Vài suy nghĩ về tiểu thuyết lịch sử từ góc độ của người sáng tác

 

Nhà văn Thiên Sơn trước sông Đắk Bla (Kon Tum)

 

Trong vài thập kỷ gần đây, việc viết tiểu thuyết lịch sử ở nước ta nở rộ như một phong trào. Hoàng Quốc Hải bỏ ra hàng chục năm viết hai bộ sách Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần; Nguyễn Xuân Khánh viết về Hồ Quý Ly; Minh Giang với Cuộc thăng trầm nói về Nguyễn Trãi, Bạch Vân Cư sĩ nói về Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thái Bá Lợi với Minh Sư nói về Nguyễn Hoàng… Với những nhân vật lịch sử ở thời xa xưa hơn, chúng ta bắt gặp Phùng Văn Khai với Ngô Vương, Triệu Vương phục quốc, Lý Phật Tử… Trần Thùy Mai với Từ Dụ Thái Hậu, Công chúa Đồng Xuân… Có thể nói, những nhân vật lớn, những thời đại đầy biến động trong lịch sử dân tộc khoảng hai ngàn năm nay đã được các nhà văn Việt Nam tái hiện một cách có hệ thống. Dù sự thành công ở những sắc độ khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là tấm lòng trân trọng của nhà văn với văn hóa dân tộc, với lịch sử của dân tộc và phẩm cách của tổ tiên người Việt Nam ta. Dù vậy, trên con đường phát triển, hôm nay và mai sau, lịch sử vẫn còn là một mảnh đất màu mỡ thu hút sự sáng tạo của nhiều nhà văn hơn nữa. Điều đó phù hợp với ý thức tự cường của dân tộc và nhu cầu khám phá lịch sử của con người hiện đại.

Con người có thể học tiền nhân qua lịch sử sinh tồn của dân tộc mình. Nhưng lịch sử là cái chỉ sinh ra một lần và không bao giờ trở lại. Chính vì vậy, tiểu thuyết và truyện lịch sử nói chung, đã ra đời để thỏa mãn những mong muốn hiểu biết và hình dung của con người về lịch sử. Và chính nó góp phần vào việc hình thành cảm thức văn hóa của cộng đồng, xây dựng lòng yêu nước và đúc kết những bài học lịch sử cho lớp người sau.

Có một thực tế là lịch sử càng lùi xa thì những hiểu biết về nó càng ít ỏi và nảy sinh nhu cầu tưởng tượng về nó nhiều hơn. Tiểu thuyết và truyện lịch sử ra đời để giải quyết những bế tắc của khoa học lịch sử, để lấp đầy những khoảng trống nhận thức mà khoa học lịch sử để lại. Tiểu thuyết lịch sử chính là sự hình dung, tưởng tượng về lịch sử, mang đậm màu sắc cá nhân. Tiểu thuyết lịch sử là một dạng thức nghệ thuật, nhằm tạo nên bức tranh lịch sử bằng tri thức lịch sử kết hợp với sự hư cấu của tác giả. Nó mang đến cho người đọc cái không khí lịch sử, làm sống lại những con người, sự kiện trong quá khứ thông qua cảm quan của nhà văn. Chính vì đặc trưng của nó như vậy mà sẽ xuất hiện nhiều tác phẩm với cách nhìn nhận và tái hiện khác nhau về cùng một nhân vật và sự kiện lịch sử. Từ trong truyền thuyết và truyện lịch sử ở các thời kỳ sau, trải qua các nền văn hóa, người đọc sẽ thấy cái nhìn đa chiều về lịch sử tạo nên các phong cách nghệ thuật khác nhau, những màu sắc tư tưởng khác nhau. Điều đó làm giàu cho dòng văn học về đề tài lịch sử.

Trong suốt 30 năm cầm bút, tôi đã sáng tác nhiều đề tài, nhiều loại nhân vật, nhưng luôn đau đáu về đề tài lịch sử hiện đại. Và trong gần mười năm nay, tôi chuyên tâm cho đề tài này. Khi bắt tay vào làm việc thực sự thì mới có thể thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn đang cản bước người viết tiểu thuyết lịch sử, mà ở bài viết này, tôi muốn chia sẻ vài khía cạnh.

TK XX với những biến thiên dữ dội tạo nên những bước ngoặt lớn, xuất hiện nhiều nhân vật lịch sử có sức ảnh hưởng. Nếu xét trong tiến trình lịch sử dân tộc, đây là một trong những thời đại bão táp nhất và cũng hào hùng vào bậc nhất với những chiến tích lẫy lừng. Nhưng tiểu thuyết lịch sử viết về thời kỳ này cho đến nay chưa nhiều và chưa có được đỉnh cao tương xứng. Nhất là những tiểu thuyết viết về những nhân vật lớn, quan trọng, chi phối đến tiến trình phát triển của dân tộc trong TK XX thì lại càng thiếu vắng hơn nữa.

Vậy nguyên nhân của tình trạng ấy là do đâu và đâu là giải pháp?

Tôi cho rằng, một loạt vấn đề đang đặt ra mà chúng ta cần suy nghẫm:

Vấn đề nhân lực: Tiểu thuyết lịch sử hiện đại đòi hỏi ở người viết tài năng và tâm sức rất nhiều. Người viết phải có tri thức tổng hợp về lịch sử, chính trị, văn hóa; phải đầu tư thời gian cho việc tìm kiếm tư liệu, và phải có bản lĩnh nghệ thuật vững vàng, có chủ kiến, có khát vọng lớn tạo nên những tác phẩm độc đáo, có giá trị bền vững. Để có nguồn nhân lực như vậy đòi hỏi sự đầu tư đào tạo, sự khích lệ cả ở khía cạnh vật chất và tinh thần. Nhưng thực tế hiện nay người viết ít được đào tạo bài bản ở một môi trường chuyên nghiệp cao (các trường đào tạo chuyên ngành của chúng ta không đạt tầm quốc tế, đầu vào không cao); người viết phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, ít người chuyên tâm cho sáng tác. Hầu hết nhà văn của chúng ta đều kiêm nhiệm làm báo hoặc các công việc khác, cho nên việc viết chỉ còn là bán thời gian. Hay nói cách khác, đội ngũ nhà văn của ta nói chung, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử nói riêng bị nghiệp dư hóa, không phát huy tối đa năng lực và ý chí, tài năng của mình vào sáng tác tác phẩm. Đây là vấn đề then chốt và nếu không giải quyết được, nền văn học Việt Nam nói chung, văn học đề tài lịch sử nói riêng không thể đột phá mạnh mẽ được.

Môi trường cạnh tranh: Hiện nay, nhà văn bị sức ép cạnh tranh rất lớn bởi việc du nhập văn hóa từ nước ngoài. Vị thế nền văn học Việt Nam nói chung và dòng văn học về đề tài lịch sử nói riêng đang gặp những thách thức to lớn. Sách dịch với số lượng lớn, được truyền thông rộng rãi, đánh vào thị hiếu hiếu kỳ và vọng ngoại của không ít độc giả, trong khi đó, văn học trong nước lại thiếu sự đón nhận của công chúng, được in với số lượng ít. Thời đại văn hóa nghe nhìn lên ngôi và công nghệ kỹ thuật số đang dần thay đổi phương thức tiếp cận văn hóa của con người. Sách giấy đang bị giảm dần vị thế. Nhu cầu đọc cũng bị giảm sút. Đó là một thực tế lịch sử không thể phủ nhận làm cho nhiều người viết phải do dự trước khi dấn thân vào một công trình có thể tiêu tốn nhiều thời gian và công sức.

Về hoạt động xuất bản trong nước: Công việc của nhiều nhà xuất bản hiện nay chủ yếu là cấp phép. Họ cấp phép cho hầu hết các ấn bản phẩm trong và ngoài nước nhưng dường như một số nhà xuất bản lại có tâm lý né tránh, hoặc quá chặt chẽ, e dè trước các tác phẩm có cá tính, các tác phẩm đặt ra những vấn đề mới. Trong khi đó, các công ty sách tư nhân chủ yếu dựa vào truyền thông nước ngoài để mua bản quyền dịch và bán sách. Đối với các tác phẩm trong nước, họ chú trọng tính giải trí, những đề tài ăn khách. Hầu như rất ít tiểu thuyết, truyện lịch sử được các công ty sách tư nhân đầu tư, liên kết ấn bản, những tác phẩm có vấn đề lại càng khó có cơ hội xuất hiện trước công chúng.

Ở trên tôi đã nói qua vài nguyên nhân cả chủ quan và khách quan đang có xu hướng làm cho tiểu thuyết lịch sử không theo kịp yêu cầu của đời sống. Tuy nhiên, với một số người viết (mà trường hợp này, thường thì họ đã xác định việc viết tiểu thuyết như một niềm đam mê, một nhu cầu sống thì có khó khăn thế nào họ cũng cố gắng vượt qua) dù để đạt được thành công là chuyện không đơn giản.

Một trong những câu hỏi khó khăn và quan trọng nhất đối với mỗi người chúng ta: Thế nào là một tác phẩm hay? Tiêu chí đánh giá tác phẩm hay có thể tùy thuộc vào những thời đại khác nhau, vào những quan niệm nghệ thuật khác nhau. Trong quan niệm của tôi, một tiểu thuyết lịch sử hay hướng đến những tiêu chí cơ bản sau đây:

Tiểu thuyết lịch sử cần góp phần khám phá, giải mã những bí ẩn của lịch sử. Hay nói cách khác, nhà tiểu thuyết lịch sử phải tìm ra được những yếu tố mới chưa được các nhà nghiên cứu, các nhà tiểu thuyết lịch sử khác khám phá. Ngay cả những nhân vật, sự việc từng được biết đến thì khi đề cập trong tác phẩm nhà văn phải làm mới “những cái sẵn có” bằng cách mang đến một cách nhìn mới, một cách biểu hiện mới. Nhân vật, sự việc trong tác phẩm tiểu thuyết lịch sử không phải là sự sao chép lịch sử, không một yếu tố gì được mô tả, thể hiện mà lại không được soi sáng bởi tư tưởng và không được điển hình hóa, cá tính hóa thông qua sáng tạo của nhà văn.

Hiện nay, một số người đọc, thậm chí nhân danh phê bình hoặc nhà quản lý có xu hướng đối chiếu một cách máy móc giữa tiểu thuyết lịch sử với những tư liệu mà họ có để đưa ra những phán xét xa rời với bản chất của văn học. Điều này có nguy cơ dẫn đến cách hiểu sai, gây khó khăn cho nhà văn và kìm hãm tự do sáng tác, tự do xuất bản và sự đánh giá không đúng về giá trị tác phẩm. Nếu vẫn giữ cách nhìn ấy mà soi chiếu vào tác phẩm tiểu thuyết lịch sử thì chỉ thấy toàn những cái sai. Bởi về bản chất, sáng tác văn học là hư cấu, nhà văn không có ý định nói lại một điều đã cũ, đã sáng tỏ và được minh định trong lịch sử.

Tôi cho rằng cần phải tăng cường khuyến khích sự tự do trong sáng tác, tránh xu hướng xem xét tác phẩm một cách chủ quan, bị chi phối bởi những yếu tố phi văn học. Trí tuệ của người đọc và đòi hỏi của người đọc hiện nay là rất lớn. Họ kỳ vọng vào nhà văn, đòi hỏi nhà văn phải thăng hoa hơn nữa, táo bạo hơn nữa và các nhà xuất bản không nên duy trì sự chi phối quá nhiều đến việc cho ra đời một tác phẩm văn học nói chung, một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử nói riêng.

Một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử hay là một tác phẩm hữu ích. Nghĩa là, mặc dù nói về lịch sử nhưng tác phẩm phải có mối liên hệ với hiện tại, phải trả lời được một câu hỏi đang đặt ra với hiện tại, phải giúp cho người đọc nhận thức và hành động có ích, vì con người và vì đất nước.

 Tiểu thuyết lịch sử có nhiều xu hướng, mỗi nhà văn tùy vào sở trường của mình sẽ chọn lựa cho mình đi theo xu hướng nào.

Tôi chọn viết về đề tài lịch sử hiện đại (từ sau Cách mạng Tháng Tám) mà cụ thể là viết về con đường của dân tộc Việt Nam, những chọn lựa lịch sử của lãnh tụ Hồ Chí Minh trước những biến thiên to lớn của TK XX. Khi mở rộng không gian lịch sử, khi mô tả bức tranh toàn cảnh của lịch sử một giai đoạn, chúng ta càng hiểu sâu sắc và có thể rút ra từ đó những bài học lịch sử. Tôi tin rằng, những vấn đề đặt ra cả về tư tưởng và hành động của các nhân vật lịch sử giai đoạn đó đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong một hoàn cảnh ngổn ngang, giằng xé lợi ích giữa các lực lượng chính trị (Việt Minh, Pháp, Trung Hoa dân quốc và các đảng theo tư tưởng quốc gia dựa trên hậu thuẫn của Trung Quốc hoặc Pháp, các tổ chức tôn giáo…), Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi lên trở thành một nhân vật trung tâm đã làm tất cả để điều phối các mối quan hệ, chèo lái con thuyền dân tộc vượt qua những bão tố lịch sử. Tiểu thuyết Gió bụi đầy trời là một tác phẩm như thế, miêu tả cận cảnh mọi diễn biến quan trọng, cố gắng miêu tả lịch sử trong toàn bộ những biểu hiện phức tạp, những chuyển động đa chiều của nó với mong muốn có thể giúp người đọc nhận diện những giá trị, rút ra những bài học cho hiện tại. Tôi tâm đắc với một lời tâm sự của L. Tonxtoi: “Nếu viết mà không có ích thì tôi không viết.”

Nhà văn không nên và không cần đi theo một xu hướng thời thượng. Nhà văn cần phản ánh những tinh hoa của lịch sử, làm sống dậy những giá trị trường cửu. Chỉ có như vậy, tác phẩm tiểu thuyết lịch sử mới có thể có giá trị lâu dài.

Bây giờ, khi đọc lại những tiểu thuyết lịch sử kinh điển của thế giới như Tam quốc diễn nghĩa hay Chiến tranh và hòa bình người đọc vẫn còn nhận được ở đó những giá trị to lớn. Đó là những bài học lịch sử, tinh thần dân tộc, sự đối nhân xử thế, phương cách hành động của nhân vật trước những biến động lớn của lịch sử… Chính những điều đó làm cho tác phẩm vẫn luôn được người đọc tìm đến và chiêm nghiệm.

Một tác phẩm hay phải có giá trị nghệ thuật độc đáo. Như chúng ta đều biết, tác phẩm văn học nói chung, tiểu thuyết lịch sử nói riêng phải mang dấu ấn riêng biệt thì mới có thể có sức sống và được công chúng biết đến. Cái độc đáo, riêng biệt không đơn thuần chỉ ở khía cạnh hình thức, hơn thế nó toát ra từ tổng thể tác phẩm. Một tác phẩm độc đáo phải bắt đầu từ sự mới lạ của tư tưởng, của chất liệu nghệ thuật, sự riêng biệt và điêu luyện trong các hình thức thể hiện, sự sống động của hình tượng và ngôn từ…

Lao động nhà văn là lao động thủ công, đơn độc. Nhà văn phải đi con đường chưa ai đi trên con đường đơn độc ấy, nhà văn sẽ biểu hiện tài năng và tư tưởng khác lạ của mình.

Công việc sáng tác trong thực tế là một công việc tỉ mỉ, phức tạp và đòi hỏi công phu. Bắt đầu từ tư tưởng. Nhờ vào sự soi chiếu của tư tưởng, nhà văn sẽ chọn lựa đề tài, nhân vật, chất liệu, chi tiết, hình thành câu chuyện và qua sự thể hiện trên từng trang viết phải dựng lên cả một thế giới nghệ thuật. Mọi yếu tố tạo nên thế giới nghệ thuật ấy đều cần sự nhào luyện kỹ càng, vừa thống nhất vừa đa dạng, vừa cụ thể sống động lại vừa trừu tượng. Nghệ thuật đòi hỏi sự hoàn mỹ. Chỉ cần một chi tiết lạc điệu, một câu từ cẩu thả cũng có thể hủy hoại sự toàn bích của tác phẩm. Chính vì thế, đòi hỏi trong sáng tạo nghệ thuật tiểu thuyết nói chung, tiểu thuyết lịch sử nói riêng là một đòi hỏi nghiệt ngã. Nhà văn thường đắm mình trong tác phẩm hết năm này sang năm khác và khi tác phẩm đã kết thúc, thậm chí đã xuất bản, vẫn luôn khắc khoải với nó, vẫn luôn có điều gì đó chưa an tâm, vẫn luôn nhận ra điều gì đó cần sửa chữa. Không hiểu điều đó là không hiểu được nhà văn. Nhà văn là người săn đuổi cái đẹp, sáng tạo cái đẹp và kiệt sức trên con đường của cái đẹp.

 

THIÊN SƠN

Nhà văn, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

------------------------

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 – những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)

 

 

 

;