Kho tàng văn hóa - văn học dân gian của Việt Nam là một di sản vô cùng quý báu. Một trong những hòn ngọc vô giá của di sản ấy là bộ phận thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khuyên nhủ chúng ta “Phải học cách nói tiếng nói của quần chúng”. Trải qua bao thế kỉ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao vẫn luôn giữ nguyên giá trị của nó. Một trong những nội dung mà thành ngữ, tục ngữ, ca dao rất hay đề cập đến là mảng đề tài giáo dục, khuyên răn con người trong đối nhân xử thế, bàn về cách thức nói năng, ứng xử giao tiếp của con người trong xã hội. Đây là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu và rất cần thiết trong đời sống sinh hoạt của mỗi một cá nhân, cộng đồng và không chỉ riêng một dân tộc, quốc gia nào.
Ăn nên đọi, nói nên lời
Người Việt chúng ta rất thận trọng trong lời ăn tiếng nói. Một lời nói hay, nói đẹp sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp cho người xung quanh. Bản thân người nói cũng tự làm đẹp thêm nhân cách của mình. Có lẽ vì đặc điểm lịch sử, sức ảnh hưởng của văn hóa phương Đông mà đối với mỗi con người Việt Nam, lời nói có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó làm nên nhận thức sâu sắc về cái tôi trọng danh dự, trọng nhân cách. Vì thế, trước khi nói phải suy nghĩ.
Tục ngữ Việt khuyên ta muốn thu phục lòng người bằng lời nói thì hãy suy nghĩ điều mình nói trước đã: “Chó ba quanh mới nằm, người ba năm mới nói”; “Gà ba lần vỗ cánh mới gáy, người ngẫm nghĩ ba lần mới nói”. Không chỉ riêng người Việt mà các dân tộc khác trên thế giới đều ý thức được rằng “Lời nói đọi máu”, “Lời nói gói tội”. Tục ngữ Pháp cũng có câu rằng: “Phải quay lưỡi bảy lần trong miệng trước khi nói”. Tục ngữ Anh cũng có câu “Điều anh định nói ngày mai hãy nói”. Nói mà thiếu suy nghĩ, suy nghĩ hời hợt trước khi nói trước hết là điều bất lợi cho bản thân. “Vạ ở miệng ra, bệnh qua miệng vào”. “Vạ tay không bằng vạ mồm”, “Sẩy chân còn hơn sẩy miệng”, “Sẩy chân gượng lại còn vừa. Sẩy miệng còn biết đá đưa đường nào”… Tục ngữ Campuchia khuyên răn điều tương tự: “Lỡ chân còn đứng dậy được, lỡ lời phải mang lấy vạ”. Nói năng mà không đắn đo suy nghĩ để lỡ lời sẽ ân hận, dằn vặt mãi không thôi. Nói không cẩn thận thì tai họa, nguy hiểm vô cùng!
Lời nói không mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Lời nói chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là tài sản chung, sản phẩm của cả cộng đồng, không ai bán lời (nói), không ai mua lời (nói). Câu ca dao đã khẳng định bản chất xã hội của ngôn ngữ, đồng thời nó còn có ý nghĩa muốn nhắc nhở mỗi người cần phải có ý thức bảo tồn, trân trọng giá trị của ngôn ngữ. Bất kỳ câu nói nào cũng phải lựa chọn cách trả lời những câu hỏi như: “Nói gì?”, “Nói như thế nào?”, “Sử dụng loại câu gì?”, “Từ ngữ gì?”, “Giọng điệu như thế nào?”. Trong đó “Nói gì?” và “Nói như thế nào?” đều quan trọng như nhau. Và nhiều khi “Nói như thế nào?” còn quan trọng hơn cả “Nói gì?”.
Người Việt thường nhắn nhủ nhau “Học ăn học nói, học gói học mở” hay “Cho con học dăm ba chữ thánh hiền để làm người”. Do đó, muốn làm người thì phải học, phải đọc để có tri thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt là điều căn bản. Ngoài học chữ ra còn phải học ăn, học nói. Nói mà biết cách, nói bằng sự chân thành, nói đúng lúc, đúng thời điểm thì sẽ đạt hiệu quả cao trong giao tiếp, thể hiện kỹ năng ứng xử, vốn sống, kinh nghiệm, tính cách… của con người.
Tu thân rồi mới tề gia
Lòng ngay nói thật, gian tà mặc ai
Ca dao trào phúng Việt Nam có bài ca khá hóm hỉnh:
Đã yêu thì nói rằng yêu
Không yêu thì nói một điều cho xong
Đừng nên dở đục dở trong
Lờ đờ nước hến cho lòng tương tư
Cô gái (chàng trai) kia đau khổ trước thái độ cũng như lời nói không rõ ràng của người mình yêu. Lời nói lập lờ “dở đục dở trong”, “lờ đờ nước hến” rất nguy hiểm và đáng sợ đối với sự chân thành, thành thật trong tình yêu của nhân vật trữ tình. Nói dối, nói gian không thành thật đáng bị phê phán, chê cười. Vậy nói hay, nói đẹp chưa đủ mà phải xuất phát từ sự thật thà, chân thành từ trái tim. Giao tiếp với nhau sao cho thành tâm mới là điều đáng quý! Đó là lúc không cần phải “rào trước đón sau”, cứ nói thật tấm lòng mình, nói vừa đủ, nói tự chủ “Lòng ngay nói thật, gian tà mặc ai”. Đó là lúc con người sống thật với bản thân mình, tự tin, bản lĩnh hơn. Mà suy cho cùng thì “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”.
Tục ngữ Việt có câu: “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Thuốc đắng khó uống nhưng khi uống vào thì bệnh sẽ khỏi. Trong giao tiếp, không thể không có chuyện “nói thật mất lòng”. Đối với người nghe thì lời nói thật kia sẽ gây cảm giác khó chịu vì lúc này họ đang đối diện với khuyết điểm của mình. Nhưng nếu là người khôn, người biết lắng nghe lời nói thật, trân trọng lời nói thật thì sẽ tránh khỏi bệnh chủ quan, sẽ biết cách hoàn thiện bản thân mình hơn trước. Câu tục ngữ khuyên ta nói thật và đồng thời còn đặt ra một vấn đề: cần phải tế nhị, khéo léo khi nói ra sự thật. Nói bằng một thái độ tế nhị, nghiêm túc, tôn trọng đối phương, tránh công kích, đả phá. Có như vậy, người nghe mới nhận ra sai lầm của họ với thái độ vui vẻ, biết ơn. Lời nói thật bao giờ cũng được ngợi khen:
Cây cằn bị họa bởi hoa
Thương em vì bởi nết na nghĩa tình
Thương em thương dáng thương hình
Thương lời ăn nói thiệt tình không đãi bôi
(Ca dao)
Lời hay, lẽ phải
Nói hay, nói đẹp, nói chân thành chưa đủ mà còn phải nói có lý, có tình. Đó chính là sự khôn khéo của người nói nhằm đạt hiệu quả cao trong giao tiếp. Lời đã phát ngôn trên cơ sở suy tính cân nhắc kĩ lưỡng sẽ là lời nói có lý có tình, thuận lòng, mát dạ người nghe:
Khó mà biết lẽ biết lời
Biết ăn biết ở hơn người giàu sang
Cuộc sống của người này “giàu sang” hơn người khác đó chính là biết lựa chọn một phong thái, phong cách nói năng có duyên, có lý, có tình, xuất phát từ cái tâm chân thành. Dùng lời hay lẽ phải, có lý, có tình để phân tích phải trái, đúng sai, tốt hơn là dùng mánh khóe, vũ lực. Lý - tình luôn song hành với nhau. Ai cũng có lỗi lầm, sai trái không thể tránh khỏi. Do đó, chúng ta không nên chỉ dựa trên lý mà phán xét, cư xử một cách cực đoan, cứng nhắc, vô tâm, vô cảm. Cần vị tha, khoan dung trong giao tiếp.
Một sự nhịn chín sự lành
Nhường nhịn lời nói là biểu hiện của cách cư xử văn hóa, là thước đo bản tính con người. Thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam khuyên ta phải biết nhường nhịn nhau, cảm thông cho nhau trong quá trình giao tiếp. Gia đình mãi ấm êm, hạnh phúc khó mà đổ vỡ khi:
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê
Sống trong tập thể, sự nhường lời, nhịn lời thật đáng quý! Đó là cách cư xử khéo léo của người khôn. Đừng vì bất đồng nhau mà cãi cọ. Đừng vì hiếu thắng mà lấn lướt người khác bằng kiểu “Cả vú lấp miệng em”. Làm thế khác nào tạo cớ cho người đời chê cười, xa lánh, ngại đụng chạm:
Lời nói phải có người nghe
Chẳng phải thuyền bè mạnh chống thì hơn
Chẳng mất gì khi biết nhường nhịn nhau bởi đó là lúc con người chiến thắng cái tôi hẹp hòi của bản thân lại được tiếng là người cư xử có văn hóa.
Rượu nhạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm
Đức Khổng Tử có nói: “Đa ngôn đa bại” quả là rất đúng! Người Việt mình vốn tinh tế! Không chuộng cách giao tiếp “Dài dòng văn tự”, ông bà khuyên “Ăn bớt bát, nói bớt lời”. Mọi thứ phải biết dừng lại đúng lúc. Vượt quá giới hạn sẽ không hay. Vì:
Ăn lắm thì hết miếng ngon
Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ
Người khôn khéo trong nói năng là người biết rõ giới hạn:
Khôn ngoan chẳng lọ nói nhiều
Người khôn mới nói nửa điều cũng khôn
Hay:
Chim khôn chưa bắt đã bay
Người khôn ít nói, ít hay trả lời
Tục ngữ có câu nhận xét: “Nói hay hơn hay nói”. Trong một tình huống giao tiếp cần sự tế nhị thì đôi khi kiệm lời sẽ tránh sai phạm cho mình và không chạm tự ái cho người khác. Nanweter có đưa ra ý kiến của mình như sau: “ Vàng quý nhờ ít, lời nói muốn quý đừng nhiều”. Tục ngữ cũng cho ta lời khuyên:
Miếng ngon ăn ít ngon nhiều
Người khôn dẫu nói nửa điều cũng khôn
Im lặng là vàng
Im lặng được hiểu theo nhiều nghĩa tùy vào tình huống, hoàn cảnh, trạng thái tâm lý… của các bên khi tham gia giao tiếp. Tục ngữ Việt Nam nói về ngôn ngữ đã miêu tả sự im lặng như: “Câm như thóc” hay “Im thin thít như thịt nấu đông”… Đó là một sự nín lặng, cam chịu không dám nói năng điều gì của một ai đó thiếu bản lĩnh. Hay có lúc “Ăn xôi chùa ngậm miệng”, phê phán sự im lặng, làm ngơ không nói, không bảo vệ lẽ phải để khỏi phải ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Hoặc lỡ ăn của phi nghĩa nên buộc phải im lặng “Ngậm miệng ăn tiền”. Tất cả những kiểu im lặng trên đều bị phê phán, chê trách vì đó là kiểu sống tiêu cực, thiếu bản lĩnh.
Xét dưới góc độ tích cực từ góc nhìn văn hóa thì “Im lặng là vàng” là một lời khuyên rất tuyệt vời mà có những tình huống im lặng còn có giá trị hơn cả lời nói phát ra. Có lúc “Lời nói gói vàng” nhưng cũng có lúc cần “Im lặng là vàng” lại làm nên giá trị của hoạt động giao tiếp. Vậy trong giao tiếp lúc nào thì nên im lặng? Đó là những lúc “No mất ngon, giận mất khôn”. Như vậy không phải sự im lặng nào cũng đáng chê trách mà như Kant đã viết: “Im lặng là một phương châm xử thế hay nhất”, hay phương châm “Nói là gieo, nghe là gặt” của Tagore.
Trong cuộc sống náo nhiệt, hối hả bao lo toan ngày nay thì nội dung của thành ngữ, tục ngữ, ca dao bàn về cách thức nói năng thật sự có ý nghĩa lâu dài. Nét đẹp trong văn hóa ứng xử cần được phát huy ở mỗi người Việt Nam chúng ta. Giao tiếp có văn hóa là chìa khóa để chúng ta gần gũi, cảm thông, thấu hiểu nhau hơn. Nó là một trong những bản lề, một nền móng của một xã hội văn minh, lịch sự, hiện đại và phát triển. Hơn thế nữa, hãy để cho bạn bè quốc tế biết đến dân tộc Việt Nam văn minh - lịch sự - hòa hiếu trong văn hóa giao tiếp ứng xử với các dân tộc khác trên thế giới. Sử dụng tiếng Việt giàu đẹp và trong sáng sẽ làm nên cái đẹp của tâm hồn Việt, nhân cách Việt.
_______________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, Ca dao, Dân ca Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
Tác giả: ThS. Lê Thị Vân Bình
Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020