Tự do phóng khoáng “Trên đỉnh giời”

Nhà văn Y Ban được trao giải Đặc biệt - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024 với tập truyện ngắn Trên đỉnh giời. Tác phẩm này cũng được Bộ VHTTDL chọn đưa vào danh sách vinh danh 10 tác phẩm văn học tiêu biểu năm 2024. Sau gần 6 năm vắng bóng trên văn đàn, sự trở lại lần này của Y Ban đã mang đến một bước ngoặt mới trong sự nghiệp cầm bút của chị.

Nhà văn Y Ban ký tặng sách cho độc giả

 

Trên đỉnh giời không chỉ được nhận giải đặc biệt đầu tiên của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, đây còn là giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên mà nhà văn Y Ban nhận được sau gần 40 năm viết văn với nhiều tác phẩm gây tiếng vang. Năm 2012, Y Ban từng được Hội Nhà văn Việt Nam tặng bằng khen (trong khuôn khổ Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012) cho tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc. Lần này, giải thưởng đặc biệt ghi nhận những sáng tạo mới của chị với Trên đỉnh giời (Nxb Phụ Nữ và Tao Đàn ấn hành) - tập truyện ngắn gồm 18 tác phẩm, trong đó có 7 truyện đã được giải thưởng của các cuộc thi.

Nhà văn Y Ban bộc bạch, trong tập truyện này chị tập trung nói về những vấn đề của xã hội trong biến thiên của dòng chảy thời gian và đi đến tận cùng cái phức tạp của con người. Vẫn với mạch văn của một cây bút đứng sau thân phận của những người phụ nữ, hoặc là những em bé gái… nhưng được mở rộng biên độ hơn, cách đặt vấn đề và cái kết luôn khó lường. Đi sâu vào khám phá những biến đổi của gia đình Việt Nam trong hiện tại để đưa ra những cảnh báo, dù đó là những sự đau xót tận cùng, ngòi bút của Y Ban tiếp tục khẳng định là một trong số những giọng nữ đặc sắc của đời sống văn chương Việt Nam đương đại. Trên đỉnh giời đã chứng minh một điều: Y Ban có thể viết gần như mọi thứ, từ giàu đến hèn, từ hài đến bi, từ tục đến thanh, từ những chuyện phức tạp nhất đến những chuyện bình dị gói gọn một khoảnh khắc ngày thường. Truyện của chị tràn ngập tiếng cười trào lộng với các tình huống trớ trêu của phận người, nhưng ở giữa những tiếng cười ấy còn là những khoảng lặng gai góc. Y Ban rất lão luyện trong việc đưa nhân vật của mình vào những tình thế lưỡng nan, đối mặt với song đề đạo đức, đẩy các nhân vật ra khỏi lối đi thông thường. Tình huống tưởng chừng hài hước nhưng lại khốn quẫn nan giải; tình thế ngặt nghèo nhưng lại nhẹ bẫng vô lo. Với cốt truyện kỳ lạ, kỹ thuật biểu tượng, ý nghĩa dụ ngôn, cùng với lối viết tự do, bút pháp sáng tạo, Y Ban đã khéo léo đưa người đọc đến với những câu chuyện đời độc đáo, những chứng nhân của quá trình phát triển xã hội, với nỗi đau tinh thần của con người hiện đại…

Trên đỉnh giời đã mang lại cho nhà văn Y Ban giải thưởng Đặc biệt của Hội nhà văn Việt Nam năm 2024

 

Khi được đưa vào xét Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024, Trên đỉnh giời nhận được số phiếu tuyệt đối của cả hội đồng sơ khảo lẫn hội đồng chung khảo. Điều này không gây bất ngờ bởi ngay từ khi mới ra mắt, tập truyện ngắn đã nhận được nhiều lời khen từ bạn đọc và giới phê bình, trở thành cuốn sách sáng giá cho giải thưởng Hội Nhà văn năm 2024. Tuy nhiên trước khi công bố giải thưởng chính thức, tập truyện bị phản ánh là “phạm quy” khi không đạt “tỉ lệ tác phẩm đạt trên 80% chưa in trong cuốn sách khác”. Sau khi cân nhắc, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vẫn quyết định trao giải đặc biệt cho tập truyện ngắn của Y Ban vì chất lượng văn chương nổi trội của tập truyện trong mặt bằng xuất bản văn chương năm 2024.

Y Ban đã đi một con đường vòng để đến với văn chương khi từng học Y, đi dạy học, làm báo rồi chuyên tâm viết văn. Trên đỉnh giời là tập truyện chị hoàn thành khi vừa bước sang tuổi 63 và nhận được giải thưởng ý nghĩa đánh dấu chặng đường sáng tác không mệt mỏi của chị. Chị từng bộc bạch mình thuộc típ người là sống rồi mới viết, bởi vậy tất cả những biến thiên của thời cuộc, những đổi thay của xã hội chị phải trải qua và ngấm vào máu thịt thì mới có thể sáng tác được. Không thể hời hợt miêu tả, chị quan niệm “muốn ra được một tác phẩm hay thì mình hãy đau cùng nỗi đau nhân loại trước!”. Ý thức được rằng văn chương không bao giờ đi ngoài tiến trình phát triển của xã hội, nếu nóng vội để viết chỉ vì giải thưởng, hoặc với mục đích ngoài văn chương thì khó mà đi đường dài, chị luôn âm thầm lặng lẽ sống, chiêm nghiệm và viết. Chị tâm niệm: “Hơn ai hết, nhà văn, phải sâu sắc với trang viết của mình và không bao giờ dừng lại ở việc thỏa mãn những điều mà mình đã đạt được. Nhìn lại những tác phẩm đầu tiên của tôi in năm 1989 và được giải thưởng, nếu tôi thỏa mãn với Bức thư gửi mẹ Âu Cơ hoặc với Người đàn bà có ma lực thì sẽ không có Y Ban được nhận giải thưởng năm 2024 của Hội Nhà văn khi đã ngoài 60 tuổi như thế này!”.

Gần 40 năm cầm bút, Y Ban vẫn cần mẫn, siêng năng, kiên trì trên con đường sáng tác truyện ngắn của mình. Cống hiến nghiêm túc sức lực và tài năng cho công việc sáng tạo truyện ngắn, phong cách viết của Y Ban trở nên độc đáo. Truyện ngắn của chị luôn là những cuộc chơi về mặt ngôn ngữ, mà ở đó, văn hóa dân gian pha trộn với sức nặng của câu chuyện; mọi sự vật, sự kiện, hình dạng và cảm xúc đều được miêu tả tỉ mỉ, tinh tế, chi tiết. Thủ pháp kể chuyện của Y Ban đã mang lại cho truyện ngắn một sức sống mãnh liệt và một vẻ đẹp sinh động. Trên đỉnh giời đã minh chứng cho điều đó với một bút pháp điêu luyện mà ngay cả việc sắp xếp thứ tự các truyện ngắn trong tập sách dường như cũng là một cách dẫn dụ độc giả và “thao túng tâm lý” đỉnh cao của tác giả. Càng đọc, độc giả càng được khám phá các chiều kích của cảm xúc với những câu chuyện được sắp xếp với các cung bậc thăng trầm, những gam màu nóng và lạnh. Xuyên suốt tập truyện là sự thăng hoa cảm xúc tinh tế của tác giả. Khi là một Y Ban với giọng điệu dịu dàng hiếm thấy, khéo léo đánh thức tình cảm người phụ nữ sống trong hoài niệm bởi một thứ tình cảm na ná như tình yêu trong truyện ngắn Ký ức tươi đẹp. Khi lại hóa thân thành “một con ma hạnh phúc” trong mười lăm ngày với câu chuyện tình lãng mạn và cái kết ám ảnh trong Bồ công anh nở bên hồ nước trong. Lúc lại là cái nhìn giàu nhân ái, vừa đồng cảm xót thương vừa trân trọng trong một câu chuyện về chiến tranh  đầy bi tráng với cách tiếp cận và khai thác khác lạ trong truyện ngắn Biệt đội Thiên Lý.

Có thể nói, Trên đỉnh giời là một truyện ngắn độc đáo nhất, cho thấy sự chín muồi và điêu luyện trong bút pháp truyện ngắn của Y Ban. Viết về người dân tộc ở rẻo cao mà không cần thêm thắt phong tụp tập quán mà độc giả vẫn hiểu rõ bối cảnh và cảm thông sâu sắc với nhân vật, ngòi bút lão luyện của tác giả đi sâu vào khám phá tâm hồn, tình cảm của những thiếu nữ vùng sơn cước không cam chịu chìm đắm trong bĩ cực mà kiên cường kiếm tìm đường sống, mạnh mẽ phá bỏ những rào cản áp đặt, xiềng xích của định kiến tự ngàn đời. 

Với lối viết tự do, phóng khoáng, đủ từng trải và điêu luyện để dám dấn thân vào những chủ đề nhạy cảm, bứt ra khỏi những nếp cũ mà nhiều tác giả vẫn còn e ngại, Y Ban đã dám xông pha và cất lên tiếng nói nữ quyền kể từ truyện ngắn đầu tiên Bức thư gửi mẹ Âu Cơ đến tập truyện ngắn I Am đàn bà và cho đến tận bây giờ. Những sáng tác của chị cho thấy một ngòi bút giàu tính nữ, đậm chất nữ quyền, chất chứa tình yêu thương với những thân phận đàn bà, bởi họ có thể “là rắc rối nhưng cũng là ngọn ngành, là chìa khoá của cuộc sống”.

 Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Thạch đánh giá cao tập truyện ngắn Trên đỉnh giời của Y Ban ngay từ khi tập truyện mới ra mắt bạn đọc. Ông đánh giá đây là “tập truyện ngắn xuất sắc nhất mà chúng ta có thể chờ đợi ở văn chương Việt Nam hiện nay”. Trong đó ông ghi nhận điều lớn nhất ở tập truyện này là cho thấy một Y Ban khác với thời Y Ban I am đàn bà. “Chỉ cần ba truyện ngắn trong tập này: Ký ức tươi đẹp; Biệt đội Thiên LýTrên đỉnh giời là đủ để xếp Y Ban vào số những người viết truyện ngắn xuất sắc nhất của văn chương Việt Nam hiện đại”. Theo ông, Y Ban  thuộc lớp nhà văn thứ nhất của văn chương Đổi mới. Một trong những thay đổi về mỹ học quan trọng của lớp nhà văn này so với lớp nhà văn sáng tác trước 1986 là sự phát hiện ra cái ác ngay trong lòng đời sống. Nhưng cũng chính phát hiện ấy trở thành một ám ảnh, một sức nặng đè lên thế hệ này. Ông Phạm Xuân Thạch đánh giá, “văn Y Ban, cho đến I am đàn bà mang nặng tác động của phát hiện này, nhưng tới Trên đỉnh giời đã thoát khỏi nỗi ám ảnh nói trên để làm một cái gì khác, một Y Ban khác. Bà tìm kiếm những chiều kích khác nhau của đời sống, tạo nên những tình huống hiểm nghèo để bộc lộ những vấn đề khủng khiếp của nhân sinh và đi đến tận cùng cái phức tạp của con người. Tập truyện của bà có một vẻ đẹp cổ điển, như bi kịch”.

 

NGUYỄN BÍCH THỦY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 601, tháng 3-2025

;