truyền thống vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ vốn có. Nhiều lễ hội bấy lâu thất truyền đã được phục dựng lại. Nhiều lễ hội lớn hoặc lễ hội có quy mô làng xã cũng được nâng tầm. Đây đó vẫn còn một số những hạn chế về khâu tổ chức, những tồn tại mê tín dị đoan, cờ bạc, trục lợi hay tư tưởng thương mại hóa… nhưng nhìn chung, lễ hội truyền thống chính là linh hồn sống động của văn hóa đất nước, nơi trao truyền, tỏa sáng những giá trị văn hóa tốt đẹp ngàn đời cha ông để lại.
LÊ THỊ XUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025