Truyền thông với bảo vệ, phát huy di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập

1. Vị trí, vai trò của di sản văn hóa

Cùng với ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, di sản văn hóa ở Việt Nam ngày càng được quan tâm bảo vệ như nguồn tài nguyên vô tận của đất nước. Có thể khẳng định, di sản văn hóa thực sự là nguồn tài nguyên hữu hình/vật thể và vô hình/phi vật thể, là bộ phận cấu thành “sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (1). Di sản văn hóa được tu bổ, tôn tạo (di sản văn hóa vật thể) và phục dựng, thực hành (di sản văn hóa phi vật thể) theo đúng chuẩn mực khoa học và truyền thống văn hóa sẽ trở thành tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch, cung cấp loại hình dịch vụ văn hóa có sức hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch - văn hóa, một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Với vị trí và vai trò nêu trên, việc bảo tồn di sản văn hóa có thể đóng góp vào cả 3 khía cạnh cơ bản của phát triển bền vững là: “…bền vững của môi trường, phát triển kinh tế và phát triển xã hội, cùng với thúc đẩy hòa bình và an ninh…” (2).

Tuy nhiên, trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập, di sản văn hóa luôn dối diện với nhiều nguy cơ, bị tác động mạnh mẽ, bị biến đổi nhanh chóng, thậm chí bị xâm hại, hủy hoại. Vì vậy, để di sản văn hóa đóng góp tốt hơn vào phát triển kinh tế - xã hội và gắn kết hài hòa giữa di sản văn hóa với phát triển bền vững trong quá trình hội nhập quốc tế, cần xác định rõ, tập trung vào 7 nhiệm vụ cụ thể: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách về di sản văn hóa; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa; nhận thức việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển bền vững có mối quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau; gắn bảo tồn với phát huy và khai thác thông qua phát triển du lịch bền vững; tiếp tục ban hành và thực hiện những chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; chú trọng công tác đào tạo cán bộ quản lý di sản văn hóa và Bảo vệ di sản văn hóa phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có thể thấy, 3 trong số 7 nhiệm vụ cụ thể gắn liền với truyền thông (hoạt động 2,3 và 7). Như vậy, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để đạt được mục tiêu nói trên, đồng hành và xuyên suốt trong hoạt động bảo vệ di sản văn hóa, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập ở Việt Nam.

2. Truyền thông với bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập

Có nhiều cách định nghĩa lĩnh vực truyền thông, trong đó truyền thông không bằng lời, truyền thông bằng lời và truyền thông biểu tượng. Theo từ điển Wikipedia, truyền thông nghĩa là “chia sẻ”, là hoạt động truyền đạt thông tin thông qua trao đổi ý tưởng, cảm xúc, ý định, thái độ, mong đợi, nhận thức hoặc các lệnh, như ngôn ngữ, cử chỉ phi ngôn ngữ, chữ viết, hành vi và có thể bằng các phương tiện khác như thông qua điện từ, hóa chất, hiện tượng vật lý và mùi vị. Đó là sự trao đổi có ý nghĩa của thông tin giữa hai hoặc nhiều thành viên (máy móc, sinh vật hoặc các bộ phận của chúng).

Truyền thông là một kiểu tương tác xã hội, trong đó ít nhất có hai tác nhân tương tác lẫn nhau, chia sẻ các quy tắc và tín hiệu chung. Ở dạng đơn giản, thông tin được truyền từ người gửi tới người nhận. Ở dạng phức tạp hơn, các thông tin trao đổi liên kết người gửi và người nhận. Truyền thông thường gồm ba phần chính: nội dung, hình thức, và mục tiêu. Nội dung truyền thông bao gồm các hành động trình bày kinh nghiệm, hiểu biết, đưa ra lời khuyên hay mệnh lệnh, hoặc câu hỏi. Các hành động này được thể hiện qua nhiều hình thức như động tác, bài phát biểu, bài viết, hay bản tin truyền hình. Ở cấp độ lớn nhất, truyền thông đại chúng chuyển thông điệp tới một lượng rất lớn các cá nhân thông qua phương tiện thông tin đại chúng và phải đạt được mục đích là gửi và nhận thông tin.

Hiểu về vai trò truyền thông sẽ giúp việc tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin làm cho giá trị di sản văn hóa dân tộc có sức lan tỏa và ảnh hưởng trong đời sống xã hội để thực hiện tốt chức năng liên kết cộng đồng, củng cố sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và ý thức độc lập tự chủ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Vai trò của truyền thông với di sản văn hóa được Peter Howard đánh giá như sau: “Có dấu hiệu về một lực lượng mới và quan trọng trong thị trường di sản được đại diện bởi truyền thông. Giới truyền thông luôn quan tâm tới các vấn đề di sản và đã đưa tin rộng rãi về chúng, mặc dù việc đó được thực hiện tốt hay không đang còn tranh cãi… Di sản là một sản phẩm trên thương trường và đó là một thị trường đông đúc. Có ít nhất năm thành viên tham gia thị trường, bao gồm những chủ sở hữu, các cơ quan chính phủ và học giả cũng như khách du lịch và người trong cuộc, và truyền thông là thành viên thứ sáu… Quan hệ công chúng hay quản lý truyền thông, do vậy, là một khía cạnh lớn của công tác quản lý di sản thành công, bao gồm cả chính sách rõ ràng đối với những rủi ro mà giới truyền thông gây ra. Điều này nhanh chóng trở thành tiêu chí ảnh hưởng đến toàn bộ sự thành bại của các dự án. Chiến lược truyền thông do vậy cần phải được đặt ở trung tâm, và quả thực được đưa ra bàn luận bởi ban quản lý một dự án di sản đang hình thành, và sẽ cần tính đến yếu tố “đáng đưa tin”.

Ông cho rằng, truyền thông là một trong 6 đối tượng tham gia vào quá trình tác động tới di sản theo nhu cầu và mong muốn nhất định của mỗi bên, gồm: chủ sở hữu di sản, cộng đồng cư dân địa phương, khách tham quan, du lịch, chính quyền địa phương, các nhà nghiên cứu và truyền thông. Giữa các đối tượng này có thể nảy sinh các mâu thuẫn vì cùng mối quan tâm tới di sản nhưng nhu cầu và cách tiếp cận khác nhau. Ở vị trí cuối cùng của mình, truyền thông lại thường giữ vai trò trung gian, giảm thiểu các mâu thuẫn giữa các bên (4).

Truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Vai trò đặc biệt này được thể hiện ở chỗ sức mạnh, sự ảnh hưởng của truyền thông trong xã hội ngày nay và mối quan hệ mật thiết giữa truyền thông với di sản văn hóa. Chính vai trò của truyền thông đã góp phần đưa vịnh Hạ Long của Việt Nam trở thành di sản thiên nhiên của thế giới, được UNESCO ghi danh… Cũng nhờ truyền thông, những di sản của Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn, như cố đô Huế, khu phố cổ Hội An, Danh thắng Tràng An, Phong Nha - Kẻ Bàng… Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Việt Nam cũng tăng lên rất nhiều theo thời gian, góp phần khẳng định vị trí và vai trò của di sản văn hóa trong đời sống xã hội, phát triển du lịch và đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những phát hiện, phản ánh của truyền thông đã hỗ trợ các nhà quản lý văn hóa và chính quyền địa phương nắm bắt được những sai phạm để tìm cách tháo gỡ, xử lý, như trường hợp các công trình xây dựng trong khu di sản Tràng An, khu danh thắng Núi Sam, công viên dịa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn hay sự xuống cấp và vắng khách của các bảo tàng địa phương...

 

Phố cổ Hội An - Ảnh: Hoàng Duy

 

Tuy nhiên, có những lúc, sự can thiệp hay định hướng chưa đầy đủ, chưa chuẩn của truyền thông lại mang tới những ảnh hưởng tiêu cực cho di sản văn hóa. Hay nói cách khác, truyền thông đã tạo nên mâu thuẫn giữa các bên cũng như mâu thuẫn với chính truyền thông, và khi đó, chính quyền địa phương, với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu lại giữ vai trò trung gian, hòa giải. Câu chuyện về lễ hội Ném Thượng là ví dụ điển hình. Suốt một thời gian, dư luận xã hội, các cơ quan truyền thông đã liên tục đề cập vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội cổ truyền theo hướng tập trung phê phán các hiện tượng được cho là “tiêu cực”, mà thiếu sự nhận diện sâu sắc và phản ánh đầy đủ những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc liên quan đến lễ hội, cũng như những lớp tín ngưỡng dân gian và văn hóa tâm linh được tích hợp trong các nghi thức của lễ hội cổ truyền.

Việc chưa quan tâm quảng bá rộng rãi các giá trị lịch sử - văn hóa trong lễ hội mà chỉ khai thác những yếu tố mang tính chất “giật gân” của truyền thông cho thấy, cần nhiều hơn nữa các giải pháp định hướng truyền thông trong hoạt động quảng bá, tuyên truyền các giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung, lễ hội cổ truyền nói riêng và nâng cao nhận thức của đông đảo người dân về bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa.

Do đó, muốn tạo lập được thế cân bằng, truyền thông cần khẳng định được vai trò và vị trí trung gian của mình để làm tốt việc quảng bá di sản, truyền tải và phát huy giá trị của thông tin trong lĩnh vực di sản văn hóa thông qua các hoạt động truyền thông đa phương tiện, xuất bản ấn phẩm, tổ chức sự kiện… Xu hướng chung, và cũng là mong muốn, hiện nay là tìm kiếm điểm gặp gỡ giữa di sản và truyền thông, nghĩa là truyền thông góp phần bảo vệ di sản và truyền thông góp phần phát huy giá trị di sản. Có như thế, truyền thông sẽ góp phần xóa nhòa khoảng cách của sự khác nhau trong cách nhận diện, đánh giá giá trị di sản của các nhà nghiên cứu văn hóa, cộng đồng chủ thể, du khách tham dự lễ hội và dư luận xã hội nói chung. Về vấn đề này, có thể nêu một số khía cạnh cụ thể sau đây:

Truyền thông phổ biến pháp luật: là truyền thông mang tính chính thống, có định hướng bài bản và có mục tiêu rõ ràng với các nội dung công khai, minh bạch. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, truyền thông pháp luật về di sản cần đi tới “hang cùng ngõ hẻm”, tới toàn bộ các di tích, không gian thực hành di sản và tới cộng đồng chủ sở hữu, thực hành di sản.

Truyền thông nâng cao nhận thức của chủ thể sở hữu/ thực hành di sản: truyền thông đại chúng hay mạng xã hội đều có thể thực hiện nội dung này, đảm bảo cộng đồng có thể tiếp cận đầy đủ thông tin với hiểu biết toàn diện về nội dung truyền thông và hiểu biết đầy đủ về giá trị di sản mà họ sở hữu. Công việc này đỏi hỏi trình độ, năng lực hiểu biết của chính những đối tượng làm truyền thông.

Truyền thông nâng cao nhận thức về di sản cho cộng đồng: bên cạnh chủ thể di sản, cộng đồng khách thể liên quan cũng cần có sự hiểu biết về di sản và giá trị di sản mà họ quan tâm hay muốn tiếp cận. Do đó, truyền thông giữ vai trò thông tin trung thực, chính xác cả về di sản lẫn chủ thể di sản đến cộng đồng khách thể của di sản với thông điệp tích cực nhất là cùng hỗ trợ cộng đồng chủ thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đến lượt mình, chính cộng đồng khách thể cũng lại đóng vai trò truyền thông để tiếp tục thông tin tới các đối tượng khác về di sản và giá trị di sản mà họ đã tiếp cận.

Truyền thông nội dung thay cho truyền thông “câu view”: truyền thông về di sản không nên được thực hiện theo cách “câu view” mà thay vào đó, nên hướng tới sự hiểu biết đầy đủ của đối tượng được truyền thông và đặc biệt, còn phải là sự hiểu biết đầy đủ của chủ thể của di sản về các di sản của mình đang nắm giữ, trong một số trường hợp, đó không chỉ là về di sản mà còn là về chính cá nhân người nắm giữ, thực hành di sản.

Cuối cùng, chính truyền thông cũng cần được định hướng và nâng cao nhận thức về di sản văn hóa, cộng đồng chủ thể di sản văn hóa mà họ sẽ tiếp cận, tránh nhìn nhận chủ quan một chiều, tránh áp đặt văn hóa và đảm bảo tôn trọng các tập tục của cộng đồng khi tiếp cận và thông tin về di sản. Bài học về cách gọi tên di sản không đúng với bản chất di sản của cộng đồng (lễ đâm trâu thay vì nghi lễ ăn trâu, lễ hội chém lợn thay vì lễ hội làng Ném Thượng với nghi thức chém lợn) hay quay phim chụp ảnh và đăng tải rộng rãi, thậm chí “live stream” những nghi thức không cho phép người ngoài cộng đồng tiếp cận (nghi thức “linh tinh tình phộc” trong lễ hội Trò Trám)... đã tạo nên những cách hiểu sai lệch về di sản cũng như vi phạm những nguyên tắc đạo đức trong bảo vệ di sản mà UNESCO đã đặt ra.

3. Kết luận

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Chúng ta đã tham gia và có vai trò nhất định trong hầu hết các tổ chức quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và ngày càng xuất hiện nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam trong các Danh sách của UNESCO. Cần nhận thức, các giá trị di sản văn hóa ấy phải được bảo vệ và phát huy, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung giữ vai trò thiết yếu trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trên.

Để góp sức cùng ngành di sản văn hóa thực hiện nhiệm vụ đó, truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm du lịch gắn trực tiếp với từng khu di sản, thể hiện và phát huy được nét đặc thù của địa phương và cộng đồng cư dân bản địa. Công tác truyền thông cho di sản, cho xúc tiến du lịch và tổ chức các hoạt động dịch vụ tại các khu di sản cần tăng cường theo hướng quảng bá đầy đủ, tích cực về giá trị di sản, khẳng định và nâng cao thương hiệu để tạo sức thu hút khách tham quan.

Bên cạnh đó, truyền thông là đối tượng có thể thực hiện được tốt nhất hoạt động nâng cao nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa thông qua việc đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền về di sản văn hóa và tuyên truyền về việc xử lý nghiêm minh các hành vi làm hủy hoại, biến dạng di sản văn hóa. Vai trò truyền thông sẽ thực sự được phát huy hiệu quả trong hoạt đông tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của cộng đồng, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với tài sản văn hóa của chính họ, từ đó, định hướng cho cộng đồng trong việc nghiên cứu, sưu tầm, duy trì và truyền lưu các loại hình di sản văn hóa; giới thiệu di sản văn hóa và giá trị của di sản đến với công chúng song song với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa. Kết hợp được thế mạnh của truyền thông để hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị của các di sản văn hóa sẽ là biện pháp hữu hiệu thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với di sản văn hóa, đồng thời cũng là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ di sản văn hóa trước những thách thức của quá trình hội nhập hiện nay.

_______________

1. Nghị quyết 33/NQ-TW, Hội nghị lần thứ 9, BCH TW Đảng khóa XI.

2. Chính sách về việc lồng ghép quan điểm phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước Di sản Thế giới (thông qua tại kỳ họp lần thứ 20 Hội đồng các quốc gia thành viên của Công ước Di sản Thế giới năm 2015).

3, 4. Peter Howard, Heritage: Management, Interpretation, Identity, Continuum, London - New York, tr.142, 137.

 

Tác giả: Lê Thị Thu Hiền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019

 

;