Quảng Nam là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế không chỉ ở miền Trung mà còn của cả nước. Bên cạnh những loại hình du lịch truyền thống như văn hóa - lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng biển, tham quan nghiên cứu, lễ hội,... những năm gần đây, nhiều loại hình du lịch như tham dự, hội nghị và mạo hiểm, văn hóa ẩm thực được xem là những sản phẩm du lịch mới của Quảng Nam.
1. Văn hóa ẩm thực và du lịch văn hóa ẩm thực
Đối với người Việt, ẩm thực không chỉ đơn thuần là nhu cầu thiết yếu để duy trì sự sống, mà trên hết là hình thức biểu hiện của văn hóa, một bộ phận cấu thành của bản sắc dân tộc Việt Nam. Trong quá trình thưởng thức ẩm thực, người Việt không chỉ cầu no, đủ, mạnh khỏe, mà còn cầu ngon. Họ xem ẩm thực là khoa học, nghệ thuật mà người chế biến đã thổi hồn và gửi gắm vào đó những sắc thái văn hóa địa phương. Như vậy, văn hóa ẩm thực có thể được hiểu là cách ăn, kiểu ăn, món ăn đặc trưng của từng dân tộc, địa phương, qua đó ta biết được trình độ văn hóa, lối sống, tính cách của con người trong xã hội.
Văn hóa ẩm thực Việt Nam phong phú và đa dạng, bên cạnh lối cầu kỳ, cao sang, lại có lối bình dân, dung dị... Tuy vậy, người Việt cũng có tiêu chuẩn khá khắt khe về món ăn. Món ăn ngon phải đảm bảo tiêu chuẩn 4 ngon: ngon mắt, ngon mũi, ngon miệng, ngon lòng. Những tiêu chuẩn cơ bản trên là một trong những yếu tố tạo nên nghệ thuật ẩm thực trong phát triển du lịch. Khi đến một địa danh du lịch nào đấy, yếu tố còn đọng lại trong cảm nhận chính là hương vị của món ăn, thức uống. Nắm bắt được xu thế này, loại hình du lịch văn hóa ẩm thực ra đời.
Du lịch văn hóa ẩm thực phát triển và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian sắp tới là vì: nhu cầu ăn uống của con người ngày một cao; thông qua ẩm thực góp phần giới thiệu văn hóa, thiên nhiên, con người Việt Nam; tạo thêm sản phẩm du lịch mới và đặc thù; hiện đại hóa các món ăn dân dã, phát triển nhiều phong cách ẩm thực; lưu giữ được nhiều món ăn truyền thống có nguy cơ thất truyền và tạo ra những món ăn nổi tiếng có mặt trong nền ẩm thực của Việt Nam và thế giới; đem lại lợi ích kinh tế nhanh và hiệu quả; tạo ra việc làm cho nhiều người; khi ẩm thực trở nên nổi tiếng, các sản phẩm khác sẽ phát triển theo,...
2. Du lịch văn hóa ẩm thực Quảng Nam
Du lịch hiện nay được xem là con gà đẻ trứng vàng, ngành công nghiệp không khói, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sự tồn tại và phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn này đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới: là sự mới mẻ, đa dạng và chất lượng về sản phẩm du lịch, đánh giá của du khách về chất lượng du lịch, hay sự hài lòng khi hưởng thụ một giá trị văn hóa bản địa,... Điều đó tạo cho các nhà kinh doanh du lịch và du khách những áp lực trong sự lựa chọn. Ẩm thực là dạng tài nguyên du lịch đặc biệt, thành tố quan trọng tạo nên bản sắc và phong vị quê hương, trở thành những giá trị vĩnh hằng trong tâm tưởng của con người. Đó có thể là tô Phở 24h (Hà Nội) thơm nóng, tô bún bò Huế cầu kì, hay thậm chí chỉ là một bát nước chè xanh thắm đượm nghĩa tình...
Quảng Nam - địa danh nằm ở vị thế trung tâm của cả nước với thế ưỡn ngực ra biển Đông, cho nên văn hóa và phong vị ẩm thực của vùng đất này có những nét khác biệt so với hương hoa đất Bắc và hào phóng miền Nam, mà mang đậm phong vị miền Trung với trường phái ẩm thực cổ điển no và đậm. Ẩm thực Quảng Nam nổi tiếng gần xa với: mì Quảng, cơm gà Tam Kỳ, gà tre Đèo Le, bê thui Cầu Mống, bánh tráng cuộn thịt heo, cao lầu Hội An, rượu Hồng Đào, trái bòong boong Tiên Phước, cá niên sông Tranh, rượu tà vạt Cơ tu,...
Đến với Quảng Nam ta không thể không đến Hội An, Tam Kỳ, những nơi tập trung nhiều đặc sản của vùng. Chợ Hội An, phố Cẩm Nam luôn tấp nập khách đến thưởng thức hằng ngày. Tuy không phải là thành phố du lịch như Hội An, nhưng chắc hẳn, nếu một ai đã từng đặt chân đến Tam Kỳ sẽ không bỏ qua phố ẩm thực đêm Huỳnh Thúc Kháng, phường ẩm thực Trường Xuân với các món ăn mang hương vị đất Quảng như mì Quảng, bánh xèo, bánh đập,... Hay trên con đường xuôi ngược Bắc Nam, những cái tên như mì Cây Trâm, mì Tư Châu, mì gà 92, mì gà Bà Tự, bánh tráng cuộn thịt heo Bụi Tre, bún Phấn,... là địa chỉ mà du khách không thể bỏ qua.
Các hoạt động về ẩm thực như: đêm hội ẩm thực, hội chợ ẩm thực, tuần lễ văn hóa ẩm thực, festival ẩm thực,... đã có sức hấp dẫn, đánh thức trí tò mò tham dự và thưởng thức của du khách và đem lại nguồn lợi về kinh tế đáng kể cho các đơn vị tham gia. Các chương trình du lịch khám phá và tận hưởng nét ẩm thực thôn quê và cooking class (chương trình dạy nấu ăn cho du khách) luôn được các đơn vị kinh doanh du lịch lồng ghép với các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao và du lịch lớn như: Quảng Nam một điểm đến hai di sản, giao lưu văn hóa Việt - Nhật tại Hội An, hội nghị APEC,... Đây chính là một lợi thế mà không nhiều tỉnh thành trên nước ta có được. Từ thế mạnh này, Quảng Nam có thể trở thành một điểm nhấn trong du lịch, một tiểu vùng văn hóa ẩm thực xứ Quảng trong con mắt du khách khi biết kết hợp với những tài nguyên vốn có để phát triển du lịch.
3. Khai thác tài nguyên du lịch văn hóa ẩm thực Quảng Nam
Quảng Nam là tỉnh hội tụ đầy đủ các yếu tố, điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với những địa danh nổi tiếng. Nhằm khơi dậy và phát triển tài nguyên du lịch văn hóa ẩm thực Quảng Nam, xin đưa ra 5 giải pháp:
Cần lấy văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực, làm nền tảng cơ sở để phát triển du lịch bền vững. Bởi lẽ, “văn hóa là hồn của du lịch”. Hơn nữa, chính văn hóa sẽ là điều kiện, nền tảng và động lực để du lịch phát triển bền vững. Phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở các giá trị văn hóa truyền thống luôn được quan tâm hơn bao giờ hết. Vì vậy, quá trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong tương lai cần quán triệt nhận thức này. Du lịch phải lấy văn hóa làm cơ sở để phát triển, do đó, công tác xây dựng khung chương trình đào tạo phải đặc biệt chú trọng các học phần chuyên sâu về văn hóa, các học phần về du lịch chỉ cần cung cấp kiến thức mang tính tổng quát (hay tổng quan), để từ đấy, sinh viên khi ra trường trên cơ sở các kiến thức đã được học mà lựa chọn việc làm. Vấn đề này, thiết nghĩ, rất cần thiết, bởi lẽ, khi ra trường, được giao ở mọi vị trí và công việc khác nhau, sinh viên sẽ cảm thấy tự tin làm lĩnh vực văn hóa và không lạ lẫm khi làm lĩnh vực du lịch;... Tóm lại, cần thay đổi nhận thức về hoạt động du lịch, từ đó có những sự thay đổi trong nội dung và phương pháp đào tạo cho du lịch.
Cần khôi phục và bảo tồn các món ăn truyền thống Quảng Nam; xây dựng đề án điều tra và thống kế các món ăn mang tính đặc thù của các huyện trong tỉnh nhằm phục vụ mục đích bảo tồn và phát triển thành sản phẩm du lịch; tổ chức các lớp học nghề do chính các nghệ nhân của các làng nghề giảng dạy, tạo nên sự hiểu biết về cách thức chế biến và giá trị văn hóa truyền thống trong các món, tránh tình trạng bị mai một. Hơn thế, phải đặc biệt quan tâm đến các nghệ nhân, nhà ẩm thực, bởi chính họ là những người nắm giữ bí quyết chế biến và linh hồn của món ăn. Bên cạnh đó, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực để phát triển du lịch một cách bền vững, không chỉ các cơ quan ban ngành có liên quan mà cả trong các trường chuyên nghiệp và người dân. Sau khi có những thống kê đầy đủ và chi tiết, cần tạo ra những món ăn mang đặc thù của các địa phương. Chẳng hạn: Thăng Bình có bánh tráng cuộn thịt heo Bụi Tre, Tiên Phước có trái Bòong boong (Nam Trân), Tam Kỳ có cơm gà Bà Luận, Quế Sơn (nay là Quế Sơn và Nông Sơn) có gà Tre, Hội An có Cao Lầu,...
Cần xã hội hóa trong phát triển loại hình du lịch văn hóa ẩm thực. Nguồn nhân lực du lịch không đơn thuần là những người làm trực tiếp mà bao gồm cả những người gián tiếp tham gia vào hoạt động này. Đặc biệt, nên phát triển du lịch cộng đồng (homestay) tại các huyện với những hình thức hay sản phẩm du lịch khác nhau. Hội An đã rất thành công trong việc phát triển sản phẩm du lịch mới từ việc khai thác tiềm năng văn hóa ẩm thực vốn có. Một ngày làm người dân phố cổ là loại hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch tham dự đang thu hút sự quan tâm của du khách hiện nay (khách du lịch sẽ được trở thành một người dân phố cổ thực thụ, cùng ăn, ngủ, làm với người dân; chẳng hạn, khi người dân vào bếp để chuẩn bị bữa ăn thì khách cũng được bày vẽ cách nấu, chuẩn bị, và cách thức ăn;...). Hình thức kinh doanh này sẽ đem lại lợi ích cho đơn vị du lịch, người dân, và cả nhà nước: đơn vị du lịch tăng doanh thu, đa dạng sản phẩm du lịch; người dân có việc làm, tạo cơ hội tăng thu nhập; nhà nước đỡ mất công sức và tiền bạc để khôi phục và bảo tồn;...
cần liên kết giữa du lịch văn hóa ẩm thực với các loại hình du lịch khác để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù Quảng Nam. Du lịch văn hóa ẩm thực không thể tự thân phát triển nếu như không có sự liên kết đồng bộ và mang tính chiều sâu trong mối tương quan với các loại hình du lịch khác. Do đó, cần xác định đây là một trong những yếu tố quan trọng phát triển du lịch Quảng Nam, và phải nhanh chóng tạo ra các sản phẩm du lịch mới, độc đáo mang đậm bản sắc riêng của vùng đất này. Phải tiến hành điều tra đánh giá về hiện trạng của sản phẩm du lịch Quảng Nam hiện có về: chất lượng, số lượng, khả năng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách,... những tiềm năng chưa được khai thác... để từ đó có kế hoạch xây dựng những sản phẩm mang tính đặc thù, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu những thị trường khách chính của Quảng Nam. Từng bước, mở thêm các tour, tuyến du lịch mới cho du khách khám phá. Tiếp tục duy trì, làm mới và đưa các sản phẩm có thương hiệu vào khai thác như: di sản văn hóa thế giới (đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn), các di tích văn hóa lịch sử (kinh thành Trà Kiệu, Phật viện Đồng Dương, tháp Chiên Đàn, tượng đài chiến thắng Núi Thành, địa đạo Kỳ Anh, giếng Hà Nhì, khu căn cứ Nước Oa,...); hoặc khai thác lợi thế của nền văn hóa Chăm trên đất Quảng Nam để hình thành tour du lịch “hành trình khám phá bí ẩn tháp Chăm Quảng Nam”; các làng nghề truyền thống (rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, làm hương truyền thống Quán Hương, dệt thổ cẩm Cơ Tu, đúc đồng Phước Kiều, trái cây Đại Bình...); lễ hội dân gian định kỳ (lễ hội bà Thu Bồn, lễ hội cầu ngư, lễ hội rước cộ bà Chợ Được, lễ hội đâm trâu Cơ Tu, lễ hội Long Chu, lễ hội Tết Nguyên Tiêu,...); các sự kiện quan trọng (hội nghị APEC, diễn đàn ASEM, ASEAN, các cuộc thi sắc đẹp,...); và các hình thức văn hóa văn nghệ dân gian (hô hát Bài Chòi, hát Tuồng, hát Bả Trạo,...),... với các loại hình du lịch tương ứng như tham quan nghiên cứu, tham dự, cộng đồng, lễ hội, hội nghị,... Từ đó, lồng ghép và liên kết các sản phẩm du lịch đơn lẻ này lại với nhau sẽ tạo nên điểm khác biệt, thu hút du khách.
Cần có các hình thức maketing, quảng bá rộng rãi về văn hóa ẩm thực Quảng Nam. Hiện nay, thông tin về loại hình du lịch văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng chưa phát triển mạnh. Vì vậy, việc biên soạn những ấn phẩm có chất lượng và thông tin chính thức về du lịch văn hóa ẩm thực Quảng Nam là công việc cần thiết hết để giới thiệu tới du khách về tính cách và phong vị ẩm thực Quảng Nam. Những thông tin cần thiết cho khách như các điểm tham quan và thưởng thức văn hóa ẩm thực, các nhà hàng, các món ăn, giá cả các món ăn,... Kết quả khảo sát sẽ làm cơ sở cho việc xây dựng một kế hoạch mang tính khả thi cao để có những điều chỉnh phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả, tao ra sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh với các địa phương khác, của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong hệ thống nhà hàng, cần khuyến khích mở rộng nhiều loại hình dịch vụ bổ sung để hấp dẫn du khách. Quảng bá, marketing văn hóa ẩm thực không chỉ trên các ấn phẩm hay tờ rơi thông thường, còn đa dạng hóa các kênh marketing thông qua các phương tiện đại chúng như panô du lịch, CD, báo, tạp chí, internet, truyền hình trong nước và quốc tế... Đồng thời, cần tổ chức các sự kiện giới thiệu hình ảnh du lịch văn hóa ẩm thực của Quảng Nam: tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo về văn hóa ẩm thực,...
Du lịch ẩm thực đang trở thành mốt chuộng, đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế Quảng Nam, trơ thành cầu nối trong mối liên hệ chặt chẽ giữa các loại hình du lịch khác để phát huy hết tiềm năng sẵn có, đưa Quảng Nam sớm trở thành vùng du lịch trọng điểm của miền Trung cũng như của cả nước.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 327, tháng 9-2011
Tác giả : Dương Văn Út